[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912

Quyển 3-Chương 6 : Chốn phòng nội Hà Hương bị bắt, Dựa thang lầu Ái Nghĩa lầm thương,




Nói về Ái Nghĩa khi về tới lầu thấy Hà Hương nằm, hình dung dã dượi, mặt ủ dàu dàu, hỏi Hà Hương duyên cớ làm sao, xin nàng khá âm hao bày tỏ.

Hà Hương khóc mà rằng: “Duyên phận thiếp, chàng ôi! Rất khó; chàng cũng đã biết, lựa phải phân cho rõ đuôi đầu, chàng mau dời thiếp tới chốn nào, nếu mà để thiếp đây, Nghĩa Hữu tới thiếp âu khó liệu. Lúc đầu hôm bóng trăng còn chiếu, ngó xuống lầu thấy nó vởn vơ, chẳng biết nó muốn làm chi mà đi chẳng đi, thơ thẩn đợi chờ, thiếp nghĩ việc tóc tơ mà tủi.

Lang quân ôi! Dầu có rủi thiếp cam phận rủi, hồn thiếp về chín suối đã an, thương nỗi chàng ở lại dương gian, bề cực khổ muôn ngàn nào biết. Lại thêm, từ buổi thỏ núp cây giỡn nguyệt, phước trời dành cho thiếp thọ thai;

Lang quân ôi! Tủi bề nào một mạng thành hai, ngày sau biết lấy ai nối nghiệp. Chàng dầu có thương con tưởng thiếp, khá liệu toan cho kịp ngày nay; làm sao cho Nghĩa Hữu đừng hay, dường ấy mới bền giai quai cuốn.”

Nghe vợ nói lòng đà phiền muộn, ngồi làm thinh dạ luống tư lương, cầm khăn lau nước mắt Hà Hương, nương theo gánh cang thường đàm đạo. ”Xin nàng hãy bớt cơn phiền não, ta thệ lòng trọn đạo gối chăn, ta chẵng mong học thói Sở Khanh, mà nàng sợ hư danh Kiều nữ. Dầu một bữa cũng lương dươn thiên tứ, huống nàng đà kiết tử nhâm thần, lời tục rằng: Vợ oan gia con ấy là nợ nần, có oan trái ái ân mới nặng. Nàng chẳng muốn ở đây cũng đặng, bên kia sông có sẵn phố lầu, dọn về ở căn dựa đầu cầu, ai vạch lá tìm sâu mà biết.

Nói cùng mà nghe, Nghĩa Hữu chẳng khứng tình từ biệt, quyết tìm nàng gây việc ác hung, ta nói thiệt, Nghĩa anh hùng Ái cũng anh hùng, Hữu hào kiệt Nghĩa há không hào kiệt. Lưỡi gươm báu của ta rất khuyết, há dung tình chẳng giết oan gia;

Thôi thôi, chị Hai nó ôi! Tấm trăng mành thỏ bạc đã lân la, khuya rồi, nói chi cho lắm, vợ chồng mình cứ “dĩ hòa vi quí”. Bức gấm liếu lăng cho phỉ, đặng rồi, xủ rèm ngơi nghỉ kẻo khuya, ví dầu trời đất phân chia, mình cứ giữ như khóa với chìa đừng để sét!”

Một chặp, mây tan trăng tỏ, mưa tạnh gió ngừng, vợ chồng mới sấp lưng, an giấc hòe tới sáng. Sáng ngày Ái Nghĩa lo dọn đồ đạc về ở phố dựa cầu Chà Và.

Còn Nghĩa Hữu khi trở về đến nhà, một là tức mình bạc phận, hai là thương nhớ Hà Hương, bởi vậy cho nên năm canh luốn ra vào, bồi hồi sầu mạt giải. Nằm trông cho mau sáng, đặng tìm cho gặp mặt Hà Hương, chẳng dè lóng canh gà vừa mới gáy tan, Nghĩa Hữu mệt ngủ mê man như chết.

Đến chừng giựt mình tỉnh giấc, nghe súng nổ rền tai, chắt lưỡi than rằng: “Nếu vậy giờ đã đúng mười hai, mãn mê mệt ngủ, không hay chi cả.” Nghĩa Hữu lật đật chổi dậy, đi rửa mặt; rồi sửa sang khăn áo ra đi tới quán cơm, vào ăn uống no say, mới nhảy tuốt lên xe, bảo chạy dông vô Chợ Lớn.

Chẳng dè lúc Nghĩa Hữu còn ngon giấc, Ái Nghĩa đã dọn nhà, bởi Nghĩa Hữu không hay, nên cứ nghểu nghến lại qua tới tối. Hết ngày nầy sang ngày nọ, trót mười ngày mà cũng chẳng thấy hình; Nghĩa Hữu nghĩ tức mình không thèm rình vậy nữa.

Ngày kia chàng sắm sửa, vào ăn một bữa nhà hàng, mới kêu trẻ dọn bàn, lại hỏi han tâm sự. “Chẳng hay nàng thục nữ, thấy đứng giữ cửa lầu, mấy bữa rày đi đâu, không thấy ra vào sau trác?”

Đáp rằng: “Người đã dọn đi phố khác lâu rồi bác mới hỏi thăm, nếu muốn kiếm tầm, xuống dãy phố bà Năm mà hỏi. Phố bà Năm là dãy phố lầu ở ngay cầu Chà Và đó bác.”

Nghĩa Hữu nghe nói liền cảm ơn, mừng thầm chiếp để trong bụng, đợi ăn uống rồi sẽ lần tới dọ tin. Dùng bữa vừa xong, Nghĩa Hữu trả tiền, bước ra lên xe, chỉ cầu Chà Và chạy tuốt. Gần tới nơi, Nghĩa Hữu biểu ngừng xe để đợi, còn mình thì đi dài theo phố kêu trẻ nhỏ hỏi thăm; trẻ nhỏ chỉ căn phố mới dọn hơn mười ngày rày. Nghĩa Hữu coi số nhà rồi trở lại xe, biểu chạy xuống ga xe lửa. Nghĩa Hữu lên xe trở về Sài Gòn.

Về tới nhà, mở cửa bước vào, lột khăn cổi áo đi nghỉ, ý chẳng vòn buồn rầu như trước nữa. Ngủ tới bốn giờ chiều, Nghĩa Hữu thức giấc, lật đật tới quán ăn cơm, ăn rồi trở về sửa soạn khăn áo, lên xe đi chợ. Rảo phố nầy qua phố kia, tiệm nào Nghĩa Hữu cũng liếc mắt xem giây phút rồi đi, không nghe hỏi mà cũng chẳng thấy mua chi hết.

Đi như vậy cho tới bảy giờ tối, Nghĩa Hữu giận lầm bầm một mình và mắng rằng: “Bán buôn gì mà cả chợ không thấy một con dao cho vừa ý!” Và nói và đi băng ngang chợ đặng qua đàng Kinh Lấp. Đi tới một căn phố bán tinh những đồ sắt, Nghĩa Hữu bước vào, chăm chỉ ngó lại chỗ để dao một hồi, rồi bước tới lấy một lưỡi,dài chừng năm tấc tây, sống dày, mép mỏng, bề khổ chừng năm phân tây, mũi nhọn, cán vắn, coi tương tợ như lưỡi gươm, cầm đưa ra mà hỏi giá. Chệc nói năm cắc, Nghĩa Hữu biểu lấy giấy bao lại rồi móc túi trả tiền, bước ra đi một nước.

Nói về Hà Hương, buổi chiều ấy Ái Nghĩa có mời anh em bạn tới chơi đông, bày tiệc ăn uống, đờn ca lý hát cho tới khuya; chừng từ giã nhau ra về, Ái Nghĩa theo đưa đôi dặm. Ái Nghĩa và khách kéo nhau ra hết. Hà Hương kêu trẻ dọn dẹp sạch sẽ, thoạt nghe có tiếng chạy thang lầu rầm rầm, Hà Hương hỏi ai mà chạy việc gì dữ vậy?

Vừa dứt tiếng, có người lên tới, Hà Hương chợt thấy, vùng la oản mặt biến sắc chàm, ngả lăn xuống ván. Con đầy tớ thấy vậy cũng không hiểu duyên cớ làm sao, lật đật bước tới dỡ Hà Hương, không thèm hỏi tới người lạ mặt.

Người ấy cũng bước lại kêu Hà Hương mà đỡ dậy và nói rằng: “Nàng mựa đừng kinh hãi, ngồi lên ta hỏi đôi lời, cuộc trăm năm còn hết tại trời, chẳng phải ở nơi người định.”

Hà Hương vừa mới tỉnh, mở mắt nhìn khắp hết trong nhà; Ủa nầy Nghĩa Hữu đây mà! Oan gia đâu khéo gặp!

Bây giờ mới biết người chạy lên thang lấu ấu là Nghĩa Hữu. Nguyên khi Nghĩa Hữu mua dao rồi, bước ra đi lại ga mua giấy lên xe đi Chợ Lớn. Vô tới trước nhà Hà Hương chừng lối tám giờ tối, thấy trên lầu đèn treo tỏ rạng, kẻ ăn người uống nhộn nhàng, tiệc rồi đờn địch ca xang, kẻ xuống người lên không dứt.

Nghĩa Hữu muốn lên hồi đó, song thấy người đông, sợ, chẳng phải là sợ Ái Nghĩa, nhưng mà sợ, e mạnh hổ nan địch quần hồ, bởi vậy nên tạm ngồi đợi khách về, mới tuốt lên lầu thượng.

Nghĩa Hữu nghe Hà Hương nói mấy lời bèn đáp rằng: “Xin nàng khá rộng lòng mựa chấp, đã cùng nhau e ấp bấy lâu, bậu chẳng nhớ khi, dìu dắt nhau núp dựa cột cầu, muông thảm ngàn sầu nan giải. Nào những thuở ôm nhau nằm dựa bãi, tấm lá xanh lót trải mà nằm, áo chẳng khô quần lại ướt dầm, mưa gió ầm ầm rất khổ.

May nhờ có thuyền chài cứu độ, khỏi nạn nghèo nàng bỏ gnhi4a ta; bậu tham tiền đi lấy Chà Và, hết Chà lại sang qua chú Xã. Bây giờ vợ chồng tới nơi xứ lạ, qua còn đây bậu cải giá sao đành, tham làm chi những của phù vân, mà yểm cựu nghinh tân tội nghiệp.”

Hà Hương nói: “Chàng mựa chớ vu oan cho thiếp, cũng vì chàng mà mạt kiếp cùng căn, chàng chẳng chuyên nghề nghiệp làm ăn, cứ theo cuộc điếm đàng cờ bạc. Chằng chẳng nghĩ, giỏ kia dầu nát, mình chẳng có bờ tre, thiếp gián can chàng chẳng thèm nghe, khác nào, lửa bừng cháy trăm xe mà không nước.

Thà thiếp lánh mình đi trước, há để chờ nước tới trôn, thiếp cũng như chim nọ sổ lồng, còn chi nữa mà mong trở lại. Bề nào cũng dứt rồi oan trái, đã cùng người kết ngãi châu trần, dầu với ai cũng cuộc nợ nần, với ai cũng ái ân nhân ngỡi”

Nghĩa Hữu cười mà rằng: “Giận nói vậy chớ lẽ nào không nghĩ lợi, ta chẳng như Ngô khởi sát thê, chị Hai nó ôi, khá lua sắm sửa trở về, hòa hiệp lo bề tấn thối.”

“Lời thiếp nói khác nào lời trối, chàng cứ theo thúc hối chi hoài, thiếp nói thiệt, thiếp nay chẳng phải vợ ai, mà cạ vế kề vai thiếp nữa.”

Mặt phừng phừng như lửa, gan sụt sụt dầu sôi, tưởng lấy lời năn nĩ ỷ ôi, hay đâu, tại nàng khiến dứt rồi oan trái. “Vậy thì nàng xây lưng coi lại, lưỡi gươm ta chẳng phải vô nghì, gái bội phu chẳng để làm gì, cho hồn xuống âm ti hết kiếp.”

Hà Hương thấy lưỡi gươm khủng khiếp, “Xin chàng dung cho thiếp phân trần.” Dè đâu lúc đang bày biển ái nguồn ân, nghe có tiếng hét rân dưới đất. Ấy là con tỉ tất, thấy rút gươm lật đật chạy la; thừa ưa Ái Nghĩa về nhà, mới hỏi qua tự sự.

“Cậu ôi! Người lạ mặt ở đâu rất dữ, cầm gươm đòi sát tử mợ hai, Cậu phải mau lên đó ra tay ráng sức giải khai tai họa.”

Nghe nói lại tâm trung hốt hỏa, thằng đâu mà ngang quá đỗi ngang, Ái Nghĩa vừa muốn chạy lên thang, thấy Nghĩa Hữu phăng phăng xuống đất. Ái Nghĩa nhảy tới ôm cứng ngắt, quyết dang oai ra bắt gian nhân, dè đâu Nghĩa Hữu, sẵn lòng đang kết hoán thù thâm, rút mũi bạc ra đâm Ái nghĩa. Con đòi xem mất vía, chạy ra phía cửa sau.

Bị mũi thương Ái Nghĩa té nhào, còn Nghĩa Hữu bôn đào nhị tẩu. Con đòi mới bước ra kêu Cậu, dè đâu, thấy Cậu nằm máu chảy tràn trề; “Thôi rồi, Cậu tôi đà về quê. Ma – tà ôi, đón bắt thằng tê chạy đó.”

Ma tà nghe la ó, xúm nhau đón ngõ chận đàng, chừng Nghĩa Hữu chạy ngang, mới là nan tẩu thoát …

Nói về Hà Hương ngồi trên lầu, nghe tiếng vật rầm rầm dưới thang, biết rằng lưỡng tình nhơn tranh đấu, nên ngồi lẳng lặng làm thinh, đến chừng nghe tiếng con đày tớ ó la, biết Nghĩa Hữu chạy rồi, mới là dám lần thang đi xuống. Xuống tới đất thấy Ái Nghĩa nằm trên vũng máu, dường như thể thác rồi, Hà Hương ôm khóc lóc một hồi, rồi nghĩ nỗi khúc nôi càng thảm.

Việc lỡ như vầy, nếu khai ra cũng khó, dấu mũi nghĩ chẳng đành, ngặt vì tình trước nghĩa sau, hai vai đều gánh nặng. Lại thêm kêu nài ra cạn lẽ, e chim se sẽ đẻ voi, chuyện ngày xưa ắt cũng phải lòi, mình khó nỗi ngồi coi cho đặng.

Nghĩ như vậy, bèn kêu con đày tớ mà dặn đến phải khai như vầy …. Dặn vừa rồi, xảy thấy lính và biện dẫn Nghĩa Hữu trở lại, còng Nghĩa Hữu để ngồi đó rồi xúm nhau lo đem Ái Nghĩa vô nhà thương. Ngừa lúc lộn xộn Hà Hương bước lại gần Nghĩa Hữu, nói nhỏ rằng: “Tới giữa quan đừng chịu, thiếp có kế giải nàn cho.”

Nghĩa Hữu gặt đầu; Hà Hương liền kêu tớ nhà, bảo đến báo tin cùng mẹ. Mẹ Ái Nghĩa hay lật đật chạy tới, ôm con mà giọt lụy tràn trầ, kêu con mà hỏi nguyên do, Ái Nghĩa nằm mê man không nói.

Lính dẫn Nghĩa Hữu về bót, đòi Hà Hương và con đày tớ đi theo, tới nơi ông Cò biểu giam Nghĩa Hữu vào phòng, rồi kêu Hà Hương vô hỏi. Hà Hương bẩm rằng: “Lối mười giờ tối lúc chồng tôi và khách ra đi, xảy nghe có tiếng chạy lên thang lầu rầm rầm, tôi chưa kịp hỏi, thì người ấy lên đã tới, tay cầm gươm đòi giết, miệng hỏi của dấu đâu, tôi sợ hoảng nhào lăn, nằm đà bất tỉnh. Cơn ấy có con đầy tớ đứng đó với tôi, xin hỏi qua thì biết.”

Ông Cò liền hỏi tuổi tác Hà Hương; Hà Hương dối khai: “Tôi tên Nguyễn Thị Cơ, hai mươi mốt tuổi,” Đoạn ông Cò biểu ra, rồi kêu đầy tớ vào mà hỏi.

Con đày tớ bẩm rằng: “Tôi tên là Trần Thị Hoa, mười bảy tuổi, mới vào phục sự cùng Cậu Mợ tôi chưa đầy một tháng. Đêm nay khi chủ khách vừa dứt chén, Cậu tôi đưa các vị bằng hữu lên đường, còn ở nhà có một mình Mợ tôi với tôi mà thôi.

Mợ tôi vừa kêu tôi dọn dẹp, xảy nghe thang lầu có tiếng người chạy rầm rầm, Mợ tôi hỏi ai chạy việc gì dữ vậy? Hỏi mà chẳng có tới, cũng chẳng nghe có tiếng trả lời; bỗng thấy một người cầm gươm xốc lên, đưa gươm vào cổ Mợ tôi mà hỏi của.

Mợ tôi té ngửa còn tôi thất vía hồn kinh, lật đật chạy xuống từng dưới la lên, kêu người tiếp cứu; Vừa may Cậu tôi đưa khách rồi trở lại, tôi đang bày tỏ kiết hung, Cậu tôi vừa muốn tuốt lên, bỗng thấy người ấy ở trên chạy xuống. Cậu tôi liền đón bắt, người ấy cũng xô đùq, hai đàng đương tranh hơn thua, tôi sợ hoảng kiếm đàng chạy trốn.”

“H. Vậy chớ mi có biết mặt người cầm gươm ấy chăng, bây giờ mi nhìn biết được chăng?”

‘Bẩm tôi không biết mặt, mà cũng khó nỗi nhìn, vì khi người ấy lên lầu, thấy gươm dữ tôi thất kinh bỏ chạy. Khi ở trên chạy xuống, vùng vẫy với Cậu tôi, bóng đèn leo lét không soi, nên tôi không nhìn đặng.”

“H. bây giờ cho mi thấy mặt người ấy mi biết chăng?”

“Bẩm không, đương cơn sảng sốt, tôi ngó chẳng thấy người, chẳng lẽ tôi dám nhận đùa, e oan người vô tội.”

Hỏi: “Người mà lính bắt dẫn về đó, có phải chăng?”

“Bẩm phải không thì chưa biết, mà nghe người ấy la hoan, việc đó nhờ có lượng quan, tra hỏi lại phải chăng thì rõ.”

Lấy cung khai rồi, quan bảo chủ nhà và đầy tớ về, sáng ngày sẽ tựu.

Hà Hương và thị Hoa ra về, quan liền đem Nghĩa Hữu ra hỏi, Nghĩa Hữu bẩm: “Tôi là tên Nghĩa Hữu, hai mươi lăm tuổi, gốc sanh đẻ tại Bến Tre, cha tôi tên Đậu Nghĩa Sơn, mẹ tôi là Trần thị.”

Quan nghe nói tên Nghĩa Hữu liền dở sổ ra coi, coi rồi gặt đầu mà làm thinh, mới hỏi duyên cớ làm sao mà đâm chém.

Nghĩa Hữu la oan rằng: “Tôi thật vô can vô cớ, không đâm ai cũng chẳng chém ai; nguyên đêm nay tôi đi qua cầu Chà Và, nghe la inh ỏi. Tôi lật đật chạy đi cho khỏi, sợ lây họa tới mình, chẳng dè chạy vừa đặng đôi đàng, thấy lính chận ngang đón bắt. Thiệt rất oan rất ức, tôi chẳng rõ việc chi, xin quan lớn xét suy, kẻo mà oan kẻ dưới.”

Hỏi: “Mi là kẻ ác đâm Ái Nghĩa, mi còn chối nữa sao, thị Cô với thị Hoa, hai người ấy thấy mi quả quyết.”

“Bẩm quan lớn, dầu có đem tôi mà giết, cũng là chẳng phải tôi, sợ e người giống người, trời tối nhìn lầm mà nói vậy.”

Quan liền kêu lính mà hỏi khi bắt Nghĩa Hữu trong mình nó có vật chi chăng? Và xét lại quần áo nó có dính máu hay không thì rõ.

Lính bẩm: “khi bắt nó, tay nó không cầm chi hết, trong mình cũng chẳng có vật chi, xét lại đây thì quần áo cũng sạch trơi, không máu.”

Nghe qua quan liền dạy giam Nghĩa Hữu và canh giữ nghiêm ngặt chờ sáng ngày sẽ biết.

Sáng ngày thị Cô, thị Hoa tựu tới, quan dạy đem Nghĩa Hữu ra, rồi kéo nhau vào nhà thương đối diện. Chẳng dè, vào tới nơi, quan thầy thuốc nói Ái Nghĩa lầm thương trọng, bị một mũi tại yết hầu, bây giờ đang nằm mê man, khó hỏi han cho đặng. Quan xin đem Nghĩa Hữu vào thăm Ái Nghĩa, quan thầy thuốc chịu cho, song chẳng nên hỏi Ái Nghĩa một điều chi hết.

Vào phòng thấy Ái Nghĩa nằm thiêm thiếp, nhắm mắt rên hoài, quan dẫn Nghĩa Hữu tới trước mặt Ái nghĩa chỉ mà hỏi rằng: “Mi có biết người nầy chăng?”

Miệng thì hỏi còn mắt thì ngó lườm lườm Nghĩa Hữu. Nghĩa Hữu ngó chăm chỉ, mặt chẳng biến sắc và bẩm rằng: “Người nầy là ai, thật xua nay tôi chưa từng biết.”

Quan thấy Nghĩa Hữu mà mặt không biến sắc, liền dạy dẫn trở về, đợi cho Ái Nghĩa tỉnh rồi, sẽ vào mà hỏi.

Đoạn thị Cô là Hà Hương, xin quan thầy thuốc cho phép, mỗi ngày ra vô thăm chồng. Quan thầy thuốc cho. Việc rồi kéo nhau ra về hết.

Muốn biết tánh mạng Nghĩa Hữu thể nào hãy xem quyển thứ tư thì rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.