Nói về Hà Hương, đang cuộc mây mưa đánh đổ ngừa cơn chiết bá sóng đào, than cùng Ái Nghĩa rằng: “Từ ngày thiếp gặp lang quân, thiếp dốc chí trao thân bồ liễu, bởi vậy cho nên cửa vườn xuân thiếp chẳng đón ngăn, đã mấy phen lang quân muốn cho tôi dồi nên phận gối chăn, nhưng mà thiếp chẳng dám, sợ nỗi bướm liệng quanh vành hoa úa. Nghĩ vì cuộc đời, nhà mà chứa đầy tiền của, cùng là gạo lúa muôn thiên, thiếu chi nơi sang trọng mà kết duyên, thiếu chi chốn gái hiền mà kết tóc.
Lý đâu lại vét hương dưới đất, bẻ làm chi hoa đã cuối mùa, lúc ham vui mắc rẻ cũng mua, rồi lại xô đùa bỏ dẹp. Tới đây, thấy chàng đã tâm đầu ý hiệp, hết tình thương phận thiếp lạc loài, bởi vậy thiếp chẳng còn nghi lỡ một lầm hai, trải thân thiếp trao tay quân tử.
Nếu như cuộc giai ngẫu tự nhiên thiên sử, xin chàng ghi lấy chữ tào khang, đừng tỉ như những cuộc qua đàng, làm thiệt phận yếm mang quần vận. Trước còn tưởng sớm đào tối mận, đêm nay như vầy, mây mưa đà nổi trận đá vàng, nếu như phước trời cho roi dấu cho chàng, thì thiếp phải mển mang ngày tháng.
Ấy vậy biển chưa cạn duyên kia dầu mãn, thiếp xin. Khi huyết chàng mựa chớ đoạn tình thâm; đặng như vậy, thiếp theo chàng mà sửa trắp nưng khăn, dẫu mà trời có sớm dứt đi nữa, nguyện kết cỏ ngậm vành mà đáp ngãi.”
Ái Nghĩa nghe mấy lời tha thiết như vậy, liền hun Hà Hương và đáp rằng: “Khéo thì thôi, hễ đặt ra niềm ân ái, phải giữ lời thệ hải minh sơn, hễ biết rằng thiên tứ lương dươn, dễ đâu lại so hơn tính thiệt. Một lời ta đã quyết, phú hai vừng nhựt nguyệt xử phân, ta nhẫn dầu yểm cựu nghinh tân, thề chứng có quỉ thần soi xét.
Lượng trên dầu có hẹp, ta cũng liều sấm sét búa rìu, quyết theo người đợi bạn Lam Kiều, dẫu mà có gặp cơn mưa gió đến điều cũng chịu.”
Toại thay trên nhành chim lăng liếu, dưới ao cá lại cười, cuộc chung tình kể biết mấy mươi giây oan trái buộc người khăng khít.
Ba Hạnh giựt mình, chồi dậy chạy vào kêu: “Cậu tư, Cậu tư, bóng trăng đà hầu trịch, xin Cậu xích nới ra, để cho Cô Hai trở gót về nhà, kẻo mà sanh sự bất hòa chẳng tốt.”
Hà Hương tiếp rằng: “Nặng lời đã cùng nhau thề thốt, nếu chẳng mai thì mốt cũng gần, mình hãy để cho tôi về, kẻo Nghĩa Hữu mà rõ thấu ngọn nghành, e họa hổ bất thành mà sanh họa.”
Ái Nghĩa không buông. Hà Hương tiếp nữa rằng: “Thiếp bỏ mà về thật là cực lòng chẳng đã, nên thiếp phải cắn răng rời rã gối chăn, phải chi mà, không mây xanh ngăn đón chị Hằng, thiếp ở lại đây, mặc tình thỏ giỡn trăng mấy hiệp. Vậy thì xin chàng mau buông thiếp, đặng về nhà cho kịp kẻo khuya; tuy đêm nay kim chỉ phải lìa, mai mốt khóa với chìa cũng gặp!”
Ái Nghĩa nói: “Cùng nhau đà yêu ấp, ai nỡ đành ngơ lấp tình thương, nàng có về rồi phải tính làm sao cho ngư thủy hiệp nhứt trường, còn tôi lo dọn chỗ ở đường Binh Thủy.”
Dứt lời hài đàng phân tay ai về nhà nấy.
Nói về Nghĩa Hữu ở nhà trông vợ càng khuya càng bặt, ra vào vắng vẻ một mình, buồn mới nhắt ghế ra sân, ngồi ngó mông trông vợ. Ngồi khoanh tay mà đợi, tới mười một giờ khuya, cũng chẳng thấy vợ về, giận mới bỏ vào phòng, năm một mình than thở. Nghĩ: “Ăn gì mà khuya dữ vậy, bộ đây ngao đã gặp cò, mắc ở lại chuyện trò, quên phức bề gia đạo. Đây cũng tại nơi Ba Hạnh khiến nên điên đảo, qua kiếm lời nói láo gạt ta, ối, mà cũng tại ác phụ thì bại gia, trách người ta sao phải.
Ở nhà thì làm bộ chính chuyên hơn hết thảy, bước ra đàng đã trải lòng lang, lời tục còn ví để rõ ràng, mã dục an cựu lộ. Phen ni mi đừng trách số, nói ta không nghĩ chỗ vợ chồng, tại nơi mi là gái hai lòng, chẳng phải ta mong phụ rẫy.”
Nghĩa Hữu giận tá tơi tá lui một mình, quyết đợi Hà Hương về mà đánh. Đang lầm bầm, bỗng nghe tiếng gõ cửa, lật đật chạy ra mở; Hà Hương bước vào thấy mặt Nghĩa Hữu có sắc giận bèn nhảy tới ôm mà nói rằng: “Thiếp lỡ chơn trễ bước, xin chàng thương thiếp thứ dung.”
Nói rồi ôm Nghĩa Hữu mà hun, cơ khổ thì thôi, con giận nó chun đâu mất! Nghĩa Hữu thấy vậy bèn đổi gai65n làm vui, ôm riết Hà Hương vào lòng, hun hít một hồi, rồi đem nhau đi nghỉ.
Sáng ngày Hà Hương đưa cho Nghĩa Hữu một miếng giấy bạc một trăm, bảo đem ra chợ đổi mà mua ăn, Nghĩa Hữu phát gnhi, liền hỏi bạc đâu mà nhiều vậy?
Hà Hương nói: “Bữa qua đi chơi với chị Ba Hạnh, lúc ăn uống no say rồi trở về, chị Ba Hạnh ghé lại thăm người chị em của chỉ. Chẳng dè ghé vào nhà lại gặp một sòng lúc lắc rất lớn, tôi mượn có một đồng bạc vốn của chị ba, đánh chơi mà ăn thiệt; ăn đặng một trăm đồng, tôi sợ thua lại uổng, nên tôi xên non không đánh nữa.”
Nghĩa Hữu nghe vậy nửa mừng nửa nghi, mừng là mừng có bạc xây xài, nghi là nghi của ai cho Hà thị. Tuy vậy mà cũng lãnh bạc ra đi, không hỏi chi nhiều chuyện.
Nghĩa Hữu ra đi đặng một đỗi xa, Hà Hương mở tủ tom góp áo quần, gói lại một gói, chuyển hết qua nhà Ba Hạnh.
Chừng Nghĩa Hữu đi chợ về, vợ chồng cũng ăn uống vui say như thường, trò chuyện nghe phải điệu.
Chiều lại cơm nước vừa xong, Nghĩa Hữu đòi đi đánh bài, Hà Hương nghe nói mừng lòng song cũng làm bộ cản đãng đôi phen, mà Nghĩa Hữu không nghe, đánh quần đánh áo kêu xe dông tuốt.
Hà Hương ở nhà một mình, ngồi nghĩ nghị xa gần, rồi lấy giấy viết, viết một phong thơ để tại bàn, trách Nghĩa Hữu mê sa cờ bạc, chẳng lo bề thiếu đủ trong nhà, bởi cớ ấy nên nàng phải lách mình ra tìm chốn khác lập gia lập thất.
Trời vừa tối Hà Hương khóa cửa, bỏ chìa khóa nơi bệ cửa sổ, khép cửa sổ lại, đi qua nhà Ba Hạnh; hiệp với Ba hạnh kêu xe chở đồ, chạy dông vô Chợ Lớn.
Vô tới nơi gặp Ái Nghĩa đang đứng thơ thẩn, bên ga (gare) xe rửa mà đợi; Ba Hạnh bảo ngừng xe, Ái Nghĩa bước lên, rồi biểu chạy; chạy tới một đỗi, Ái Nghĩa la: Ngừng. Ái Nghĩa bước xuống kêu trẻ ở ra bưng đồ, còn mình thì trả tiền xe, rồi mời Ba Hạnh với Hà Hương vào cửa.
Hà Hương bước vào thấy bàn ăn sắp chật, trên quạt rút treo đầy, coi ra quả quán cơm, chơn đà không muốn bước. Ái Nghĩa liền giục Hà Hương đi thẳng lên lầu; lên vừa khỏi thang, Hà Hương thấy màn treo trướng phủ, dọn dẹp rất nguy nga, Hà Hương có bụng mừng, song lạ nhà còn hơi thẹn.
Ái Nghĩa nói: “Bữa qua lật đật, kiếm không đặng phố trống, nên tôi mượn đỡ lầu nầy, như vừa ý thì ở lâu, bằng không thì dời đi phố khác.”
Nói rồi kêu trẻ biểu xuống đặt một cổ đồ ăn; giây lâu dọn lên, ba người ngồi vầy lại ăn uống vui say, chuyện trò đà không ngớt.
Tiệc vừa mãn, Ái Nghĩa đem ra một cây bạc để trước mặt Ba Hạnh mà nói rằng: “Nhờ ơn chị hết lòng chiếu cố, vợ chồng tôi mới đặng sum vầy, xin chị gọi chút ơn, thâu lấy của nầy dùng lễ mọn, ngày nay báo đáp, em dầu đặng đắc thành gia thất, ơn đức nầy chẳng mất đi đâu.”
Ba Hạnh làm bộ chẳng thâu, đợi Hà thị nói vào mới chịu. Ba Hạnh lấy bạc bỏ túi rồi, từ giã ra về, Ái Nghĩa theo đưa ra xe, dặn Ba Hạnh về dọ tin cho biết, Ba Hạnh vâng, hai đàng liền từ biệt.
Xe chạy rồi Ái Nghĩa trở lên lầu, vợ chồng nương gối chung phòng phỉ chí biết sao kể xiết. Ái Nghĩa nói: “Thỏ đang trông bóng nguyệt, nguyệt đã ló ngang đầu, mây xanh không bay án nữa đâu. A Hằng chớ có ngăn sau đón trước.’
Nói rồi hai đàng cười xòa với nhau, vui giỡn tới khuya, mới đành an giấc.
Nói về Nghĩa Hữu, đánh tới sáng mới về, tới nhà kêu cửa rất lâu mà không nghe lên tiếng. Nghĩa Hữu mới bước lại cửa sổ, kêu thử chẳng dè cửa sổ mở bét, thấy chìa khóa nằm dựa bệ, bèn lấy mở cửa bước vào, sau trước vằng tanh, phòng không lạnh ngắt.
Coi lại thì đồ đạc đem đi hết, biết Hà Hương đã thưa cơ, chừng bước lại bàn dòm thấy phong thơ, đọc rõ sự cơ mới hãn. Trách lòng con bạn, nỡ đoạn chung tình, ra vô than thở một mình, ngồi đứng dậm chơn chắt lưỡi.
Nghĩa Hữu mới lật đật khóa cửa lại, chạy tuốt qua Ba Hạnh hỏi thăm. Ba Hạnh nói: “Từ hôm qua đến nay Cô Hai không có tới.”
Nghĩa Hữu năn nĩ gần gãy lưỡi, Ba Hạnh cứ cầm lòng, nhắm thế chẳng xong, Nghĩa Hữu mới trở về phòng nằm nghĩ. Nghi quyết cho Ba Hạnh mai mối cột vợ mình, nhưng mà vô cớ phải làm thinh, để dọ tin sẽ biết. Nghĩ vậy rồi, bèn kêu một đứa nhỏ ở lối xóm vào mà nói rằng: ‘Qua có việc vậy em, nếu em làm đặng qua thưởng năm đồng bạc. Bây giờ đây, mỗi ngày qua cho em hai cắc, thấy Ba Hạnh đi đâu em lén theo sau, hễ chỉ vào nhà nào em nhớ lấy, chỉ cho qua biết.”
Thằng nhỏ chịu. Nghĩa Hữu lại dặn phải cho kín miệng, chẳng nên lậu với ai, mưu kế đã đặt bày, có ai hay ai biết.
Kể từ đây Nghĩa hữu cứ mỗi buổi sáng phát cho thằng nhỏ hai cắc, còn mình thì cứ rảo quanh thành phố, dạo cùng xóm cùng làng, kiếm trọn mấy ngày cũng không ra mối. Về hỏi lại thằng nhỏ, thằng nhỏ nói không thấy Ba Hạnh đi ra, đau lòng như thiết như tha, biết ai mà than thở.
Bữa kia, Nghĩa Hữu đang ngồi trong nhà, bỗng thấy thằng nhỏ bôn ba chạy tới nói nhỏ rằng: “Cô Ba Hạnh kêu xe đi Chợ Lớn, xe kiến hãy còn đợi trước nhà.”
Nghĩa Hữu nghe nói mừng lòng đưa cho thằng nhỏ một đồng biểu ngồi xe kéo lên theo sau coi cho biết.
Nói về Ba Hạnh vô tình nào rõ, có thằng nhỏ theo rình, ngỡ không ai thấu tâm tình, nên mới chắc mình không cẩn thận. Vô tới Chợ Lớn, xe Ba Hạnh ngừng, thằng nhỏ biểu xe kéo chạy quá một khúc xa xa, rồi cũng ngừng xe bước xuống. Khi xe Ba Hạnh ngừng, Hà Hương ở trên lầu nghe, chạy ra cửa sổ dòm xuống, mừng kêu Ba Hạnh.
Thằng nhỏ ở xa ngó thấy, mới nom riết lại gần coi quả là Hà Hương, mới tuốt về mách thót. Về tới nhà, Nghĩa Hữu chưa kịp hỏi, thằng nhỏ nói: “Tôi theo cô Ba vô tới Chợ Lớn, thấy cô Ba vào trong nhà hàng Annam, ở cách gare chừng trăm thước, chẳng biết sao lại có mợ đứng trên lầu nhà hàng ngó xuống nữa, Cậu à. Tôi coi đã quả chẳng chút sai lầm, Cậu chẳng tin vô đó mà thăm. Cậu sẽ thấy hẳn hoi như vậy.” Nghĩa Hữu nghe nói mừng thầm, móc bạc cho thằng nhỏ.
Chiều lại sửa sang khăn áo, kêu xe tuốt vô Chợ Lớn, đi tới một cái nhà hàng Annam, thấy trong khách ngồi ăn chật. Nghĩa Hữu thả qua thả lợi, rình coi có quả vậy chăng, tới lui hơn mấy chục lần, cũng chẳng thấy hình thấy bóng.
Chẳng dè lúc đó Ba Hạnh đã về rồi, còn Ái Nghĩa thì về thăm từ mẫu. Hà Hương ở nhà một mình, nhơn dịp trăng thanh, đứng dựa cửa lầu hóng mát. Đang ngó xuống coi những kẻ qua người lại, bỗng thấy Nghĩa Hữu đi tới. Hà Hương thất kinh, lật đật chạy vào nằm than thở.
Còn Nghĩa Hữu qua lợi hoài mà chẳng thấy Hà Hương, buồn ý trở về gia nội.
Nói về Ái Nghĩa ra đi thăm mẹ, khuya mới trở lộn về, thấy Hà Hương buồn mới hỏi: “Bậu nay sao mà buồn thảm ủ ê, dường như có việc chi tâm sự.”