[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912

Chương 3 : Chốn rừng già rùa Trạnh bỏ thây, Giữa đình tụng Nguyệt Ba quì trạng




Ngày kia Hà Hương đang ngồi, bỗng trẻ vào thưa rằng có khách đàng xa, tới hỏi thăm nhà họ Đậu. Hà Hương nghe nói như vậy, thì nghi, bèn bảo mời vào; giây phút có người bước đến trước mặt Hà Hương thi lễ, mà rằng:

“Tôi ở xa mới đến, không rõ đàng sá bơ vơ, lạc bước vào đây, chường cô thi ân chì giùm nhà họ Đậu”.

Hà Hương liếc mắt nhìn, thấy người ấy cao dình dàng, đầu vấn khăn chàm, đội nón trủm, mình mặc áo vạt bò, nút mã não, lưng cột dây lụa trắng, quần màu già, ngang đầu gối; Hà Hương mới hỏi:

“Bộ chú là người ghe bầu, đi hỏi thăm nhà họ Đậu có việc chi chăng? Họ Đậu là nhà nầy, còn họ Đậu nào nữa mà hỏi.”

Khách thương vội vã đáp rằng tôi có mắt không tròng, xin cô thứ tội, như phải vậy thì cô nạt tôi tớ ra sau, tôi tỏ trần việc kín. Hà Hương liền nạt trẻ lui ra. Khách thương bẩm rằng:

“Chẳng hay nhà ni là nhà họ Đậu, chẳng hay ông bà đâu vắng, còn Đậu Nghĩa Hữu đi đâu?”

Hà Hương đáp rằng:

“Chú thiếm tôi đi khỏi bốn năm ngày nữa mới về, còn Nghĩa Hữ là em tôi nó đi tìm vợ chưa trở lại. Nhà không ai nên mượn tôi đến mà ở coi nhà, vì tôi với Nghĩa Hữu là chị em chú bác ruột. Nếu chú có việc chi cần kíp, nói với tôi, tôi tính cũng xong cho.”

Thương khách hỏi rằng:

“Vậy thì Nghĩa Hữu còn đi tìm Nguyệt Ba sao? Nguyệt Ba đâu đây mà tìm, ngày nọ tôi cứu Nguyệt Ba đem về nhà tôi mà nuôi dưỡng, nay Nguyệt Ba sai tôi vô báo tin; đây, có phong thơ làm tín.”

Hà Hương nghe nói xuất hạng, mặt xanh như tàu lá, song gượng tỏ bộ mừng vui mà rằng:

“Nói vậy em tôi bây giờ ở tại nhà chú hay sao? Vậy mà không hay, ngỡ nó đà vong mạng. Ơn chú sánh tài sông biển, biết lấy chi báo đáp cho vừa, vậy xin chú mựa từ, cho tôi đền ơn ba lạy.”

Thương khách lật đật đứng dậy tỏ ý khiêm nhường. Hà Hương bước vào phòng lấy ra năm chục đồng bạc để trước mặt thương khách mà rằng:

“Nay vì em tôi nên chú chẳng nệ thiên sơn vạn hải, chịu nhọc nhằn tìm đến chốn ni, vậy tôi xin chút lễ mọn mựa từ, dùng làm tiền phí lộ. Nội ngày nay tôi cho trẻ nhà đi với chú, về ngoải rước em tôi. Trẻ nhà đâu, cơm nước khá sửa sang; thằng ba đâu, lên nhà trên cho tao dạy chuyện.”

Trạnh bèn dạ, dạ, bước thẳng nhà trên, Hà Hương mới bảo mi phải làm như vậy, … nội ngày nay cho xong việc. Năm giờ chiều thượng lộ, nếu diên trì, cậu mầy qua thì khó nổi dấu đầu. Trạnh vưng chịu thì hành, xách nón ra đi riết.

Nói về thương khách thấy Trạnh đi ngang bình mặt nhắm hình thù thì trước đó đã có quen; lòng nọ vội nghi nan, song cũng ráng mà ngồi đó. Hà Hương bước ra mới hỏi:

“Chẳng hay ân nhân tên họ là chi, ở giữa biển làm nghề gì, xin nói cho thiếp rõ.”

“Thưa, tên tôi là mười Ó, họ tôi thiệt họ Giêng, ở giữa hòn ngọn sóng bủa xuyên, năm tháng giỏi lộc thuyền nuôi miệng. Tuy ở biển mà lòng nhơn có tiếng, bởi xưa tôi hòa nguyện xuất gia. Sớm tối lo nuôi dưỡng mẹ già, trưa chiều giúp người xa lỡ bước. Tôi thiệt là tay làm phước, chẳng phải mặt bất nhơn”; chưa tỏ phân cho cạn nguồn cơn, tớ gái đã bưng cơm tới đó.

Hà Hương mời chú Ó, mắm muối ăn cho có đỡ lòng, sửa sang sắp đặt cho xong, đặng có rủi dung đường nhạn. Bỗng đâu đà thấy dạng, Ba Trạnh bước vô, bẩm nhỏ cùng cô, rằng Đạo với Hồ đã chịu. Hà Hương liền biểu, lên nhà trên chút xiểu có tao, việc ra đường nhắm trước xem sau, y kế nội rồi mau trở lại.

Trạnh liền khen phải, lãnh bạc ra ngoài, Đạo Hồ đã tới ngay, cùng Ó giăng tay thượng lộ. Đi đêm theo đàng bộ, rựng sáng tới Mỹ Tho. Bốn người cơm nước đã no, rủ nhau tới bước lên xe lửa. Ở lại Sài Gòn một bữa, rồi xuống tàu ra cửa Vũng tàu, gió lặng sóng xao, tàu khói chạy mau biết mấy. Bà Rịa đà ngó thấy, chợ bến đã hầu kề, xe ngựa đậu bộn bề, đợi rước bộ hành vô chợ. Bộ Ó mừng tở mở, kêu nhau kéo lên cầu, biểu xe mau tới tiệm tiên lầu, ăn ba miếng kẻo lâu, bụng đói.

Tới tiệm bốn người ngồi lại, kêu tửu bảo đem rượu thịt ê hề, xúm nhau ăn uống. Ó mới hỏi:

“Chẳng hay cậu ba với hai cậu đây hiệu gì, người trong thân hay là đồng lân cùng họ Đậu?”

Hồ liền rước mà trả lời rằng:

“Anh ba tôi đây là Đạo Y, tôi là Đạo Rùa (1) còn em tôi đây là Đạo Mậu (2), cũng là người tâm phúc của họ Đậu. Vì anh em tôi nhờ ơn họ Đậu rất trọng, nên nay họ Đậu có việc sai anh em tôi dầu cho thiên sơn vạn hải chẳng từ, miễn đặng chút công báo đáp.”

Ó nghe khen rằng: “Làm người thọ ơn chẳng vong, thiệt là trượng phu xử thế. CHẳng hay ba cậu còn nhớ hình diện Nguyệt Ba ra thể nào chăng? Nay mai gặp Nguyệt Ba chẳng hay Nguyệt Ba có biết ba cậu là người tâm phúc của họ Đậu chăng?”

Đạo Mậu liền đáp: “Sao Nguyệt Ba lại chẳng biết, vì anh em tôi ở trong nhà họ Đậu đã chín năm dư, từ ngày Nguyệt Ba về nhà chồng thì đã có anh em tôi ở trong nhà họ Đậu rồi. Còn Nguyệt Ba dầu lâm nạn đổi hình đổi dạng thế nào anh em tôi cũng nhìn được. Một điều anh chưa rõ mà thôi, vậy tôi nói cho anh biết. Từ khi anh em tôi vào nhà họ Đậu mà ở, thì trong nhà kêu tôi là Đạo, còn anh tôi là Hồ, chẳng kêu thiệt tên như tôi mới nói với anh hồi nãy vậy. Cho nên Nguyệt Ba biết anh em tôi, đứa tên Hồ đứa tên Đạo mà thôi. Còn anh ba tôi đây, khi đó không vào ở một chủ với anh em tôi, ảnh lại qua ở bên Đậu Kiến Đước là bác chồng của Nguyệt Ba, tên ảnh là Đạo Y. Lúc họ Đậu cậy con gái Đậu Kiến Đước tới ở coi giùm nhà, thì con gái Đậu Kiến Đước đem ảnh theo, gặp việc, phải ra đi cho có tụ. Bởi cớ ấy Nguyệt Ba biết anh em tôi mà thôi, không biết anh ba tôi đặng.

Ó liền hỏi Đạo Y rằng: “Tôi nhớ có gặp cậu một chuyến, song không nhớ đã gặp nhau tại đâu, chẳng hay cậu có nhớ mặt tôi cùng chăng?”

Đạo Y (Trạnh) chẳng cẩn thận, vội vã đáp rằng: “Phải, tôi nhớ trong lúc tôi đi đàng có gặp anh một chỗ, song tôi cũng chẳng biết là chỗ nào.”

Ó nghe liền ngụ ý, thâm ngẩm gặt đầu, rồi bỏ qua, mời nhau ăn uống.

Ăn uống xong xuôi, bốn người xuống lầu; Ó nói xứ lạ lùng, biết đâu tá túc, vậy anh em ta kéo nhau đi đêm, tới Bưng Riềng tôi có nhà quen, vào nghỉ chơn rất tiện. Nội bọn đều chịu quảy gói lên đường, đi tới hai giờ khuya đến Bưng Riềng. Ó dắt thẳng vào nhà quen, nghỉ đậu. Rùa Đạo Y mỏi mệt, nằm xuống liền ngủ, Ó nằm giấc nhắp chẳng yên, mãn luận việc mình không ngủ.

Ó nghĩ rằng: “Bọn nầy ắt là gian trá chẳng phải thật tình, nếu ta chẳng đề phòng ắt Nguyệt Ba lâm hại; vì Đạo Y ló mòi rằng biết mặt ta, ta cũng còn nhớ mặt nó, nếu vậy thì Đạo Y nầy là thằng ba Trạnh, tâm phúc của Hà Hương, còn chủ nhà, ta vào hỏi thăm nhà họ Đậu đây, chắc là Hà Hương, còn hai thằng khốn nầy không biết nó ở đâu cho được. Nếu nó cũng ở với Hà Hương, thì Nguyệt Ba làm sao mà biết nó, còn như nó ở với cha chồng Nguyệt Ba, thì làm sao lại chen lộn đám nầy, khó nghĩ cha chả. Tin khả tin phòng khả phòng, chừng đến việc ta tùy cơ ứng biến”.

Sáng ngày bốn người sửa sang cơm nước quảy gói lên đường, đi cho tới đứng bóng mới tới một cái nhà cheo leo giữa rừng, bốn người đồng ghé vào nghỉ chơn. Tới cửa, chẳng thấy chủ nhà, vắng trước quạnh sau, không bóng người thấp thoáng. Ngồi đợi gia6i lâu, thấy một ông già vác rựa bước vào, chào hỏi mỗi người rồi rước vào trong phân ngôi chủ khách.

Tiều lão mới hỏi: “Chẳng hay bốn cậu danh tánh là chi, quê quán xứ nào, nay lặn lội đến chốn rừng bụi có việc gì xin nói cho già hãn?”

Đạo Y liền nói tên họ mỗi người mà rằng: “Anh em tôi nhơn có việc gấp, chủ sai đi nên phải vâng, thật chốn núi non xưa nay chưa từng biết. Còn anh đây là người ở Hòn Bà, dẫn lộ anh em tôi đến đó. Bởi đàng dài mỏi mệt, nên tìm đến lão gia, một là nghỉ mát đôi giờ, sau này gạo nấu ăn kẻo đói.”

Tiều lão nghe nói đáp rằng: “Lão chẳng nệ bề tiếp khách, nhưng mà nhà rách vách nát không chỗ vừa lòng, còn gạo thì lão còn một nồi, anh em nấu đi mà đỡ dạ.”

Ó nghe nói động lòng mới hỏi: “Chẳng hay tiều lão ở chốn nầy kêu là làng chi xóm chi, chẳng lẽ một mình mà dám ra vào chẳng kiêng thú dữ? Tiều lão năm nay đà mấy kỷ, làm nghề chi đắp đổi tháng ngày, sưu thuế đóng làm sao? Thê tử lẽ nào cho biết?”

Tiều lão cười mà rằng: “Lão năm mươi dư lẻ, sớm tối lo hái củi đổi cơm, vậy cũng đắp đổi tháng ngày, vợ chích mát, con không nối nghiệp; phận già chí thiết, đòi bữa ưu phiền, ở đây không có xóm giềng, rừng thuộc về làng Thắng Hải; sưu cao thuế nặng, ai nấy đều thiết xỉ tha nha, làng chẳng nghĩ phận già, bắt lão ra đi phu trạm; ấy là việc quan chẳng nên kể nể, lão nói hết việc nhà, mấy chú ở đàng xa, không thuộc rừng cho lắm. Chốn nầy thú biết bao kể xiết, trót ngày đêm voi cọp cùng đàng, giết bộ hành cũng đã thường, mấy chú có đi phải giữ gìn cho lắm.”

Đạo Y nghe liền sợ, mới hỏi: “Nếu vậy ông ở đây cũng chẳng để gì?”

Tiều rằng: “Mấy chú chưa từng nên sợ, chớ già ở đây nhàm mắt mỏi tai, cọp thấy lão sợ chạy như bay, dễ dám trổ tài làm quấy. Lão đã từng thấy, cọp ở đây rảo mà đi kiếm ăn khác nào chó ở Châu Thành, ai mà sợ, phải thì cọp cọp người người, nghịch thì đập đầu bỏ đó.”

“Cọp chẳng binh nhau hay sao? Nghe nói cọp binh cọp, tiều lão nhứt thân e khó nỗi tranh đương cọp một thì chẳng nói làm chi, cọp bầy e không nhịn.”

Tiều lão cười mà rằng: “Cọp bầy trối kệ, hễ đập một con cho lụy, bao nhiêu chạy trốn sạch trơn, giống đó hộc nhảy tưng bừng, mà nhát quá ch thỏ đế. Ai sợ thì làm dữ, ai chẳng dung thì kiếm kế thoát thân, phải mà cọp có chí anh hùng, rừng vắng ắt không người lai vãng. Tuy vậy mà chữ tử sanh hữu mạng, người hảo tâm trời chẳng phụ lòng, như lão sáng ngày lo hái củi cho xong, vác ra xóm đổi tiền mua gạo, lòng ngay dạ thảo, chẳng phút đổi dời, chẳng thèm kể đến việc đời, chí không tham danh lợi, đều ác nghiệt lão không biết tới, độ nhơn gian làm ngỡi thường khi, ai lỡ bước khôn đi lão cõng về nuôi dưỡng; lòng lương thiện trời cao còn đoái tưởng, thú rừng xanh làm bướng đặng sao, tuy hoàng thiên chẳng vị người nào, nhưng mà làm phải ngày sau đặng thưởng. Đây lại có dinh quan lớn thượng, anh linh thị anh linh; những người lòng dạ bất minh, e chẳng khỏi miệng hùm gởi xác. Mong làm điều ác, mưu kế hại người lành, tưởng giữa chốn rừng xanh, không ai hay ai biết. Người dường ấy lịnh quan ắt giết, không thì cho thú rừng bắt quyết chẳng tha, bởi vậy tuy đây ít người ta, mà già trẻ đều ngay thật; của rơi không hề mất, nhà cửa chẳng gài then; quan quân thảy ngợi khen, người người đều ưa mến.

Đạo Y nghe mấy tiếng, phút rởn ốc lạnh mình, song ngồi đánh chữ làm thinh, nghĩ phận mình thêm sợ.

Ó ngh thấm ý liền nói rằng: “Người quân tử đi đâu cũng dễ, kẻ tiểu nhơn một bước khó dời, hễ làm trai đứng trong đời, phải lấy ngỡi nhơn làm trọng. Há chẳng rõ câu thiên võng, thưa mà chẳng lọt còn ghi, những người háo lợi sức phi, dường ấy thiếu gì trong thế.”

Tiều lão nghe cặn kẽ, nhắm xem tướng Ó hỏi phăng, chẳng hay cậu ở hà phang, giỏi đạo nghệ chi nói thiệt?.

Ó rằng: “Tôi ở chốn cồn cư nham huyệt, mẹ con nương sàn giả thú quê, tôi vốn chưa có chốn hiền thê, ngày tháng chuyên nghề đánh cá.”

Tiều rằng: “Người dường ấy mai danh cũng lạ, sao không ra nong nã với đời, chữ công danh mựa lấy làm chơi, chôn lấp uổng tời quân tử.”

Ó rằng: “Ấy đó lẻ đời thường sự, ai lại không vụ chữ công danh, thấy vầy nên dạ buồn tanh, xét lại mới đành lòng ngán. Thà vui chốn bãi bùn cho rạng, hôn là tranh sắc mạng trào đình, đứng trượng phu đâu vọng chữ công danh, mà khuất lấp chữ thanh cùng trược. Có thế chẳng biết thương người lỡ bước, mạnh mà không đi đước cứu nhơn, hay âm mưu làm chuyện phi ơn, giỏi thi kế làm điều bất ngãi. Chen vào đó cũng đồng một loại, thà tránh xa cho phải nhơn tình, nghĩ vì câu nhựt nguyệt tuy minh, chậu úp không soi mình mang tiếng.”

Tiều nghe phân ba điều bảy chuyện, biết rằng người chẳng phải bực ngu, luận đàm nghe phải lắm ru, đáng mặt trượng phu xử thế; Dẫu không nên lương tể, kém chi kẻ anh hùng.

Dứt lời, bốn người liền từ giả gia trung, cảm tạ tiều ông dời gót.

Ra đi tới mặt trời chen lặng, đến một chỗ, ngó tư bề rừng bụi, không xóm cũng không giềng, xa xa lố thấy ngọn đèn, ánh chiếu xem leo lét.

Ó mới nói: “Đêm thanh rừng vắng không thể bộ hành, vậy thì mình vào đây xin tạm nghỉ năm canh, minh nhựt thượng trình chẳng muộn.”

Nội bọn đều chịu; bước vào thấy trại tư bề không vách, trên lợp lá sơ sài, có một bọn thợ nằm ngay, đang giải bày chuyện vãn. Ó mới nói: “Xin chủ gia làm phước, thương người lỡ bước rừng xanh, ngụ một đêm sáng sẽ thượng trình, xin cảm tình chiếu cố.”

Mấy tên thợ nghe nói ngồi dậy, ngó mặt Ó, giây lâu, rồi đáp rằng: “Đây chẳng phải là nhà là phố, vốn là trại thợ ngỉ ngơi, các cậu dầu tăm tối không dời, tam nghỉ đây chơi có bạn.”

Bốn người vào để gói hành lý có nơi, rồi này gạo lo cơm nước. Đạo Y mới hỏi Ó, đây là chỗ chi, còn xa hay gần, mà đi hoài không tới. Ó nói: “Đây tục kêu là Suối Đá, gần Phước Lộc xã chẳng xa, hễ tới Phước Lộc thì thấy Hòn Bà, phải cưỡi thuyền ra đó.”

Đạo Y nghe nói gần tới chỗ, sực nhớ kế Hà Hương, bởi vậy mới lo lường, kiếm cớ ngưng đường ở lại. Sáng ngày bèn nói cùng Ó rằng: “Chưa tới chốn mà tay chơn đà bải oải, cảm phong sương khó trải dặm ngàn, vậy thì mấy anh em hãy đi đi, để tôi ở lại nghỉ an, bận về, anh em nhớ đi ngang ghé rước.”

Nói rồi lại làm bộ kêu Đạo Mậu và Đạo Rùa mà dặn rằng: “Làm tôi phải hết lòng giúp nước, làm tới phải tận lực với chủ gia, hai em theo ủng hộ Nguyệt Ba, chừng nào trở lại rước ta về với.”

Dặn rồi, ba người liền từ giả trại chủ và Đạo Y mà lên đường, đi cho tới trưa mới tới làng Phước Lộc. Ba cậu ghé quán nước ăn no nóc, rồi thuê thuyền tức tốc đưa ra.

Bây giờ đây mới nói chuyện Nguyệt Ba, đang ngồi nhà trông Ó. Đêm lòng sầu võ võ, ngày mặt héo dàu dàu, chẳng hay đàng sá làm sao, lành dữ lẽ nào chưa biết, nghĩ lại càng thảm thiết, con chưa biết mặt cha, non nao thấu đặng tin nhà, chạnh tủi lụy sa ướt áo.

Thị tùy nói: “Xin cô hãy bớt cơn phiền não, trời hãy còn điên đảo phong vân, người ở đời sao khỏi bụi trần, họa phước không chừng qua lại. Nguyệt Nga trước nổi trôi dựa bãi, Chiêu Quân xưa nước chảy sóng xao, mình ngày nay lận đện lao đao, ắt cũng đặng ngày sau hưỡng phước.”

Dứt tiếng bỗng thấy người phía trước, thị tùy liền vội bước ra sân, thấy mặt Ó chào mừng, gặp Đạo, Hồ hỏi chuyện. Nguyệt Ba nghe có tiếng, bèn lật đật chạy ra, mẹ Ó ngủ trong nhà, cũng lồm cồm ngồi dậy.

Nguyệt Ba thấy Đạo Rùa, Đạo mậu, mừng mà nước mắt vội sa. Ủa nầy Hồ, Đạo, đây mà, chào hai tới đàng xa chẳng nệ. Hồ, Đạo cúi đầu làm lễ, vào rồi, cơm nước xong xuôi mới kể sự gia.

Kể từ cô lạc bước bước xa, van những tiếng ruồi xanh trong cửa, chủ gia tôi bên nầy thì rầu lo đòi bữa, cậu mợ bển thì thương khóc từ ngày; mướn thuê người rảo khắp Đông Tây, cậy chòm xóm kiếm tìm Nam Bắc. Tìm càng ngày càng bặt, kiếm càng bữa càng xa. Chủ gia tôi khống cáo quan nha, Biện lý vấn tra các tỉnh, may là nhờ quan lịnh, mà tin cô cũng chẳng nghe, bên Vĩnh Long vớt đặng chiếc ghe. Chủ ghe tôi lãnh về rất khổ. Đầu tóc mượn của cô giắt trong mui ghe còn đó, chủ gia tôi đem về nhà lớn nhỏ đều than. Cậu hai tôi thì cơm nước không ăn, đêm sáng chẳng an giấc nhắp; nổi thương dồn dập; cơn nhớ tràn trề; lúc thì tỉnh lúc lại mê, khi như say khi lại tánh; lối nào hiu quạnh, đem đầu tóc ra hun; nhắc tới ứa nước mắt, khuya ở trong mùng, lấy của tin ra hửi. Cậu tôi đôn nầy, hình dung dã dượi, thân thể ốm o; trời mà xui ngao chẳng gặp cò, đất thêm đặng nắm tro họ Đậu. Tưởng chắc là không thấu, hay đâu lại có tin, nhưng mà rủi, chủ tôi mắc thượng trình, còn cậu hai tôi thì một mình chạy lo quanh tính quất. Bởi vậy cho nên, không ai gìn gia thất, thiếu tay xét trong ngoài, mới là đến cậy tay, gái nhà bác là cô hai Phước. Cô hai liền qua trước, Đạo Y giỏi theo sau; anh ngoài nầy vô, thơ nọ vừa trao. Cô hai mừng tợ hạn gặp rào một thuở. Hối trẻ dọn cơm tở mở, coi thơ rồi, khiến chúng tôi sắm sửa lên đàng, rồi đang đi, Đạo Y cảm thương hàn, nên phải đình trú nơi Suối Đá. Xưa tưởng đà vô phước, hay đâu kiều Ô còn gặp Thước rất xinh, vậy thì cô mau mau từ giả thượng trình, về cùng cậu cho phỉ tình phu phụ.

Thoàn vắng hơi đòi vú, thị tùy bồng ra cho bú Nguyệt Ba. Đạo, Hồ thấy mặt vụt la: “Húy, chà chà thằng nhỏ giống cha như tạc. Vậy mà họ đồn thiệt ác, rằng cô theo thầy Lát Cà Mau, phải lịch sự lịch sàng gì, chẳng nói làm chi, cái nầy thấy mà nhờm, đầu làm sao đít lại làm sao, mèn ôi! Thấy dường ấy mới hay dường ấy.”

Nguyệt Ba nghe nói vậy, mắt đượm giọt như mưa: “Người ở đời họa tới khó ngừa, thân lưu lạc sớm trưa nào biết. Nói ra càng thảm thiết, chi kể xiết gian nan; nếu không người làm phước cứu nàn, hồn đã chơi đàng âm phủ; trẻ có đâu mà nay đòi bú, thiếp còn đâu trông gặp mặt chồng, ai lỗi thề phú có thiên công, ai đen bạc chứng cùng nhựt nguyệt. Ngày tháng ở cồn cư nham huyệt, sớm trưa nương sàn giã thú quê, nhờ lão bà trong lúc khai huê, nuôi dưỡng mới đặng bề no ấm. Ơn nọ dầu không bồng ẵm, so ra nào kém non sông, chữ sanh dưỡng đạo đồng, hai bên xem chẳng nhẹ. Nay lòng thiếp bao đành phân rẽ, dạ nào vui cơn xẻ nửa chừng; dưỡng mẫu đành theo thiếp dời chơn, vầy một cửa mới đành thỏa dạ. Cho thiếp ơn đền nghĩa trả, trọn đạo người mới thỏa tấm tình, nếu khiến điều bội nghĩa tái sinh, thiếp nguyền hủy mình cho rạng.”

Mẹ Ó nghe liền cản: “Con chớ đoạn tóc tơ, hễ thi ân ai lại ước mơ, miễn lòng trẻ biết thờ biết kính. Khuyên con đừng vụn tính, mà đôi lứa lỡ làng, miễn là con vẹn chữ tào khang, bao quản cơ hàn thân mẹ. Thuận lẽ trời thì dễ, nghịch mạng ắt khốn thay, đứng trong đời lớn nhỏ ai ai, bề rõ đạo chẳng nài công khó. Gặp lỡ bước phải mau cứu độ, thấy lâm nàn mựa chớ bỏ đi, làm người mà kiến nghĩa bất vi, dường ấy thiệt không bì săng cỏ; hiếm tay tham lợi nhỏ, làm chuyện bạc như vôi, vì quên câu thiên võng khôi khôi, đâu dè nỗi lưới trời chẳng lọt. Không mai thì cũng mốt, thiện ác ắt đáo đầu, chửng mới hay trời đất cao sâu, chết mới biết phép mầu rất nhiệm. Thôi nói dai sanh nhiều chuyện, con mau sắm sửa rủi dung, mẹ cho Ó hộ tùng, kẻo thú rừng nhiều miệng.”

Hồ, Đạo nghe liền lên tiếng, thôi để anh ở nhà, đường đi diệu viễn dễ gì, về một mình, chẳng may phong võ bất kỳ, biết lấy chi điều độ, có hai tôi ủng hộ, anh ở lại nghỉ ngơi, để mặc tớ buông khơi, trương buồm loan chỉ dặm.”

Ó chiếp cười rồi bẩm, lời mẹ biện rất hay, người đời hai chữ rủi may, khó biết phải tai hay họa.

“E lúc gió day cây ngã, sợ cơn đàng sá thình lình, thà để tôi theo dõi lộ trình, ơn cứu tử hườn sinh cho trọn, mựa đừng ngăn đón, khuyên chớ dần dà; sẵn cơm tiền con để lại nhà, mẹ chịu khó chừng đôi ba mươi bữa.”

Nói rồi sắm sửa, buồm lái buông khơi, ra đi vừa khuất bóng trời, biển lặng sóng êm biết mấy. Bỗng đà ngó thấy, làng Phước Lộc thôn, thuyền ghé lại bên cồn, kéo nhau theo đàng bộ.

Canh hai trăng vừa lố, bóng hằng nga rọi mặt Nguyệt Ba: “Cha chả là xa, bấy lâu nay chưa bước khỏi nhà, trời đất ôi! Nay mà xông lướt đàng xa quá ngán. Lâm bồn chưa mấy tháng, đạp tuyết sương e mạng nan tồn, con trẻ mới lọt lòng, ra hứng võ phong rất thảm. Xin ngừng dựa cội cây ngồi tạm, nghĩ chơn rồi ta sẽ lướt ngàn.”

Bỗng đâu có tiếng tiểu Thoàn, khát sửa khóc la đòi vú. Thị tùy mới ẵm lại Nguyệt Ba cho bú: “Nín nín đi con ôi! Khóc làm chi, chốn núi non vượn hú chim kêu; sau lưng voi tượng dập dìu, trước mặt cọp beo giỡn chạy. Trời dầu còn tưởng đoái, giúp mẹ con tôi lánh đặng khỏi vòng, con gặp cha, vợ đặng gặp chồng, nỗi oan khúc cáo nài công phủ. Xưa Tề phụ, tam niên bất vũ, nay Nguyệt Ba trời phụ chẳng thương; ngư tủy dầu đắc hiệp nhứt trường, cho trọn nghĩa tào khương phụ tử.”

Than rồi, hai mắt đượm nhuần, kêu thị tùy lại bồng con, gắng gượng noi theo dấu thỏ. Đi tới nửa đêm, đến Suối Đá, vào trại nghỉ đậu; vào tới nơi thấy tối thui, không ai lên tiếng. Hồ và Đạo mới kêu Đạo Y, lúc ấy Đạo Y đang ngủ, nghe kêu lồm cồm ngồi dậy, ba anh em mừng rỡ cùng nhau. Hồ mới nói có Nguyệt Ba theo chơn; Đạo Y bước ra làm lễ.

Nguyệt Ba mới hỏi: “Ngươi là nười chi mà đi theo Hồ, Đạo, ơn nặng đáng ngàn vàng.”

Đạo Y mới thưa rằng: “Ở với cô hai Phước gái Đậu Kiến Đước. Nhơn vì chú mượn chủ tôi qua coi giùm nhà, nên có tôi theo dõi. Lúc có tin co đến, cô tôi lật đật hối đi, tôi thật cũng hết lòng, mà rủi nửa đường lâm bịnh.”

Ó hỏi: “Vậy chớ thợ đi đâu hết, mà bỏ trại không, sao cậu dám ngủ một mình, tôi khá khen cho đó.”

Đạo Y nói: “Thợ kéo về mua gạo, nên tôi phải ở một mình, tôi cũng là sợ thất kinh, nhưng mà bỏ đi đâu. Phải ở lại đợi tin huynh trưởng.”

Nói rồi xúm nhau lo chỗ cho Nguyệt Ba ngủ, còn bao nhiêu nằm chung quanh lại đó nghỉ lưng. ó nghĩ :”Đêm hôm giữa rừng, nếu mình ngủ, quân nầy làm bậy chớ phải chơi”; nghĩ như vậy nên không ngủ, nằm thao thức một mình, còn Nguyệt Ba với thị tùy chơn mỏi giấc mê như vụ.

Đạo Y nằm nghe ngáy ngỡ là ai nấy ngủ mê, mới kêu Hồ, Đạo dậy luận bàn, ra tay làm điều dữ. Hồ, Đạo mới nói nhỏ rằng: “Phải không có anh Ó theo thì dễ, có ảnh theo cũng khó ra tay, nếu ở đây mà không làm, chờ lúc nào cho đặng. Vậy thì ba đứa mình xúm lại, giết anh Ó trước đi, ảnh mà chết rồi, còn một mình Nguyệt ba với thị tùy, dễ như lấy đồ trong túi.”

Đạo Y nghe nói gặt đầu và đáp rằng: “Tao có sắm cây để sẵn, vậy thì mỗi đứa ra xách một cây, hễ tao hô lên bây cứ việc làm, đừng nhượng tay không được.” Nói rồi kéo nhau ra đi lấy cây.

Ó nằm thao thức nghe luận bàn như vậy chúm chím cười mà nói thầm rằng: “Ba thằng nầy tận số, nó mới sanh kế hại anh hùng, vậy thì tiên hạ thủ vi cường, để chi nước đến trôn mà nhảy.” Xét rồi bèn sụt xuống ván sạp, núp bóng đợi Đạo Y.

Đạo Y và Hồ Đạo lấy cây rồi, quyết vô làm quấy. Chẳng dè mới bước vô, Ó nạt mà rằng: “Có Ó đợi đây, chẳng chờ bây kêu dậy.”

Nói dứt tiếng đá Đạo Y một cái, té nhào xuống đất chết tươi, Hồ Đạo mới đưa cây, quyết đập Ó một cây cho chết. Ó lẹ chơn tránh khỏi, nhảy lại bắt lão Hồ, thoi một thoi Hồ đã ô hô. Đạo thấy vậy lạy dài xin dung mạng.

Ó mới nói: “Dầu mầy không lạy, tao cũng chẳng giết mầy, để mầy nói chuyện nghe chơi, giết hết lấy ai mà khai khống.”

Nguyệt Ba nghe lụi đụi, ngỡ ác thú hoành hành, chừng thấy rõ thất thanh: “Cha chả, Anh làm chi tệ vậy? Lẽ nào anh không thấy, cực khổ hãy còn dài, anh gây thêm việc họa sự tai, như vậy biết ngày nào mà dứt. Mau mau đi cho khuất, nếu ở đây lửa ắt cháy mày, xin anh xông lướt ngàn mai, bằng mà chậm trễ, mắc phải ba tai khó gỡ.”

Ó nói: “Khuyên muội nương đừng sợ, cơn buồn có thuở vui, nếu mà tôi không nghe đặng rõ đầu đuôi, huynh đệ còn chi mà kể; sanh việc nầy mới dễ, mình đoán nỗi oan xưa, họa tới sau ai biết mà ngừa, chớ như vầy đây, quả đại phước mà em chưa soi thấu.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.