[Việt Nam] Bánh Xe Khứ Quốc

Chương 4 : Từ nhà ngục đến nhà Vàng




Hai tiếng “tử tù” thốt ra từ miệng Quận Đĩnh bất giác làm cho thiếu phụ rùng mình. Nàng hình dung nó là một chén thuốc độc hay ba vuông lụa mỏng đã kết liễu biết bao cuộc đời lỗi lạc, trong những buồng ngục ẩm thấp ở Bắc Hà.

Nàng không sợ chết, nếu cái chết chỉ là món quà để tặng riêng nàng. Vì, chết đối với nàng là trút bỏ tất cả những nỗi đau khổ âm thầm, là sang một thế giới vô hình để sum họp với người, vì Tiên Dung Quận chúa xấu số đã nhường cho nàng được nâng khăn sửa túi.

Nhưng nàng vẫn hết sức lẩn trốn cái chết không phải vì nàng mà vì ba đứa trẻ - ba khối thịt trong là máu nàng hòa lẫn với máu của Thái tử Duy Vĩ.

Thiếu phụ mà các Ngài đã nhận ra là Lê Hoàng phi, vợ Thái tử Duy Vĩ – lợi dụng lúc bầu trời u ám, dắt theo ba con lên Sơn Tây, định gửi gấp cho một người thân. Nhưng không may, mẹ con Hoàng phi bị Quận Dĩnh đuổi bắt được ở dọc đường.

Bắt, tức là chết.

Cái ý nghĩ Thái tử sẽ bị tuyệt tự, đối với Hoàng phi đã là một mối đau khổ vô cùng. Nhưng còn có điều đau khổ hơn nữa, điều đó làm cho Hoàng phi đứt từng khúc ruột là chẳng chóng thì chầy người ta sẽ mang ba đứa trẻ ra hành hình. Hoàng phi sẽ phải chứng kiến cho bọn ngục tốt rằn ba đứa trẻ ra mà đổ thuốc độc vào miệng chúng, cũng như người ta đã từng ép đổ cho những tội nhân không đủ can đảm nâng lấy chén thuốc độc để tự kết liễu đời mình.

Ba đứa trẻ sẽ khóc và giẫy giụa, nhưng cái thân hình yếu ớt của chúng không khi nào chống nổi được những cánh tay vạm vỡ của bọn ngục tốt đã thông thạo về nghề này.

Thuốc độc sẽ ngấm vào phủ tạng của ba đứa trẻ.

Da chúng tái dần đi.

Các khiếu của chúng ứa máu tươi ra.

Chúng quằn quại nhưng những con rắn bị thương.

Mắt chúng trợn ngược lên.

Chúng tắt nghỉ.

Nghĩ đến đây Hoàng phi không còn đủ can đảm để tự kiềm chế nữa. Bà hét lên một tiếng, rồi ngất đi. Đứa bé nhất trong ba đứa trẻ giật mình, cũng òa lên khóc. Hai đứa lớn thấy mẹ nó nằm trơ ra như khúc gỗ thì sợ hãi, kêu cứu rầm lên. Bọn ngục tốt vội chạy vào, kẻ giựt tóc mai, người đổ nước gừng. Hồi lâu, Hoàng phi tỉnh lại, nhưng từ đó, mỗi lần nhà ngục có tiếng động lại làm cho Hoàng phi sợ đến thất thần, tưởng lầm là người ta đã đến đưa con bà vào cõi chết.

Sự sợ hai, khi đã không đủ sức mạnh để giết những người mà nó hành hạ, thường lại bắt thói quen với những người ấy mà tặng cho họ một đức tính mới là khinh sống hoặc cũng gọi là liều.

Lê Hoàng phi, vì liều nên ao ước được chết một cách chóng vánh để khỏi phải chịu cái sống đầy ải ở ngục thất là một lối chết thong thả và âm thầm.

Ba con trai của Hoàng phi – Lê Duy Khiêm, Lê Duy Tự[6] và Lê Duy Chỉ - kết tinh bằng những giọt máu tôn quý nhất trong nước, cũng phải chia với mẹ chúng một số phận hẩm hiu. Nhất là Duy Khiêm, đứa trẻ đã có đôi chút trí khôn thì ngoài cái đau khổ về bản thân mình, lại càng đau khổ hơn nữa, khi thấy mẹ nó rầu rĩ suốt ngày, vì thương chồng chết oan uổng, và thương con sống đầy đọa.

Tuy nhiên, thời gian vẫn giúp cho ba đứa trẻ khôn lớn. Nhưng trong lúc ở bên ngoài, không biết bao nhiêu đứa trẻ khác gọi là hèn kém, được học hành và chạy nhảy tự do trong bầu không khí rộng rãi là của chung muôn vật thì ba đứa cháu nội của một ông Vua đương trị vì – Vua Cảnh Hưng – phải ngồi co ro bên cạnh mẹ nó, trong một gian buồng chật hẹp và thở hút những mùi hôi hám và ẩm ướt từ những cánh cửa và cột gỗ mục nát bốc ra.

Chúng không được trông thấy gì khác là những xiềng xích hoen rỉ và bộ mặt hốc hác của các tội nhân.

Chúng không được nghe gì khác là những tiếng kêu não ruột của những con dế cô quạnh ẩn trong chân tường.

Hàng ngày, người ta nhồi nhét cho chúng vài nắm cơm mà vôi với đá sỏi vẫn chiếm số nhiều hơn là gạo nguyên chất của nhà trời.

Thế giới của chúng là nhà ngục.

Nhãn giới của chúng không bao giờ được ra khỏi cái phạm vi chật hẹp ấy.

Khi có ánh mặt trời xuyên qua khe cửa mà chiếu vào tận chúng thì chúng biết là ngày.

Khi buồng ngục bỗng tối sầm lại thì chúng bảo là đêm.

Chúng không biết có tháng năm.

Chỉ khi nào – khi ấy cách xa nhau lắm – phía ngoài có tiếng pháo nổ rồn rã thì mẹ chúng lại nhắc cho chúng biết rằng đời chúng đã tăng lên một tuổi rồi.

Từ khi chúng bị giam, thấm thoắt đã mười lần pháo nổ, nghĩa là đã mười năm. Duy Khiêm đã gần đến tuổi trưởng thành; chàng mười bảy, Duy Tự, mười năm; Duy Chỉ, mười ba.

Lê Hoàng phi chú ý nhìn ba con, thấy chúng càng lớn, diện mạo càng tuấn tú, khác hẳn mọi người, bất giác thở dài. Bà nghĩ đến những đứa trẻ rạng rũa như thế, nếu được ra khỏi nhà ngục thì dù không được theo dòng máu của cha chúng mà lên ngôi hoàng đế chăng nữa thì chúng cũng có thể tự làm được đến công hầu.

Nhưng ngày ra khỏi ngục là ngày nào?

Hoàng phi chờ nó đã mười năm.

Bà tin rằng sẽ phải chờ nó mười, hai mươi năm nữa và có lẽ suốt đời.

Tóm lại, ngày ấy sẽ không bao giờ đến.

Bà ôm mặt khóc, theo lệ thường, ba con trai xúm lại khuyên giải mẹ chúng và tặng cho bà một thang thuốc hồi sinh là hy vọng vào tương lai.

Nhưng điều chúng mong mỏi, lần này đến thật.

Vì phía ngoài, chợt có tiếng ồn ào, tiếp đập phá cửa ngục dữ dội. Tiếng đập phá vừa im thì có hàng trăm, nghìn người áo xanh, áo đỏ rất sặc sỡ đổ xô vào sân ngục, tản ra, đi lục lọi khắp mọi nơi.

Một người trong bọn họ tình cờ phá được cửa phòng của Lê Hoàng phi, hắn trông vào, thấy anh em Duy Khiêm thì lớn tiếng reo:

- Anh em ơi! Hoàng tôn đây rồi!

Cả bọn liền xô đến gian phòng này. Rồi người dắt hoàng phi, kẻ cõng Duy Khiêm, Duy Tự và Duy Chỉ. Họ tỏ ra vui mừng và hò reo như sấm động mà kéo thẳng vào Hoàng thành. Tới điện Vạn Thọ, anh em Duy Khiêm đã thấy ông nội mình là vua Lê Cảnh Hưng – một ông già mà mười năm cách biệt đã làm cho đầu hói và trán nhiều nếp nhăn thêm – đứng đón ở trước thềm.

Nhà Vua mừng rỡ vuốt ve cháu.

Tiếp, đến cả hoàng tộc quây quần lại hỏi han anh em Duy Khiêm.

Bức phông đời của ba cậu bé này, từ chỗ tối tăm của nhà nhục, chỉ trong chớp mắt đã đổi sang một nơi mà đồ trang sức đều là vàng, son, gấm, vóc.

__

[6] Có nơi chép là Duy Du.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.