Đánh giá: 5/10 từ 1499 lượt
Giữa hai con sông Hoài và Tứ có một giải đất hoang vu, hai bề dọc ngang tới hàng trăm dặm, cây cối san sát, làng xóm tiêu điều, trông giống như nơi trú ngụ của ma quỷ. Người Hán phương nam gọi nơi đây là “Biên hoang”, người Hồ phương bắc lại tặng cho nó cái tên “Âu thoát”. Tên gọi dù khác nhau nhưng đều khẳng định một điều rằng, mảnh đất này là nơi có một không hai trên đời. Đây là quê hương chôn rau cắt rốn của dân lành, cũng là miền đất hứa của những con người dám chấp nhận máu chảy đầu rơi, vô cùng hiểm nguy nhưng lại không ít cơ may vận hội. Nơi đây, kẻ vô danh có thể lập nên nghiệp lớn, anh hùng hào kiệt cũng có thể phơi thây. Hơn thế nữa đây còn là nơi lý tưởng để các cấp triều đình dùng làm chốn ngoại giao bí mật, đối với kẻ bị săn đuổi thì đây lại là chốn an nhàn lánh nạn. Khi thì Biên Hoang là nguồn đào hoa của thời loạn lạc, khi lại là địa ngục trần gian. Không một nơi nào đáng sợ hơn Biên Hoang, cũng không có chốn nào hấp dẫn đáng yêu hơn nó. Biên Hoang là chốn mà ông Trời tạo nên cho những ai có bản lĩnh, biết cách chấp nhận những quy định nghiệt ngã để sinh tồn.
Sự tồn tại lạ lùng này của Biên Hoang là nhờ lịch sử lâu đời và những xảo diệu của thời thế. Mối một trang sử nơi đây đều được viết lên bằng máu đào của giang hồ hào kiệt và nỗi khổ hạnh của bách tính trong vùng.
Kể từ khi nhà Hán suy tàn, anh hùng các nơi trỗi dậy, chiến tranh diễn ra triên miên, sản xuất thương nghiệp đình đốn khiến Biên Hoang trở thành hoang vu nghèo đói. Cái ác hoành hành làm cho mảnh đất này xương trắng chất chồng, ngàn dặm xa không một mảy lửa chiều khói sáng.
Thời Tam quốc, Tôn Ngô và Tào Ngụy đối đầu, chiến sự phần lớn nổ ra giữa sông Hoài và sông Tứ làm thành quách tan hoang, ruộng vườn xơ xác, nhân dân loạn lạc muôn phương, khắp vùng vườn không nhà trống, muôn dặm vắng bóng con người.Đến thời Tây Tấn, khi nhà Tư Mã thống nhất được thiên hạ thì cư dân nơi đây mới có được những ngày tháng yên ổn làm ăn. Nhưng những ngày tháng thanh bình chẳng được bao lâu, Trung Hoa liên tiếp xẩy ra biến cố “Bá vương chi loạn”, “Vĩnh Gia chi họa”, năm bộ tộc Hồ là Hung nô, Tiên Ti, Khương, Đế, Hạt nổi dậy chống lại nhà Tây Tấn làm nên một trong hai trận phong ba lớn nhất lịch sử, khiến cho vết thương ở mảnh đất này lại một lần nữa không thể liền da. Đến đời nhà Tấn thứ hai, Tấn triều buộc phải chạy tháo xuống phía nam làm thành cục diện nam bắc đối đầu. Vùng sông Hoài và sông Tứ vốn là nơi chịu nhiều tang tóc nặng nề, trở thành biên giới không thành văn của lưỡng triều Nam Bắc. Biên Hoang thành vùng đất nằm lọt giữa hai miền.Đó là tình thế của Biên Hoang hiện giờ.
Bình luận truyện