Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 20: Nhà mới




Hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, chim chóc đua nhau hót vang giai điệu chào bình minh, trong tiết trời mùa thu thanh bình và yên ả, mọi người khắp nơi nơi đang lục đục thức dậy bắt đầu một ngày mới. Riêng hai cha con ông Ba thì hoàn toàn ngược lại, họ cũng bắt đầu nhưng lại là bắt đầu tiến vào giấc ngủ, mộng đẹp chưa kịp xuất hiện đã bị anh phục vụ kêu cửa đánh thức.  

Trải qua một đêm sợ bóng sợ gió, vừa mới chợp mắt chưa được bao lâu đã phải ngồi dậy, nên hai cha con thập phần uể oải. Lục đà lục đục soạn sành đồ đạc, chậm rì rì đi vệ sinh cá nhân, mò mẫm còn lâu hơn cả rùa bò. Khoác được ba lô lên vai thì từng vệt nắng đầu tiên cũng đã nhảy múa tưng bừng khắp mọi nơi, người phục vụ hối thúc lần thứ en-nờ, thì hai người mới tay xách nách mang xuất hiện. Bỏ luôn cả bữa sáng đã được chuẩn bị sẵn, vì không có khẩu vị và tinh thần để ăn, hai người vừa ngáp vừa loạng choạng leo lên xe ngựa.  

Người điều khiển xe khá đô con, mặt mũi hiền lành, mặc dù mất nhiều thời gian ngồi chờ đợi, nhưng vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ và hỏi han sức khỏe hai cha con vô cùng ân cần. 

Khi ổn định chỗ ngồi, nhìn thấy một bọc đồ to để trong góc thùng xe, ông Ba thắc mắc hỏi: “Gì đây?” 

“Dạ! chú đánh xe ngựa nói chị Mạc Ánh gửi cho, con cũng không biết có gì trong đó.”

“Cô ta khách sáo quá!” 

Trên đường đi, lúc đầu hai cha con còn tò mò nhìn Đông ngó Tây, chỉ chỉ, trỏ trỏ, lạ lẫm ngó nghiêng, nhưng theo thời gian cứ bị xóc nảy liên tục, người khỏe mạnh đến đâu cũng sẽ bị ảnh hưởng, nói gì đến hai cha con đang khó ở trong người. Xe ngựa vừa chạy ra khỏi đường cái quan, hành trình đau khổ mới chính thức bắt đầu. Xe vừa lên đèo đã chạy luôn xuống dốc, gập ghềnh, mấp mô, vừa chạy trúng ổ gà đã phải tránh ổ voi. 

Thể trạng ông Ba và Ngọc Mai không bằng người dân nơi đây, từ nhỏ đến lớn cũng chưa từng ngồi dạng xe ngựa thế này bao giờ. Lắc lư qua lại liên tục, xương cốt hai người như muốn gãy thành đoạn, khổ nhất là ông Ba, đoạn đường này như muốn lấy mạng của ông, quả là cực hình. 

Xe ngựa lộc cà lộc cộc, chạy từ sáng sớm tinh mơ đến xế chiều vẫn chưa tới nơi, ăn qua loa bánh áp nồi được Bá An chuẩn bị, và uống nước trà cầm hơi. Mặc dù vẫn có những khoảng thời gian ngắn ngừng lại cho người và ngựa nghỉ ngơi, nhưng bấy nhiêu đó thời gian vẫn không đủ cho hai cha con thích ứng. Vạ vật ngồi không được nằm cũng không xong, cứ hỏi mãi người đánh xe ngựa đã đến chưa, hỏi miết hỏi miết cho dù người có tốt tính đến đâu cũng sẽ đổ quạu, rất may là đến đợt hỏi xém tròn một trăm trong ngày cuối cùng cũng đến nơi.

Hai người chân rung, tay mỏi lấy giày đang treo trên cọc sắt mang vào chân, dìu dắt nâng đỡ lẫn nhau lết xuống xe. Người đánh xe thấy mặt mũi hai cha con bơ phờ mệt mỏi, vội đỡ lấy từng túi đồ bên trong đem xuống giùm họ. Hai người không còn chú ý gì đến hình tượng, thật vất vả ôm một mớ đồ người đánh xe ngựa đưa, ngã ngồi luôn xuống đất, ông Ba thấy ngồi cũng không thấm thía gì mấy, bèn nằm luôn xuống nghỉ ngơi, không quên lấy cái nón trên đầu đem ôm trước ngực.  

Một đoàn hơn chục người đi chân đất đang đứng chờ trước xe ngựa, mắt tròn mắt dẹt há hốc miệng nhìn hai cha con. Mọi người quay qua quay lại nhìn lẫn nhau: đây là hai người mà Vương và trưởng tử tộc xem trọng! Cả đám người đứng lớ ngớ không biết nên đi hay ở, cứ ngượng nghịu đứng chờ ở đó.

Ngọc Mai nhìn thấy vẻ mặt mọi người ra chiều khó xử nhưng cũng đành chịu, mạng cô bây giờ mới vừa quay lại, chưa kịp lấy hơi được tí xíu nào, phải thở cái đã rồi tính. Ngọc Mai quơ tay lấy túi vải ngụy trang để vào trong lòng cho an tâm, duỗi thẳng hai chân, dạng hai tay chống sau lưng, ngửa đầu nhìn trời thở dốc, đón từng cơn gió mát dịu tạm quên đi mọi người.

Còn ông Ba thì thôi khỏi nói tới, ông mặc kệ sự đời. Ông mới vừa chết đi sống lại, còn đang ngáp ngáp đây. Ông có phải là khỉ làm xiếc đâu mà đứng bu đông nghẹt để xem như thế làm gì, ai mượn đâu! Cứ chờ đi, lịch sự gì tầm này nữa.

Mọi người thấy hai cha con không thèm để ý đến bọn họ, cũng không ngó ngàng gì đến xung quanh hay trước mặt. Chỉ nhắm mắt mặc kệ họ đứng như trời trồng, mọi người bối rối, tình cảnh bị ngó lơ như thế này chưa từng trải qua trong đời. Tất cả cùng quay nhìn về một người như hỏi xin ý kiến, người đó lắc lắc đầu thở cái khì, miễn cưỡng bước ra khỏi đám người, tiến lên chắp hai tay lại cố gắng bình tĩnh nói lớn:

“Xin chào, tôi tên Mạc Văn là tri Lộ ban thân sĩ, đang quản lý khu vực phía Đông này, hai người có chỗ nào không khỏe có thể nói, chúng tôi sẽ sắp xếp để hai cha con được thoải mái hơn là cứ nằm mãi chỗ này, cần giúp đỡ gì cứ việc lên tiếng.”

Ông Ba thều thào, đoàn người bu xung quanh nghe không rõ ông Ba thều thào cái gì, Mạc Văn đành cất bước tới ngồi chồm hỗm, chống hai tay xuống đất, chổng mông lên trời, ghé tai sát xuống để nghe xem ông Ba nói cái quỷ gì:

“Hai cha con tôi... chỉ cần nghỉ ngơi một lát... bớt đau nhức đã, đi xe ngựa không quen... đau bàn tọa quá!”

À! hóa ra là vậy, Mạc Văn xém bật cười. Đứng dậy ra hiệu mọi người giãn ra, không có gì đáng lo ngại, cứ để hai người nghỉ ngơi một lát theo yêu cầu. Trong đám người bắt đầu nổi lên những tiếng xì xầm, có lẫn tiếng cười khùng khục cố nén.

Dù gì cũng là người đến từ tương lai, được bồi dưỡng văn hóa đúc kết cả ngàn năm, Ngọc Mai không thể để hai cha con vứt hết mặt mũi được. Cảm thấy cơ thể đã bớt ê ẩm và không còn cảm giác chao nghiêng, cô mở ba lô cho túi vải ngụy trang vào rồi kéo khóa lại đeo lên vai. Ngọc Mai cố gắng nhấc người đứng lên, phủi bụi bặm qua loa, tự thôi miên bản thân: mình là cô gái thanh lịch. Nhắc đi nhắc lại vài lần, mới có dũng khí ngước nhìn về phía mọi người cười tủm tỉm, ra vẻ xấu hổ khoanh hai tay trước ngực cúi chào thật lễ phép, không để mọi người phải gật đầu trả lễ, cô bước đến chỗ Baba đỡ ông ngồi dậy. 

Cố hết sức bình sinh đã ăn không biết bao nhiêu tạ gạo trong hai mươi năm cuộc đời, kéo Baba đứng thẳng người dậy, nhặt ba lô ông đang vứt một bên khoác luôn lên vai của mình, giật cái nón ông đang ôm trong lòng như báu vật đội lên đầu cho Baba, sẵn tiện lấy tay phủi bớt bụi bặm trên người ông.

Xong xuôi thì đi gom lại hai cái túi lớn nhỏ, được vợ chồng Bá An vừa cho vừa tặng đang nằm ngổn ngang, túi lớn hơi nặng cũng không làm khó được Ngọc Mai, cô vừa kéo vừa lôi đem để túi lớn dưới chân ông Ba, bản thân thì ôm túi nhỏ đứng ngay ngắn kế bên. Mặt ông Ba như được gắn sẵn lập trình tự động nhoẻn miệng cười, thói quen được tôi luyện qua mấy chục năm khi tiếp xúc với đủ loại “thượng đế” tìm đến tiệm thuốc của ông.

Nhìn một loạt động tác lưu loát như nước chảy mây trôi. Mọi người mới một phút trước còn len lén cười cợt, một phút sau đã hoàn toàn câm nín. Cùng mở lớn mắt nhìn hai người đang đứng đàng hoàng thẳng tắp trước mặt, từ tác phong đến điệu bộ đã nói lên được thói quen và nề nếp sinh hoạt. Tuy quần áo vương chút bụi bặm, nét mặt vẫn còn mệt mỏi vì bôn ba, nhưng không còn tí gì vẻ nhếch nhác ban đầu. 

Trong mắt Mạc Văn lóe lên vài tia sáng, anh ta thong thả bước đến trước mặt hai cha con, chắp hai tay chào hỏi giới thiệu lại. 

Ông Ba đáp lễ, nhưng lại thầm ngạc nhiên trong lòng, lại là họ Mạc, đi đến đâu cũng có họ này xuất hiện, coi bộ nhiều dữ. Không biết có chung dòng họ với hai cha con Mạc Lâm hay không? Nếu chung dòng họ thì đỡ biết mấy. 

Đang suy tính ông Ba tinh ý phát hiện Mạc Văn giơ tay hướng ra phía sau, định giới thiệu gần chục người đang đứng đó, thấy vậy ông mất luôn kiên nhẫn làu bàu trong bụng: đang mệt mà đợi chú giới thiệu xong có mà đến khuya chắc. Nhưng ngoài mặt thì vẫn giả bộ tươi cười, không để Mạc Văn kịp nói gì, ông Ba giành lên tiếng trước: “Xin chào! thật hân hạnh cho hai cha con chúng tôi hôm nay được gặp mọi người.”

Rồi ra vẻ như đang mong đợi lắm, cất tiếng nói tiếp: "Phía trước là nhà cấp cho hai cha con tôi đúng không! Thật muốn tham quan ngay tức khắc, cùng tôi vừa đi vào vừa nói tiếp nhé."

Mạc Văn nghe vậy đành bỏ qua màn giới thiệu chào hỏi, vội di chuyển lên phía trước dẫn đường. Ông Ba cuối người ôm túi đồ dưới chân cùng mọi người bắt đầu lục đục theo sau.

Căn nhà ba gian được xây trên thềm, chỉ một bậc lên xuống, nền nhà được lát gạch vuông, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, mái lợp ngói, phía trước sân là hàng rào dựng bằng tre xinh xắn bao xung quanh, khoảng sân không rộng lắm, bốn bề thiên nhiên lộng gió, đứng trước sân ông Ba có thể trông thấy một vài ngôi nhà nằm rải rác xung quanh, xen kẽ là những luống rau nho nhỏ xanh mướt, cảnh vật thật thanh bình và giản dị.

Mạc Văn và hai cha con ông Ba cùng bước vào nhà, mọi người còn lại thì đứng chờ bên ngoài, Mạc Văn lên tiếng giới thiệu: “Đây là ngôi nhà nhỏ ba gian, mới được xây cách đây vài năm, hiện cả gia đình đã ra Phủ định cư để tiện buôn bán, trưởng tử tộc mua lại đăng ký thành tên của anh Ba đây, để đền bù tổn thất không mong muốn đã xảy ra. Hai cha con xem thử nếu không ưng ý, trưởng tử tộc sẽ tìm nơi khác cho hai người định cư. Hai người thấy sao? Cứ nói đừng ngại!”

Nhìn người đàn ông lưng hùm vai gấu tên Mạc Văn trước mặt, ông Ba câm nín, muốn đòi hỏi cũng không dám ý kiến ý cò, thật dọa người quá mà! 

Mạc Văn thấy hai cha con không có ý kiến gì bèn lên tiếng tiếp: “Khu vực này là trung tâm của Lộ rất gần chợ, giao thông chủ yếu là chèo thuyền hoặc đi xe kéo. Từ nơi đây nếu đi xe ngựa chừng nửa ngày đường sẽ đến Châu, nếu chèo thuyền thì mất một ngày. Còn muốn đi đến Trại thì thời gian gấp đôi."

Mạc Văn chỉ vào bao đồ đang được để trên cái chõng tre: "Đây là một ít vật dụng thiết yếu hằng ngày cần thiết cho hai cha con, mỗi tháng đến hôm trăng tròn chúng tôi sẽ cung cấp thêm, còn ba bữa ăn mỗi ngày tạm thời sẽ có người phụ trách đem đến, nên hai cha con không cần bận tâm đồ ăn thức uống. Còn đồ đạc dùng cho sinh hoạt, đã được sắp xếp hầu như đầy đủ, nếu cần thêm đồ gì cứ lên tiếng, chúng tôi ở xung quanh đây, đi bộ vài bước chân là tới.”

Thấy mọi thứ tạm ổn, ông Ba bắt đầu nhập vai làm người đứng đắn lịch sự, bèn chắp hai tay lên tiếng: “Từ lúc hai cha con trôi dạt đến đây, tứ cố vô thân*, cũng may nhờ được trưởng tử tộc quan tâm và mọi người giúp đỡ, làm phiền mọi người rất nhiều rồi. Cám ơn đã chiếu cố.”

Sau khi biết được những người đi cùng Mạc Văn đều là những thân sĩ, giỏi nhất bắt đầu từ cấp một xuống thấp dần đến cấp mười, đang phụ giúp Mạc Văn quản lý khu vực hướng Đông này, ông Ba chắp tay chào hỏi từng người rất niềm nở, hẹn mọi người thường xuyên qua lại giao lưu, còn hứa sẽ kể cho họ nghe những chuyện thú vị nơi ông từng sống.

Ngọc Mai đứng phía sau chỉ biết giơ ngón tay cái tặng cho ông Ba ở trong lòng, càng ngày cô càng thấy Baba có tiềm năng và tố chất làm người xun xoe bợ đỡ, cô hiểu ông quá mà.

Nhìn trời cũng đã sập tối, Mạc Văn không muốn nấn ná thêm, anh lên tiếng cáo từ ra về, để hai người có thêm thời gian hồi phục lại sức khỏe:

"Hai cha con cứ nghỉ ngơi, đồ ăn tối chút nữa sẽ có người mang đến. Sáng ngày mai tôi sẽ lại đến, dẫn anh Ba đi tham quan và làm quen nơi này. Chúng tôi ở xung quanh đây, cần giúp đỡ gì cứ đến tìm đừng ngại."

Nói xong Mạc Văn và mọi người cùng kéo nhau đi về, ông Ba đi theo tiễn bước mọi người ra cổng.

*Tứ cố vô thân: Nghĩa đen là ngoái nhìn bốn phía không có người thân. Nghĩa bóng là đơn độc, không có ai là người thân thích. Nguồn: vi.wiktionary.org


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.