Xin Chào, Ngày Xưa Ấy

Quyển 7 - Chương 21: Lời cuối sách




Thật ra câu chuyện này bắt nguồn từ người bạn tốt học ở Học viện hí kịch trung ương (có thể xem là hình tượng Ôn Miểu ngoài đời thật) nhờ tôi viết một kịch bản ngắn.

Người bạn kia là bạn học thời cấp hai của tôi. Cậu ấy là người có giấc mơ, vì thi vào hệ đạo diễn mà học đi học lại không biết bao lần. Khi đó tôi đã ở trong trường đại học rồi. Lúc cậu ấy đến Bắc Kinh để tham gia cuộc thi, chúng tôi hẹn nhau gặp mặt, tôi rất vui khi gặp lại cậu ấy, cậu ấy không lo lắng sợ hãi hay bất mãn như tôi nghĩ, đây là lần thứ hai cậu ấy học lại nhưng lúc nói chuyện luôn nói về tương lai, cậu ấy luôn tự tin như vậy, không chút oán giận hay do dự nào cả.

Sau với sinh viên sau khi vào đại học bắt đầu chơi game, viết tiểu thuyết vô dụng (như tôi chẳng hạn….), đôi mắt của cậu ấy sáng sủa hơn nhiều.

Nói chuyện với nhau.

Bài tập năm nhất của cậu ấy là làm một bộ phim ngắn năm phút, quay không tốt lắm. Lúc đó tôi đang đi trao đổi sinh bên Nhật, chúng tôi nhắn tin qua mạng, cậu ấy hỏi tôi có thể viết cho cậu ấy một kịch bản ngắn được không.

Không chủ đề, tùy ý phát huy.

Cái gọi không hạn chế thật ra là kiểu hạn chế lớn nhất. Tôi ngồi trong phòng trọ nghĩ rất lâu, đầu trống rỗng luôn. Lúc ngẩng đầu thì thấy poster của Rain của cô bạn cùng phòng (cô bạn là người Mỹ nhưng lại thích xem phim Hàn và Đài Loan, chả hiểu sao), nhớ tới bộ dạng mê trai đẹp của cô bạn, tôi bật cười.

Sau đó não bắt đầu vận chuyển, tôi chìm đắm trong tuổi thơ mê gái của mình không cách nào thoát nổi.

Nhớ đến năm lớp bốn lớp năm, các bạn trong lớp bắt đầu dậy thì, những lời đồn như ‘Trương Tam thích Lý Tứ, Lý Tứ thích Vương Ngũ’ làm mọi người không yên, sau đó truyền nhau không biết mệt. Lúc đó tôi giả vờ làm lớp trưởng nghiêm túc, cho rằng mình nên vì tập thể mà làm việc – bạn biết đấy, đây là loại ‘người lớn nhỏ’ được giáo viên yêu thích, cực kì ấu trĩ lại rất ngây thơ. Nhưng dù thế vẫn bị một đám bạn học nữ chặn ở góc tường, lúc đó tôi còn nắm khăn lau bảng trong tay, đối mặt với mấy ánh mắt nghiêm hình ‘mau nói đi, cậu thích ai’ tra tấn, tôi chẳng biết làm sao.

Mỗi khi nhớ lại hình ảnh đó, tôi thấy máu huyết chảy ngược, mặt đỏ bừng.

Sau đó đành phải nói thật dù biết có thể sẽ bị mọi người phỉ nhổ.

“Tuxedo mặt nạ.”

Nam chính trong bộ phim hoạt hình Sailor Moon, mặc đồ lễ phục màu đen, mang mặt nạ trắng.

Cho dù giờ nhắm mắt lại vẫn có thể thấy được vẻ mặt như nuốt phải con ruồi của hội chị em – không phải lỗi của Tuxedo mặt nạ, chỉ là không ai biết tôi thật sự thích một người giả trong phim hoạt hình nhỉ? Dùng lời của bạn bè nói, một đứa hai đứa đều chỉ là hình ảnh trong tranh, cậu bị dở hơi à?

Có lẽ là vậy đó.

Quá trình trưởng thành có khi rất cô đơn, tôi xem nhân vật anh hùng (hoặc mỹ nhân) trong phim hoạt hình, tiểu thuyết, phim ảnh, cùng với những đàn anh đàn chị khóa trên ưu tú ngoài đời thật, đó đều là đối tượng của tôi hết. Những người đó có những oan ức nhỏ không cách nào xóa được, có sự đau đớn và tức giận không thể thoát được, có chút vinh quang bé nhỏ, những điều đấy đều được sáng tỏ trong thế giới ảo tưởng, nghĩ ngợi rất nhiều. Cho dù bây giờ quay đầu lại, những chuyện nhỏ nhưng lại tưởng lớn năm đó, trời ạ, thật sự quá nhỏ, ánh mắt lúc đó quá hẹp, cho nên cứ cho rằng hạt vừng lớn bừ bự.

“Sự kiện Tuxedo Mặt Nạ” là kinh nghiệm để tôi luôn mang theo suy nghĩ “Chỉ có tôi luôn đạo đức như vậy”, xuyên suốt khoảng thời gian thơ ấu, thời kì trưởng thành, thậm chí bây giờ tôi thỉnh thoảng vẫn trúng bệnh vọng tưởng, có thể chỉ mỗi tôi biết cái ‘bệnh tâm thần’ này của mình thôi. (Lời editor: Giờ thì cả thế giới đều biết nhé:”>)

…. Tôi lại lạc đề rồi….

Nói chung, tôi thoát khỏi ảo tưởng, ngồi lên bàn đánh chữ, kịch bản ngắn đơn giản được thành hình. Kịch bản chỉ khoảng ba trang word.

Tờ thứ nhất, cô gái nhỏ quấn chăn, vỏ gối trong phòng nhỏ để đóng vai nhân vật trong phim, cô bé là minh chủ võ lâm bị người ác làm hại (đương nhiên cô bé cũng tự đóng vai ác luôn….), ngã vào vũng máu, phun một ngụm máu (nước nóng), sau đó ngã lên giường, cánh tay buông thõng, khoát lên mép giường, còn mô phỏng cảnh quay chậm trong phim, chậm rãi đóng hai lần (ORZ)…. Sau đó bị mẹ túm lỗ tai kéo đi tắm.

Tờ thứ hai, cô bé lớn lên mặc áo sơmi trắng, bận rộn làm việc trong căn phòng vuông nhỏ, bị đồng nghiệp đâm dao sau lưng, bị sếp mắng….

Tờ thứ ba, cô bé mệt mỏi trở về phòng trọ vào nửa đêm, ngồi đờ ra một hồi, đột nhiên phát rồ đóng vai như hồi bé, mặt đại ma vương thành mặt sếp và đồng nghiệp đâm dao sau lưng. Dùng một đao chém, sếp ngã xuống, cô bé nhận lễ của cả thế giới – hình ảnh ảo tưởng tan thành mây khói, cô bé nằm khóc trên bàn.

Câu chuyện kết thúc.

Bây giờ nghĩ lại, kịch bản có vẻ rất ngốc. Các bạn diễn không thấy rõ (và không tiếp xúc với tiểu thuyết) – cậu bạn tôi hỏi, “Cô bé kia đang làm cái gì thế?”

Đúng thế, cô bé ấy đang làm cái gì? Bạn chưa từng làm vậy nên không hiểu được.

Giống như các chị em trong hội không ai hiểu tại sao tôi thích Tuxedo Mặt Nạ.

Tuy rằng anh ấy chỉ là một trong đám ‘người đàn ông’ của tôi….

Cuối cùng kịch bản kia không quay.

Tôi vẫn không quên. Mãi cho đến khi nhận đọc được topic, chủ topic hỏi, khi bé mọi người có đóng vai Bạch nương tử không?

Đó là lần đầu tôi có khao khát tìm được đồng loại. Tôi phát hiện tôi đã lớn rồi, không còn xấu hổ vì mọi thứ như hồi bé nữa, đã biết hoài niệm rồi – cho nên quyết định, viết bộ truyện này.

Ban đầu câu chuyện tên là [Báo cáo ca bệnh của Marry Sue], lúc xuất bản lại có độc giả chướng mắt hai chữ ‘ca bệnh’ rồi không hiểu nghĩa ‘Marry Sue’ nên đổi tên, “Xin chào, ngày xưa ấy”.

Thật ra tôi vẫn thích tên cũ hơn. Marry Sue này là một danh từ, dù là một cái tên mang đầy tiếng xấu nhưng lại khái quát trạng thái tuổi thơ của tôi.

Bạn cho rằng bạn là nữ chính, bạn sẽ không bị mai một, bạn lóng lánh nhất. Oan ức chỉ là tạm thời, sẽ được giải oan, tuyệt cảnh chỉ là nền để bạn có thể mạnh mẽ hơn, thậm chí dù nhảy núi cũng sẽ không chết, bạn có thể kiếm được bí tịch nơi vách núi mà nhiều người hâm mộ….

Đương nhiên, đối với nhiều cô gái, còn có một nhân tố quan trọng — những anh chàng đẹp trai, tài giỏi đều thích bạn.

Bạn không đẹp, không xuất sắc, không tài hoa, không gia thế – đừng lo, trong thế giới của bạn, tình yêu không cần lý do.

Có lẽ bệnh vọng tưởng Marry Sue là một loại bệnh. Có người khi gặp hiện thực thì hết bệnh, lớn lên, thành thục, lý trí, nhưng không cẩn thận lại phát bệnh lại.

Ví dụ như tôi nè. Đi trên đường luôn nghĩ bậy, rất nhiều cảnh tượng não tàn, tôi không dám viết vào trong lời cuối sách này luôn.

Nhưng có một số thời khắc, ở sân trường nhìn thấy những đứa nhóc vừa đi vừa cười khúc khích nói gì đấy như tôi, lúc đó, tôi nghĩ tôi biết họ nghĩ cái gì.

Từ bé tôi đã biết rồi.

Tôi vui vẻ với quyết định ấm đầu này. Sau đó có một độc giả ID là ‘Lộ Nhân Giáp’ nói với tôi là “Bát Nguyệt, thừa dịp còn trẻ, còn nhớ được nhiều thứ, viết nhiều một chút – sau này bạn sẽ không còn nhiều sức lực để nhớ lại, những hồi ức và cảm nhận sẽ bị thời gian ăn mòn hết tất cả.”

Nếu đã không thể tránh khỏi sự cướp bóc của thời gian, tôi chỉ có thể viết lại một ít kí ức vẫn còn mới trong đầu.

Những người đó, những chuyện đấy, còn cả những tâm tình của bản thân tôi đều được viết lại trong quyển sách này.

Thật ra khuyết điểm của quyển tiểu thuyết này rất rõ ràng. Thân thế của Dư Châu Châu thật sự rất máu chó, lại gặp được Lâm Dương tốt đẹp quá mức, trải qua những cuộc gặp gỡ và chia tay quá mức tiểu thuyết. Nếu như nó có thể hiện thực một chút – ngày khai giảng đầu Lâm Dương không nhớ được Dư Châu Châu mà cậu gặp ở vườn trẻ, Bôn Bôn sẽ từ từ biến mất khỏi kí ức Dư Châu Châu, không nhớ được, không thể gặp lại….

Nhưng nếu viết lại, tôi vẫn sẽ kiên trì viết lại những việc ‘biết rõ không thể’ này. Như Dư Châu Châu từng nói, “Cuộc sống vốn không trọn vẹn, câu chuyện không cần quá thảm hại.” Cứ như là ký ức, lúc đó chua xót, chỉ cần vượt qua những thứ đó, khi nhớ lại, luôn có thể làm chúng ta cảm nhận được chút ngọt ngào. Đó là bản năng của chúng ta, để chúng ta tin rằng điều tốt đẹp nhiều hơn điều xấu xí, hi vọng nhiều hơn tuyệt vọng, cho nên mới có lý do để bước tiếp mà không dừng lại.

Thành phần hư cấu trong truyện có rất nhiều, nhưng mọi thứ đều được viết trên nền tảng cơ sở tôi biết rõ. Mỗi khi viết tới đâu, tối đều đưa mình vào năm đấy, đào móc những hồi ức năm đó, xem tôi lúc đó đang nghĩ cái gì.

Nhớ đến những món ăn vặt giá rẻ năm đó, nhưng miêu tả lại cảm nhận thỏa mãn năm đó lại rất khó – đặc biệt là khi chúng ta ngày càng không thấy đủ, ngày càng soi mói hiện tại. Ở ngoài thì thấy tôi nhớ lại nhiều câu chuyện năm đó, thật ra, tôi dùng những câu chuyện đó, những con người đó để kéo lại những tình cảm và kí ức ngày càng yếu đi trong tôi.

Tôi năm đó, tại sao vui vẻ, tại sao đau buồn?

Chúng ta năm đó, sẽ tính toán chi li cái gì, sẽ vui vẻ vì cái gì, tại sao lại ăn ngủ không ngon?

Tôi cho rằng, những vấn đề này còn hiếm hơn việc nhớ kỹ snack năm đó đã ăn, nhãn hiệu những thứ đã dùng năm đấy.

Tôi muốn cảm ơn [Báo cáo ca bệnh Marry Sue], lúc gõ mỗi chữ của quyển này, tôi có thể nhớ lại chút ánh sáng đã mốc meo năm xưa, phơi chúng ngoài ánh mặt trời, để chúng trở nên khô mát, ấm áp như trước.

Tôi nhớ lúc tôi cầm ít tiền tiêu vặt đứng ở quầy ăn vặt suy nghĩ nên mua kẹo mùi đào hay kẹo mùi ô mai, cảm giác vui vẻ và đau khổ đó đan xen rất thú vị.

Tôi nhớ đến lúc tôi chạy tiếp sức hồi tiểu học, bởi vì lo lắng nên chạy trước khi trọng tài kêu bắt đầu, làm hại chủ nhiệm phải cầm gậy chạy theo tôi khi cô đang mang đôi guốc.

Tôi nhớ đến năm lớp sáu khi vụ thi Olympic được thủ tiêu, tôi và mấy cô bạn đã nhảy dựng hoan hô, ôm chầm lấy nhau ở sân trường.

Tôi nhớ đến năm lớp bảy, cậu bạn đẹp trai lớp bên chặn đường bảo ‘Tớ thích cậu’ với tôi, tôi ở trước mặt mọi người bảo ‘Chúng ta còn nhỏ, cần phải học!’ – rồi chạy đến chỗ vắng, mặt tôi đầy sự vui vẻ, nhảy nhót mấy cái đến mức ngã bậc thang, còn bị trật chân.

Tôi nhớ đến năm 12, do bị áp lực giữa việc yêu đương và học hành (….) mà trở nên khó chịu, lúc đi bộ ở tầng cao nhất của khu hành chính, phát hiện rất nhiều hình vẽ trên vách tường trắng, tiếc là tôi không cầm bút theo, nên đành dùng móng tay khắc ‘X yêu XX nhưng không ai biết’ ở góc bí mật.

Sau đó, hè năm đại học tôi về trường, phát hiện bức tường đó được quét vôi lại, tất cả những lời nói thật lòng đều bị thời gian che khuất, trở thành trống rỗng.

Nó đều biến mất không còn dấu vết.

Tháng 7 năm 2010 tôi tốt nghiệp. Nếu như đưa câu chuyện của tôi dựa vào kịch bản ngắn kia, tôi nghĩ tôi đã trải qua hết tờ giấy thứ nhất, bây giờ tôi đang ở tờ giấy thứ hai – bị đồng nghiệp hãm hại, bị sếp mắng, làm việc ở không gian náo nhiệt, cố gắng hết sức vì xe và nhà. Tuy rằng tự nói với bản thân phải kiên trì với giấc mơ ban đầu, nhưng kết quả thế nào thì chẳng ai biết cả.

Tôi không biết nếu tôi có tờ thứ ba, tôi có khóc vì lần cuối làm ‘Marry Sue’ không nữa.

Tôi hi vọng tôi không biết.

Có một câu tôi rất thích.

“Sau này tôi phải làm người mẹ tốt, đem tất cả những tình yêu và tôn trọng tôi chưa từng có cho đứa bé đó.”

Tôi làm một người mẹ vạn năng một lần, cho Dư Châu Châu những gì tôi mất và ao ước, kể cả một kết cục hoàn hảo đầy hi vọng. Không biết đây có phải là một kiểu bù đắp không.

Nhưng đây không phải là tự truyện nhé, tôi không phải cô bé đó, chúng ta không phải cô bé đó.

Nhưng tôi chúc những người đọc quyển sách này sẽ nắm giữ những tình tiết như người bị chứng bệnh này.

Tôi chúc các bạn ‘Vạn sự thắng ý’.

Nói đúng hơn, tất cả đều tốt hơn suy nghĩ của các bạn một chút.

Một chút là đủ rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.