Xa Gần Cao Thấp

Chương 41: Đánh cờ dậy thì




Đánh cờ dậy thì

......

Đôi lúc Triệu Lan có cảm giác thất bại trong chuyện giáo dục con cái: Chỉ bằng một lời không vừa ý của cô đã khiến thời kỳ nổi loạn của Bạch Mão Sinh đúng hẹn mà đến, sau đó bỏ nhà đi vài ngày. Nhưng Vương Lê lại có thể dạy dỗ Mão Sinh tâm phục khẩu phục.

Theo chân sư phụ, Mão Sinh đến khắp các vùng Giang Nam, đi xem mọi buổi biểu diễn có thể tại Nhà hát Việt kịch nổi tiếng, đến cả các đoàn kịch dân gian ở Chiết Giang cũng không bỏ qua. Vương Lê nói, Mão Sinh, con đừng coi thường những đoàn kịch dân gian này, người ta cắm rễ hàng chục năm là do có thực lực. Hát không hay sẽ không có cơm ăn, hát hay thì thu nhập hàng tháng gấp nhiều lần những người trong biên chế hệ thống của chúng ta. Chỉ khi gánh được ngàn khối đá mới có thể sở hữu danh tiếng lâu dài.

Nhiều phong cách hát thuộc nhiều trường phái khác nhau khiến hai cô trò đều mê mẩn, đây là lần đầu tiên Mão Sinh nhận ra mình vẫn chỉ là ngọn cỏ xanh trong ngành này, tầm nhìn của cô được mở rộng, tâm tình cũng thoải mái hơn rất nhiều.

Thậm chí Vương Lê còn được nhiều người hâm mộ kịch ngoài thành phố nhận ra khi rời khỏi nhà hát, được mời đứng cùng đám đông chụp ảnh. Mão Sinh đứng sang một bên, có một người hâm mộ kịch hỏi có phải con gái của cô Vương không? Vương Lê nói phải, con bé cũng là học trò của tôi, một học sinh hát Sinh. Người nọ nói, vậy càng phải chụp ảnh, biết đâu sau này sẽ nổi tiếng, để họ lấy ảnh ra khoe với người khác.

Mão Sinh được khen mà đỏ mặt tía tai, Vương Lê cũng cười kéo cô đến bên cạnh: "Con để sư phụ khoe khoang trước nhé."

Thực ra Mão Sinh biết cô đang được xem trọng nhờ ánh hào quang của sư phụ.

Tan cuộc, hai cô trò đi ngang qua một quán ven đường, gọi một suất lẩu đầu cá vừa ăn vừa nói chuyện, Vương Lê giao bài tập cho Mão Sinh: "Con đã trốn học lâu như vậy, chắc hẳn tiến trình học trong trường cũng chậm lại ít nhiều. Việc đầu tiên sư phụ cần con làm khi về trường là đi xin lỗi thầy cô và nói rằng bản thân sẽ chăm chỉ học hát".

"Vâng, thầy cô bảo con thay đổi, con sẽ cố gắng học. Không thể cứ hát theo thói quen ngày xưa nữa, lần này con được chứng kiến các bạn nam bạn nữ ai cũng có đặc điểm riêng, con cũng muốn học nhiều hơn về thế mạnh của người ta." Mão Sinh khiêm tốn nói.

Sư phụ gắp thức ăn cho cô, trong mắt tràn đầy vui vẻ: "Con không như ếch ngồi đáy giếng là được."

Ăn đến mười một giờ tối, đèn chợ đêm sáng trưng cả một khoảng trời, tiếng uống rượu trò chuyện dần dần huyên náo, trong khung cảnh ồn ào náo động, Vương Lê bắt đầu đề cập đến vấn đề nhạy cảm của tuổi dậy thì với Mão Sinh: "Mẹ con luôn lo lắng về chuyện tình cảm của con. Sư phụ cũng biết, Mão Sinh, có lẽ con bẩm sinh đã thích con gái."

Đang bị món rượu Thiệu Hưng ở bàn bên cạnh hấp dẫn muốn thử, nghe sư phụ nói vậy, Mão Sinh há miệng, sau đó xấu hổ gật đầu: "Vâng."

Vương Lê thầm thở dài, hồi ở tuổi Mão Sinh, cô vẫn liên tục giày vò trong hoài nghi và đau khổ, rất lâu vẫn không dám đối mặt với câu hỏi trong lòng: Có phải mình thích con gái không?

"Được." Vương Lê khen ngợi, sau đó gọi chủ quán thêm một chai rượu Thiệu Hưng lâu đời, rót nửa chén cho Mão Sinh: "Thử xem?"

Mão Sinh lè lưỡi: "Mẹ con không cho uống, nói là phải bảo vệ cổ họng. Hơn nữa, sư phụ, con chưa phải là người lớn."

"Bây giờ mới nhớ lời mẹ dặn à? Thế lúc bỏ nhà ra đi thì sao?"

Mão Sinh cười xấu hổ: "Con muốn thử."

Vương Lê cũng tự rót cho mình một chén: "Sư phụ cũng có lần uống rượu với đồng nghiệp đến thăm khi mới vào đoàn kịch, sư phụ uống hết một chai rượu Ngũ Lương trong một bữa." Tửu lượng của cô làm sư phụ mình bị sốc, bị cảnh cáo đi cảnh cáo lại rằng sau này không được uống rượu.

"Đầu tiên là vì cổ họng và cơ thể, thứ hai là vì sự an toàn của bản thân. Bất luận là nam hay nữ, bất luận có uống khoẻ đến đâu, chỉ cần con có hai phần tửu lượng, người ta sẽ chuốc cho con những mười hai phần. Nếu con có danh uống rượu giỏi, sau này biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người sẽ tìm đến bảo con uống?"

"Trên sân khấu phải chú ý phong cách, xuống sân khấu phải chú ý tác phong." Vương Lê nâng ly lên: "Từ đó trở đi sư phụ không uống thêm giọt rượu nào nữa, ai mời thế nào cũng không uống. Sau này dần dần được mọi người chấp nhận: Người như Vương Lê dù có bị thần tiên chỉ tay vào cũng sẽ không uống rượu."

Nhưng cô lại thử rượu với Mão Sinh ở chợ đêm: "Con cũng sắp vào nghề. Sư phụ mong sau lần nếm thử này con sẽ thiết lập quy tắc đầu tiên trong nghề, để tránh sau này bị làm khó trên bàn rượu."

Mão Sinh nâng chén nhấp một ngụm, mùi rượu nồng lan tỏa trong miệng, một cảm giác khó chịu từ thực quản chạy xuống bụng, cô lè lưỡi hà hơi: "Sư phụ, con vẫn nên uống Coca thì hơn."

"Không được, quy tắc thứ hai, làm người phải có bắt đầu và kết thúc." Sau một nhấp rượu, Vương Lê hồi tưởng lại vài giây: "Nếu đã vào trường kịch tỉnh, con phải học cho hết, đừng đắc tội với thời gian một năm rưỡi của con. Chuyện tình cảm cũng vậy, nếu đã mở miệng nói thích một ai đó, cũng phải có bắt đầu và kết thúc."

Mão Sinh nhướng mày, tựa như không hiểu: "Kết thúc?"

"Đừng sợ chuyện tình cảm sẽ không kéo dài mãi mãi, trên đời này nào đâu có chuyện gì không có kết thúc? Ngay cả những tội ác tày trời hàng nghìn năm cũng phải kết thúc đúng không?"

Vương Lê nhìn ánh đèn neon phía xa xa: "Một khi mở miệng nói thích, theo cách nói hiện đại của con bây giờ là 'tỏ tình', thì phải có trách nhiệm. Con phải nghĩ xem 'lời tỏ tình' này là cho tâm con được thoải mái hay thực sự là vì tốt cho đối phương? Nếu đối tượng được 'tỏ tình' thích con, cô ấy cũng sẽ bấp bênh, sẽ nghĩ cho hai người. Và nếu người đó không thích thì sao? Cô ấy sẽ cảm thấy khó chịu. Cho nên người mở lời phải có trách nhiệm cho lời 'tỏ tình' hướng đến cái kết tốt đẹp."

Mão Sinh không khỏi nhấp ngụm rượu thứ hai, cô đang nghĩ hình như giữa mình và Du Nhậm không có ý định này, họ chỉ như "không tỏ mà biết". Cô đè nén suy nghĩ này, lại hỏi sư phụ: "Vậy có quy tắc thứ ba không?"

"Có." Vương Lê uống hơn nửa chén rượu Thiệu Hưng, xuýt xoa ấm bụng, ấm lòng: "Những người hát kịch đều đặt một nửa hoặc thậm chí cả cuộc đời mình lên sân khấu, Mão Sinh, mai sau dù con có đi đâu hát, cũng đừng vội nói cho những người xung quanh biết con thích ai. Không phải vì chúng ta nhát gan, mà là chúng ta phải bảo vệ sự nghiệp và bản thân cho thật tốt. Con có hiểu ý sư phụ không?"

Mão Sinh nói hiểu, nhưng không cam lòng: "Nhưng nếu mẹ con không đồng ý thì phải làm sao? Nếu mẹ con không cho con dẫn người ta về nhà thì sao?"

Thật ngốc, con cứ cố gắng cho đến khi mẹ con đồng ý. Vương Lê chống cằm nhìn Mão Sinh, dùng hai ngón tay nhéo má Mão Sinh: "Đúng là khuôn mặt gây tai hoạ."

Khi trở về tỉnh lỵ, Mão Sinh như trở thành con người khác hoàn toàn, đầu tiên cô xin lỗi Triệu Lan, sau đó khi hai mẹ con đối mặt nhau, Mão Sinh bê bát canh bí đao nói rõ: "Mẹ, con thích Du Nhậm, nhưng con cũng sẽ chuyên tâm chăm chỉ học ở trường kịch tỉnh." Thậm chí còn nói rõ ràng và minh bạch hơn cả lát bí đao trước mặt: "Con thích con gái, con chắc chắn đó là bẩm sinh. Mẹ không tin thì lên mạng tra xem."

Như thể chê bai Triệu Lan quá tiêu chuẩn kép, Mão Sinh nói không chút do dự vì được sư phụ chống lưng: "Không phải bản thân mẹ cũng thích sư phụ sao? Tại sao mẹ có thể mà con lại không thể? Con cũng được di truyền mà?"

Triệu Lan tức giận đến nỗi canh trong bát vương ra ngoài: "Im miệng!"

Mão Sinh im bặt ngay. Phải mất một lúc sau Triệu Lan mới bình tĩnh lại: "Sư phụ con còn nói gì nữa?"

Mão Sinh nói sư phụ không cho phép con uống rượu sau khi vào nghề. Triệu Lan gật đầu, đồng thời rất không phục: "Không phải mẹ cũng dạy con như thế sao?"

"Hả? Thật ạ?" Hiển nhiên Mão Sinh đã coi lời dạy của mẹ như gió thoảng bên tai theo thói quen. Ăn đòn một cú đánh vào đầu xong, cô nhớ lại lời dạy của sư phụ trên đường đi: "Phải học hỏi từ nhiều người khác, phải rèn luyện bản thân."

"Vậy sao? Không phải mẹ cũng yêu cầu con học hành nghiêm túc từ giáo viên trong trường kịch, phải phát huy ưu điểm, loại bỏ khuyết điểm sao?" Triệu Lan cau mày.

"Hả? Có sao?" Mão Sinh đang nhớ lại rất nghiêm túc.

Triệu Lan bất lực không tranh cãi nữa: "Còn gì nữa?"

"Làm người phải có bắt đầu và kết thúc! Một khi đã mở miệng nói thích ai đó, đừng trốn tránh một cách vô trách nhiệm, lời tỏ tình cũng có thể là gánh nặng cho người ta?" Nhắc lại lời của sư phụ, Mão Sinh cảm thấy có ẩn chứa ý nghĩa gì đó.

Quả nhiên, Triệu Lan buông đũa xuống, chống nạng quay lại ban công lủi thủi hờn dỗi. Trong những ngày Mão Sinh không ở nhà, cô đeo chân giả ra ngoài đi dạo vài lần, về nhà cũng bám vào tường và tập chân mỗi ngày.

"Mẹ! Con đói. Mẹ không nấu cơm à?" Giọng Mão Sinh từ phía sau truyền đến, được ăn món mẹ nấu sau nhiều ngày nhớ nhung, cảm giác thèm ăn của cô đứt phanh.

"Không có cơm cho con!" Giọng Triệu Lan có hơi bực dọc, qua một lúc sau, cô quay đầu lại nói: "Nồi cơm điện nấu nhão quá, mẹ đổi sang nấu bằng nồi áp suất cho cứng."

Mão Sinh cầm bát đến cạnh nồi áp suất: "Nhưng mẹ biết con thích ăn cơm nhão mà."

"Đồ vô dụng, chỉ biết ăn cơm nhão!" Triệu Lan chống nạng trở lại bàn ăn: "Ăn đồ chỉ tổ dính răng làm gì? Tính nết mềm yếu, răng lợi càng mềm hơn."

Mão Sinh đưa bát cho mẹ: "Có cơm ăn là tốt rồi, nếu sau này con hát Sinh không hay bằng sư phụ, con sẽ chỉ ăn cơm nhão thôi."

Triệu Lan tức giận đến bật cười: "Sư phụ dạy con thế nào?" Trong lòng lại hiện lên bóng đen lo lắng, nhìn Mão Sinh không nói nên lời...

Triệu Lan không phải người duy nhất đấu trí đấu sức với trẻ dậy thì, Du Hiểu Mẫn nhận ra cô không tìm ra bất kỳ dấu vết dính líu giữa Bạch Mão Sinh và Du Nhậm nữa, đang thầm vui mừng thì bị Du Nhậm ném một quả lựu đạn: "Con không muốn đi trại hè, mẹ cứ rút lại tiền đi."

"Tại sao? Ăn ở đều tại khuôn viên trường đại học, các hoạt động và khóa học đều là những thứ con chưa được trải nghiệm tại trường trung học. Con muốn lên đại học làm đứa nhà quê à? Tả Hạc Minh đã chơi đàn đến cấp 10, bạn Hà Điền Điền cùng lớp cũng học rất hỏi và có nhiều sở thích. Những người như thế vào đại học mới có tiếng, con hiểu không?" Du Hiểu Mẫn thường hối hận vì đã không gửi Du Nhậm đi học violin, piano hay ballet khi cô bé còn nhỏ để hun đúc năng khiếu nghệ thuật.

Không phải cô chưa từng thử. Đứng trong Cung Thanh Thiếu Niên, cô kéo Du Nhậm đi nghe ké violin, đứa nhỏ chạy đến nói với thầy thổi kèn Xô-na rằng muốn học thứ ầm ĩ đó. Du Hiểu Mẫn kiên quyết không cho, thà buông bỏ hàng trăm sở thích còn hơn học nhầm kèn Xô-na: "Đó là thứ gì? Đó là thứ người ta thổi để đưa ma các ông bà chết trong làng."

Quả nhiên, Du Nhậm không quên lời này: "Không phải con muốn học kèn Xô-na sao? Mẹ không cho con học, nói là để đưa ma. Đưa ma thì sao? Đó cũng là nghề phục vụ nhân dân mà."

"Đừng tranh cãi vớ vẩn với mẹ, mẹ nói cho con biết, Thái Thái, mẹ đã nộp 9.000 tệ không thể hoàn trả. Hơn nữa, có bao nhiêu người đã bị trượt? Chỉ dựa vào tiền thôi là không đủ. Con phải biết trân trọng."

Trận chiến ngầm giữa Du Hiểu Mẫn và con gái cũng đồng thời bước đến nhịp điệu "Bạch Mão Sinh".

"Đừng tưởng mẹ không biết con muốn đến tỉnh lỵ trong kỳ nghỉ hè, con lại muốn để mẹ và Nhậm Tụng Hồng đích thân đón con về à?" Du Hiểu Mẫn không muốn đề cập đến vấn đề Bạch Mão Sinh với Nhậm Tụng Hồng chút nào, nếu nói ra, đốm lửa có thể dập tắt sẽ cháy thành ngọn lửa hừng hực nuốt trời, Nhậm Tụng Hồng sẽ vừa nhúng tay một cách mù quáng vừa chỉ trích vợ cũ: "Bà dạy thành ra thế đấy, xem lại việc bà làm đi!"

"Con thà bị nhốt ở nhà còn hơn đi Bắc Kinh." Du Nhậm tranh cãi với mẹ: "Con không hiểu nổi, trại hè nhân văn của Đại học Bắc Kinh gì đó là về khảo cổ học. Con không có hứng thú! Hơn nữa, mẹ chưa bàn với con mà đã thay con đi nộp đơn. Mẹ, có phải bệnh viện của mẹ sắp đóng cửa không? Con thấy mẹ rảnh quá không có việc gì làm đấy."

Du Hiểu Mẫn tức giận vì bị con gái cãi bướng: "Mẹ rảnh à? Lương tháng, tiền thưởng, trợ cấp chức vụ, chức danh và cấp bậc của mẹ cộng lại được bao nhiêu? Chưa đến 4.000 tệ, mẹ thắt lưng buộc bụng dành dụm cho con đi Đại học Bắc Kinh học hỏi, con nói mẹ rảnh? Đúng là đồ vô ơn, y hệt Nhậm Tụng Hồng!"

"Không đúng, mẹ còn được lấy trợ cấp giao thông, trợ cấp điện thoại, trợ cấp bỏ bữa. Hơn nữa, còn lì xì thì sao?" Du Nhậm không làm việc nhà nên không biết những nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo và củi đắt đến mức nào, lại còn đếm số tiền còn lại từ thu nhập của Du Hiểu Mẫn: "Mẹ không đi lấy, được, con đi."

"Muốn về thì cũng đừng hòng đi tỉnh nữa! Mẹ đã cất kỹ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, con mà đi tỉnh thì cứ ngủ ngoài đường." Du Hiểu Mẫn nói rõ lợi hại: "Con vẫn đang học, học kỳ tới sẽ lên lớp 11, trong đầu con đang nghĩ gì vậy?"

"Lúc mẹ học cấp ba cũng yêu đương với bố còn gì?" Du Nhậm tiến theo đường vòng, gần như chỉ rõ cho mẹ mình rằng: Con chỉ thích Bạch Mão Sinh, con chỉ muốn bạn ấy. Nhưng lúc này, cô chỉ cảm thấy lòng mình tê tái, nói là yêu Mão Sinh nhưng suốt một tháng họ không liên lạc được với nhau. Mão Sinh trong ký ức của cô dường như luôn ẩn náu trong tâm trí và trái tim cô, rồi dần dần xa cách.

Trách nhiệm trên vai cô, chính vì gần như không có cơ hội gặp Mão Sinh nên cô yêu cầu mẹ rút đơn đi trại hè và đến tỉnh để ở bên Mão Sinh sau nhiều ngày chiến tranh giữa trời và người. Nhưng Mão Sinh không biết tìm cách khác để gặp mình sao? Du Nhậm lại bắt đầu trách Thỏ Quái.

Du Hiểu Mẫn thấy con gái đột nhiên bình tĩnh lại khi đang trên đà tranh cãi. Với đôi mắt đỏ hoe vì khóc, Du Nhậm cảm thấy tủi thân: "Con chán ngán phải đi học ở trường Số 8, như bị bỏ tù vậy, không, còn tệ hơn cả đi tù! Ở đó không có nhân quyền!"

"Vậy con phải học tập chăm chỉ để lên đại học. Đại học ở đâu cũng có nhân quyền, lên đại học sẽ có thể yêu đương." Du Hiểu Mẫn cười thầm: Đại học sẽ khiến con mở rộng tầm mắt và ổn định suy nghĩ, lúc đó con sẽ biết có nhiều người tốt hơn Bạch Mão Sinh.

Cô con gái bướng bỉnh nhìn mẹ, Du Hiểu Mẫn lấy khăn ẩm lau nước mắt cho con: "Thái Thái, con đang tuổi dậy thì, nồng độ nội tiết tố đang biến đổi." Cô chỉ có thể lấy lùi làm tiến: "Thôi vậy, mẹ sẽ cố rút đơn đăng ký đi trại hè, nhưng những ngày đó con phải về Du Trang thăm ông bà, được không?"

Chỉ có thể đánh cờ không phân thắng bại, cùng lắm thì tốn thêm tiền điện thoại ở nhà ông bà. Du Nhậm nghĩ.

......


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.