Vụng Dại Tuổi 17

Chương 27: Chương 27




Thu bảo:

- Chỉ tại mày có tật hay phân tích cảm xúc nên mới có những đau khổ vặt vãnh như thế. Cứ vô tư như tao là sướng nhất. Hay là vầy, hôm nay trên phường tao có tổ chức đi thăm trại trẻ mồ côi, mày đi luôn cho khuây khỏa.

Anh bí thư đoàn phường trẻ măng, mắt một mí nhưng được cái lúc nào cũng sáng long lanh. Anh nhìn tôi đứng lạc lõng giữa những đứa trẻ xa lạ, vội quay sang bảo Thu:

- Em dắt bạn rồi đi theo anh.

Nơi anh đưa tôi đến là một căn nhà lạnh lẽo. Bên trong, những đứa trẻ xanh xao, còi cọc nhìn chúng tôi bằng cặp mắt vô hồn. Vài đứa tuổi cỡ tôi, trai có, gái có, vừa thấy chúng tôi đã vội lẻn đi nơi khác. Tôi thấy ngạc nhiên, nói với anh bí thư:

- Hình như họ không muốn gặp chúng ta.

Anh bí thư cười, vẻ như quá am hiểu ở những môi trường như thế này. Anh niềm nở gọi lớn:

- Huy ơi, anh đến rồi nè! Hôm nay có thêm bạn mới đến thăm em nữa, ra đây với anh!

Lập tức, mấy cái đầu nhô ra sau bức tường, nụ cười nở trên khuôn mặt làm bớt đi vẻ tiều tụy. Đứa con trai tên Huy có dáng người cao lêu nghêu, nó gọi cả bọn tập trung thành vòng tròn ngay giữa nhà. Đứa con gái đón lấy bịch bánh từ tay anh bí thư. Nó bày ra ba cái đĩa lớn để giữa vòng tròn.

Những câu chuyện khôi hài của anh bí thư làm căn phòng ấm lại. Tôi không dám bắt chuyện, chỉ sợ vô tình chạm phải vết thương chưa lành, mà có lẽ chẳng bao giờ lành được. Được một lát, anh bí thư như sực nhớ ra điều gì, anh quay sang hỏi Huy:

- Ngọc đâu, sao không thấy hả em?

Ngay lập tức, không khí trong phòng lắng xuống. Huy cúi gầm mặt, buồn bã trả lời:

- Nó mới chết tuần trước. Cũng tội nghiệp nó, nhưng biết đâu như thế lại hay. Sống vật vã như tụi em cũng chỉ để chờ chết thôi chứ có ý nghĩa gì đâu anh.

Tôi khựng lại, buông rơi miếng bánh trên tay. Khoảng khắc ấy, bỗng nhiên, tôi nhớ lại rất rõ từng lời thầy giáo dạy là phải biết cảm thông cho những mảng đời lỡ rơi vào căn bệnh hiểm nghèo. Họ rất cần tình thương, sự an ủi. Nhưng sao thế này? Khi đứng trước hoàn cảnh để thực hành cái lý thuyết ấy, tôi lại cảm thấy ghê sợ, tưởng như có hàng ngàn con vi rút đang bu quanh mình. Chúng nhìn tôi đầy giận giữ và có thể xé tôi ra làm trăm mảnh bất cứ lúc nào. Ý nghĩ ấy khiến tôi hốt hoảng bỏ chạy.

Về đến nhà, tôi đứng tựa lưng vào cửa thở dốc. Cánh cửa bất ngờ bật mở. Dì dắt tay thằng Tú lôi đi trong làn nước mắt.

- Tú, em đi đâu đấy?

Dì quay lại gằn giọng:

- Vô mà hỏi bố mày ấy! Nó không phải là em mày!

Tôi chạy vào nhà. Cả một đống đổ nát chồng chất lên nhau. Bố ngước lên nhìn tôi:

- Con cố mà quên thằng Tú đi, nó không phải là em con.

Tôi thẫn thờ nhìn nắng chiều đọng thành vệt màu buồn trên sân. Những bước chân đưa tôi hòa vào dòng người tất bật. Ừ, thì thằng Tú đâu phải là em tôi, chỉ là những người xa lạ không cùng máu mủ, nó có khác gì bọn thằng Trung, thằng Quang, hay những đứa trẻ đáng thương tôi vừa mới trốn chạy. Tôi đi mãi, đi mãi, cho đến lúc không còn đủ sức lê chân, tôi khuỵu xuống.

Mở mắt, tôi thấy Hân đang nhìn tôi lo lắng:

- Mày không sao đấy chứ? Bố mới gọi đến, bảo cứ để mày ngủ lại đây.

Nó đưa tay nhấn nút chiếc máy cũ kỹ, quay sang hỏi tôi:

- Mày có biết tại sao tao thích nhạc của Trịnh Công Sơn không? Chỉ vì ông ấy có một câu rất hay, đó là câu: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Hân là đứa bạn tốt nhất của tôi, vì thế mà tôi hiểu tại sao nó nói điều đó với tôi trong lúc này. Gục đầu vào vai nó, tôi cảm nhận được nước mắt đã chảy thành dòng trên gò má, nhưng lại thấy dễ chịu hơn lúc nào hết. Giọng nói Hân vẫn đều đều bên tai tôi:

- Mình muốn Hương dang rộng cánh tay hơn nữa với tất cả mọi người. Khi ấy, Hương sẽ nhận ra có rất nhiều thằng Tú bên cạnh chứ không phải chỉ mỗi thằng em khác cha, khác mẹ để Hương yêu thương. Hương sẽ thấy cuộc sống này rất gần gũi, rất tươi đẹp.

Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.