Tôi rất tỉnh táo.
Nhưng tôi nghĩ mình đang gặp ảo giác thì phải.
Tôi không chắc chắn bèn lặp lại lần nữa: “Dọn qua đó?”
Kỷ Thanh Nghiên đáp: “Đúng rồi.”
Tôi thật sự không nghe lầm.
Tôi ngơ ngác cầm điện thoại, rồi chìm vào im lặng.
“Cậu…ở một mình à?” Tôi ngập ngừng.
Tuy trong lòng vừa sợ vừa vui mừng, nhưng đầu óc ít nhiều cũng còn chút lý trí.
Nếu người…yêu của cậu ấy cũng ở đó thì tôi còn có thể duy trì một chút ít lòng kiêu hãnh của mình, tôi sẽ không đi khuấy động quá khứ đã ngủ yên kia nữa.
Hình như Thanh Nghiên đọc được suy nghĩ của tôi thì phải, đầu dây bên kia khẽ cười: “Phỉ Phỉ không muốn sống với tôi đâu, em ấy ở nhà mình cơ.”
Phút chốc ấy, cõi lòng tôi rất không biết xấu hổ mà mừng thầm, nếu có thể hình dung thì ấy như thể là một đóa hoa mọc ra trên vách đá khô cằn.
Chỉ là giữ vững mối quan hệ bạn cùng phòng, còn nếu êm đẹp hơn có khi còn làm bạn bè bình thường được luôn không chừng.
Lúc này mà so đo đến yêu hay không yêu thì có ích gì, không phải cơ thể của Thanh Nghiên là khỏe mạnh mới là quan trọng nhất sao?
Nếu cậu ấy có thể khôi phục sức khỏe thì mọi nỗ lực đều xứng đáng cả. Còn tôi chỉ cần thi thoảng cung cấp cho cậu ấy một ít pheromone làm dịu mỗi khi cậu ấy bị mất cân bằng là được.
Nghe có vẻ cũng không khó mấy nhỉ.
… Chỉ có thể làm được thế này mà thôi.
*
Tôi không còn phải vật lộn với nỗi tự oán tự trách mỗi ngày nữa, sau khi đã thuyết phục bản thân thành công thì chẳng bao lâu đã thu dọn đồ đạc để trả phòng, kế đó đi chuyển đến chung cư của Thanh Nghiên.
Chỗ ở của cậu ấy không xa công ty lắm, mất khoảng nửa tiếng chạy xe thôi.
Thanh Nghiên có giới thiệu với tôi rằng căn phòng của tôi vốn là phòng vẽ tranh của cậu ấy, nhưng bây giờ cậu ấy đã chuyển hết dụng cụ qua phòng làm việc rồi, vậy nên phòng này có thể dùng để ở.
Tôi hỏi cậu ấy: “Cậu muốn tìm bạn cùng phòng… Sao lại nghĩ đến tôi?”
Lời thốt ra khỏi miệng rồi mới thấy ngớ ngẩn làm sao, cứ như kẻ ti tiện muốn tìm tòi đâu đó hai thìa chân thành từ Thanh Nghiên vậy.
Thanh Nghiên đơ ra một chốc rồi nói: “Mấy hôm trước tôi có nói với mẹ chuyện của anh, mẹ bảo tôi có thể hỏi anh thử coi sao…”
Tựa như đột ngột rớt xuống hố băng, cả người tôi cứng ngắc.
Dường như cậu ấy nhận ra vẻ mất tự nhiên của tôi, bèn nhanh chóng giải thích thêm: “Cũng không phải hoàn toàn là do bà đâu, tuy là tôi đã quên đi nhiều chuyện, nhưng khi thấy anh, tôi vẫn cảm thấy cực kỳ thân thiết luôn, nên tôi mới gọi liền cho anh đó.”
Mặc dù tôi cảm thấy câu nói sau đó nghe giống như cái cớ để an ủi hơn, nhưng thoáng chốc ấy tôi vẫn thấy ấm áp.
Vậy cũng tốt.
Mẹ Kỷ làm kinh doanh độc lập, song Thanh Nghiên lại thích nghề họa sĩ tự do – Dù gì thì sản nghiệp của nhà họ Kỷ lớn như vậy, có thể đảm bảo cho cả đời cậu ấy không lo ăn mặc được.
Tính cách của tôi và mẹ Kỷ khác nhau một trời một vực, chúng tôi cũng chẳng vừa mắt nhau, nhưng cả hai đều có chung một nguyện vọng.
… Chỉ cần Thanh Nghiên khỏe mạnh mà thôi.
*
Trong khoảng thời gian này, các triệu chứng rối loạn của cậu ấy gần như đã khỏi hẳn, mấy tình trạng như ốm đau thường xuyên, hoặc co giật từng cơn, hay thậm chí là lên cơn kích thích cũng xuất hiện với tần suất đếm được trên đầu ngón tay.
Thi thoảng có mất cân bằng vài đợt, nhưng chỉ cần tôi cung cấp cho cậu ấy pheromone để trấn an thì chẳng mấy chốc đã dịu lại. Ngày hôm sau đó có thể bay nhảy như người bình thường.
*
…Thật sự thì tôi cũng không cần phải ôm cậu ấy vào lòng vuốt ve mỗi khi cậu ấy đau đớn nữa.
*
Thời gian thấm thoát trôi đi, Thanh Nghiên trở nên quen thuộc với tôi, đôi khi chúng tôi còn dùng chung một phòng làm việc, cậu ấy vẽ tranh sơn dầu, tôi thì vẽ bằng máy tính.
Cậu ấy đang vẽ một bức chân dung rất lớn, dù mới chỉ phát thảo thôi, nhưng nhìn sơ thì là hình dáng của Phỉ Phỉ.
Lần đầu tiên nhìn thấy nó, tôi đã đờ đẫn đứng trước bức tranh kia rất lâu.
Lúc Thanh Nghiên vào phòng thấy tôi ngắm đến ngẩn người bèn cười giải thích: “Tôi đang vẽ Phỉ Phỉ đó, sắp tới sinh nhật Phỉ Phỉ rồi, tôi định cho em ấy một bất ngờ.”
Tôi hoàn hồn, vội quay đi không nhìn cậu ấy, cố nuốt nỗi chua xót mà lạnh nhạt nói: “…Khá đẹp đó.”
Cậu ấy đã quá quen với cái thái độ không nóng không lạnh của tôi, còn hớn hở hỏi tôi: “Anh muốn uống sữa bò không? Người ta giao hơi trễ, tôi mới hâm nóng lại vừa đúng lúc uống trước khi ngủ nè.”
Tôi khựng lại giây lát, cũng nở một nụ cười đáp lại: “Cảm ơn, nhưng không cần đâu.”
Mỗi lần tôi đau khổ nhớ nhung Thanh Nghiên của quá khứ, thì Thanh Nghiên hiện tại sẽ lộ ra một số thói quen sinh hoạt của xưa kia.
Ví dụ như trước khi ngủ sẽ uống một ly sữa nóng.
Điều này khiến tôi thỉnh thoảng sẽ sinh ra chút ít ảo giác, ảo giác trở lại quá khứ.
Nhưng càng nhiều lúc, người kia vẫn không phải là Thanh Nghiên mà tôi quen thuộc, vừa tàn nhẫn lại vừa ngây thơ, dẫm đạp tất cả hy vọng của tôi ra thành từng mảnh nhỏ rồi cắm chúng vào trong máu thịt lẫn trái tim tôi.
Kỷ Thanh Nghiên chưa từng vẽ chân dung người.
Cậu ấy thích vẽ phong cảnh và tranh trừu tượng hơn, cậu ấy thích chồng từng lớp sơn màu có độ bão hòa và tương phản cao, như là những cảnh mặt trời mọc, mây cuộn hoặc sóng thần dữ dội.
Lúc cậu ấy ở bên tôi, cậu ấy từng chủ động đề nghị phá lệ muốn vẽ cho tôi một bức chân dung thật to.
Khi đó tôi rất vui, song lại nghĩ một đằng nói một nẻo: “Em định sơn anh thành màu đỏ chót chứ gì?”
Thanh Nghiên phản bác tức thì: “Sao mà vậy được chứ.”
Kết quả cậu ấy dùng màu xanh lam.
Tuy rằng bức tranh vẫn có hình dạng và thần thái, nhưng cả khuôn mặt của tôi đều chìm trong dải xanh lam thăm thẳm, nhìn như con thủy quái u ám kỳ dị vậy.
Thanh Nghiên lại vô cùng hài lòng, còn đắc ý giảng giải cho tôi: “Cảm giác mà anh Quan mang cho em chính là màu xanh đại dương êm đềm.”
Cậu ấy dặn tôi phải bảo vệ bức tranh này cho kỹ vào, nói là chỉ vẽ mỗi chân dung cho tôi thôi, tôi là người mẫu duy nhất, nhất định phải trân trọng tấm lòng của cậu ấy.
Lúc ấy tôi đành bất đắc dĩ lắc đầu, nhưng vẫn cẩn thận nâng niu tranh của cậu ấy, để rồi kéo dài tận nhiều năm sau.
Trước khi chuyện của chúng tôi bị mẹ Kỷ bắt quả tang, Thanh Nghiên bỗng ngẫu hứng nói muốn tu sửa lại bức tranh sơn dầu kia một chút.
“Nhiều lúc lại thấy anh Quan giống mặt trời hơn ấy nhỉ.” Cậu ấy nói. “Em muốn thêm chút màu ấm áp và sáng hơn xíu.”
Ấy vậy mà vừa nói mấy ngày sau sẽ cho cậu ấy xem lại tranh lần nữa thì… Cuối cùng cũng không có cơ hội gặp lại cậu ấy nữa.
Đến giờ bức tranh kia vẫn còn giấu sâu trong hành lý của tôi, nhưng tôi lại chẳng dám lấy ra.
Thỉnh thoảng tôi lén lấy ra ngắm một lát, gương mặt chìm trong biển sâu ấy trông cực kỳ giống với tâm trạng tôi hiện tại.
Âm u, ảm đạm và thờ ơ.
– Hết chương 8 –