Đánh giá: 4/10 từ 6870 lượt
Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940-1945, một cây bút bậc thầy tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.
Với 15 năm cầm bút, ông đã để lại một văn nghiệp đồ sộ với 2 bộ tiểu thuyết, 50 truyện ngắn, bút ký…, trong đó có những nhân vật như lão Hạc, thầy giáo Thứ, Bá Kiến, Thị Nở, Chí Phèo…không thể phai mờ trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ.
Ngay từ những bước đi ban đầu, Nam Cao đã là một nhà văn hiện thực trong khả năng khái quát những mặt bản chất của xã hội cũ. Trong các trang viết của mình, Nam Cao đã nhìn thấy và chỉ cho người đọc thấy cái xã hội trong nô lệ và lạc hậu xứ mình, cái xã hội phân chia đẳng cấp, bất công và phi nhân tính ấy đã làm tha hóa, biến dạng, biến chất con người ta như thế nào.
Với hơn 50 truyện ngắn viết về các mảng đề tài như người trí thức, người nông dân, Nam Cao đã dựng lên bức tranh đa dạng về đời sống con người Việt Nam những năm trước cách mạng. Nhà văn thường đi vào cuộc sống những kẻ cùng khổ, thấp cổ bé họng, bị ức hiếp nhiều nhất. Đặc biệt đi sâu vào nỗi khổ của tâm hồn bị đày đọa, nhân phẩm bị xúc phạm và đã khẳng định mạnh mẽ bản chất đẹp đẽ của họ ngay cả khi họ bị vùi dập đến mất cả hình người, tình người.
Và cũng chính từ những đề tài này mà phong cách viết của ông đã đạt tới đỉnh cao chất lượng mới: Chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy xã hội và tư duy văn học.
Bình luận truyện