Lê Hổ nhìn chàng “ ngư phủ ”, nhưng không dám lên tiếng. Trời mới biết y là bạn, là thù.
Kẻ đó vực đám người dậy, dùng hai ngón tay kẹp lấy ám khí mắc trong cổ ba tử thi mà rút ra. Máu bắn vọt ra thành tia đỏ ối, vẫn chỉ mảnh như sợi tơ tằm.
Thì ra, ám khí y dùng là một phiến lá thép mỏng như tờ giấy, nhọt hoắt như lá trầu không.
“ Mời Nhật Nam vương theo mỗ về gặp chủ. ”
“ Muôn phần đội ơn tráng sĩ cứu mạng, nhưng hình như ngài nhận lầm người. Cái thứ bình dân lấm lem bùn đất như tôi thì vương với Nam cái quái gì kia chứ? ”
Trần Ngỗi cười hề hề, nói.
Chỉ nghe ngư phủ kì quái đáp:
“ Nhật Nam vương chớ sợ. Chủ của mỗ đã cho người vẽ mặt mũi của ngài, lại phái chúng tôi toả đi khắp nơi tiếp ứng đề phòng độc thủ của họ Trương. Quả nhiên không ngoài dự đoán, để tôi gặp được ngài ở đây. ”
Trần Ngỗi nhíu mày, ngờ vực hỏi:
“ Tên chủ anh có phải có một chữ Cơ?? ”
Quái khách phất tay, nói:
“ Quận vương cứ đi theo mỗ, rồi mọi chuyện sẽ sáng tỏ thôi. ”
Trần Ngỗi nghĩ thầm với võ công của quái nhân, giết hai người họ không phải chuyện khó khăn gì. Hà tất còn phải dụ họ vào bẫy?? Thế là lục tục dìu Lê Hổ dậy, ba người cưỡi hai con kiện mã phi về hướng bắc.
Vó ngựa cuốn tung cát bụi vào trong không trung, nắm đất nước Nam lại theo những cơn gió ngược thổi mãi về phương xa.
Rất xa, tận kinh đô Kim Lăng của xứ Tàu.
Vương Sài Hồ, Liễu Thăng, Lí Bân dẫn theo chừng hai ngàn quân đưa một nhà ba ông cháu Hồ Quý Li sang Đại Minh vào chầu Minh thành tổ. Đồng thời cũng phụ trách áp tải những đồ trân báu, điển tịch quý giá vơ vét được từ Thăng Long sang cống cho vua Tàu. Nguyên một quan văn đã đầu hàng như Nguyễn Phi Khanh cũng đi theo.
Mất mấy tháng ròng trèo đèo lội suối, cực khổ trăm bề, cuối cùng cũng đến nơi.
Lại nói vì sao hành quân chậm đến vậy là bởi Trương Phụ đã căn dặn từ trước phải đối đãi cha con Hồ Nguyên Trừng đàng hoàng. Lão còn đặc biệt nhấn mạnh cho đến khi bản vẽ Thần Cơ sang pháo và thuyền Cổ Lâu đã nằm trong tay Chu Đệ thì không được để chàng ta phật ý.
Mà ai cũng biết Hồ Nguyên Trừng vóc dáng gầy yếu thư sinh, trói gà không chặt. Chớ nói là đi bộ, cưỡi ngựa phi nhanh chàng cũng không cưỡi được quá lâu. Hồ Nguyên Trừng lại cố ý để đại quân đi chậm, tránh cho cha già phải mệt nhọc.
Dọc đường đi, Hồ Phiêu Hương cũng dần nhận ra sự thay đổi của Tạng Cẩu. Dạo gần đây thằng nhóc ngồi thần ra nghĩ rất nhiều. Lúc thì khóc nấc lên, khi thì cười chua xót pha lẫn cả một chút tự giễu. Mỗi lần như thế, cô bé lại thấy lo sốt vó lên, nhưng chẳng biết phải làm sao cho phải hết.
Nhưng mỗi ngày qua đi, sự bài xích người bắc quốc phản chiếu nơi đáy mắt thằng nhỏ lại lớn lên một chút. Điều ấy ai cũng dễ dàng nhận ra.
Thu là mùa phong thay lá.
Đoàn người đi qua một rừng phong bạt ngàn. Lá phong đỏ rực như muốn đốt cháy cả bầu trời. Mỗi khi gió thổi kèn ra hiệu, là một trận mưa sắc đỏ lại trút xuống.
“ Dừng lại nghỉ chân đi. Chẳng mấy nữa sẽ vào thành. ”
Lý Bân thúc ngựa rong ruổi khắp một vòng doanh trại, ra lệnh.
Dù ăn may bắt được Hồ Quý Li, nhưng trong lúc đánh trận phải nhiều sai phạm, nên chẳng được phong tước thăng quan gì. Hiện tại còn thành chân chạy việc cho Vương Sài Hồ và Liễu Thăng.
Y căm vụ này lắm, đêm nào cũng nghiến răng nghiến lợi chửi xéo Trương Phụ, còn so sánh bản thân với Mạc Thuý.
[ Người ta bắt được giặc con thì được quan to lộc hậu, mình bắt hẳn được thằng giặc cha ấy thế mà chỉ làm thằng chạy việc. Đúng là quá bất công. ]
Đồ Ngu không phải Lý Bân, vĩnh viễn cũng không phải.
Chính vì thế, sự xuất hiện của hắn giống như một hòn đá ném vào lạch nước lịch sử.
“ Theo tả tướng quốc đây thì thế nào? Nước làm đầu, hay nhà làm đầu? ”
“ Đương nhiên là quốc gia làm trọng, đại nghĩa làm đầu. Đây vốn là chuyện thiên kinh địa nghĩa, các bậc tiên hiền đều đã dạy như vậy. Bác Khanh, hỏi câu này có phải hơi xem nhẹ thằng em hay không? ”
Lúc này dưới một gốc cây phong, trên phiến đá phẳng, ngồi hai người mặc áo nâu bằng vải bố đang đàm đạo say sưa. Lại có ba đứa nhỏ một nam hai nữ lóc chóc chạy ngang chạy dọc, lúc thì hầu trà khi thì đấm bóp, nhưng lúc nào tai cũng dỏng lên nghe.
Ấy đúng là mấy người Nguyễn Phi Khanh, Hồ Nguyên Trừng và ba đứa nhóc con Tạng Cẩu.
Cô bé từng đầu độc Hồ Nguyên Trừng vẫn đi theo chàng kể từ sau chuyện ở Kì La, đuổi sao cũng không đi. Tính đến nay đã được gần bốn tháng.
Lạ một cái là suốt mấy tháng ròng cô bé nọ không nói một tiếng nào, giống như bị câm vậy. Cô lại không biết chữ, không viết được tên họ mình ra cho dễ gọi. Hồ Phiêu Hương bèn lấy cho cái tên Hằng, đặt theo tì nữ cũ của cô.
Nguyễn Phi Khanh cười nhạt, nói:
“ Ấy ấy, chớ vội khẳng định chắc nịch như thế. Bác cứ thư thư đấy nghe tôi nói đã.
Bác hỏi một anh làm nông, một chàng thợ mộc, một ông thợ bễ, một bác ngư phủ, một cô hàng xén…v.v… mà xem, được mấy ai biết đến lời của tiên hiền? Thấp cổ bé họng thật, nhưng nước Nam ta mười người thì hết chín thuộc về tầng lớp bình dân đó đấy. ”
Ông nhấp một ngụm chè, chép miệng rồi nói luôn:
“ Chẳng lấy đâu xa, cứ hỏi thằng nhóc này thì biết. Này Chó, bác hỏi đây, mày hiểu yêu nước là cái gì không?? ”
Thằng nhóc nghệt mặt ra vì câu hỏi bất ngờ.
Hồ Nguyên Trừng như cũng có điều suy ngẫm.
[ Đúng thật. Dân tình mấy ai hay chữ? Thế thì tại sao các đời tiên đế chống ngoại xâm, kim khẩu vừa mở là nhất hô bá ứng? Còn Đại Ngu ta dựng cờ thì dân oán dân kêu? ]
Nguyễn Phi Khanh vuốt chòm râu dài, nói:
“ Ấy nó mới là cái đáng nói. Tạng Cẩu, nhóc có yêu cái làng nhóc sống không. ”
Lập tức thằng nhóc gật đầu cái rụp, lại còn quét mắt lườm đại quân bắc quốc một cái.
Hồ Nguyên Trừng thấy vậy chỉ biết im lặng quan sát, không nói gì thêm.
“ Ngài thấy không? Nước chẳng qua là nhiều nhà, cũng như tre buộc chung vào một gánh. Nếu không có cái gì để buộc, thì chẳng có gì hết.
Nhớ năm xưa thiền sư Pháp Thuận từng dặn Lê tiên vương: “ Quốc tộ như đằng lạc “. Tức là chỉ khi vận nước bện nhau như dây mấy quấn thành một bó, thì mới bền vững.
Các ngài chuẩn bị cho cuộc chiến rất kỹ, xây thành cho cao, đào hào cho rộng. Thuyền chiến đóng vô vàn, sang pháo đúc thành đống. Thế nhưng lại quên mất một điều quan trọng nhất.
Năm xưa các bậc tiên vương ngụ binh ư nông được, ấy là vì binh sĩ là dân, dân là binh sĩ. Quan trọng là phải cho họ một lí do để buông cuốc cầm đao. Các ngài không làm được điều này. Ấy là có cây tre mà không có dây buộc. Thế chẳng phải là xong sao, hỏng bét hết. Tan đàn xẻ nghé. ”Nguyễn Phi Khanh càng nói càng hăng, đến nỗi vung chân đạp đổ chén chè luôn cũng không biết.
Hồ Nguyên Trừng mỉm cười, vái một vái:
“ Cảm ơn bác Khanh, nhờ bác mà tôi giải được khúc mắc trong lòng, thanh thản được một chút. ”
“ Ấy, bác nói thế sao tôi dám nhận. Tin rằng tài trí như bác đây, chẳng bao lâu sau là có thể tự mình nhìn ra. Nói đây là nói cho thằng cu này nghe thôi. ”
Nguyễn Phi Khanh đang vuốt râu khoái trá vì mấy lời tâm đắc, thì câu cuối cùng như tự tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Chỉ thấy Tạng Cẩu nghe một hồi nào là quốc tộ như đằng lạc, nào là ngụ binh ư nông, nghe đến ong cả thủ. Thế là kéo Phiêu Hương qua một góc, làm trâu lá cho chọi với nhau.
Liễu Thăng ngồi trên yên ngựa cũng trông thấy cảnh này. Một tay cậu nắm kim thương, tay kia bất giác nhặt một cái lá phong lên tự bện cho mình một con trâu lá.
Bốn tháng trời, hai đứa nhỏ từng quỳ trước sông thề kết nghĩa anh em chưa nói với nhau một câu nào hết.
Liễu Thăng bất giác bước hai bước về phía hai đứa nhỏ, miệng mở ra định nói gì đó.
Xào xạc.
Lá phong vỡ tan dưới đế giày…
Chân không bước nữa. Gió cũng thôi lay cành cây.
Chỉ còn ánh mắt đầy mâu thuẫn của Tạng Cẩu nơi cửa biển Kì La là hiện lên trong đầu rõ mồn một. Cái nhìn đầy mâu thuẫn, hận thù trộn lẫn với bất lực, pha thêm chút giễu cợt.
Thở dài, Liễu Thăng thả rơi con trâu lá xuống, gác thương bước đi. Những lúc dừng chân cậu hay tìm một nơi vắng vẻ, không ai biết để luyện bổng pháp Bạch Đằng Giang.
Phiêu Hương đã lén kể cho Liễu Thăng nghe chuyện buồn, thầy họ đã ra đi như thế nào.
Nghe xong, Liễu Thăng chỉ thở dài:
“ Thầy mất vì võ công quá cao cường, cũng quá trọng nghĩa.
Nếu như võ công của thầy và đối thủ chỉ sàn sàn nhau, thì ông đã không bất cẩn trúng độc thủ. ”
Phiêu Hương vuốt mái tóc, nhìn về phương nam. Cô bé không thể phủ nhận lời của Liễu Thăng không phải là không có lí.
Từ dạo đó, Phiêu Hương thỉnh thoảng có trao đổi với Liễu Thăng. Quan hệ giữa hai đứa có phần hoà hoãn hơn một chút so với trước đây. Có lẽ do chẳng còn ai can.
Lần này cũng vậy…
Liễu Thăng luyện thương một mình được một chốc thì Phiêu Hương tìm đến, đặt một con trâu lá xuống bên cạnh.
“ Tạng Cẩu dạo này hay cả nghĩ, thỉnh thoảng tự nhiên lại bật khóc. ”
“ Chắc nó bị đả kích nặng quá. ”
“ Đừng tự trách, ai cũng thân bất do kỷ. ”
Liễu Thăng thở dài, cố tình lảng sang chuyện khác:
“ Đến giờ ta vẫn không tin là thầy đã mất. ”
“ Không chỉ mình nhà ngươi. ”
Rồi lại im lặng.
Cái thứ im lặng quỷ dị và ngột ngạt, làm bên nào cũng mất tự nhiên.
Phiêu Hương thở dài. Lúc nói chuyện với Tạng Cẩu chưa bao giờ hai người phải cố tìm thứ gì đó để nói như bây giờ. Câu chuyện nọ cứ xọ sang chủ đề kia mãi.
Liễu Thăng chợt nói:
“ Có lẽ ta hiểu thầy muốn dạy gì khi truyền bổng pháp cho ta rồi. ”
Phiêu Hương nhướng mày, vẻ tò mò lộ rõ trên mặt.
Khi Quận Gió truyền thụ bổng pháp của Ngô Quyền cho Liễu Thăng, cô bé là người đầu tiên thấy khó chịu.
Liễu Thăng là một kẻ xâm lược.
Ngô Quyền là anh hùng vệ quốc.
Hai người sinh ra vốn dĩ để làm kẻ thù của nhau.
Liễu Thăng nói:
“ Trước giờ ta luôn cố tưởng tượng Ngô Quyền là một đế vương cao cao tại thượng, uy dũng vô song như trong sử sách. Nhưng hình như ngay từ đầu ta đã nghĩ sai hướng.
Nếu như Ngô tiền vương không chỉ là một đế vương, mà còn biết võ công. Thậm chí là bậc tông sư võ học một thời thì sao? Những chuyện nhàn thoại trên giang hồ như thế, hình như chẳng mấy sử gia biết đến. ”
“ Ý nhà ngươi là…? ”
Phiêu Hương nhíu mày, hỏi dò.
“ Đến bản thân ta cũng chẳng biết mình rốt cuộc là người như thế nào, thì một ông sử gia ngồi cách đây cả ngàn dặm sao mà biết nổi? ”
Liễu Thăng giộng thương xuống đất, nói.
Lá phong lả tả rơi, đậu xuống vai áo cậu.
Phiêu Hương vươn vai, nhìn sang hướng khác:
“ Có lẽ nghỉ chân thế là đủ, cũng nên lên đường rồi đấy. ”
Đáp lại lời cô bé, Liễu Thăng đạp mạnh một cái xuống nền lá.
Cậu đoán Ngô tiền vương ngoại trừ là vị hoàng đế chấm dứt ngàn năm bắc thuộc, còn là một cao thủ thoái pháp với cước lực vô tiền khoáng hậu.
Bởi vì, điểm tinh yếu nhất của Bạch Đằng Giang chưa bao giờ nằm ở đôi tay.
“ Xuất phát! ”
Liễu Thăng ghìm cương ngựa, dẫn cả đoàn người vào thành.