Hai đứa nhóc trả tiền đò, rồi ngồi ngay đuôi thuyền mà chuyện trò, mặc cho lão thuyền phu cứ trợn tròn mắt lên nhìn hai đứa như nhìn quái thú.
Thuyền cập bến, Tạng Cẩu đỡ Phiêu Hương xuống, rồi cứ theo lối cũ lao về căn biệt phủ.
“ Sao Cẩu nhớ đường nhanh thế? ”
Hồ Phiêu Hương cảm thấy kì lạ.
Tạng Cẩu cũng như cô bé, chỉ ở căn biệt phủ ấy đúng một đêm. Thế mà thằng nhóc nhớ đường đi lối về như nằm lòng, còn cô bé cố lắm cũng chỉ mường tượng được mang máng.
“ Có gì đâu. So với chiêu số của thầy chả dễ hơn bao nhiêu à? ”
Tạng Cẩu nhún vai.
Bộ pháp của Lăng Không Đạp Vân quả thực phức tạp thâm ảo đến đáng sợ.
[ Mình tuy thuộc hết biến hoá, nhưng áp dụng chưa thuần thục, so với tên kia kém xa.
Mà kể cũng lạ. Cùng là Lăng Không Đạp Vân, của thầy thì phóng khoáng, hắn thì hung bạo. Rốt cuộc Lăng Không Đạp Vân của mình là thế nào?? ]
Võ học là chết, người là sống.
Danh gia vẫn giảng cho học trò câu này, nhưng thầy hiểu một đằng trò nghĩ một nẻo.
Cách hiểu của tông sư nước Nam là, cùng một môn công phu, cũng chiêu đó thức đó, nhưng người luyện phả hồn vào chiêu thức mình đánh. Lâu dần, tạo nên bản sắc riêng.
Ấy mới là chiêu số sống.
Song… Tạng Cẩu còn xa mới hiểu được đạo lí này. Hiện tại nó chỉ ngờ ngợ thôi.
“ Quái nhân. ”
Hồ Phiêu Hương làu bàu.
Dù chả muốn tí ti ông cụ nào, song cô bé không thể không thừa nhận, ngộ tính của Tạng Cẩu quả thực cao đến nỗi có thể khiến nguyên một đám thiên tài chết vì xấu hổ.
Biệt viện đã ở phía trước.
Vừa mới vào đầu hẻm, hai đứa đã phải dừng gót vì không khí tiêu điều tang thương phả vào mặt.
“ Không ổn! ”
Tạng Cẩu quay sang Phiêu Hương, lại bắt gặp ánh mắt cô bé cũng đang nhìn mình. Hai đứa cùng gật đầu, rồi chạy về phía cửa chính.
Thấy cổng chính của biệt viện không cài then mà chỉ khép hờ, càng khiến hai đứa bất an.
[ Lẽ nào là tên quái nhân? ]
Tạng Cẩu bất giác nhớ đến Tửu Thôn đồng tử.
Một tên điên từ đầu đến chân, không thể chối cãi.
Cũng là một kẻ điên mạnh đến nỗi không thể tưởng tượng.
Nó nhớ đến lời hẹn tái ngộ của Tửu Thôn mà rùng mình…
Không phải nhanh như vậy chứ??
Tạng Cẩu hít sâu một hơi cho bình tĩnh, vận khí tống hai quả đấm nhỏ vào cánh cổng dày bằng gỗ!
Rầm!
Cả hai cánh cửa gãy lìa khỏi khung, bắn ngược vào trong sân tựa như được gắn bánh xe.
Tạng Cẩu thận trọng bước vào, nhìn quanh nhìn quất hồi lâu.
Liệu tên kia có mò đến tận đây giết nó cho bằng được hay không?? Và lần này nếu phải giã nhau thêm một trận thì nó thoát thân bằng cách nào??
Không thấy bóng dáng kẻ địch…
Ít nhất tạm thời chưa thấy.
Tạng Cẩu ra hiệu cho Phiêu Hương theo sát nó, rồi mới thận trọng dấn từng bước một vào nhà.
Chân bước qua khung cửa, nhẹ nhàng đặt lên con đường trải sỏi xuyên qua vườn hoa. Lá vàng rụng như trải thảm, điểm xuyết trong màu úa tàn của đài hoa rơi.
Trong sân nhỏ tĩnh mịch, trừ ngọn gió thỉnh thoảng vi vu thổi qua ra thì không còn một âm thanh nào dù là nhỏ nhất. Mấy cái lá con cuối cùng rời cành, xiên xiên vẹo vẹo rơi rồi vỡ tan nơi chân tường, vĩnh viễn không biết thế giới bên ngoài biệt phủ là như thế nào.
Căn biệt viện to lớn tựa như biến thành một nấm mồ hoang…
Tạng Cẩu men theo con đường trải đá, thận trọng tai căng ra hết cỡ. Tinh thần nó còn căng ra hơn cả tai, hơn cả dây đàn.
Đại sảnh đã ở trước mặt.
Nhưng cả hai đứa đều dừng gót, chẳng dám bước vào.
Sau lần cửa khép kín kia, ẩn giấu thứ gì??? Chẳng ai trong hai đứa biết.
Nên chúng do dự.
Chung quy thứ đáng sợ nhất vẫn luôn là thứ mà con người ta chưa biết.
Tạng Cẩu hít sâu một hơi.
Không khí ngày đầu đông mang theo cái lạnh lẽo của sương giá tràn vào phổi, thoáng chốc đã khiến đầu óc nó bình tĩnh trở lại.
Từ từ, nó đẩy cánh cửa đại sảnh ra.
Kéeeeeeet...
Tiếng cửa gỗ ghè khung nghe cọt cà cọt kẹt, sắc lẻm chẳng khác nào bàn tay quỷ ma bóp nghẹt trái tim hai đứa. Tạng Cẩu hầu như đã có thể nhìn thấy tấm mặt nạ quỷ lấp ló sau lần cửa nửa khép nửa mở, phảng bên tai tiếng cười điên dại...
Tạng Cẩu giật mình một cái.
Bàn tay của Phiêu Hương đặt hờ lên vai nó, còn trước mắt thì không có một tấm mặt nạ nào cả. Té ra nó thần hồn nát thần tính, nhìn sảnh đường trống hơ trống hoác cũng ra mặt kẻ thù...
“ Ở chỗ kia có người kìa! ”
Hồ Phiêu Hương chỉ tay về phía góc nhà.
Khuất sau cột nhà và bàn ghế ngổn ngang và lò hương nghiêng ngửa lạnh ngắt là hai bóng người nằm sát cạnh nhau, bất động. Lại gần, hai đứa nhóc mới phát hiện một người chính là cô bé Hằng từng đầu độc Hồ Nguyên Trừng...
Người còn lại là... Lí Bân.
Lam Sơn, Thanh Hóa
Vùng này vốn do ông Lê Hối họp dân mở ấp, khai khẩn đất hoang, lâu dần đã thành sản nghiệp. Bấy giờ cháu ông Hối là Lê Khoáng đối đãi kẻ nghèo đói bằng nhân nghĩa, rất được lòng người, gia nhân trong nhà chẳng mấy mà đã đông đến ngàn. Ông lấy bà Trịnh Thị Ngọc Thương, sinh được ba trai.
Rồi ông Khoáng mất, con cả là Lê Học cũng yểu mệnh táng thân ở Thăng Long. Cậu thứ tên Trừ, tư chất tầm thường nhưng được cái cần cù chịu khó, song không đủ tài đủ đức kế thừa tổ nghiệp.
Cậu út chính là Lê Hổ.
Bà Thương thấy cậu còn trẻ con, nên mới tạm quán xuyến hết chuyện trong nhà, mặt khác nhờ Phạm Ngũ Thư dẫn Hổ ra ngoài làm công chuyện liên lạc quần hào, chiêu mộ người tài. Qua đó cũng va chạm mà trưởng thành thêm.
Tính đến nay Đặng Tất đón Giản Định đế đã được bốn tháng.
Trong có bốn tháng ngắn ngủi mà bao nhiêu chuyện đã xảy ra.
“ Kể đến ngày đó, vua Giản Định long nhan đại nộ, chém đầu Nhật Chiêu Thúc Giao và thuộc hạ vì tội hàng Minh, tổng cộng hơn sáu trăm người. Cứ nghe đến là mát lòng mát dạ. ”
“ Tiếc là vẫn không chống nổi Trương Phụ, chưa đánh được ra bắc tái chiếm Thăng Long. ”
Nói đến tái chiếm Thăng Long, ai nấy đều vỗ đùi đánh đét một cái, ra chiều tiếc rẻ.
Bấy giờ phường săn mới xuống núi về, chính đang xếp cung thu tên ngồi ở hàng nước vệ đường mà nói chuyện thiên hạ. Mỗi người một bát nước chè thôi, ấy thế mà anh thợ săn ngày thường chỉ quen cung tên cạm bẫy thoắt cái hóa thành biết tuốt, chuyện trên trời dưới bể gì cũng nói, cũng tường. Quả thực là kì khôi.
Bà hàng nước bỗng nhiên xòe quạt mo cau phẩy mấy cái vào mấy tên thợ săn, cười lộ cả hai hàm răng đen không còn mấy cái:
“ Cái chuyện đại sự như thế thế mà chả ra đây cho bà chia vui gì hết. ”
“ Chúng con mà có tiền, thì ra gặp cụ lâu rồi. ”
Mấy ông thợ săn cũng cười, trêu lại.
“ Hay là cụ cho bọn con uống chịu, bọn con ra kể chuyện cho cụ hàng ngày luôn. ”
“ Sư bố các anh, chỉ thế là nhanh! Các anh chân khỏe, đi được dài, nghe được chuyện ở xa. Bà lão này chân yếu mắt mờ, đi ra đến cái lũy tre là đứt cả hơi rồi, nếu không thì báu các anh lắm chắc? Thôi... sau quân ta mà thắng, ra đây tôi mời. ”
“ Thật không đấy, hay lại lời nói gió bay hở cụ? ”
“ Bay là bay thế nào, chắc như cái cọc buộc trâu thế này cơ mà. Nhưng phải thắng đấy nhá, bà mà biết mấy anh bịa chuyện lừa uống nước của bà thì cứ coi chừng bà đấy. ”
“ Cụ cho chúng con xin. Ai chẳng biết cụ chửi đổng giỏi nhất cái vùng Lam Sơn này?? ”
Rồi cả chủ lẫn khách cùng cười, giòn tan.
Cà rộp, cà rộp.
Tiếng vó ngựa dồn đến từ phương xa...
“ A. Cậu Hổ, cậu Thư, ngồi xuống uống miếng nước rồi hẵng đi không? ”
Thấy người trên lưng ngựa là Lê Hổ và Phạm Ngũ Thư, bà hàng nước bèn cao giọng gọi với theo.
Xem chừng hai người này vừa mới đi đâu, nay mới quay lại Lam Sơn.
“ Dạ thôi, chắc để khi khác cụ ạ. ”
Lê Hổ ghìm cương, từ chối khéo.
“ Ừ ừ. Đúng là người làm chuyện lớn có khác. Thôi đi đi, kẻo bà già này lại làm lỡ chuyện của các cậu. À mà nhớ nhắc thằng Lễ qua lấy đồ. ”
“ Dạ cháu biết rồi. ”
“ Nhớ chào bà lớn thay lão đấy! ”
“ Dạaaaaa ”
Đến lúc này thì bóng người bóng ngựa đã khuất hẳn sau những cung đường đất rồi.
Mấy anh thợ săn cười, bảo:
“ Ui, lấy lòng bà lớn kìa. Sắp tới cụ định mở thêm quán nước nữa hay sao thế? ”
Bà lão hàng nước phẩy quạt mo cau thêm một cái, vừa cười vừa mắng:
“ Phỉ phui các anh. Chỉ được cái nói bậy. ”
Rồi bà nhìn ra xa, về phía căn nhà lớn trên đỉnh đồi.
“ Cũng may có bà lớn, tôi với các anh mới được sống yên ổn đấy. ”