Hoàng đảo chủ bước lên một bước, cười nhạt:
“ Chiêu thứ hai. ”
Nói đoạn cầm ngược thanh gươm, lia một nhát như trời giáng nhắm vào cổ đối thủ. Hoàng Phúc thấy kình lực mạnh như cuồng phong tạt tới tấp vào má trái, không khỏi thảng thốt. Lão những tưởng đang có một tướng cưỡi ngựa chiến chạy tới, vung thanh đao hai ba chục cân ta chém vào mặt mình vậy. Khó mà tin nổi, uy lực như bão tố ấy lại đến từ một thanh gươm bé tí rộng không đến ba ngón tay.
Hoàng Phúc nâng Hùng kiếm, đỡ vội.
Gươm của Hoàng đảo chủ dội xuống, hai thanh võ khí đúc bằng đồng đen lần nữa va chạm vào nhau. Tiếng vang chói lọi mà lảnh lót bật lên, khiến lỗ tai cả hai đều hơi ê buốt.
Hoàng Phúc quỵ gối, cơ hồ thở không ra hơi. Lần này lưỡi gươm Xích Ngô quật xuống với toàn bộ sự hung bạo của con sóng bạc đầu ngoài khơi.
Vết thương ở ngực bị đánh động ứa cả máu ra, vai thì rung mạnh mấy cái liền, song cũng không thể hóa giải toàn bộ kình lực từ thanh gươm của đảo chủ.
Ám kình như sóng dưới đáy thuyền truyền từ lưỡi gươm sang, vào tay, qua vai rồi chui vào thể nội. Nói đoạn, kình lực của Hoàng đảo chủ như thể hóa thành bầy ngựa đứt cương, cứ thế mà oanh tạc bừa bãi. Hoàng Phúc phải vận công, gắng gượng áp chế kình lực của đối thủ lại, mới có thể giữ vững được thân thể không đổ gục ra đất.
Hoàng đảo chủ không nói gì, nhưng ánh mắt lờ đờ đã quắc lên sắc lẻm. Cái thói quen bị lây từ Quận Gió sau từng ấy năm giao chiến với nhau, đến giờ vẫn chưa bỏ nổi. Năm ngón tay y nới lỏng, thanh gươm Xích Ngô tuột ra rơi xuống. Nhưng mới được chừng nửa tấc, tay kia đã vươn ra, chộp trúng cán gươm. Tuy lần này phải dùng tay trái, nhưng cầm gươm đúng chiều, thành thử lực chém cũng không bị ảnh hưởng quá nặng.
Chát!
Hùng kiếm lại lần nữa cản được nhát chém như sóng quật bờ xô tới từ cánh phải, cứu được cái cổ và cái đầu của Hoàng Phúc khỏi cảnh chia li. Song thân kiếm cũng bị thanh gươm đánh dạt, mũi kiếm cày ra một rãnh ngắn trên nền rừng.
Hoàng Phúc đỡ được hai nhát liền, song chỉ thấy càng thêm lo.
Bởi lão biết... hai nhát này mới chỉ là màn chào hỏi, là khúc dạo đầu mà thôi.
Quả nhiên...
Hoàng đảo chủ mở rộng lòng bàn tay, vận lực chưởng một cái vào chuôi gươm. Gươm Xích Ngô nặng đến hai mươi cân, thế mà theo lực tay người bắn lên không với một tiếng “ tâng ”, chẳng khác nào một cành củi khô. Bàn tay phải của đảo chủ đã đón sẵn tay cầm bằng gỗ mài.
Lại một nhát chém mạnh chẳng khác nào núi non sụp đổ dồn đến từ bên trái.
Phải...
Rồi trái...
Phải...
Rồi trái...
Thả...
Chưởng...
Bắt...
Chém...
Hoàng Phúc gắng gượng dựng Hùng kiếm mà đỡ, nhưng càng lúc càng thấy hụt hơi trước những nhát gươm liên tiếp. Lão cứ cảm tưởng bản thân đang bị chôn vùi trong bảo tố, mai táng bằng vô vàn con sóng cồn.
Mà gươm Xích Ngô thì càng chém càng mạnh, càng nhanh, càng hiểm.
Thủ lâu tất bại. Trong một giây lấy hơi, Hoàng Phúc để lỡ không bắt được nhịp tấn công của Hoàng đảo chủ. Lập tức, vai phải của lão bị khảm ngay một gươm, hàng răng cưa mảnh mai xếp khít nhau như răng lược, nhọn tựa mũi đinh cứa vào người, thọc vào sát tận xương. Lúc rút ra ngoài, miệng vết thương lập tức rách toạc ra, như thể lưỡi gươm muốn lóc hết thịt da của đối thủ.
Chiêu này của Hoàng đảo chủ gọi là Đao Ngư Hoành Tảo, là một chiêu trong bộ kiếm pháp độc đáo ông tự sáng chế ra dựa trên tập tính săn mồi của một loài quái ngư ở ngoài biển Đông. Có lần Hoàng đảo chủ lặn biển ở chỗ xa bờ, phát hiện loài cá dữ thân dài hơn trượng, trước mũi có lưỡi đao dài.
Lúc bấy giờ nó rung đầu lia lưỡi đao của mình tới tấp vào một con cá mập, bộ dáng hung hãn dị thường. Lúc về lại thấy hai hàng răng cưa trên gươm Xích Ngô cũng na ná đao của cá, bèn sáng tạo một chiêu dựa trên nó luôn.
Sau ông tìm hiểu thêm mới biết ở các vùng chài lưới nước nam, cá đao là giống cá thần, hộ vệ của cá ông, hay cá kình. Đến nay có những làng chài vẫn thờ cặp lưỡi đao của giống quái ngư này mong được phù hộ độ trì.
Cái hung hăng, bạo ngược ông chứng kiến hôm đó, tất cả đều được gói vào trong một chiêu thức Đao Ngư Hoành Tảo này.
Hoàng Phúc trúng chiêu tới tấp cơ hồ không chịu nổi, bèn cắn răng, đoạn lấy một cái gói trong ngực áo ra. Lão vung tay vẩy một nắm hạt tiêu vào mặt Hoàng đảo chủ.
Thì ra y vốn hảo món cay, đến mức gần như trẻ con hảo ngọt. Thành thử lúc nào y cũng mang theo bột hồ tiêu tự chế để nêm nếm, ăn cho đỡ thèm. Cái loại tiêu trắng, đợi lúc quả hồ tiêu thật chín mới đem phơi rồi giã ra, ăn chẳng thơm như tiêu đen nhưng cay xé lưỡi bỏng mồm. Nay trong lúc nguy cấp mó vào ngực áo, phát hiện ra đống bột tiêu, lập tức ném vào mặt kẻ địch. Chính lão cũng không ngờ thói quen ăn uống thường ngày lại có lúc cứu được mạng mình.
Bụp.
Hoàng đảo chủ bị tiêu hất trúng, hai mắt cay xè không mở ra nổi. Hoàng Phúc nhân cơ hội đó gượng đứng dậy, đảo mắt một vòng, sau đó ném thanh Hùng kiếm ra phía xa, còn bản thân thì chạy theo hướng ngược lại.
Bấy giờ Giản Định đế mới định thần, bèn hét lên:
“ Mau! Mau ngăn lại! ”
“ Khốn nạn! ”
Hoàng đảo chủ động nộ, vận công gầm lên một tiếng như sấm nổ, chân giẫm mạnh một cái xuống làm lá khô trong bán kính nửa trượng quanh người y bắn tung cả lên không. Tiếng Hùng kiếm rơi, lại thêm cả giọng của Giản Định át hết tiếng bước chân bậc cao thủ, vốn bình thường đã mảnh hơn sợi tơ tằm.
Hai mắt Hoàng đảo chủ lại đang cay xè không mở ra nổi thì làm sao mà đuổi??
Y vẫn nhắm nhiền mắt, nhưng đã lần bước mấy bước về phía thanh Hùng kiếm. Mũi giầy y đụng trúng thanh kiếm nghe kịch một cái, y mới cúi xuống. Đến khi các đầu ngón tay đã cảm nhận được cái lạnh tê tê của nước đồng đen rồi, Hoàng đảo chủ mới cắm thanh kiếm vào thắt lưng.
“ Nhật Nam vương, Đặng Tất vừa hay tin quân của ngài bị đánh úp ở Mô Độ, bèn nhờ ta đến cứu viện đưa ngài vào Hóa châu. Xem ra là đến kịp. ”
“ Cảm ân cứu mạng của anh hùng. Không biết mắt của ngài... ”
Trần Ngỗi biết hai mắt Hoàng đảo chủ tạm thời không thấy đường, song vẫn chắp tay vái một cái, giọng rất mực tôn trọng. Nghe cách nói chuyện, thì dường như gã quái nhân ăn mặc văn không ra văn võ chẳng nên võ này không phải thuộc hạ của Đặng Tất, giữ lễ cũng là điều nên làm.
Hoàng đảo chủ xua tay, đáp:
“ Quận Vương chớ lo, chờ mắt tôi bớt cay sẽ hộ tống ngài về gặp Đặng Tất ngay. ”
Y vỗ nhẹ thanh Hùng kiếm ở thắt lưng, nói khẽ:
“ Còn vật này... có dịp phải đến Lam Sơn một chuyến, trả lại cho nguyên chủ. Lão Khiếu Hóa ơi lão Khiếu Hóa, ông sư cọ nhà lão lại nợ ta thêm một vụ nữa rồi. Cứ làm ăn lỗ lã thế này, khéo mình sập tiệm. ”
Chuyện ở trời nam tạm thời đến đấy là xong…
Giờ kể tiếp chuyện của bọn Tạng Cẩu ở điện Thái Hoà.
Nói đến đoạn Tạng Cẩu đã bị Tửu Thôn đánh gục.
Tên sát nhân lừ lừ bước đến, dùng chân nhấn xuống giữ chặt đầu nó, không cho cựa quậy. Thằng ngóc chới với đưa hai tay lên đầu, muốn đẩy bàn chân của đối thủ ra. Song vô hiệu…
Bàn chân kia nặng như đá, xương cốt cứng hơn cả thép ròng. Dù Tạng Cẩu vận hết nội lực, xuống sức thở hồng hộc thấy rõ, mà cũng không suy xuyển nổi một li.
[ Chết…]
Lần đầu tiên Tạng Cẩu tự hỏi, nếu nó chết rồi, thì sau đó sẽ ra sao nhỉ??? Địa phủ có tối không? Có thối có tanh không? Ông diêm vương có tếu tếu, hài hài, sợ vợ như trong truyện cười nó vẫn hay được kể cho nghe không?
Từ lúc nó – thằng ranh chưa ráo máu đầu - rời khỏi thôn Điếu Ngư đến nay, đã không ít lần Tạng Cẩu cách cái chết chỉ trong gang tấc. Đầu tiên là lúc bị quân Minh tóm cổ trong lúc bỏ trốn khỏi thôn xưa, xém nữa thì nó bị bộ tốt người Tàu cho xơi một nhát đao chết không kịp ngáp.
Nói đến cũng buồn cười, cô bạn chơi thân với nó bây giờ lại là người tiếp theo muốn cho Tạng Cẩu lên bàn thờ ông bà ông vải.
Sau đó là lần mém chết ở trong doanh trại, Liễu Thăng xả thân liều mạng, lấy cả người thân ra đánh cược để cứu nó…
Nhớ đến chuyện này, Tạng Cẩu mới sực giật mình.
Tại sao nó lại vô tâm đến nỗi quên khuấy mất chuyện đó kia chứ?
Thù hận là mù quáng.
Giờ Tạng Cẩu mới hiểu thêm một chút, vì sao hôm đó Quận Gió chẳng những không trách gì, lại còn khen nó.
Trên đời có vay thì có trả, có ân phải có cừu, có thương mới có hận.
Song…
Cuộc sống đâu chỉ có mỗi thế?
Tạng Cẩu thở dài.
Tiếc là phải đến những khắc cuối cùng nó nhận ra được đạo lí này.
Đao của Tửu Thôn hạ xuống.
Con mèo đã vờn chán, giờ sắp sửa xơi tái con chuột.
Tạng Cẩu nhắm mắt, nó lại nghĩ nếu nó bị chém đầu, thì tai có nghe được âm thanh đao cắt xuyên da thịt không nhỉ?
Keng!!
Tiếng kim loại chát chúa vang lên khiến Tạng Cẩu bừng tỉnh.
Nó ngẩng đầu lên, chỉ thấy Tửu Thôn đã dùng khinh công, chỉ nhún một cái là thân mình đã nhảy phốc về góc phòng. Con mắt sắc lẹm, còn vương vẻ cuồng dại của hắn nhìn về phía Tạng Cẩu. Nhưng thằng nhỏ chả hơi đâu mà quan tâm đến tên đao khách.
“ Không sao chứ? ”
Tạng Cẩu ngóc đầu, thì thấy Liễu Thăng đã chìa tay ra cho nó từ lúc nào.
“ Nhãi ranh này cũng khá đấy nhỉ. ”
Lên tiếng tán thưởng là Chu Đệ. Trong lúc Tạng Cẩu kéo dài thời gian, y đã kịp vận công điều tức xong xuôi đâu đấy. Thế nên cũng đáp lễ, ra tay phối hợp với Liễu Thăng cứu thằng nhỏ một mạng.
Liễu Thăng quay sang Chu Đệ, chắp tay:
“ Mạt tướng không kịp cứu giá, tội đáng muôn chết. ”
Chu Đệ phủi tay, gằn:
“ Ba cái lễ nghĩa khách sáo ấy vứt mẹ nó sang một bên đi! Không là không đến lượt trẫm ban chết cho cậu đâu. ”
Tửu Thôn ngoẹo cổ, vai trái hơi nhếch lên, vai phải thì trùng xuống. Trông y bây giờ như một con rối gỗ bị kẻ ngoài nghề giật dây.
“ Thương pháp… không? Giống đánh bổng hơn. Ha… ha ha… ”
Tửu Thôn cười sặc lên, nói mà nước miếng văng bốn phía:
“ Ba người các ngươi tranh nhau muốn xuống suối vàng đó phỏng??? ”
“ Tên này bị điên rồi. Cẩu, đệ đừng có để hắn cắn, không lại lây bệnh chó điên. ”
Liễu Thăng vung thương, run giọng.
Chân cậu ta vẫn còn ê ê sau khi thi triển Bạch Đằng giang. Đôi khi cậu chàng cũng tự nhủ, Ngô tiền vương là cái dạng quái vật gì mà dùng được thứ bổng pháp này.
Suốt mấy tháng ròng Liễu Thăng hôm nào cũng chăm chỉ luyện cước lực, thoái pháp theo đúng hướng dẫn của Hoàng Phúc. Bấy giờ đã có tiến bộ không tồi, đôi chân cậu hiện tại còn mạnh hơn trước khi bị gãy ba bốn phần.
Thế mà vẫn không làm gì nổi tên quỷ vương.
Điên cuồng. Không. Là cuồng dại. Chỉ có hai chữ ấy mới lột tả hết được con quái vật đang đứng trước ba người.