Ngày ngày Ỷ Lan phó thác con cho nhũ mẫu để vào triều nghe các đại thần tâu trình. Ỷ Lan bỏ qua mọi thủ tục nghi lễ nhưng lại nghiêm khắc đòi hỏi các đại thần phải tâu trình rõ ràng, thiết thực phần việc của mình. Trong việc điều khiển triều chính, Ỷ Lan không bỏ qua những việc nhỏ, hỏi han cặn kẽ mọi lẽ rồi mới phán truyền, quyết đoán. Một khi đã phán truyền rồi Ỷ Lan có ý thức theo dõi xem công việc đã được thi hành đến đâu. Chỉ đến khi bắt tay vào việc, Ỷ Lan mới thấy hết khó khăn, thậm chí khó khăn có khi lại bắt nguồn từ thói quen cầu an hưởng lạc của các quan lại. Và rồi, một thử thách lớn đã đến với Ỷ Lan.
Giữa lúc việc triều chính thuận buồm xuôi gió, thì vụ chiêm năm ấy do mất mùa nên đến tháng tám dân chúng lâm vào nạn đói trầm trọng. Tấu trình các nơi đưa về, dân nghèo đã phải ăn cả thịt chuột, rắn, thậm chí đã phải mổ cả trâu cày, mà vẫn còn chết đói. Ỷ Lan lo lắng triệu quần thần bàn cách đối phó. Nhưng mấy ngày rồi, ai nấy đều nhìn nhau chờ đợi. Thái sư Lý Đạo Thành cũng chưa dâng được kế gì hiệu nghiệm. Ỷ Lan đưa ra một kế sách táo bạo. Ỷ Lan nói với các quần thần:
- Dân là gốc của nước. Để dân đói dân khổ là tội của triều đình. Theo lệnh ta nơi nào lâm nạn đói hãy gấp xuất ngay quốc khố cứu dân rồi ta sẽ liệu sau.
Thái sư Lý Đạo Thành can ngăn:
- Nước đang lâm chiến. Theo binh pháp, kho quân lương lúc nào cũng phải đầy ắp mới mong toàn thắng được. Nay hoàng phi định liệu như thế, tôi sợ cứu được dân mà không giữ được nước. Vả việc lớn quá mà hoàng đế lại đi vắng.
Ỷ Lan gạt đi:
- Việc phải là việc chung. Cứu đói cũng như cứu hỏa không thể trì hoãn.
Một đại thần bước ra tâu:
- Trời giáng tai làm cho mùa màng thất bát, gây ra nạn đói là mệnh trời xui nên đâu phải những lũ cư quan nhiệm chức làm ra. Xem vậy ta khó mà kháng lại mệnh trời.
Ỷ Lan cố nén giận, nghiêm khắc:
- Ông là người có học vấn mà cũng tin vào những điều nhảm nhí ấy sao. Vin vào mệnh trời, bỏ mặc dân đói là cư xử của bọn phản dân đê hèn, đâu phải của kẻ tự nhận mình là cha mẹ dân?
Nói xong những lời nặng nề ấy, Ỷ Lan bỗng im lặng, đôi mắt long lên rực lửa. Một lúc sau, chừng thấy mình nóng nảy, Ỷ Lan hạ giọng:
- Theo ta ý dân là ý trời, chưa ai trông thấy ông trời mà chỉ có dân chúng hiện đang đói. Các ông ai cũng có lòng trung quân ái quốc, lại càng phải vì dân mà kháng lại mệnh trời. Nếu không gấp cứu dân đói, mùa sau liệu cả triều đình này còn đứng vững được không? Chứng cớ là nạn mổ trâu, trộm trâu hiện chưa có cách nào ngăn được. Hậu họa xem vậy sẽ còn lớn đến đâu?
Không khí buổi thiết triều trở nên nặng nề căng thẳng. Nhận thấy cần phải khéo léo hơn, đồng thời kiên quyết hơn, Ỷ Lan tiếp:
- Ý quan thái sư cũng đúng nhưng là đúng trong lúc yên hàn. Chính lúc này phải cứu dân mới giữ được nước. Bởi thế, các kho quân lương tồn trữ ở các lộ phủ có nạn đói phải đem một phần chia cho dân đói. Trong lúc chia phải tuyệt cấm không được bỏ sót những ai có con em đang ở trận tiền. Nếu để gia đình họ đói làm sao binh sĩ yên tâm liều thân xông pha trận mạc? Phải sức cho bọn hào phú các hạt biết trọng trách phải cứu dân đói, không được tàng trữ thóc lúa mưu làm giàu trên xác đồng loại. Lại còn phải trị tội nặng kẻ mổ trâu, ăn trộm trâu để răn dân chúng. Lệnh đã ban bố, ai chống lại thì dù là dân đen hay quan lại đều phải nghiêm trị. Các ông xem ta nghĩ như vậy có phải không?
Các đại thần, cuối cùng hoàn toàn bị chinh phục bởi thái độ quả quyết, lý lẽ sắc bén và biện pháp cứng rắn, táo bạo của Ỷ Lan. Vui mừng trước sự chuyển biến ấy, Ỷ Lan tiếp, giọng ấm áp thuyết phục:
- Trong lúc cấp bách này nếu không có phương kế bạo dạn, việc có cơ hỏng. Các ông phải hiểu bụng ta. Bây giờ ta chỉ yêu cầu các ông đôn đốc hạ cấp không được tùy tiện buông thả cũng như ta không cho phép các ông chậm trễ tuân lệnh.
Thái sư Lý Đạo Thành chậm rãi tâu:
- Hoàng phi thay hoàng đế cầm quyền trị nước đã quyết, vậy chúng tôi đâu dám không hết lòng.
Ngay hôm ấy, được Ỷ Lan ủy thác, Lý Đạo Thành thảo xong lệnh cứu đói. Ngựa trạm lập tức chuyển lệnh về các lộ, phủ.
* *
*
Ỷ Lan để tâm theo dõi việc cứu dân đói đến quên ăn mất ngủ. Sau khi lệnh cứu đói chuyển về các lộ, phủ, Ỷ Lan tiếp phái thêm một số quan lại có năng lực đi thanh tra giám sát, đôn đốc việc thi hành mệnh lệnh ở các địa phương, nhất là ở những vùng có nạn đói lớn. Tâu trình đưa về thật khả quan. Nhiều nơi nạn đói đã được chặn lại. Tuy nhiên vì nhiều lý do, một số châu, phủ, nạn đói không giảm đi mà còn thêm nguy kịch. Ở châu Định Nguyên61 nạn cướp đã nổi lên đến nỗi viên quan châu ở đó không kìm chế được. Hay tin ấy Ỷ Lan lo lắng triệu thái sư Lý Đạo Thành đến hỏi:
[61] Vùng Yên Bái ngày nay.
- Châu Định Nguyên phế loạn, ta rất lo. Nếu không trấn yên đươc nơi ấy, chẳng mấy chốc nước sẽ sinh loạn. Ông có kế gì trị được bọn cướp, vỗ yên lòng dân?
Lý Đạo Thành tâu:
- Quan châu không nghiêm mệnh lệnh nên dân đói cùng đường làm liều. Vậy muốn trấn yên được xã tắc phải trị tên quan châu sâu mọt, thay bằng người hiền lương.
Ỷ Lan vui mừng:
- Ông nói rất hợp ý ta. Nhưng như thế sao đủ?
- Tâu hoàng phi! Đánh dẹp bọn cướp thì dễ, làm cho dân yên nghiệp làm ăn mới khó. Tôi nghe trị dân loạn cũng như gỡ tơ rối không thể gấp được.
Ỷ Lan đăm chiêu:
- Ông nói đúng. Xưa nay ai được nhân tâm thì hưng thịnh, ai mất nhân tâm thì tan vỡ. Ai cậy vào đức sẽ hưng thịnh, ai cậy vào sức thì sẽ mất. Xem vậy tuyển dụng người hiền, biết thương dân, dùng ân thay uy mới có thể làm cho dân yên được. Nhưng việc quá gấp. Nếu không dập nhanh được đốm lửa phản loạn ấy sẽ sinh ra cháy rừng.
- Việc cần lúc này là phải có người đức độ tài ba, lên trấn nhậm Định Nguyên.
Ngẫm nghĩ một lúc Ỷ Lan nói:
- Ta muốn đích thân tới châu Định Nguyên để tiện quyết định mọi việc.
Thái sư Lý Đạo Thành kinh ngạc:
- Hoàng phi nói sao? Đích thân hoàng phi lên châu Định Nguyên?
- Phải! Hoàng đế vẫn chẳng mượn những chuyến đi thăm dân gặt hái, viếng thăm chùa chiền để thăm thú dân tình, đôn đốc quan lại các miền đó sao?
- Tâu hoàng phi! Lên châu Định Nguyên đường xa, vất vả lắm. Lại nữa miền ấy hiện không được yên.
Ỷ Lan phác một cử chỉ kiên quyết:
- Có vất vả mới sáng suốt giải quyết mọi việc. Vùng ấy không yên mới cần sự có mặt của triều đình. Hoàng đế còn thân làm tướng đem quân đi đánh giặc, cớ sao ta không có gan chia nỗi nhọc nhằn đi trấn an dân chúng? Vả lại, ông cứ ngẫm mà xem, loạn lạc như một thứ bệnh dịch, phải chặn ngay nếu không sẽ hối không kịp. Mọi việc sẽ diễn biến không ngừng.
Lý Đạo Thành thán phục lòng can đảm của Ỷ Lan nhưng vẫn cố can:
- Hoàng đế đã thân đi trận mạc, chuyến đi của hoàng phi cũng không ít hiểm nguy. Xin hoàng phi nghĩ lại. Việc triều đình hoàng đế đã ân cần phó thác cho hoàng phi.
- Ông sẽ thay ta quyết đoán mọi việc. Ta sẽ đi nhanh và về nhanh. Dẫu sao việc ta vắng triều ông cần giữ kín.
Nói sao làm vậy. Ngay ngày hôm sau, Ỷ Lan cùng hai thị nữ, trong đó có Lộc và gần một chục hoạn quan cải trang làm dân buôn lên xe ngựa đi lên châu Định Nguyên.
* *
*
Bao năm tháng sống trong cung cấm, có dịp về các làng quê, Ỷ Lan sống lại cái cảm giác thanh thản trong tình yêu thiên nhiên cháy bỏng của thời con gái. Chiếc xe ngựa chạy trên con đường đất gập ghềnh ngược dòng sông Nhị, đưa Ỷ Lan đi giữa màu xanh bất tận của núi đồi. Sau trận mưa sớm, phong cảnh các nơi trong sáng như những bức tranh lồng kính. Nhưng rồi cảm giác thư thái ấy đã qua đi nhanh chóng, khi tận mắt mình, Ỷ Lan nhận thấy những dấu vết của vụ lúa thất bát. Ỷ Lan se lòng nhận ra những người ăn mày chỉ còn da bọc xương đã vĩnh viễn nằm lại ở dọc đường. Đến một nơi chợ đông đúc, trù phú ở vùng Hưng Hóa62, Ỷ Lan ra lệnh cho xe dừng lại. Một cảnh tượng trái ngược đập vào mắt Ỷ Lan: bên cạnh dãy hàng quà, bày cơ man các thứ bánh, người mua người bán tấp nập là một dãy ăn mày rách rưới xin ăn. Ỷ Lan vẫy gọi một sư cụ trong chợ vừa đi ra, hỏi:
[62]Vùng Phú Thọ ngày nay.
- Bạch sư cụ! Vùng này mất mùa mà sao chợ bán nhiều bánh trái đến vậy? Những người hành khất kia là dân bản địa hay từ đâu tới?
Sư cụ đáp:
- Vùng này mất mùa nhưng kẻ đói không nhiều. Bởi ai cũng biết tằn tiện nên thóc dư mùa trước không nhà nào không có. Nhà đông miệng ăn hoặc lười biếng bị đói thì đã được quan phủ theo lệnh triều đình mở kho lương chu cấp phần nào.
Ỷ Lan sáng bừng nét mặt:
- Vậy là nhờ quan thanh liêm, dân được nhờ. Còn những người hành khất kia?
- Họ từ đâu đến bần tăng không rõ.
Gạn hỏi và biết được những lời đồn đại, Ỷ Lan hiểu dân chúng đang lo lắng bàn tán về hiện tượng kiến làm tổ trên cao, triệu chứng sắp có nước lớn. Ỷ Lan hỏi nhà sư:
- Bạch sư cụ! Sư cụ có thấy mọi người đang bàn tán về mùa nước sắp đến không? Ý sư cụ thế nào?
Sư cụ bắt đầu chú ý đến Ỷ Lan:
- Kẻ bần tăng này xem ra ngài không phải là người thường dân. Biết lo trước nỗi lo của thiên hạ ấy là người có đức lớn. Theo bần tăng mùa nước năm nay sẽ là một họa lớn.
Ỷ Lan từ biệt sư cụ, bước về phía chiếc xe ngựa, đưa tiền cho thị nữ Lộc, dặn nhỏ:
- Ngươi hãy đếm số hành khất kể cả trẻ nhỏ, mua đủ mỗi người một cái bánh.
Trong lúc chờ đợi, Ỷ Lan bước lên xe ngựa, sai thị nữ lấy ra một thẻ trúc có dấu ấn hoàng đế và thảo lệnh cho các quan lộ, phủ gấp lo việc đắp đê chống lũ. Mệnh lệnh thảo xong, Ỷ Lan đưa một hoạn quan đem ngay về kinh cho Lý Đạo Thành ban bố. Ỷ Lan và đoàn tùy tùng lại tiếp tục lên đường.
Hai hôm sau, vào buổi chiều, xe Ỷ Lan đến Hạ Hòa63 thì dừng lại nghỉ. Ỷ Lan cùng hai thị nữ vào một quán rượu. Vợ chồng chủ quán đã ngoài sáu mươi, dáng người nhu mì ít nói. Nhận thấy quán ăn vắng khách, Ỷ Lan lựa lời hỏi:
- Quán ăn mở giữa bến đò mà sao vắng khách làm vậy, cụ chủ?
[63] Nay là Hạ Hòa, Vĩnh Phú.
Liếc thấy ba người khách đều là con gái xinh đẹp, bà chủ hiệu không giữ gìn:
- Gặp năm đói, dân làm gì có tiền mà rượu với chè.
- Nạn đói đã được quan trên cứu giúp, dân yên nghiệp làm ăn, có gì đáng phàn nàn đâu cụ?
Cụ già sửng sốt:
- Quan nào cứu giúp? Có đẽo thêm thì có! Người vùng này khắp lượt phải vào rừng đào củ, cảnh tượng thương tâm lắm. Cái quán này đáng nhẽ phải dẹp đi rồi. Có mở chỉ dành cho ít khách buôn đi lại mà thôi.
- Người ta thường buôn hàng gì hả cụ?
- Buôn thóc, lúa từ châu Định Nguyên chuyển qua đây về xuôi.
- Châu Định Nguyên cũng đói to làm sao có thóc để bán? Vả, triều đình cũng hạ lệnh cho các quan châu mở kho phát chẩn cứu dân đói. Chẳng nhẽ ơn trên không thấm nhuần đến kẻ cùng dân sao?
- Tôi cũng nghe đến nguyên phi Ỷ Lan thay vua trị nước đã rộng lòng thương dân ban lệnh cứu đói. Nhưng phép vua thua lệ làng. Già nói riêng cho các bà biết thôi, quan châu mượn cớ phát chẩn để chuyển thóc về kho riêng đem bán cho con buôn. Khách buôn từ dưới xuôi lên mua thóc của nhà quan nhiều lắm. Nghe nói của nả nhà quan cứ như nước.
Ỷ Lan đưa mắt nhìn Lộc, cái nhìn đầy ý nghĩa. Cụ già thấy khách có vẻ mặt phúc hậu, chịu chuyện, lại nói:
- Trời đất xoay chuyển, ân đức của trên không phải lúc nào cũng thấm đượm đến muôn dân. Lệnh nguyên phi ban xuống nhưng quan châu cản ngăn thì cũng ví như người đánh trống bỏ dùi vậy.
- Cụ có gì làm bằng cớ nói rằng quan châu Định Nguyên lấy thóc lúa triều đình đem bán cho bọn lái buôn.
- Ôi dào, – Cụ già đáp – các bà ở xa không biết chứ cả vùng này ai còn lạ? Chỉ chút nữa thôi, bọn người buôn thóc ấy qua đây thể nào cũng vào hàng lão nhắm rượu. Loạn cũng từ đói mà ra. Các bà phận gái yếu ớt, đi đứng phải cẩn thận lắm mới được.
Ỷ Lan hỏi:
- Vậy là bọn cướp vùng này hoành hành dữ dội lắm. Chẳng hay quan châu bất lực sao?
- Ấy cũng có đánh chác nhưng chẳng yên được. Bởi trị bệnh phải trị tận gốc. Đói sinh loạn thì muốn dẹp loạn phải cứu được đói.
Ỷ Lan hồ hởi khen:
- Ý tứ cụ nói hay lắm.
Chủ hàng nước cưới móm mém:
- Các bà quá khen. Cũng tùy người mà già nói kẻo vạ miệng có ngày.
Rồi bữa cơm trưa được dọn ra. Nhưng Ỷ Lan chẳng thể nào ăn uống được. Những lời nhà hàng nói và những điều thu lượm được trên một tuyến đường khiến cho Ỷ Lan nhận rõ nhân cách đốn mạt của tên quan châu Định Nguyên. Ỷ Lan nóng lòng muốn đến châu Định Nguyên để xem rõ thực hư.
* *
*
Sáng hôm ấy ở tư dinh quan châu Định Nguyên xảy ra một việc bất thường. Nhờ bắt mối được toán lái buôn trả giá cao, quan châu Định Nguyên bội ước, không trao thóc cho bọn lái buôn cũ. Sau một hồi xô xát, phải dùng tới lính trấn áp, quan châu Định Nguyên cuối cùng đã hoan hỉ mời được toán lái buôn mới vào tư dinh của mình, làm thủ tục nhận tiền xuất thóc.
Được đón tiếp ba cô gái xinh đẹp tuyệt vời lại giàu có quan châu vui mừng cuống quýt. Hắn chỉ hơi khó chịu vì thấy trong toán lái buôn có cả chục trai tráng lực lưỡng đi theo. Tuy thế khi thấy họ chỉ ngồi chờ ngoài hành lang, không dự vào việc mua bán quan châu yên dạ. Trái lệ thường, hắn tự tay pha trà, cất giọng ngọt ngào:
- Trong đời tôi đã từng đi đây đi đó nhưng chưa hề thấy ai có nhan sắc chim sa cá lặn như cô này – Hắn chỉ vào cô gái xinh nhất, – Chẳng hay gái thuyền quyên đã gặp được trai anh hùng hay chưa?
Nói xong những lời bỡn cợt, viên quan trạc ngũ tuần cười ngặt nghẽo, tình tứ nhìn cô gái. Nhận thấy viên quan châu có thái độ bất nhã, cô gái xinh nhất bọn nghiêm mặt:
- Tôi nghe nói ông đã có bốn vợ lại nuôi cả bọn ca nhi trong dinh mà sao vẫn còn thích quỳ lạy trước đàn bà? Xin bảo cho ông biết chúng tôi đến đây để mua thóc. Chúng tôi sẽ mua tất cả số thóc trong kho lẫm của ông với giá gấp rưỡi giá thóc mà ông vẫn bán.
Viên quan châu ngây ngất trước sắc đẹp và giọng nói trong trẻo của cô gái. Hắn hồ hởi nói:
- Thật diễm phúc cho tôi được hầu tiếp người hiểu được mình. Ví dù may mắn hầu chuyện cô cả năm cả đời cũng chưa dễ đã chán. Cũng thật là lạ, các cô đi buôn mà xem ra coi rẻ đồng tiền lại còn hách dịch nữa. Song việc đó nào có hề gì. Người đẹp vốn kiêu căng. Vả lại việc riêng tư, đi lại nhiều rồi cô sẽ hiểu bụng tôi. Thú thực, tôi có ngót hai chục gian thóc, chọn cả ngày không thấy một hạt lép. Nhưng tôi đã bán đi gần một nửa. Nghĩ lại mà tiếc. Thời buổi thóc cao gạo kém này bán cho các cô giá ấy cũng coi như là biếu các cô một nửa.
Cô gái ngắt lời hắn, cười nhạt:
- Lòng tham của ông thật không đáy. Thóc ấy ông lấy ở kho quân lương. Lệnh của triều đình đem chia cho dân đói ông nhân cơ hội ấy chiếm làm của riêng. Vậy bán được giá cao nhường ấy ông vẫn lấy làm tiếc?
Tên quan châu trợn mắt:
- Chết, cái cô này ăn nói bạo mồm bạo miệng quá.
- Tôi sẽ không tố cáo ông đâu mà sợ. Nói vậy để ông biết lũ chúng tôi không phải là mù. Có phải thế không? - Cô gái gặng hỏi.
Tên quan châu chặc lưỡi:
- Các cô tính, nhân lúc hoàng đế đi trận mạc, nguyên phi Ỷ Lan nhiếp chính thì dẫu có tài cán mấy vẫn là đàn bà, làm sao mà nghiêm lệnh được? Nghĩ vậy, tôi cũng trộm phép triều đình mà bạo gan toan tính một lần – Hắn cười rung cả cặp má phính mỡ – Nếu không tôi đã chẳng may mắn có dịp hội ngộ với giai nhân trong cảnh phú quý tột đỉnh này.
Ngắm nhìn khuôn mặt bự thịt, đỏ như gà chọi, nhất là đôi mắt đục ngầu dâm đãng của tên quan châu, cô gái cố kìm lòng để hỏi:
- Kể cũng lạ! Làm quan như các ông gặp khi dân đói, đã không thương tình giúp dân, lại còn bất cần lệnh của triều đình vơ vét cho nhiều để đẹp cung thất. Vậy sao gọi được là cha mẹ dân. Chẳng hay ông không sợ dân nổi loạn đập phá tan tành tư dinh của ông sao?
Hơi chột dạ về những câu hỏi tỏ rõ sự hiểu biết rất tường tận về nhân cách của mình nhưng vốn xem thường đàn bà, tên quan châu được dịp khoe khoang sự khôn ngoan của mình. Hắn đắc ý nói:
- Bọn cướp à? Bản chức đã cho quân đi trấn trị ngay, cốt nhất là giữ yên được vùng này, còn chúng hoành hành ở đâu, cướp bóc của ai mặc chúng. Chúng cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng nếu đến vùng này khác nào cho đầu vào thòng lọng. Bản chức đã tính kỹ, hành động như vậy sẽ tránh được cái vạ từ triều đình và cả bọn cướp đưa lại.
- Ông nói sao? – Vẫn cô gái xinh nhất gặng hỏi.
Tên quan châu được người đẹp chăm chú nghe bỗng trở nên hùng biện, khoe khôn:
- Các cô không thấy kế bảo toàn của bản chức sao? Một khi triều đình quở trách thì đây sẽ tâu có xuất quân đi dẹp cướp chứng cớ là châu lỵ vẫn được yên. Còn bọn cướp chúng không bị dồn vào tuyệt lộ, sẽ không nổi khùng mà làm dữ. Vậy là – tên quan châu cười nhăn nhở - bọn cướp và các quan có phân cương vực để xây mộng phú quý, kẻ cướp ngày, kẻ cướp đêm, kẻ được luật pháp của triều đình chở che, kẻ dựa vào bọn nắm quyền uy để cùng làm giàu, cùng hưởng lộc trời cho.
Cô gái đẹp bỗng vỗ án đứng dậy quát:
- Thế là rõ! Kẻ làm loạn chính là mi. Võ sĩ đâu! Hãy bắt tên mọt dân này chờ lệnh ta.