[Việt Nam] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí

Chương 4 : Vang tiếng khóc la, Đoan quốc công trở về cõi thọ, Rắp mưu không kín, Lê Kính Tông phơi xác sân triều




Lại nói chuyện năm Quý Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ mười bốn (1613), Nam chúa Đoan vương Nguyễn Hoàng tướng mạo đĩnh đạc khác kẻ bình thường, bản tính thông minh xuất chúng, có khí phách như Tống Tổ, Đường Tông, từ khi cai quản hai xứ Thuận Hỏa, Quảng Nam nhân chính ban khắp gần xa, ơn đức bao trùm mọi chốn, người người yêu mến ngưỡng mộ như cha mẹ, trên thuận đạo trời, dưới hợp tình dân, đúng là bậc minh chúa tài ba sáng suốt. Hạ tuần tháng năm năm ấy, vương không được khỏe, trong người mỏi mệt, các thầy lang giỏi hết sức chữa chạy nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Vương tự biết mệnh trời sắp đến chỉ trong ngày đêm. Ngày mồng ba tháng sáu, vương gọi con thứ là Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên (1) và các cận thần đến bèn sập nằm mà bảo rằng :

- Ta và các khanh đã nguyện ước vui buồn có nhau, đồng cam cộng khổ, trên lo khuông phù cơ nghiệp nhà vua, dưới chăm cứu giúp dân chúng, cùng nhau làm tròn sự nghiệp muôn đời. Nhưng mệnh trời đã hẹn khó nài, ta đành phải từ biệt các khanh. Con ta là Thụy quận công còn chưa hiểu việc quân cơ, ít am hiểu chính sự, đều phải nhờ vả các khanh giúp rập để giữ vững cơ đồ lớn lao. Các khanh chớ quên lời ta dặn.

Vương nói xong cầm lấy tay Thụy quận công mà bảo :

- Phàm đạo làm tôi phải trung, đạo làm con phải hiếu, tình anh em bè bạn lấy tin yêu làm đầu, không được quay quắt tráo trở để mất nhân tâm. Con phải nhớ lời ấy, chớ có trễ quên !

Thụy quận công quay về phía mọi người, gạt nước mắt vái tạ chịu mệnh. Nam chúa Đoan quốc công đưa mắt nhìn từng người, thở dài mấy tiếng rồi mất. Vương ở ngôi bốn mươi sáu năm, thọ tám mươi chín tuổi. Các tướng đều khóc, vật vã đổ lăn khắp trước sân chầu, tiếng gào thương vang động bốn phía. Rồi đó các tướng cùng nhau hội họp, dâng tôn hiệu là Cẩn nghĩa đạt lý hiển ứng chiêu hựu Gia Dụ vương, bàn định dùng nghi lễ bậc vương an táng ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Về sau cải táng về miếu Nguyên Lập ở huyện Hương Trà, bốn mùa thờ cúng.

Lúc bấy giờ các tướng cùng nhau hội họp ở phủ doanh, tôn lập thế tử là Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên làm thống lĩnh thủy bộ chư doanh để quản lĩnh mọi việc binh dân, kiêm giữ chức thái bảo nội ngoại bình chương, tước Thuỵ quận công.

Bấy giờ Thụy quận công năm mươi mốt tuổi, lên nối ngôi, thường gọi là Sãi vương. Vương cho dời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, ngày đêm lo sửa sang chính sự, giáo hóa do tiên vương để lại. Sãi vương cai quản binh dân hai xứ, rộng ban ơn đức, thu phục nhân tâm, bốn biển tám phương đều đến chầu cận, con dân trăm họ đền hoán hỉ vui ca. Khắp trong hai xứ dân cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, gió không lay cành, nước không dâng sóng, cũng là cảnh tượng thái hòa vậy.

Lại nói chuyện ở Bắc triều, Bình An vương Trịnh Tùng sai vương tử là thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đem quân đi đánh quân nhà Mạc ở An Bang (2), sau khi dẹp yên đảng giặc, lo tính ngay đến việc mở mang bờ cõi, khai khẩn đất đai, dân chúng theo về. Sau đó Bình An vương sai thuộc tướng là Hằng quận công đến làm trấn thủ để giữ yên cho dân chúng trong vùng.

Mùa đông, tháng mười. Ở kinh thành cháy lớn, lửa lan đốt trụi hơn vạn nóc nhà. Của cải ra tro, người vật chết cháy, tình cảnh thật thương tâm. Sinh linh lại một phen chịu khổ, dân chúng đói nghèo, nhà cửa bỏ hoang. Tháng ấy, Bình An vương sai các quan trong triều đi các nơi thăm hỏi tình hình dân chúng đói khổ. Nhà nhà kêu than, khắp nơi buồn bã, phần mộ tổ tiên không ai ngó tới, chẳng còn nghĩ đến họ đương xóm giềng, ai nấy tự lo thân, xiêu tán bỏ làng đi nơi khác. Bình An vương hạ lệnh chuẩn cho miễn tô thuế phu dịch trong ba năm để cho dân xiêu tán lại trở về yên nghiệp.

Năm Giáp Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ mười lăm (1614), mùa xuân, ngày hai mươi chín tháng hai là ngày giỗ vua Lê Thánh Tông. Bình An vương đang đứng làm lễ, chợt từ ngoài rèm có người bước vào, liền lúc đó các cành hoa cắm trong ba lọ hoa đặt trên hương án không dưng bỗng rơi xuống đất, bay vòng vòng rồi tung ra khắp nơi. Vương lấy làm lạ, không biết duyên cớ ra sao, trong lòng rất lo buồn.

Mùa thu, tháng hai, thời tiết đại hạn. Lúa má ở Thanh Hoa khô héo, trăm họ sầu khổ, ai nẩy ôm nhau mà khóc bảo rằng : "Vua chúa đối xử bạo ngược với dân, chính sự rối nát đến nỗi con dân phải chịu tai ương. Ấy là mệnh trời sai nên như thế".

Mùa đông, ngày mười một tháng mười một là tiết Đông chí, hết sấm. Nhưng năm ấy vô cớ sấm kêu chuyển động trời đất. Quan Tư thiên (3) bẩm với Bình An vương đó là triệu chứng không lành. Bình An vương nổi giận mắng :

- Sấm kêu hay không do lệnh của trời, thỉnh thoảng mới ứng hợp. Sao dám bảo là triệu chứng bất thường ?

Nói đoạn muốn đem chém quan Tư thiên, các quan ở triều phải hết sức khuyên giải mới tạm nguôi. Bấy giờ Bình An vương Trịnh Tùng nghe tin Nam chúa Đoan quốc công về chầu trời, con thứ là Thụy quận công lên nối, lòng người hướng phục, binh mạnh xứ giàu. Bình An vương trong lòng rất ngờ vực. Vương bèn sai người mang sắc chỉ vào truy tặng cho thái úy Đoan quốc công chức đô tướng, tên thuỵ (4) là Cẩn Nghĩa công, cùng lễ vật phúng điếu. Việc làm đó một là để cố kết tình thân, hai là để dòm ngó tình hình hư thực ở Đàng trong thế nào ?

Tháng tư, chúa Nam là Thụy quận công sai con trưởng là hữu phú Khánh Mỹ hầu (5) vào làm trấn thủ Quảng Nam để lấn Chiêm Thành, yên trăm họ. Khánh Mỹ hầu vâng lệnh đem quân vào trấn, tìm cách thi thố ân đức, thăm hỏi giúp đỡ dân chúng địa phương, khiến cho họ được yên cư lạc nghiệp.

Năm Ất Mão, niên hiệu Hoằng Định thứ mười sáu (1615), tháng hai, quan văn ở Bắc triều là Hình bộ thượng thư kiêm đông các học sĩ tế tửu Quốc tử giám là Nghĩa Khê hầu Nguyễn Hữu Lễ dâng sớ điều trần nói về việc "trừ bỏ tám điều hại cho nước" (khử quốc tệ bát điều) để dẹp dứt các tệ nạn. Bình An vương cho phép đem thi hành lại gia thưởng cho Hữu Lễ rất ưu hậu. Tháng ba, ngày mồng một có nhật thực, mặt trời bị che khuất cả ánh sáng nửa xanh nửa đen, một lúc sau vàng nhật lại tròn như cũ. Ngày hai mươi tám ở xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì (6) vào khoảng giờ Thân, nước sông Cái (tức sông Nhị) bỗng cạn hết, trong khoảng hơn năm khắc, cá tôm đều phơi ra giữa dòng, người ta tranh nhau bắt được nhiều vò kể. Ấy là một việc hết sức kỳ lạ.

Mùa thu, tháng tám nhuận, ở kinh thành lại xảy ra hỏa hoạn, phố phường nhà cửa kho lẫm chảy trụi. Dân chúng đàn ông đàn bà chết cháy đến ba bốn chục người, tiếng kêu khóc vang động trời đất. Ngày mười sáu tháng ấy, Bình An vương được tin báo sứ bộ sang sứ nước Minh trở về. Vương bèn sai các tướng ở Vũ vệ phủ là thiếu bảo Quán quận công Nguyễn Cảnh Kiên cùng quan văn là Hình bộ thượng thư Nghĩa Khê hầu Nguyễn Hữu Lễ đi nghênh đón sứ bộ trở về.

Năm Bính Thìn, niên hiệu Hoằng Định thứ mười bảy (1616), mùa xuân, ngày mười sáu tháng giêng, nguyệt thực. Mặt trăng bị che khất khoảng một hai phần mười. Lại có sao Khách phạm vào trong quầng mặt trời, hơn mười ngày mới hết. Cung phi họ Tô của Bình An vương ốm chết. Tháng ba, vương xét các quan văn võ có công trong chuyến đi sứ, thăng cho Lại bộ hữu thị lang Xuân Dương bá Nguyễn Thế Danh làm Hộ bộ tả thị lang; thăng cho Lễ Xuyên bá Phùng Khắc Khoan làm Hình bộ hữu thị lang; thăng cho ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì làm đô đài ngự sử. Thăng cho các tướng võ : Cẩm y vệ thự vệ sự Đông Dương hầu làm đô đốc đồng tri, tước Miên quận công; Kim ngô vệ thự vệ sự Hoa Dương hầu Mai Ngọc Châu làm tham đốc, tước Phố quận còng, đề bồi đáp công lao vâng mệnh làm xong việc đi sứ trở về triều.

Năm Đinh Tị, niên hiệu Hoằng Định thứ mười tám (1617), mùa xuân, ngày rằm thảng giêng, giờ Sửu có nguyệt thực, sau hai giờ mặt trăng mới lại tròn. Tháng hai, Bình An vương Trịnh Tùng thăng chức cho Hình bộ thượng thư Nghĩa Khê hầu Nguyễn Hữu Lễ làm đô đốc đồng tri, tước Tuyền quận công, thăng cho Hiến sát phó sứ Thuận Hóa là Trà Nam hầu Đạm Cảnh Tường làm đô đốc thiêm sự, tước Trà quận công. Những người khác trong sứ bộ đều được gia thăng chức tước có thứ bậc khác nhau.

Mùa hạ, tháng tư, trời bỗng nổi gió bão, mưa đá rơi như trút, đất đá cuộn bay đổ cây. Mạc Phủ Long nhân lúc gió bão nguy cấp ấy sai gian tế (7) phóng hỏa đốt cháy phố phường kho lẫm ở kinh thành Thăng Long. Ngọn lửa bị gió táp bò lan trên mặt đất thiêu hết cây cỏ không chừa. Bấy giờ người và vật bị chết nhiều, của cải hao tổn không kể xiết, dân chúng gào khóc vang động khắp trong ngoài. Tháng bảy lại mưa bão lớn, lũ dâng ào ào, chỗ đất bằng ngập đến hơn một thước nước. Nhá cửa tường vách một phen nghiêng đổ. Đồng ruộng lúa má hao tổn, người và vật chết đuối rất nhiều. Ngày mười tám tháng chín, đang lúc lúa chắc bông thì trời lại nổi bão lớn, mưa xối xả như trút. Ở miền ven biển, nước mặn ập vào cuốn phăng ruộng bờ, nhà cửa, trâu bò, gia súc bị kéo trôi ra biển. Lại ở xứ Sơn Tây sinh nạn sâu keo cắn nát hết lúa má, hoa màu, cây cối. Tháng chạp, ở kinh kỳ lại cháy, mất hơn vạn nóc nhà. Phần nhiều là những triệu chứng chẳng lành như thế. Cả ở kinh thành và các nơi người chết đói đầy đường, kẻ sống sót tìm đường khắp tây đông bôn tẩu để lo mạng sống. Dẫu là các nạn thủy tai hạn hán thời xưa cũng chưa bao giờ thiệt hại nặng nề như lúc bấy giờ, các quan tại triều nhiều lần đem sự việc bẩm trình lên chúa Trịnh. Bình An vương tức giận nói :

- Muôn điều đều ở mệnh, nửa điểm cũng do trời. Há phải tại ta đâu !

Rồi cứ tảng lờ không xét đến. Ai nấy đều ngạc nhiên.

Người thời bấy giờ có thơ rằng :

Vua yếu tôi loàn thế nước nguy.

Bốn phương giặc nổi nhiễu bang kỳ.

Tố giông mưaa đá thiên lôi giáng.

Biển cạn rừng lay trục đất di,

Làng xóm hoang vu nghìn hộ khốn,

Phố phường nghiêng đổ vạn dân bi.

Cổ kim trị loạn hưng vong ấy,

Mịt mịt mờ mờ chẳng biết chi.

Năm Mậu Ngọ, niên hiệu Hoằng Định thứ mười chín (1618), ngày mười sáu tháng giêng, nguyệt thực, mặt trăng bị che khuất chín phần, khoảng một giờ mới tròn như cũ. Tháng hai, Mạc Khánh vương (8) ở Cao Bằng đem quân về đánh, xâm phạm ở vùng ven biên. Bình An vương Trịnh Tùng sai thống lĩnh thiếu phó Thanh quận công Trịnh Tráng, quan đốc thị (9) là bọn tả thị lang An Lan bá Nguyễn Thực theo đường thủy tiến đến đánh ở Đàm Giang. Lại sai thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân cùng đốc thị phó đô sứ Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì đem quân bộ đến Đàm Giang hợp sức với thủy quân đánh kẹp vào để dẹp quét dư đảng họ Mạc.

Hai đạo binh vâng lệnh xuất quân cùng tiến, chẳng bao ngày đã đến Đàm Giang. Mạc Khánh vương cùng các tướng dưới quyền là bọn Tri Thủy sai quân đi thám thính biết tin đại quân hai đường đang tiến đến, lấy làm lo sợ không dám chống cự, đưa nhau chạy về Cao Bằng.

Bấy giờ thiếu phó Thanh quận công Trịnh Tráng trước đó đã truyền mật lệnh cho quận Phú, quận Lộc đem quân đóng chặn ở những nơi rừng sâu đường hiểm. Bọn quận Phú, quận Lộc biết tin quân Mạc Khánh vương chạy trốn về bèn tung quân đánh thốc, chém được tướng Mạc là quận Lập, tàn binh nhà Mạc thua to, tìm đường trốn lánh. Thanh quận công Trịnh Tráng chiến thăng đem quân trở về. Bình An vương căm giận bè đảng nhà Mạc, muốn đánh phá cho tan hang ổ của bọn chúng mới thật nguôi lòng.

Lại nói chuyện tế tửu Nghĩa Khê bá Nguyễn Lễ vốn có hiềm khích với trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, nguyên do là Nguyễn Lễ thấy Phùng Khắc Khoan là người thông minh mẫn tiệp, tài trí hơn mình thì ôm lòng đố kỵ, bèn nói dèm với Trịnh Tùng rằng :

- Thần thấy Phùng Khắc Khoan cậy tài, kiêu căng khoe giỏi, nói thiên hạ chẳng ai bằng mình. Thấy cảm tình của chúa thượng ngày một thưa nhạt không được sủng ái như trước, Khắc Khoan có ý hai lòng, ngầm mưu với giặc Mạc, hẹn ngày cho bọn chúng đem quân đánh về kinh đô, Khắc Khoan sẽ làm nội ứng, trước hết đem thành trì ra dâng. Thần nghe gần xa đồn đại. Mong chúa thượng suy xét trừ đi kẻo để lo về sau.

Trịnh Tùng nghe Nguyễn Lễ nói, lòng bừng bừng nổi giận nói :

- Lời khanh tố cáo ta đã hiểu ý. Ta thường thấy những khi quân Mạc quấy nhiễu chẳng thấy Khắc Khoan bàn định một mưu kế gì, cứ làm thinh ngồi yên, xem ý tứ từ trước thế là đã rõ, hà tất phải xét hỏi.

Nói đoạn liền sai người gọi Phùng Khắc Khoan vào phủ mà trách hỏi rằng :

- Ngươi là kẻ nho học, thường đọc ngũ kinh chư sử, sao không nghĩ điều trung quân ái quốc để đền ơn tri ngộ ? Lại chớm lòng bán nước phản chủ ? Muốn bắt chước Trương Lương đem đất Ích Châu về theo Lưu Bị chăng ?

Phùng Khắc Khoan nghe Bình An vươg Trịnh Tùng nặng lời trách mắng chẳng hiểu ý tứ thế nào, chỉ biết sợ hãi cúi đầu thưa :

- Thần là kẻ học Nho, vẫn biét sách xưa của Khổng Mạnh, phép diệu của Tôn, Ngô, chăm giữ cương thường luân lý, một khắc cũng không dám quên. Ấy cũng là muốn thanh danh lưu truyền sử sách, há có tiểu tâm như bọn giặc Trương hay sao ? Phải chăng có kẻ ôm lòng đố kỵ vu khống quàng xiên, xin chúa thượng thẩm xét để rõ gian ngay.

Trịnh Tùng nghe nói cả giận, quát gọi võ sĩ lôi ra chém đầu. Phùng Khắc Khoan sắc mặt vẫn không đổi. Các quan triều thấy thế ai nấy lấy làm thương tiếc, đều xuống cả dưới thềm rập đầu can ngăn :

- Khắc Khoan là kẻ hiền sĩ, nhiều lần lập được kỳ công, giàu lòng trung hậu, không. phải là hạng phản phúc hung đồ. Người nước Minh còn khen ngợi là hạng thượng báu ! Cúi xin chúa thượng chớ giết ông ta kẻo lại mắc phải mưu kế của kẻ khác ! Làm như thế thiên hạ sẽ bàn tán cho rằng chúa thượng không rộng đức bao dung kẻ sĩ.

Bình An vương nghe các quan gian can gián, cơn giận dữ mới tạm nguôi, bèn chỉ Phùng Khắc Khoan mà mắng rằng :

- Ta nể mặt các quan. tha tính mạng cho ngươi. Cái đầu người ta hãy tạm gửi ở trên cổ đó ! Không có gì phải biện bạch nữa !

Nói đoạn ra lệnh thích chữ vào mặt đưa đi đày ở chỗ núi sâu. Từ đấy không cho Khắc Khoan lui tới kinh đô triều đình, cũng không được đi đó đi đây trong dân dã !

Khắc Khoan vái tạ chịu tội đi ra khỏi sân triều, theo kẻ sai nhân của chúa đem đi đày ở trên núi Phượng Nhãn. (10)

Khắc Khoan bèn dựng một căn nhà cỏ, phát hoang một khu rừng, trồng cây lấy hoa, vun bón gốc quả, lòng dạ vẫn một niềm giúp vua báo nước, không chút oán hờn, tự cho rằng ấy chỉ là do thời do vận. Từ đó Khắc Khoan thảnh thơi thưởng ngoạn nơi rừng nút ! Để giãi bày tâm chí, Khắc Khoan từng làm một thiên tự thuật đề là Lâm tuyền giai thú (Thú vui nơi rừng suối) ngâm ngợi cho khuây buồn. Mà cũng là để nhạo cười nhân tình thế thái, vui dưỡng bản tính thiên nhiên, đợi ngày mây mù bị xua tan, trên trời xanh lại thấy vừng hồng sáng rỡ.

Lại nói chuyện hạ tuần tháng năm, chúa Nam Thụy quận công sai người đi các nơi trong hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam để xem xét ruộng đất cấy cày, trưng thu thuế má để chi dùng việc công. Từ đó dân trong hai xứ tuân giữ bờ cõi, chăm lo cấy cày để cung đốn chứa trữ, tịnh không có tệ nạn tranh đoạt cướp bóc.

Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ hai mươi (1619), ngày mồng ba tháng ba, trên vùng trời ở kinh đô Bắc triều có ngôi sao trông dáng như lưỡi dao yển nguyệt (11), đầu ngọn chỉ về phía tây. Sao chổi cũng xuất hiện ở phía đông, đến hơn một tháng mới hết. Lại ở xứ Kinh Bắc trời mưa đổ xuống những kim khí sắc như lưỡi giáo, mưa nước đen, nước trắng như phấn, lại có nơi mưa gạo. Dân chúng vườn tược bị hư hại, nhà cửa nghiêng sụp. Toàn là những triệu chứng bất tường. Vua Lê lấy làm lo âu, nhưng chưa từng xét xem trong nước xảy ra việc gì. Đến mùa hạ vào khoảng tháng tư chợt vua Lê phát hiện ra mọi việc kỷ cương nước nhà, công việc triều chính, khen thưởng hình phạt đều do ở cửa phủ chúa định đoạt, không tâu lên vua. Đó chính là thói cũ của bọn Vương Mãng, Tào Phi thời Hậu Hán (12). Vua Lê lấy làm buồn lo khôn xiết, bèn mật sai viên hoạn quan hầu cận là Bộ Lâm bí mật lên Cao Bằng báo tin cho họ Mạc biết để làm kế phối hợp trong đánh ra ngoài đánh vào. Chỉ có việc quân nội ứng bên trong chưa biết giao cho ai.

Vua Lê Kính Tông từ trước vốn biết con thứ của Bình An vương Trịnh Tùng là thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân bản tính bạo ngược, hung ác. Bình An vương từng muốn giết đi. Vua bèn cho người gọi Trịnh Xuân vào cung, khóc mà bảo với Trịnh Xuân rằng :

- Trẫm biết khanh, con của Bình An vương, là kẻ anh hùng xuất chúng, hiểu biết hơn người, có tài năng cứ. u đời, đảm đương việc lớn của quốc gia. Nhưng phụ vương của khanh thương yêu không đều, khiến cho khanh không được duỗi chí, nay trẫm muốn mở lời phổi ngực, chưa biết ý khanh thế nào ?

Quận Vạn nghe xong sụp lạy tâu rằng :

- Tiên tổ của thần đều hết sức dốc lòng phù tá hoàng triều, công lao bậc nhất, danh truyền sách sử. Nay thần hèn nhụt, may được nhờ bệ hạ coi như chân tay, thần đâu dám không hết lòng tâm phúc để vâng hầu bệ hạ? Muôn trônng bệ hạ có sự gì ủy thác thần nguệyn đem hết sức trâu ngựa bình sinh để đền đáp đặc ân của hệ hạ, vẻ vang họ hàng !

Bấy giờ vua Lê mới kề tai quận Vạn, nói :

- Bình An vương cha khanh lăng lộng quá lắm, ngấm ngầm lừa dối, khinh mạn muốn làm hại trẫm. Trẫm sợ khó giữ được thân mình trong khoảng ngày đêm. Vì thế phải vời khanh vào định kế cứu trẫm để trẫm khỏi bị cảnh sừng đâm lửa bỏng. Được như thế là muôn phần may mắn !

Quận Vạn nghe nói xong tâu rằng :

- Thần ăn lộc vua phải nghĩ báo ơn vua. Nay nếu thần manh tâm bất trung thì trời đất đâu dung? Thần từng nghe lời nói của thánh nhân : "Trước trung mà sau hiếu". Cha thần đã bất trung như thế, thần đâu còn dám nghĩ đến chữ hiếu ! Huống chi thần từ lâu đã nghĩ trong lòng như thế. Xin bệ hạ cứ giao phó trọng trách, thần sẽ tùy cơ mà hành động, công việc tất xong. Bệ hạ không cần phải lo nghĩ nhiều.

Vua Lê nghe nói cả mừng, vỗ vai quận Vạn mà căn dặn rằng :

- Tính mệnh của trẫm ở trong tay khanh, khanh chớ để thất tín !

Quận Vạn vái tạ ra về, muốn nghĩ mau mau ra trăm cách nghìn mẹo. Bỗng nảy ra một kế, trong bụng lấy làm khoái trá. Rồi đó quận Vạn bèn sai thợ vẽ chẻ tre đan hình voi, làm thành hai con, lấy giấy bồi lên cho giống như voi thật của Bình An vương thường cưỡi. Lại làm địa lôi chôn giấu ở trong cấm doanh, tính toán cự ly tập bắn cho thật tinh chuẩn, trăm phát trăm trúng. Một mặt quận Vạn sai thủ hạ ban đêm lẻn vào ẩn nấp bên đường ngự đạo phía sau cửa khuyết, đợi Bình An vương đi xem xưởng thợ trở về thì bắt giết. Được như thế thì vua Lê khoái dạ, mà mình đoạt được ngôi vị lớn !

Hôm ấy, Bình An vương cưỡi voi đi xem xưởng trở về, gần đến chỗ Trịnh Xuân mai phục, vì voi bước thong thả nên đi chậm lại sau. Bỗng địa lôi nổ sớm giây lát, chỉ trúng vào người hầu cầm lọng đi trước và phạt gẫy cán lọng của chúa. Bình An vương thất kinh, vội về phủ triệu họp các quan tướng văn võ để tìm hỏi căn do. Bấy giờ vương mới hay rằng vua Lê và quận Vạn ngày đâm vụng lén mưu toan để gây nên việc này.

Bình An vương bèn sai tướng võ là thái tử thái bảo Trấn quận công Trịnh Bôi, nội giám (13) là bọn quận Nhạc (14) tức tốc ập vào cung điện bắt vua Lê thắt cổ giết chết, vứt thây ở sân chầu, không cho quàn ở Thái miếu. Lại sai người đi bắt Vạn quận công Trịnh Xuân giao nộp cho chúa. Bình An vương tức giận muốn giết ngay. Nhưng nghĩ tình cha con vốn là thiên tính, không nỡ giết hại, bèn truyền lệnh tống vào ngục tối giam kín trong nhà kho. Cách vài tháng sau mới cho tha, biếm làm dân thường, không cho nhận vào trong tộc thuộc.

Lại nói vua Lê bị họ Trịnh lấn vượt, tiếm đoạt quyền bính, thường vẫn để bụng bất bình, cùng mưu tính với Trịnh Xuân để khởi sự, không may một lúc bị hại, trong nước trở thành không vua. Vì thế các công khanh đại thần bẩm với Bình An vương Trịnh Tùng rằng :

- Nước không thể một ngày không vua. Xin vương thượng chọn lập để nắm quyền chính của nước.

Bình An vương nghe theo, bèn lập hoàng thái tử Lê Duy Kỷ lên ngôi hoàng đế cải nguyên là Vĩnh Tộ năm đầu.

Vua mới lên ngôi vinh phong cho các quan, xuống chiếu đại xá thiên hạ. Người thời bấy giờ có thơ chê trách Bình An vương Trịnh Tùng như sau :

Thương sót Lê hoàng vận bĩ là !

Rồng thần thất thế gặp yêu xà.

Anh hùng ít kẻ giúp triều chính,

Tiếm loạn nhều tay rắp gian tà.

Trịnh Xuân ví thử mưu chắc thắng,

Định Đế (15) nào đâu phải khóc la.

Kìa xem con bố tru diệt lẫn,

Mới biết lòng trời bỏ Trịnh gia.

Chú thích :

(1) Nguyễn Phúc Nguyên (tước Thụy quận công) là con thứ 6 của Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Hoàng mất thì con cả là Hà, thứ hai là Hán, thứ ba là Thành, thứ tư là Diễn đều đã mất sớm. Con thứ 5 là Hải đang làm con tin ở triều đình Lê Trịnh (được phong tước là Cẩm quận công như ở phần trên đã nói đến), Phúc Nguyên là con thứ 6, được truyền ngôi.

(2) An Bang : tên đạo thời Lê, sau kiêng húy Lê Anh Tông (Duy Bang) đổi là An Quảng bao gồm phần đất thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

(3) Tư thiên : Viên quan đứng đều Tư thiên giám (tên cơ quan thiên văn lịch pháp đời Lê).

(4) Tên thụy là tên hiệu đặt cho người quá cố.

(5) Tên tộc tước của Nguyễn Phúc Kỳ, con trưởng của Phúc Nguyên.

(6) Tức xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (nay ngoại thành Hà Nội).

(7) Gian tế : có thề hiểu như danh từ "gián điệp" ngày nay.

(8) Tức Mạc Kính Khoan, từ năm 1621 biệt lập với Mạc Kính Cung xưng niên hiệu là Long Thái.

(9) Đốc thị : Theo quy chế quân sự thì xưa mỗi khi xuất binh đi đánh thì trao quyền chỉ huy cho một viên võ tướng, bên cạnh lại đặt một viên quan văn làm nhiệm vụ giám sát và bàn định về khía cạnh chính trị, đó là chức đốc thị.

(10) Nguyên văn : "biếm Phượng Nhãn sơn thượng". Chưa rõ núi Phượng Nhãn mà tác giả Diễn chí nói ở đây là núi nào, chắc không phải là núi ở huyện Phượng Nhãn (nay thuộc Yên Dũng, Bắc Giang). Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì Phùng Khắc Khoan bị đày đến huyện Tương Dương, Nghệ An.

(11) Yển nguyệt : đao lưỡi bầu tựa như hình mặt trăng khuyết nằm ngang.

(12) Vương Mãng : Tể tướng thời Hán Bình Đế (Trung Quốc) sau giết Bình Đế. Tào Phi : con Tào Tháo, đoạt ngôi nhà Hán xưng đế (tức ngụy Văn đế).

(13) Nội giám : chỉ các viên quan hoạn hầu việc ở trong cung vua phủ chúa.

(14) Tức Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm.

(15) Về thụy hiệu của Lê Duy Tân (miếu hiệu Kính Tông) sau khi chết, Toàn thư chép là Huệ Hoàng Đế ; Cương mục chép là Giản Huy đế. Ở đây tác giả chép là Định đế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.