[Việt Nam] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí

Chương 17 : Dinh An Trạch, Chiêu Vũ trình chiến sách, Xứ Hải Dương, quận Phấn mắc mưu gian.




Nói tiếp việc chúa Hiền đem quân về đến phủ An Trạch biết Thuận Nghĩa và các tướng đã lui quân về Dinh Cầu, chỉ còn đốc chiến Chiêu Vũ thì vẫn bặt vô âm tín. Chúa Hiền vì vậy càng thêm lo lắng, ăn không biết ngon, ngủ chẳng yên giấc, ngày ra cửa ngóng nhìn, đêm đốt đèn ngồi đợi, cầu khấn trời đất quỷ thần phù hộ. Bỗng có người hầu vào báo:

- Bẩm chúa thượng, đốc chiến Chiêu Vũ đã về, hiện đang đợi ngoài cửa phủ!

Chúa Hiền nghe tin cả mừng sai người ra đón tiếp. Chiêu Vũ vào ngự doanh phủ phục lạy chào. Chúa Hiền bước xuống thềm vui mừng nói:

- Ta gặp lại Chiêu Vũ cũng mừng như được thấy Trung đô!

Chiêu Vũ cúi đầu vái tạ tâu rằng:

- Thần nhờ có chúa thượng cao minh, được quỷ thần phù hộ, không may lọt vào hang cọp mà vẫn được an toàn khỏi lo.

Chúa cả cười dắt tay Chiêu Vũ lên ngồi bên ghế ngự, nói:

- Chập tối ngày mười hai khanh đóng quân ở đâu?

Chiêu Vũ đáp:

- Từ giữa buổi sáng hôm đó, quân của bọn thần ở Cửa Sót, tiếp với thủy quân của trấn thủ Dương Trí đi qua kênh Thiên Lộc cùng hội binh với trấn thủ Nghĩa Lâm, tham tướng Vân Long đánh vào cửa Hội Thống bắt sống quận Xuân, thẳng tiến vào sông Lam, cùng các tướng hội họp bàn việc đánh lấy Vĩnh Dinh. Tiết chế Thuận Nghĩa truyền lệnh cho quân chính đạo chiếm giữ cầu Đại Nài, tiến đánh quân hạ đạo của quận Ninh ở sông Lam và quân thượng đạo của quận Đương, đợi quân của vương đình tiếp đến để thần tốc đuổi dài đến tận Trung đô, không phải là điều khó lắm. Không ngờ bọn Triều Khang, Phù Dương dùng binh không biết tính toán đến nỗi thất bại. Ngày hôm ấy, thần trước đã đem quân bộ cùng với thủy quân của tham tướng Vân Long, trấn thủ Nghĩa Lâm, Dương Trí, cai cơ Hoằng Tín, thủy bộ tiếp ứng cho nhau, cùng tiến qua bến đò Phù Thạch đến kênh Minh Lương. Quân của thần đóng ở chỗ cây đa giữa hai xã Nam Ngạn và Bình Hồ để làm kế dụ địch. Quận Ninh sai quân đi do thám, biết thần đóng quân ở đó, lấy làm thích thú đắc thắng, vội sai bọn quận Dụ đem một vạn quân vây đánh. Bọn thần, trên nhờ uy đức của chúa thượng, dưới cậy có nhuệ khí của ba quân, theo kế "tỏ yếu thắng mạnh, biến khách thành chủ" . Quân Trịnh không hay biết, xông đến chỗ bọn thần đặt sẵn phục binh. Quân ta xông ra đánh giết, chém chết hai tướng Tào Nham, Diễn Thọ ngay tại trận. Quân Trịnh tan rã bỏ chạy. Quân ta thu được voi ngựa, súng đạn, khí giới nhiều không kể xiết. Quân quận Ninh đến xã Bình Hồ, bị thủy quân của cai đội Hoằng Tín chặn đánh. Quận Ninh thua to, liều chết chạy về Vĩnh Dinh. Thần đem quân đuổi theo đến chợ Hạ, muốn dốc xuất quân lính tiến tới đánh phá Vĩnh Dinh. Nhưng lúc ấy tiết chế đã truyền lệnh lui quân. Chỉ vì là lệnh của quân nguyên súy, không dám bất tuân, đến nỗi mất cả cơ hội như thế! Thần rất lấy làm tiếc. Ví thử ngày ấy các tướng cứ theo kế sách của thần đã định thì bây giờ có thể chúa thượng đã ngự tại Trung đô, chẳng có gì phải lo nghĩ cả. Nhưng, thời âu cũng là vận đấy thôi, biết làm thế nào được.

Chúa Hiền nghe Chiêu Vũ nói xong, đập tay xuống chiếu, tiếc nói:

- Nếu ta sớm nghe lời Chiêu Vũ thì xuất quân lần này giang sơn đã thu về một mối! Chỉ vì ngày hôm ấy ta đem quân tiến đến Lũng Bông, giữa đường gặp tên xá Phú xằng bâyh nói rằng các tướng Triều Khang, Phù Dương thua trận. Ta hỏi nó quân các đạo cùng với khanh lúc ấy ở đâu, thì tên ấy nói quân của Chiêu Vũ hiện không biết ở đâu! Quân các đạo khó địch nổi quân Trịnh, có cơ bị thất bại. Rồi nó khuyên can ta phải mau lui binh kẻo bị quân Bắc đánh úp. Khi ta đã lui binh về Bố Chính phía nam sông Gianh mới biết là bị mắc lừa, đã sai chém ngay tên Phú rồi. Huống chi khi đó đã lui binh về, cũng khó giành lại cơ hội. Ta đem quân về Quảng Bình ba, bốn hôm nay, đã sai người đi dò tin, biết các tướng đã về đóng ở Dinh Cầu, chỉ có khanh là không biết tin tức ra sao, chỉ lo khanh bị thất lợi mà thôi. Nay thấy khanh về đây, lòng ta vui mừng khôn xiết, thật bõ công ngóng chờ. Chỉ vì khanh đi theo quân thủy tiến binh đã xa, nếu khanh gửi mật thư báo về cho ta biết rõ hư thực, tất là ta đã ruổi quân ra tiếp ứng, cơ hội đã thành, khỏi cho tướng sĩ ba quân biết bao lao khổ! Hơn nữa quân ta tiến đóng Nghệ An đã hai năm, hễ đánh là thắng, đã giành là lấy được. Như thế thì bốn trấn ngoài Bắc tất đã nghe tin, họ Trịnh hẳn đã kinh hồn, nhụt chí. Nay ta lui quân như thế, bốn trấn chưa thấy động dạng, không biết ý khanh thế nào?

Chiêu Vũ tâu rằng:

- Thần kém tài cạn học, nghéo trí ít mưu, nhưng tuân lời vàng của chúa thượng, thần xin được trình ngu ý: Trước là nhờ hoàng thiên che chở, được tông miếu phù trì, từ khi các tướng bên ta đem quân ra Nghệ An đã chiếm được bảy, tám châu huyện. Anh hùng hào kiệt, sĩ tốt binh dân quy phục rất đông, Ngày quân ta chiếm giữ sông Lam kể cũng đã là lao khốn lắm. Những các tướng sĩ cũ mới đều bảo nhau rằng chúa thượng cao minh, sánh tày Hán Cao Tổ, đức sánh ngang với Đường Thái Tông, biết dốc lòng để đãi sĩ, nhún mình để cầu hiền, coi con đỏ dân đen như trân châu bảo ngọc, đúng là bậc minh chúa đời nay. Cho nên ai nấy đều vui lòng quy thuận, mừng chọn minh chúa mà thờ, người người đều đồng lòng hiệp sức làm hết đạo bề tôi, không có tình ý gì khác. Nhưng từ đó về sau, các tướng bên Trịnh mới theo về thường thấy quân ta tướng văn tướng võ hiệu lệnh không nghiêm, dung túng cho quân lính đi cướp phá các nơi. Lại thấy bên ta dùng người chỉ nặng cũ mà nhẹ mới, có công không ghi, có tội không xử. Bên ngoài tuy họ không nói ra nhưng trong lòng đã chớm nản, cho nên mới đến nỗi như thế.

Vả lại thiên hạ chẳng phải là thiên hạ của riêng ai, mà thiên hạ là của thiên hạ vậy. Người xưa nói: chọn hiền không riêng một lệ nào. Từ nay muôn trông chúa thượng chớ phân biệt bốn trấn, đừng xét ở chỗ đồng quận đồng hương. Nên chọn những người có tài mà ủy nhiệm công việc. Người có tài năng xuất chúng thì cho tăng bổng lộc để sai cầm quân, kẻ không giỏi việc quân thì cấp bổng lộc mà cho về dưỡng lão. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, hiệu lệnh nghiêm minh, ai nấy đều vui vì được dùng đúng chỗ. Đó là chính đạo của việc dùng người. Còn như quân sĩ, kẻ nào dũng cảm thì tùy tài năng mà cất nhắc, trao cho chức tước, khiến cho hạ thân gần với bề trên, dám chết cho bậc trưởng. Ấy cũng là kế lớn trong việc dùng binh. Nếu làm đúng được như thế thì khắp chốn núi sâu hang cùng trẻ già mến đức theo về, người có tài không giấu, kẻ có trí không che. Thế gọi là dùng mồi trí để câu cá ngao, mở cửa song mà xem trăng sáng. Như thế có lo gì không đẩy lùi được quân địch mạnh, thiên hạ một mối chẳng thu về? Vả lại, từ khi bên ta ra quân (1) đến nay đã trải hai năm, tuy giết được quân Trịnh không biết đến mấy nghìn, thu chiến thuyền hơn trăm chiếc. Nhưng họ Trịnh hoành hành lấn vượt vẫn chưa diệt được. Dân bốn trấn dù có tai nghe, nhưng cũng chưa tận mắt nhìn thấy. Vì vậy mà còn chần chừ nghe ngóng, chưa dám mưu tính gì. Người xưa nói: "Dễ thành do vận hội, khó được bởi thời cơ" . Lại có câu: "Thành công do quả quyết, thất bại bởi chần chừ" . Muôn trông thánh thượng mạnh gắng uy kiền, tỏa sáng vầng nhật nguyệt, coi sự dùng người là việc gấp, lo diệt trừ bạo nghịch làm mưu kế trước tiên. Chớ nên vội tiến vội lui, thoắt đi thoắt về, khiến cho dân bốn trấn nghe tin mà nản lòng thì sự nghiệp lớn khó thành được. Nếu chúa thượng cho rằng năm nay là năm hạn của mệnh chúa, chưa hưng binh được, thì nên theo ý nguyện của dân chúng, cho đắp lũy để dân được ở yên. Lòng dân đã hiệp thì ý trời tất thuận. Công đắp lũy là do ở dân, khi lũy đắp xong thì lệnh cho thủy quân đến đóng ở cửa biển để khuyếch trương thanh thế. Dân bốn trấn nghe biết tự nhiên sẽ nổi dậy như ong. Họ Trịnh đâu dám ngồi yên mà nhìn? Tất họ sẽ điều quân đi đánh dẹp. Nhưng phát binh đi đánh dẹp lại lo quân ta nhân lúc sơ hở mà đánh úp; lại sợ dân bốn trấn nổi dậy thế lực chia đôi, trước sau đều gặp địch.

Trong tình thế họ Trịnh lưỡng nan như thế, quân ta thừa thần cơ mà cử sự, thẳng tiến đến Trung đô. Đến lúc ấy dẫu họ Trịnh có Gia Cát tái sinh, Bà Ôn xuất hiện cũng khó tránh khỏi thất bại. Nay thời đã đến, chớ nên ngồi nhìn. Đó là ngu ý của thần, cúi mong chúa thượng hỏi thêm những người có tài trí khác để xét xem có thể thi hành được hay không. Ấy là điều phúc lớn của nước nhà vậy.

Hiền vương nghe nói cả mừng, bảo Chiêu Vũ rằng:

- Khanh trình bày mưu kế ấy rất hợp ý ta. Bản ý của ta muốn gọi khanh về để hỏi cho rõ ràng hư thực rồi mới quyết. Nay khanh đã bẩm trình mọi việc, ta cứ theo kế sách đó, hà tất phải đổi thay ý khác. Từ nay, việc quốc gia đại sự ta đều ủy cho khanh. Khanh cần đem quân đi gấp, cùng với Thuận Nghĩa họp bàn các tướng mà thi hành. Trước là giữ gìn cuộc thế yên trị lâu dài để khai sáng cõi trời Nam, sau là kết mối đồng tâm với dân bốn trấn ngoài Bắc cùng diệt trừ tiếm ngụy, nhất thống quy mô, vang uy với các nước, khuông phò cơ nghiệp nhà Lê đến chỗ thăng bình, chuyển dựng lại càn khôn, chính định danh phận vua tôi để cùng hưởng phúc của tổ tông. Đấy là sự nghiệp của anh hùng đất Nam Việt. Nếu có tin mật về việc gì khanh kíp sai người ruổi ngựa về báo để ta biết rõ kịp thời định liệu.

Chiêu Vũ nghe lời chúa nói, vái tạ vâng mệnh. Chúa Hiền nói xong vào trong trướng lấy một thanh bảo kiếm, vàng tốt hai chục lạng, gấm Thục hai tấm, lụa tốt ba chục tấm thưởng cho Chiêu Vũ. Đốc chiến Chiêu Vũ vái từ, nói:

- Thần vâng mệnh đem quân đi đánh giặc còn thẹn chưa lập được chút công, đâu dám nhận đồ thưởng. Xin chúa thượng giữ lại để thưởng cho quân sĩ.

Chúa Hiền nói:

- Đây chỉ là mấy thứ vật cũ ban cho khanh làm lộ phí đi đường, không phải là đồ thưởng. Khanh chớ khá chối từ.

Bấy giờ Chiêu Vũ mới chịu nhận, vái tạ lui ra, rồi lên đường ngày đêm đi gấp ra Dinh Cầu. Đến nơi, Chiêu Vũ thuật lại với tiết chế Thuận Nghĩa lời căn dặn của chúa. Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Bọn ta mang ơn chúa thượng, cùng mong muốn hoàn thành việc lớn. Đốc chiến nên sai người thăm dò tình hình bốn trấn ngoài Bắc hiện nay ra sao để còn trù tính kế khác.

Đốc chiến Chiêu Vũ đáp phải, rồi cáo từ về doanh viết mật thư. Viết xong, Chiêu Vũ sai bọn Văn Tường, Nho Hoàng, Thế Lương lên đường ra Bắc tìm hỏi tin tức của kỷ lục Hồ. Bọn Văn Tường lĩnh mật thư và vật làm tin, luôn đêm đi lén ra Bắc. Khi qua trấn Sơn Nam, bọn Văn Tường tình cờ gặp ký lục Hồ đang trên đường đi du thuyết ở bốn trấn. Ký lục Hồ vui mừng đón bọn Văn Tường về nhà khoản đãi. Văn Tường trình tin vật và trao mật thư cho ký lục Hồ. Ký lục Hồ tiếp bức thư, bóc ra xem. Thư viết:

"Gửi đến dưới đài của ký lục tiên sinh ở

Bắc trấn cùng các vị hào kiệt xem xét:

Từng nghe: khí số có đầy vơi, âm dương có luân chuyển mà khó lường, nước nhà có thịnh suy, trời đất có tuần hoàn mà chẳng nói. Suy xưa nghiệm nay, hết lại bắt đầu. Nhớ xưa: vua Lê Thái Tổ Cao hoàng đế, lúc đầu người ứng theo chỉ có nửa nghìn mà mở vận binh Ngô khôi phục đất trời, hiển hách nhất thống, khoan thứ để yên dân, sáng lập hoàng triều, dài truyền con cháu. Lập trị thì chính đáng, lập công thì lẫy lừng. Các đời nối truyền, vua sáng sánh tày sự nghiệp nhà Chu. Nước nhà đã hưng thịnh, đất Việt vững cơ đồ. Về sau, nhân lúc vận nước suy vi đến nỗi gian thần tiếm vị. May thay, hoàng thiên cho đức Tĩnh vương (2) ta ra đời, một tấm lòng son báo đền Lê đế. Giận tặc đồ tiếm nghịch gian manh, phục nghĩa binh phù Lê diệt Mạc. Noi theo Quách Phần Dương khôi phục nhà Đường (3) lập công đầu, một xướng mà hào kiệt chín châu theo về, một hô mà anh hùng bốn biển đến họp. Từng nếm mật nằm gai, hòa rượu uống chung cùng quân sĩ. Nghiệp trung hưng đã hẹn ngày, nền hoàng gia lại đắp. Nhưng đạo trời khó lường, quốc thống còn gặp lúc gian truân. Rốt cuộc khiến cho họ Trịnh gian manh hoành hành, thừa cơ hội mà gây nên sự nghiệp, giữ ngôi vị để thỏa lòng gian. Thả chí như Tào Tháo kiêu rông, rắp tâm tựa Đổng Trác phản nghịch. Cho nên hai vị tiên vương ta xét kỹ thế vận, biết bĩ thái có kỳ, sâu nghĩ thời cơ, tính sự hưng vong khi còn chưa sáng tỏ. Giấu tiếng giữ đạo, sửa đức cầu hiền. Biết trời chưa bỏ kẻ gian thần, đành ẩn nhịn vừa mức mà xử thế để tùy cơ. Đã có lời thề, khá nhân theo mà báo nước.

Trộm nghe rằng: Thanh vương tội ác đã dày hơn tổ phụ, hôn ám đã quá lỗi xưa. Dựa ở bọn nịnh tần mà mượn danh tiếm hiệu, tự chuyên phế lập thật ngạo mạn vô chừng. Trên dưới trái luân thường, giầy mũ đảo ngược. Ngày qua tháng lại, chốn cửu trung Lê đế gối chẳng yên. Thoát hổ gặp trăn, trăm họ khốn khổ như thân mình treo ngược.

Trộm nghĩ: Như ta cũng là con cháu bậc công thần, làm phên dậu của nhà vua, ngày đêm một lòng khăn khắn, dốc chí cần vương, xót thương trăm họ, chăm chăm nghĩ việc cứu lửa vớt đuối. Nghĩ khó khăn nhất là sách lược khuông phò, chỉ một mưu e khó xong việc. Việc thiên hạ thật rất nặng, chỉ một sức lo khó thành. Mừng cơ tiên sinh là bậc cao minh ẩn dật, quả là người hào kiệt thức thời ở đời nay. Nén lòng xem chính sự bạo ngược, lén nấp giữa gian hùng. Gắng một lòng giúp vận phù vua, liên kết chính châu tuấn nghĩa. Đúc một chí cứu dân giúp nước, rộng tìm khắp bốn biển anh hùng. Có tiên sinh, cao phong tựa Khổng – Manh, mưu lược sánh Tôn – Ngô. Được người cao minh hiền tài như thế thật khôn xiết vinh dự vui mừng.

Nay sai viên tiểu sứ chuyển đạt lời chân thực, bày tỏ tấm lòng thành, bố cáo công đạo. Dám phiền tiên sinh thi triển sức khuông phò, báo tin khắp các tướng tài Nam Bắc, bố cáo lòng nhân cứu đuối, để thu gồm hào kiệt khắp đông tây, hẹn nhau hội quân ở bến Mạnh Tân, cùng đánh dẹp trên đồng Mục Dã. Cơ đồ Lê, đế được trung hưng, càn khôn này chuyển lại. Đước như thế thì công ghi sử sách, tên truyền không nát.

Thư không thể nói cạn lời. Mong tiên sinh cùng chư vị xem xét. Kính đạt" .

Ký lục Hồ xem xong thư cả mừng, chắp tay trước mặt, nói rằng:

- Cám ơn Nam chúa có lòng yêu rất hậu, ngu tôi dẫu gan óc bết đất cũng không dám quên ơn. Lại có quý tướng lòng thành báo nước như thế, lão phu đâu dám không tận sức ngựa hèn?

Rồi đó ký lục Hồ bèn mời các bậc danh tướng quen biết đến chơi nhà để cùng xem mật thư và tiếp nhận tặng vật. Xong đó mọi người đều hướng về phương Nam vái tạ lĩnh mệnh. Những người có mặt đều ước hẹn giữ lời nói trước, nguyện dấy binh tả hữu tiền hậu theo giúp quân Nam để lập nên công lớn.

Ký lục Hồ bèn sai con trai là Tú Phượng đem mật thư và tín vật đi khắp các nơi để báo tin cho những người quen biết. Một mặt lưu bọn Văn Tường ở lại nghỉ ngơi vài ngày để đợi tin tức đem về tâu báo với Nam triều. Bọn Văn Tường nghe theo, bèn chuyển sang bên nhà khách nghỉ ngơi đợi tin.

Người đời sau có thơ rằng:

Đã hay thiên ý hợp nhân tâm,

Dòng nước về đông sóng cuộn ầm.

Một sứ chẳng từ du thuyết khổ,

Bốn phương hổ rồng lại lồng gầm.

Lại nói chuyện ở kinh đô Thăng Long, Tây Định vương Trịnh Tạc giữ người nước Minh là Ngô Cửu Lương không cho về nước. Vua Minh sai đốc chiến Quảng Đông là Dương Tông đem một trăm chiến thuyền đến đóng ở Đàm Hồng để đòi trả Ngô Cửu Lương về nước. Dương Tông bèn truyền lệnh cho quận Phấn ở Đông đạo, Triều Kỷ ở Tây đạo làm tiên phong dẫn đường cho quân thiên triều đi hỏi tội Tây Đinh vương Trịnh Tạc vì cớ khinh mạn hoàng đế thượng quốc bắt hiếp Ngô Cửu Lương không cho về nước. Một mặt gửi điệp văn cho Tây Định, nói rằng: nếu thả Cửu Lương về nước thì tha thứ tội trước, nếu không sẽ cho quân đánh phá thành trì, già trẻ không khỏi bị tru diệt. Tây Định vương Trịnh Tạc nghe tin vội triệu hỏi quần thần bàn bạc. Bỗng có tin báo quận Phấn ở Đông đạo, Triều Kỷ ở Bắc đạo đã làm phản dẫn đường cho giặc. Tây Định vương Trịnh Tạc cả kinh, tức giận nói:

- Quân Nam xâm nhiễu biên cảnh, hiện còn chiếm đóng ở miền sông Lam chưa lui. Nay đốc chiến Quảng Đông lại đem quân sang đóng ở Đàm Hồng. Người Cao Bằng đoạt lấy tô thuế không chịu nộp. Nay Đông Bắc hai đạo lại rắp tâm làm phản. Như thế chưa biết ý trời muốn làm gì ta đây?

Bèn gấp sai Quỳnh Nham ở dinh Thắng Nghĩa thống lĩnh năm mươi chiến thuyền đi chặn giữ quân đốc tướng Quảng Đông. Lại sai Dĩnh quận công đem hai mươi chiến thuyền tiến đánh bọn quận Phấn, Triều Kỷ. Hai tướng vâng mệnh đem quân xuất phát.

Trước hết nói quận Dĩnh đưa quân đến ba sông ở Cầu Hoa, gặp lúc quận Phấn và Triều Kỷ đã hội quân, dẫn hai trăm thuyền nan vây đánh quận Dĩnh. Quận Dĩnh cả bại, bỏ thuyền nan vây đánh quận Dĩnh. Quận Dĩnh cả bại, bỏ thuyền lên bộ chạy về cửa Giao Thủy (4).

Tây Định vương Trịnh Tạc nghe tin, cả giận nói:

- Quận Phấn là đứa sất phu phản bội triều đình, tội lỗi của nghiệt đảng khó bề dung thứ!

Rồi đó Trịnh Tạc nghĩ ra một mưu kế để bắt quận Phấn. Nguyên là ở đất Hải Đông có viên cai trị là Hoàng Tín (5) có hai con gái nhan sắc đều xinh đẹp nguyệt thẹn hoa mờ, chim sa cá lặn, dáng đi tựa người Hàm Đan, nụ cười như nàng Tây Tử. Lúc trước quận Phấn muốn lấy làm vợ lẽ, nhưng cai tri Hoàng Tín không bằng lòng, bèn đem hai người con gái ấy tiến vào cung làm thị nữ ở phủ chúa Tây Định. Quận Phấn căm giận, bèn bắt Hoàng Tín tống giam. Nhân đó, Tây Định vương sai người lén tìm người nhà Hoàng Tín bàn mật mưu như thế, như thế. . . Ngày hôm sau Tây Định truyền lệnh rằng: Vì cai tri Hoàng Tín đồng mưu làm loạn với quận Phấn cho nên hai con gái làm thị nữ bị biếm truất, đuổi về nhà. Hôm ấy Hoàng Tín thấy con trở về, vui mừng khôn xiết, bèn đem cả hai người tiến cho quận Phấn.

Quận Phấn cả mừng, thu nạp ngay, rồi hỏi Hoàng Tín rằng:

- Hai quý nữ do đâu mà được về?

Hoàng Tín đáp:

- Từ khi tôn công dấy binh đánh quận Dĩnh đến nay, Tây Định vương sai quân bắt giam hai con gái của bỉ nhân, bảo bỉ nhân cùng với tôn công đồng mưu làm loạn. Tây Định vì thế bỉ nhân xin đem nhị nữ đến hầu hạ tôn công. Ngày sau đại sự thành công, cùng được hưởng phú quý, ấy là thỏa nguyện.

Quận Phấn nghe nói cả mừng, bèn tha tội cho Hoàng Tín, cất nhắc làm việc trong quận, cho giữ chức cai đội, coi như kẻ tâm phúc thân tín. Từ đó quận Phấn ngày đêm cùng với hai người con gái ấy uống rượu vui đùa, thường cùng với Hoàng Tín mưu tính việc đánh lấy kinh đô.

Bây giờ Tây Định vương sai người đi dò xét biết chắc sự thực trở về tâu báo. Tây Định vương cả mừng nói:

- Tên giặc Phấn nằm gọn trong tay ta, chẳng còn phải lo ngại gì!

Bèn sai thái bảo Hào quận công đem ba mươi chiến thuyền tiến xuống Hải Đông để bắt quận Phấn.

Quân của quận Hào đến Cầu Hoa truyền lệnh kể tội quận Phấn rằng:

- Tên quận Phấn ti tiện cớ sao dám trá xưng lệnh chỉ các Bắc quốc để âm mưu làm loạn thuế? Lệnh cho dân xứ Đông kẻ nào hối lỗi cắn rơm chịu tội thì tha cho khỏi chết. Nếu chống cự, đại binh kéo đến sẽ làm cỏ hết không chừa!

Quận Phấn cả giận, nói:

- Hắn là anh hùng thì ta là hào kiệt, sao dám múa lưỡi khinh mạn ta?

Nói đoạn đem một trăm thuyền nan kéo đi đánh quận Hào. Cai đội Hoàng Tín vội can rằng:

- Xin chớ! Xin chớ! Nay đang giữa mùa đông gió to sóng mạnh, thuyền bên ta nhỏ bé, khó cự địch. Chi bằng xin tôn công đến đóng ở nhà của hạ quan, đặt binh mai phục chỗ hiểm, đợi cho quận Hào đem quân vào chỗ trọng địa, sẽ cho quân xông ra đánh, không để cho tên nào chạy thoát, tất sẽ bắt gọn quận Hào, rồi thừa thắng đánh luôn lên lấy kinh đô!

Quận Phấn nghe nói cả mừng, vỗ vai Hoàng Tín nói:

- Mưu kế của ông là xuất quỷ nhập thần, không thể lường trước được. Quả là Khổng Minh của thời nay. Ấy là trời đem ông đến cho tôi đó vậy.

Nói đoạn bèn dẫn quân đến đóng ở nhà Hoàng Tín. Vừa bước vào trong cổng, quận Phấn liền bị phục binh của Hoàng Tín xông ra vây bắt trói ném dưới thềm.

Quận Phấn kinh sợ, bấy giờ mới biết việc bèn lớn tiếng chửi mắng Hoàng Tín:

- Lão già mạt kiếp kia sao dám thông mưu phản hại ta?

Hoàng Tín đáp:

- Mi làm phản triều đình, tội ác trời không dung; đâu phải ta làm phản hại mi!

Hoàng Tín bèn mời quận Hào vào dinh, rồi cùng áp giải quận Phấn đem về kinh đô tiến nạp. Tây Định vương xét cai tri Hoàng Tín có công, cho thắng chức đô đốc đồng tri, tước quận công, giao cho cai quản Đông đạo. Hoàng Tín tạ ơn, lui triều trở về bản trấn. Bấy giờ Triều Kỷ ở Kinh Bắc cũng đã lui quân về. Đốc tướng nhà Minh là Dương Tông đóng quân ở Đàm Hồng chưa hề hay biết tin tức.

Tú Phượng đi dò xét tin tức, trở về báo tin. Ký lục Hồ nghe nói bật tiếng khóc to:

- Thương thay quận Phấn! Xót thay quận Phấn! Đáng tiếc kẻ anh hùng chết không đúng mệnh. Thế là ta mất một cánh tay rồi.

Rồi ký lục Hồ bảo bọn Văn Tường rằng:

- Nay đã lỡ mất cơ hội, xin hẹn dịp khác. Tôi sẽ tạm trở về Sơn Tây để khôi phục mối kết giao với các tướng sĩ ở vùng kinh đô. Nếu có cơ hội tôi sẽ xin lập sổ ghi tên, đưa vào tiến nạp Nam triều để bày tỏ tình trạng. Các ông ở đây có thể tận mắt trông thấy hiệu lệnh của tôi rất kỹ càng, khi trở về xin tâu trình lên chúa thượng biết rõ lòng tận tâm của kẻ bề tôi ở nơi xa.

Nguyên trước đó ký lục Hồ đã lo liệu để lọt vào vương phủ của Tây Định vương làm một chân giáo thụ dạy học cho các công tử, giảng dạy văn học, đàm luận binh pháp, không điều gì không thông suốt. Vì vậy Tây Định vương rất yêu kính ký lục Hồ. Tả phủ Quỳnh, hữu phủ Bích là con rể của ký lục Hồ, được Tây Định vương thân yêu như người tâm phúc, ngày đêm thường sai ở gần bên tả hữu. Ký lục Hồ bèn bí mật kết giao với hai người, cùng các hào kiệt ở hai huyện Đan Phượng, Từ Liêm và nhiều quân sĩ ở khắp trong ba mươi sáu phố phường Thăng Long. Tất cả được mười hai tướng và năm nghìn quân, đều theo đúng binh pháp mà luyện tập, ngày lén đêm động, tối họp sớm tan, đi dừng có phép, tiến thoái có quy củ. Ai nấy đều tình nguyện làm nội ứng, tôn ký lục Hồ làm quân sư, tuân theo mệnh lệnh điều khiển. Ký lục Hồ lại truyền lệnh cứ ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng đều lập đàn cầu cúng chẩn cấp cho dân nghèo, mượn cớ để hội họp bàn luận ở miếu Tam Vị, ở đền Bạch Mã, hoặc chùa Tổ Sư. Ở các nơi chùa miếu ấy đều dựng một cây cờ phướn lớn may bằng vải vàng, lấy đó làm hiệu để chiêu tập anh hùng bốn phương đến cúng lễ. Những ai cùng chung ý kín thì dời vào ngồi trong chỗ kín đáo để cùng nhau đàm luận. Mọi người đều ngóng trông Nam chúa đem quân vượt sông Lam, ruổi dài thẳng tiến ra Bắc, khi ấy sẽ cùng nhau hưởng ứng. Các điều mật ước đã hẹn định chu tất đâu vào đó.

Ký lục Hồ bảo bọn Văn Tường rằng:

- Nay tôi hãy tạm thi hành một hiệu lệnh để các ông thấy rõ là một hô trăm ứng. Khi về triều, mong các ông tâu trình để chúa thượng biết rõ.

Bọn Văn Tướng vâng dạ nghe lời. Ký lục Hồ bèn truyền lệnh mật cho người đồng đảng ở ba mươi sáu phố phường kinh kỳ ai có của cải thì đào hầm mà chôn giấu, chỉ bỏ xác nhà không. Đích thân ký lục Hồ sẽ lén vào phủ chúa bắn tên lửa làm hiệu lệnh. Khi thấy tên lửa vọt lên cao, ai nấy tự đốt nhà mình rồi chạy đến nơi phát ra hiệu lệnh, ai trái lệnh xử trí theo quân pháp.

Thế là mật đảng ở khắp kinh kỳ đều tuân theo mật lệnh của quân sư, ai nấy tự chôn giấu của cải, sẵn sàng để nổi lửa đúng hiệu lệnh.

Nguyên là ký lục Hồ biết phép chế loại tên dẫn hỏa rất tốt. Tây Định vương Trịnh Tạc thường sai ký lục Hồ bắn tên lửa để thử hiệu lệnh (6). Đêm ấy Tây Định vương triệu ký lục Hồ vào phủ sai bắn tên lửa để xem cho vui. Ký lục Hồ vâng mệnh bước ra giữa sân giương cung lắp bắn một mũi tên ba mồi lửa bay vút tận may xanh, đuôi lửa tạo thành hình như ba rồng vờn nhau nhào lộn mấy vòng trên không. Lại bắn tiếp một mũi tên năm lửa thẳng vút cùng trời, đuôi lửa xòe màu trông dáng như năm chim phượng vờn múa giữa trời đêm. Tây Định vương đứng xem vỗ tay cả cười không ngớt ngợi khen:

- Khéo lắm! Khéo lắm!

Bèn rót rượu chén lớn ban thưởng cho ký lục Hồ. Ký lục Hồ lại phóng đi một tên bảy lửa, mỗi lửa bay lên tan thành vô số đốm lửa rơi lả tả xuống phía ngoài phố, bén lửa vào các nhà dân. Đêm ấy, dân ba mươi sáu phố phường ai nấy đều trông thấy ngọn lửa, người của ký lục Hồ đều tự đốt nhà mình theo đúng mật lệnh (7).

Bấy giờ ở bốn cửa thành lửa cháy rừng rực, khói bay mịt mù, giữa bầu trời đêm lửa bốc sáng rựng như ban ngày, nhặt được cả chiếc kim rơi dưới bụi cỏ. Già trẻ, đàn ông, đàn bà khắp mọi phố phường đều vỗ tay reo nhìn. Tây Định vương cả kinh vội sai các viên đề lĩnh giữ việc bảo vệ các cửa thành đem quân tứ vệ đi chữa cháy (8). Nhưng bấy giờ đang lúc gió to, lửa theo gió càng bốc càng mạnh, chữa mấy cũng không sao dập được.

Ký lục Hồ trở về bảo với bọn Văn Tường:

- Các ông xem hiệu lệnh ứng biến như thế, khi trở về Nam triều xin chuyển tâu rành rõ trước vương đình.

Rồi đó ký lục Hồ mật truyền cho người của mình hội họp để liên danh ký tên vào sổ: tất cả hội được hơn ba mươi viên dũng tướng, tinh binh hơn hai vạn năm nghìn người, đều ghi tên giao nộp cho ký lục Hồ. Rồi đó bèn viết khải văn, kèm theo cả sổ ứng nghĩa giao cho bọn Văn Tường đem về Nam triều tiến nạp. Ký lục Hồ lại cho con trai là Tú Phượng cùng đi vào Nam triều để làm con tin.

Chưa biết bọn Tú Phượng vào Nam báo tin ra sao xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích :

(1) Bản sao chép là "cần binh" đúng phải là "động binh" (hai chữ "cần" và "động" hơi giống nhau, dễ lầm).

(2) Chỉ Nguyễn Kim (được truy tặng tước An Tĩnh vương).

(3) Quách Phần Dương: tức Quách Tử Nghi, công thần đời Đường, giúp Đường Túc Tông dẹp loạn An Sử.

(4) Tức cửa Ba Lạt ở huyện Giao Thủy, Hà Nam Ninh.

(5) Bản Nôm chép là Hoằng Tín (A 559).

(6) Nguyên văn chép: ". . . sử phần phóng vi vệ" (. . . sai bắn để phòng vệ", chưa rõ "để bảo vệ" nghĩa là thế nào? Theo ý trên dưới tạm dịch như thế.

(7) Bản sao chép: "hải suất tứ vệ quân phóng hỏa" : chữ "hải" chính là do chữ "mỗi" chép nhầm ra (thừa bộ "thủy" ); chữ "phóng" (đốt lửa).

(8) Đây nói việc quân giữ thành đi chữa cháy do liên tưởng ngược mà chép nhầm, đúng ra là chữ "diệt" diệt hỏa (dập lửa).


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.