[Việt Nam] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí

Chương 13 : Hàn Tiến trúng kế nâng ly chịu chết, Văn Phương xong việc về báo tin mừng




Lại nói chức sự Văn Nghiêm nhận sổ sách và thư xong liền lên đường, ngày đêm ruổi ngựa đi gấp về triều dâng lên chúa. Hiền vương mở xem, tờ khải của Chiêu Vũ viết:

"Thần là Chiêu Vũ rập đầu trăm lạy kính trình chúa thượng minh xét:

Nay thần được ban lời vàng ngọc, ủy nhiệm việc lớn. Thần lấy làm hổ thẹn vì tài hẹn học cạn, ít trí nghèo mưu, làm lỡ sự tin dùng của chúa thượng (1). May cho thần, trên được đội ơn trị ngộ của chúa thượng, dưới nhờ có các tướng đồng lòng hợp sức, khiến cho Hàn Tiến gặp phải đối thủ lợi hại, quân thua thần tàn, hoảng loạn chạy trốn, che dấu tung tích. Nay chúa thượng muốn quét diệt nó, thì Hàn Tiến tuy chỉ là kẻ hoạn quan nhưng đáng kể là viên tướng trí năng, họ Trịnh coi là trụ cột. Nay chúa thượng muốn khôi phục Trung đô, dẹp yên bốn trấn, tất phải thu nạp anh hùng, chiêu dụ hào kiệt không thể trì hoãn được. Thần xin viết thư chiêu dụ Hàn Tiến ra hàng để làm một cánh tay đắc lực của quân Nam, có thể gọi là cọp beo được chắp thêm cánh vậy. Nếu y kiên lòng không chịu theo ta thì sau đó sẽ dùng kế phản gián, khiến cho chúa tôi bọn chúng giết hại lẫn nhau, ta khỏi phải mệt tay giương cung vung kiếm.

Còn như các tướng sĩ và dân chúng châu bắc Bố Chính và các huyện Kỳ Hoa, Thạch Hà ở Nghệ An mới về hàng, thì xin chúa thượng chuẩn cho những người đã làm quan được giữ quan chức cũ, binh lính cấp cho tiền và lương ăn, dân chúng thì cho miễn thuế khóa phu dịch. Làm như thế tướng sĩ Đàng Ngoài sẽ theo nhau về hàng, trăm họ tuân phục. Thần xin tuyển binh chia thành đội ngũ đặt tướng hiệu cai quản để phòng khi dùng đến. Ấy là phép lấy Tần đánh Tần vậy. Kính mong chúa thượng tường xét. Nay bẩm."

Hiền vương xem xong thư cả mừng, sai chức sự Văn Cảnh truyền lệnh cho Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ cứ theo đúng thế mà làm, sớm cho người về bẩm báo.

Hai tướng vâng mệnh, liền viết thư dụ hàng, sai Lộc Tiên giấu trong mình đem ra chợ Cát (2) tìm em ruột là Triều Lãng để nhờ Triều Lãng chuyển cho Hàn Tiến. Triều Lãng là bộ tướng của Hàn Tiến, sau khi nhận được thư liền đem vào trình với Hàn Tiến rằng:

- Chúa Nam nghe tên của tả đô đốc lấy làm yêu quý như châu ngọc, sai các tướng chuyển bức mật thư này đến tay tả phủ muốn gọi tả phủ về hàng để làm đại tướng của Nam triều sai Lộc Tiên kính chuyển thư này đến đây, hiện đang chờ ở ngoài cửa trại. Xin tả phủ lựa chọn việc đi ở thế nào, bảo cho Lộc Tiên biết, trở về báo tin để các tướng Nam triều đến tiếp đón.

Hàn Tiến tiếp nhận thư, mở ra đọc. Thư viết:

"Nam triều nguyên súy Thuận quận công, đốc chiến Chiêu Vũ hầu cùng các tướng kính gửi bức thư đến dưới cờ của tả đô đốc phó tướng tôn công:

"Từng nghe trời đất có âm có dương, có âm dương tất có tiêu (hao mòn), có trưởng (lớn mạnh). Mặt trời, mặt trăng có thăng có giáng, có thăng có giáng tất có đầy, có vơi. Thiết nghĩ: quan tả đô đốc chí nén kinh luân, lòng tàng thao lược, trên dốc lòng khuông phò để thất để rạng đặc tài, dưới lo nghĩ cứu giúp sinh dân để tỏ ơn huệ. Nhưng họ Trịnh đè lấn vua Lê, khoét nước hại dân, ngoài mang danh là bề tôi nhà Lê mà trong thật là kẻ giặc của nhà Lê. Trên hiếp thiên tử, dưới ép công khanh, ghen ghét kẻ hào kiệt anh hùng, phế truất các bậc danh thần văn võ. Người ta đều tai nghe mắt thấy cả, há phải là lời nói không đâu. Huống chi quan tả đô đốc là người thông đạt thức thời, vẫn được người đời khen ngợi là bậc anh tài tuấn kiệt thì việc bỏ bóng tối theo ánh quả thật chẳng phải khó tính liệu.

Vả lại bọn chúng tôi từng nghe nói "chim khôn chọn cây đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ" . Những kẻ anh hùng hào kiệt thời xưa đều như thế cả. Há phải bọn chúng tôi dám lấy sự trái lẽ mà thúc bức đâu!

Nay chúa xứ Nam là bậc minh công, đức phô xa gần, ơn khắp mọi chốn, đã nhiều lần tỏ ý cầu hiền, nghiêng mình tiếp đãi kẻ sĩ, chí nguyện khuông phò đế thất, tấm lòng thương xót dân đen. Minh công chúng tôi nghe tiếng tài năng của quan tả đô đốc, hâm mộ đức vọng của quý phủ. Nếu ngày nay quan tả đô đốc chịu dốc lòng hướng phục thì chẳng những hết hẳn hiềm nghi, mà về công danh phú quý tất cũng sẽ chung hưởng cùng quý phủ. Còn nếu tả đô đốc vẫn giữ mê chẳng tỉnh, thì tấm thân tuy tạm thời được hưởng quyền quý, nhưng không tránh khỏi người đời chê cười, sẽ biên chép quý phủ vào sử xanh như kẻ làm tôi cho Vương Mãng, nhuốc danh ngàn thu. Lại sợ một ngày kia ngọc đá đều cháy tan, cỏ thơm và cây mục đều không phân biệt, phượng lành gà mái cùng chung khốn quẫn. Mong đô đốc xét kỹ, ấy là may mắn lắm. Nay thư" .

Hàn Tiến lật thư xem đi xem lại mấy lần, bỗng quắc mắt cả giận nói:

- Ta thờ chúa Trịnh được ưu ái rất trọng, phú quý cũng đã tột mức, hưởng ơn chẳng phải đã cạn. Lẽ nào ngày nay ta lại mưu toan ăn ở hai lòng để mưu cầu phú quý mà quên khuây đại nghĩa? Vả lại ta thường nghe nói "trung thần chẳng thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng" . Nay người miền Nam dám đem cho ta bức thư phản loạn này để khiến cho ta trở thành kẻ bất trung chăng?

Nói đoạn Hàn Tiến quát gọi tiểu tốt ra bắt ngay Lộc Tiên áp giải về kinh chém đầu cho hả giận. Phó tướng Triều Tô can rằng:

- Từ thời xưa hai nước giao tranh với nhau không ai giết sứ giả. Huống hồ Lộc Tiên là kẻ đầu sai, bất quá chỉ là một tên tiểu tốt, giết hắn có ích gì đâu. Chi bằng đuổi hắn về để tỏ uy đức.

Hàn Tiến nghe lời Triều Tô, cơn giận có phần nguôi bớt, bèn bảo Triều Lãng rằng:

- Ngươi mau đưa Lộc Tiên về để nói với người bên Nam rằng: ta thà sống làm bề tôi họ Trịnh, chết làm ma họ Trịnh, phải đâu bắt chước bọn tiểu nhân sớm tối ăn ở hai lòng để mưu cầu tước lộc? Ta thà chết chứ không đầu hàng!

Người đương thời biết chuyện có làm bài thơ luật như sau:

Ngoài cõi cầm quân chốn chiến trường,

Cửu trùng ơn nặng há xem thường.

Trung thần quyết chẳng thờ hai chúa,

Liệt nữ ai người chịu đổi chồng.

Chớ bảo Từ công (3) không chịu khát,

Hãy rằng Ngu thị (4) sử nêu gương.

Quan nhân tự thuở Hán Đường ấy,

Yêm hoạn (5) như ông thật ít dường.

Rồi đó Triều Lãng trở ra nói với Lộc Tiên:

- Quận Tiến kiên lòng như thế, anh phải về mai kẻo nguy to.

Lộc Tiên nghe xong liền trốn về ngay. Về tới nơi, Lộc Tiên đem lời Hàn Tiến thuật lại một lượt cho các tướng nghe.

Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong cả giận. Chiêu Vũ nói với Thuận Nghĩa:

Tên hoạn quan thô bỉ điên rồ dám thốt ra lời kiêu ngạo! Cứ găm câu nói ấy cho hắn phải hối hận về sau. Ta phải dùng kế phản gián mới nguôi được cơn giận này.

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Đúng thế! Quan đốc chiến hãy làm ngay đi.

Hai tướng tuy căm giận Hàn Tiến nhưng cũng phải khen rằng: "Hắn ta quả là kẻ trung nghĩa, người đời không sánh kịp" .

Qua ngày hai mươi bốn, Chiêu Vũ bèn sai lệnh sử tên là Văn Phương lĩnh vàng bạc cùng với mật thư, theo đường bí mật lén ra Trung đô (Thăng Long) tìm hỏi nhà em ruột là Văn Tường, rồi cùng với Văn Tường đến phủ đệ của cha là đô đốc Lễ quận công nói thật công việc. Rồi đó đem vàng bạc cùng mật thư đến nhà thượng thư bộ Hộ là tả đô đốc Sùng quận công kể tội Hàn Tiến, tương kế tựu kế mượn tay họ Trịnh giết Hàn Tiến để trừ hậu họa. Bọn đô đốc quận Lễ, quận Sùng đều là hạng tham lam xu nịnh, vốn có hiềm khích với Hàn Tiến sẽ nhận vàng hối lộ để mưu tính công việc.

Văn Phương lĩnh kế, theo đường tắt mà đi, chẳng mấy ngày ra đến Trung Đô, tìm hỏi được nhà Văn Tường. Anh em cùng nhau chuyện trò, ôn lại tình cảm bấy lâu xa cách. Sau đó Văn Phương đem công việc được sai đi thật tình kể lại một lượt cho Văn Tường nghe. Rồi Văn Tường và Văn Phương đến phủ đệ của cha là đô đốc quận Lễ. Văn Phương vái khóc chào cha, kể nguyên do sự tình cha con cách biệt, nhận lời thất lễ sớm tối hầu thăm. Rồi đó Văn Phương đem trình các thứ lễ vật kính biếu của các tướng Nam triều, nói thật công việc cho cha biết. Đô đốc Lễ quận công nghe xong cả mừng, bèn cùng Văn Phương, Văn Tường đến tư dinh trình với thượng thư bộ Hộ là tả đô đốc Sùng quận công. Văn Phương vái chào xong, bày tỏ thiện ý của các tướng Nam triều quý mến uy đức của tôn phủ đô đốc, thường ngày vẫn đề cao khen ngợi, đặc cách sai mang lễ vật kim ngân ra kính biếu để tỏ lòng thành. Rồi đó Văn Phương đem trình bức mật thư. Quận Sùng cả mừng thu nhận lễ vật, tiếp nhận mật thư, dời chỗ vào ngồi trong phòng riêng, mở thư ra xem. Thư viết:

"Tiết chế của Nam triều là hổ uy đại tướng Thuận quận công, tham mưu đốc chiến Chiêu Vũ cùng các tướng vái chào gửi bức thư đến dưới cờ của quý quan tả đô đốc thương thư bộ Hộ của Bắc triều:

Từng nghe: Có trời đất thì có dân sinh, muôn vật. Dân sinh muôn vật được yên chỗ sống của mình thì thiên hạ hòa bình, gọi là có triều đình, có công khanh. Công khanh mà chọn được đúng người thì triều đình được trung chính, xưa nay đều chẳng khác, trong kinh điển vẫn còn ghi.

Thiết nghĩ rằng: quý quan là bậc đại thần được trọng dụng ở triều đình, là bậc hoành tài rường cột, sâu hiểu lẽ yêu nước lo vua điều cốt yếu là trừ gian dẹp phản. Huống chi ngày nay Hàn Tiến là một kẻ hoạn quan thô bỉ được dùng làm đại tướng trấn giữ đất phên giậu, đáng lẽ phải tận trung báo quốc, cớ sao lại có thói đàn bà điên gieo rắc tai vạ. Lại cậy tài kiêu căng, coi triều đình chẳng ra gì, ví như ếch ngồi đáy giếng, há chẳng biết trời xanh rộng lớn hay sao? Nay xin đặc cử ra đay ba tội của Hàn Tiến làm bằng chứng để quý quân lượng xét (6). Trước đây, năm Mậu Tí (1648), Hàn Tiến dùng mưu chuột kế sẻ (7) sai bọn Bộ Gia, Quyến Gia (8) liều mạng vào địa giới xứ Nam xâm lấn lũy Hàn. Chúa Nam sai một viên hùng tướng dương uy tì hổ đánh đòn sấm sét, khiến cho bọn Bộ Gia sợ hãi rụt đầu run tim, không còn mảnh giáp mà về, đến nỗi bị chết cháy, chết đuối. Hổ thẹn đến như thế là cùng. Đó là một tội. Đến năm Giáp Ngọ (1654), lại sai bọn Mậu Long lén vào địa giới xứ Nam cướp bắt tăng ni, đàn bà, trẻ con, chặt đầu đem về tâu báo, tự khoe lập công diệt địch. Nếu quả là có công diệt địch thì giao làm tướng cũng đáng. Nhưng sư sãi, đàn bà, con trẻ không đánh nhau thì có tội gì mà sai quân giết bừa để lập công? Thế là trên lừa dối vua, khinh mạn triều đình. Đó là hai tội. Đến năm nay Hàn Tiến lại gây hấn trước, sai Mậu Long lén đem quân qua địa giới phía Nam bắt cóc lính tuần, tự khoe là dũng mạnh. Xưa nay có kẻ làm tướng nào như thế không? Vậy mà Hàn Tiến dám tự chuyên càn rỡ, bày đặt mưu kế vặt vãnh, không nghĩ gì đến việc quốc gia đại sự, để đến nỗi Nam Bắc giao phong, quân dân trăm họ chết uổng. Đó là ba tội.

Nay chúa miền Nam nhân từ đại lượng, không nỡ để con đỏ vô tội mà phải chịu chết chóc, nghĩ phải bắt Hàn Tiến, cứu dân đen khỏi cảnh lầm than. Các tướng Nam triều thấy Hàn Tiến là hạng gà mái gây loạn, muốn bao dung mà theo phép không thể bao dung, muốn tha thứ mà theo luật không thể tha thứ. Vì thế hai ba lần bẩm xin ra quân xuất tướng. Đánh một trận mà cuốn chiếu đến tận Dinh Cầu. Đánh hai trận là Hàn Tiến thua chạy, phải lánh trốn ở nơi hẻo lánh. Thế cùng lực kiệt, Hàn Tiến phải cho Mậu Long ra đầu hàng trước để xin mệnh lệnh cho mình về đầu hàng tiếp sau, tự nguyện làm nội ứng để lập công làm lễ tiến kiến. Các tướng Nam triều tức giận đều nói: Trước gây họa loạn cũng do kẻ này, sau xin quy hàng cũng lại con người ấy. Đó là kẻ sất phu vong ơn phản chúa, dùng hắn thì có được ích gì? Vì vậy các tướng Nam triều bọn tôi chưa chịu quy nạp. Hắn đã mưu phản Trung đô, bọn chúng tôi vẫn muốn thừa cơ ngồi ở giữa mà thu lợi. Nhưng làm như thế không xứng đáng là kẻ trượng phu. Vì thế chúng tôi đặc sai Văn Phương mật báo tin tức để quý quan biết. Văn Phương là tộc thuộc của quý quan, bản tính cẩn thận, tất không thể tiết lộ ra ngoài.

Nay Hàn Tiến đã ngạo mạn như thế, xướng loạn phản trắc như thế, tội của hắn có thể nói là ngút trời. Huống hồ quý quan lại là bậc tể phụ của triều đình, rường cột của xã tắc, lẽ nên lo xa để tránh gây phiền gần. Mong quý quan xét kỹ thì nước nhà được may mắn lắm. Nay thư" .

Tả đô đốc Sùng quận công xem xong thư cả giận hỏi Văn Phương sự việc quả có thật như thế không. Văn Phương đáp:

- Những sự việc nói trong thư, thần triều chính mắt trông thấy cả, không có điều gì dối trá.

Quận Sùng nghe nói thế tức giận mắng chửi Hàn Tiến:

- Tên tướng nhép điên rồ dấy loạn phản vua, tội hắn to như núi biển. Thế mà trước đây hắn làm nhục ta quá lắm. Bây giờ không báo nhục thì còn đợi đến bao giờ? Ta quyết trình lên vương thượng biết để bắt hắn đem về hỏi tội, không thể dung thứ được.

Sáng hôm sau, tả đô đốc quận Sùng, cùng với đô đốc quận Lễ vào triều lạy tâu hoàng đế rồi lạy trình với Thanh vương Trịnh Tráng rành rẽ trước sau về tội Hàn Tiến bỏ chạy để mất Dinh Cầu cùng các nơi ở Hoành Sơn, Bố Chính, y lại muốn đầu hàng Nam chúa và manh tâm phản loạn. Thanh vương Trịnh Tráng bừng bừng tức giận, cho gọi các quan văn võ triều đình vào hội họp để bàn xét. Binh Bộ thiếu úy Hào quận công Lê Thì Hiến nói:

- Quân Nam xâm phạm địa giới, nhuệ khí đang hăng, nên cấp tốc sai binh hùng tướng mạnh vào giữ Nghệ An để ngăn chặn quân giặc, thăm hỏi phủ dụ dân chúng khỏi sợ hãi. Sau đó sai một viên tướng đem quân vào bắt Hàn Tiến áp điệu về triều đình luận tội. Để chậm thì hắn sẽ chạy thoát, lại mọc thêm ra một kẻ địch nữa. Ấy là kế vẹn toàn cả đôi việc. Thượng thư bộ Lại là Vân Đài bước ra tâu rằng:

- Việc sai quân đi chặn địch thì nên bàn định ngay. Còn việc bắt Hàn Tiến thì không nên vội vã. Huống chi Hàn Tiến tuy chỉ là một viên quan nhỏ, nhưng cũng có chí trung thành cần vương, thông thạo thao lược, tài trí anh hùng, đáng kẻ là tướng có tài. Có thể là do quân Nam sợ hãi tung ra kế phản gián khiến cho chúng ta vua tôi giết hại lẫn nhau, bọn họ ở giữa ngồi thu lợi. Xin chúa thượng xét kỹ cho kẻo mắc phải mưu kế của người khác.

Thanh vương Trịnh Tráng không chịu nghe vẫn nghiến răng tức giận.

Tháng năm, sai thái bảo Khê quận công (9), đô đốc Lũng quận công (10) đem ba vạn quân thủy bộ vào giữ Nghệ An để ngăn chặn quân Nam. Lại sai thự vệ Lễ Tường đem quân đi bắt Hàn Tiến giải về kinh hỏi tội.

Lại nói chuyện thự vệ Lễ Tường vâng lệnh chỉ rời khỏi triều liền sửa soạn hành trang, lên ngựa đi gấp vào Nghệ An. Đến sông Quyết thì gặp Hàn Tiến đang trên đường chạy ra, Lễ Tường dừng ngựa hỏi:

- Ông đi đâu? Tôi có lệnh chỉ của vương thượng ở đây.

Hàn Tiến hỏi lại:

- Lệnh chỉ của chúa có việc gì?

Lễ Tường vội hỏi:

- Lệnh chúa sai vào bắt tả đô đốc đưa về triều đình hỏi tội.

Hàn Tiến nghe truyền lệnh của chúa, cả kinh, hốt hoảng xuống ngựa chịu trói. Nghĩ ngợi hồi lâu Hàn Tiến mới nhận ra rằng mình làm trấn thủ Nghệ An mà vừa đây không ngăn chặn được quân Nam, để mất đất tan quan, đến nỗi bị bắt về kinh trị tội. Lúc đầu Hàn Tiến không biết chuyện các tướng bên Nam dùng mưu phản gián, đến khi hỏi kỹ những người tùy hành ra đi từ kinh đô mới biết rõ đầu đuôi sự việc. Bấy giờ Hàn Tiến mới hối rằng: "Nếu ta nghe lời Lộc Tiên thì khỏi mắc tai họa ngày hôm nay. Bây giờ việc đã như thế, đảo ngược lại làm sao được! Vả lại vết thương sưng tấy khó mà đi được nữa" .

Chập tối đến dịch trạm, Hàn Tiến nói với thự vệ Lễ Tường rằng:

- Tôi bị vết thương nặng ở chân, đâu không thể đi được, xin cho tạm nghỉ ở đây một đêm, sáng ngày sẽ đi tiếp cũng không muộn.

Thự vệ Lễ Tường bằng lòng, bèn truyền cho quân sĩ tạm vào nhà trạm nghỉ ngơi. Đêm hôm ấy Hàn Tiến một mình ngồi trên chiếc chõng tre, nghĩ ngợi càng thêm tức giận, ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Hàn Tiến thân từng làm quan to ở triều đình, giữ trách nhiệm nặng. Nay làm trấn thủ ở Dinh Cầu trót để mất thành, thoát thân trở về như thế không phải anh hùng. Nếu nhẫn nhục về kinh thì còn mặt mũi nào trông thấy người trong thiên hạ? Âu cũng là do vận mệnh cả!

Nói đoạn bèn uống thuốc độc mà chết (11). Năm ấy Hàn Tiến năm mươi tư tuổi. Người đương thời có thơ rằng:

Trung nghĩa lòng son chí chẳng dời,

Nào hay tâm sự chẳng theo thời.

Núi vôi trúng đạn người khôn đoái,

Nhà trạm canh khuya luống ngậm cười.

Năm trước xót ông buồn chưa dứt,

Ngày rày tưởng nhớ lệ khôn rơi.

Mới hay phú quý là giấc mộng,

Chẳng quản nên chăng chuyện ở đời.

Sáng hôm sau, thự vệ Lễ Tường biết tin bèn sai lính đem thi thể Hàn Tiến chôn tạm, rồi sai người hỏa tốc về triều tâu báo. Thanh vương Trịnh Tráng nghe xong liền lấy làm hối, nói rằng:

- Ta mắc phải gian kế rồi! Không hối kịp nữa.

Trịnh Tráng than tiếc hồi lâu rồi đem di hài Hàn Tiến về mai táng ở quê nhà để biểu dương hồn trung nghĩa.

Gián điệp (12) Văn Phương nghe tin cả mừng, liền từ biệt cha để vào Nam, rủ luôn cả em là Văn Tường về hàng.

Anh em Văn Phương, Văn Tường ngày đên ruổi ngựa đi gấp vào Nghệ An báo cho đốc chiến Chiêu Vũ biết đầu đuôi sự việc. Chiêu Vũ nghe xong vui mừng khôn xiết, đập tay cười vang mà nói:

- Thế là ta đã lập mưu trừ khử được Hàn Tiến, đánh bại ngàn vạn quân Trịnh, đất Trung đô có thể hẹn ngày mà lấy được.

Nói đoạn bèn sai người đến báo cho tiết chế Thuận Nghĩa biết. Tiết chế Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến được tin mừng gia bội phần, phất tay áo nói:

- Số phận nhà Trịnh sắp hết đến nơi rồi! Cánh đã bị chặt thì thân mình khác nào chim cụt cánh.

Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ sai chức sự là Quảng Trung đem Văn Phương và Văn Tường về triều tâu báo. Bọn Quảng Trung vâng lệnh ngày đêm ruổi gấp về Cựu Dinh, vào yết kiến chúa Hiền. Lạy chào xong, Quảng Trung đem việc Hàn Tiến trước sau tâu lên, Hiền vương nghe tâu cả mừng cười nói:

- Hai tướng Thuận, Chiêu đã ra tay thì không mưu kế nào không ứng nghiệm. Đúng là Phục Long, Phượng Sồ (13) ở triều ta. Thanh Đô (14) hết hơi đến nơi rồi.

Nói đoạn Hiền vương sai nội hầu (15) và Đô Lễ mang lễ vật ra Nghệ An ban thưởng cho các tướng sĩ, truyền lệnh cắm biển chiêu an, cấm quân sĩ cướp bóc để yên lòng dân chúng. Trọng thưởng cho tiết chế Thuận Nghĩa vàng ba mươi lạng, bạc một trăm nén, lụa hai mươi tấm; đốc chiến Chiêu Vũ vàng ba mươi lạng, bạc tám mươi nén, lụa hai mươi tấm. Lại thưởng riêng cho mỗi người một thanh bảo kiếm và một chiếc áo gấm. Các tướng văn võ đều được trọng thưởng có phân biệt thứ bậc khác nhau. Lại sai viên quan giữ việc vận chuyển (16) chở gạo và tiền ra ban phát để khao thưởng ba quân. Thưởng cho Văn Phượng, Văn Tường mỗi người hai mươi lạng bạc để biểu dương công trạng. Tài Điện và Đô Lễ vâng lệnh đi gấp ra Nghệ An ban phát đồ thưởng cho tướng sĩ. Quân tướng các đạo đều vái vọng lĩnh thưởng.

Tài Điện lại truyền lệnh cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ rằng:

- Chúa thượng truyền cho hai ông cho cắm biển chiêu an để kêu gọi tướng sĩ quân dân trăm họ ở Nghệ An về hàng, cấm quân lính đinh phu đi cướp bóc để dân chúng được yên cư lạc nghiệp. Chúa cũng truyền cho hai ông bàn định mưu kế, sớm đem quân đánh lấy Trung đô, chúa thượng sẽ phát binh đi sau tiếp ứng không được chậm trễ lỡ thời cơ. Phàm mọi việc quốc gia đại sự đều ủy thác cho hai ông cùng nhau bàn định.

Hai tướng Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ vâng mệnh, ngay ngày hôm ấy truyền lệnh yết thị chiêu an tướng sĩ quân dân Nghệ An.

Cáo thị viết:

"Tướng vâng mệnh Nam chúa là tiết chế các doanh hổ uy đại tướng Thuận quận công, tham mưu đốc chiến Chiêu Vũ hầu dựng biển chiêu an này để báo cho tướng sĩ binh dân Bố Chính và các huyện Kỳ Hoa, Thạch Hà xứ Nghệ An được biết:

Để nhổ bật kẻ cận thần họ Trịnh manh tâm tiếm đoạt ngôi vua nhiều phen sai cường binh vào xâm phạm quấy nhiễu bờ cõi, giết hại lương dân, đã có thư từ can gián mà thói cũ không chừa, các đại thần văn võ ở Nam triều xin đem quân đánh dẹp tiễu trừ đảng giặc. Giáo trời thẳng chỉ, gió lửa bùng lên, oai lừng sấm sét, khắp nơi kinh sợ, chẳng ai không rụt đầu lạnh tím, bôn đông chạy bắc, hoặc lánh trốn ở nơi lùm hoang bãi vắng, nương náu trong chốn núi thẳm hang cùng, ngày qua tháng lại chưa biết dừng đỗ nơi đâu.

Nay vâng lệnh dụ bảo cho tướng sĩ binh dân ai nấy đều hay: Bọn các ngươi nên báo tin cho ai nấy đều biết, cùng nhau về hàng. Dân chúng thì được yên nghiệp làm ăn, người đã làm quan cho giữ chức cũ để thể đức hiếu sinh, tỏ lòng rộng nạp. Từ nay về sau lệnh cho các đội binh thuyền không được quấy nhiễu cướp bóc tài sản, bức hiếp gian dâm đàn bà con gái nhà dân, đốt phá nhà cửa vườn tược, cướp đoạt gia súc, hái bẻ hoa màu các vật. Kẻ nào làm trái thì cho phép người trông thấy trói bắt can phạm cùng với tang vật dẫn đến nộp trước cửa quân để xử trị theo quân luật.

Lệnh cho ai nấy đều phải đến chỗ cắm biển chiêu an để đọc bản cáo thị này."

- Từ khi cắm biển chiêu an, quan lại, dân chúng Nghệ An ai nấy đều oán giận Trịnh Tráng, muốn về hàng chúa Nam.

Bấy giờ bên quân Trịnh có tham đốc Minh Lãng sai người bí mật mời thự vệ Triều Tô đến bàn rằng:

- Ta nghe nói chúa Nam là bậc anh minh uy vũ, rộng ban ơn đức, các tướng hiệp sức, trăm họ đồng lòng, đúng là bậc chân chúa đời nay. Còn chúa Trịnh, trên khinh nhơn thiên tử, dưới lăng loàn giết hại công khanh, họa trời hại người chẳng phải một ngày. Thế chẳng phải số trời của họ Trịnh sắp hết rồi hay sao? Nay bọn ta nếu cứ bám theo họ Trịnh mãi không khỏi bị hậu thế chê cười. Người xưa có câu: "Không biết xét lẽ ở đi, chẳng phải là người quân tử."

Triều Tô nói:

- Lời tham đốc nói rất phải.

Bấy giờ Triều Tô cùng tham đốc Minh Lãng quyết chí theo hàng quân Nam. Rồi đó cùng gọi các tướng hiệu người Nghệ An là bọn thự vệ Tú Long, Uy Bố, Nghiêm Tuấn, Đô Kiều, Thiêm Vinh; cai đội Toản Võ, Tiềm Vân, Hoành Vân, Lễ Toàn, Hiển Trung; thư ký Hồng Lĩnh, Thiếu Hải, Đội Thứ, Ninh Lộc, Triều Hoa, Triều Hùng, Đô Lễ đem vợ con gia quyến cùng quân lính voi ngựa khí giới tìm đến trại quân của tiết chế Thuận Nghĩa dâng thư xin hàng. (17) Tiết chế Thuận Nghĩa ra ngoài trường đón tiếp sai mở tiệc khoản đãi trọng hậu.

Tiết chế Nghĩa Thuận nói:

- Các ông là người thức thời thấu lẽ, biết bỏ chỗ tối, hướng chỗ sáng, là những kẻ anh hùng hào kiệt đời này.

Tham đốc Minh Lãng đứng dậy nói:

- Bọn tiểu tướng chúng tôi từ lâu nghe tin chúa Nam là người khoan nhân hậu đức, thương yêu dân chúng, chính là bậc chân chúa ở đời này. Chúng tôi lâu nay đã có ý muốn hàng phục nhưng chưa biết nơi chốn mà đi. Lại nghe tôn danh của tiết chế lừng lẫy như sấm vang. Hôm nay được dịp bái yết tôn nhan thật là may mắn lớn trong đời.

Đêm ấy, tiệc tan, mọi người nghỉ lại trong trướng của tiết chế. Ngày hôm sau, tiết chế Thuận Nghĩa sai tuyển chọn hàng binh lập thành các cơ đội, các hàng tướng được phân chia phối thuộc vào các doanh đội.

Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa sai làm quyển sổ ghi tên các tướng bên Trịnh mới về hàng, sai chức sự là Văn Xá đem về vương dinh tiến nộp.

Chúa Hiền xem qua sổ sách vui mừng thấy các hàng tướng, quan lại và dân chúng mới về hàng rất đông, bèn sai Cai Điện mang bạc và lụa ra ban thưởng để an ủi tình cảm của những người mới về hàng. Lại mật truyền cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ:

- Mọi việc trong miền Nam do ta xếp đặt nhưng ở ngoài cõi thì ủy cả cho hai ông điều khiển, sớm thu phục Trung đô để hiển rạng danh tiếng, thỏa ước nguyện của ta.

Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong vái vọng vâng lệnh. Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa vào trong trướng triệu các tướng đến họp bàn.

Bỗng có người dân ở xã ấy tên Diễm Lộc đến cửa quân xin hàng. Diễm Lộc trình rằng:

- Khi ở kinh đô, tôi có nghe chuyện chúa Thanh Đô biết tin Hàn Tiến để thua quân mất đất bèn sai thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng làm nguyên súy, Lại bộ tả thị làn Văn Trạc bá (18) làm tham mưu đem hai vạn quân vào chiếm lại Dinh Cầu. Lại sai nội giám là đô đốc đồng tri Lũng quận công Vũ Văn Thiêm đem năm mươi chiến thuyền vào đóng giữ ở cửa biển Kỳ La để ngăn chặn quân nam. Tôi được biết có vậy xin kính trình quý tướng.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong bảo các tướng rằng:

- Quân địch như thế, ta phải chia quân dàn trận đợi sẵn để khi bọn chúng kéo tới là tung quân đánh gấp, chỉ một trận có thể bắt sống được tướng giặc.

Đốc chiến Chiêu Vũ nói:

- Đó là phép đoạt chiến của quân giặc. Nhưng nay tình thế quân giặc đã khó tranh thắng với ta. Binh pháp nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Phép dùng binh cốt yếu ở việc trù tính nơi màn trướng. Huống hồ nay quân giặc đông gấp bội quân ta. Lấy ít đánh nhiều tất là khó thắng, chẳng bằng lập kế mà đoạt lấy thì sẽ thành công.

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Đốc chiến có kế sách gì hay?

Chiêu Vũ đáp:

- Nay quân ta hãy tạm lui về phía nam đóng quân ở mạn Thanh Hà, làm ra cách yếu kém. Rồi đó bí mật sai một viên dũng tướng dẫn quân bộ và voi mai phục ở Lũng Bông. Lại sai một tướng dẫn thủy quân đợi sẵn ở Cửa Ròn. Quận Khê nếu đem quân tiến thẳng vào Dinh Cầu sẽ thấy quân ta đã rút về phía nam, ắt sẽ kiêu căng khoe mẽ, cho là quân ta khiếp sợ. Như thế quân chúng sẽ cậy mình là hùng dũng mà không chú ý đề phòng. Ta sẽ thừa dịp quân Trịnh trễ nải bất ngờ phát binh tiến ra đánh úp bắt sống quận Khê. Ở phía ngoài, quận Lũng đóng quân ở cửa biển Kỳ La, nghe tin quận Khê bại trận ắt phải tháo chạy. Thủy quân của ta thừa thế đuổi theo mà đánh, tất sẽ giành được toàn thắng. Đó là kế một việc lợi cả đôi bề.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong rất mừng nói:

- Đó thật là diệu kế! Ta sẽ xuống mật lệnh cho các tướng thi hành.

Nói đoạn tiết chế Thuận Nghĩa sai cai cơ Hùng Uy dẫn ba nghìn quân bộ, voi đực ba mươi thớt mai phục ở một nơi sâu trong Lũng Bông để đợi địch. Sai chưởng cơ Vân Long hầu lĩnh hai mươi chiến thuyền phục sẵn một nơi kín đáo của Cửa Ròn, hễ nghe hiệu lệnh là đánh gấp, không được để lỡ thời cơ. Đại quân rút về bên bờ sông Gianh, đóng đồn ở xã Thanh Hà sẵn sàng tiến đánh. Lại sai gián điệp là bọn Diễm lộc, Văn Hiền đi các nơi nghe ngóng tình hình bên phía quân nhà Trịnh hư thực ra sao để về triều tâu trình với Nam chúa, chuyện không có gì phải nói.

Chú thích :

(1) Chỉ vào việc các tướng đi đánh Nghệ An bấy giờ chưa bắt được Hàn Tiến

(2) Chợ Cát: "Cát thị" . Bản sao chép nhầm chữ "thị" là họ, đúng phải là chữ "thị" là chợ.

(3) Nhắc việc Từ Thứ vì mẹ bị bắt phải về với Tào Tháo nhưng vẫn giữ lòng trung với Lưu Bị.

(4) Chỉ Ngu Cơ, người thiếp yêu của Hạng Vũ, tự sát theo chồng.

(5) Yêm hoạn: tức hoạn quan.

(6) Câu này trong nguyên bản chép ở cách sau một câu, ngờ chép nhầm vị trí.

(7) Chữ Hán: "thử mưu tước kế" ý nói những mưu kế vặt vãnh.

(8) Bộ Gi: với chữ Gia là nhà, Quyến gia- với chữ Gia là tốt đẹp- chưa rõ chỉ viên tướng nào bên Trịnh.

(9) Tên tước của Trịnh Trượng, con thứ ba của Thanh vương Trịnh Tráng

(10) Tên tước của Vũ Văn Thiêm

(11) Về việc Tiến quận công Lê Văn Hiểu để thất thủ Dinh Cầu. Toàn thư chỉ chép: "Tháng 5 (6-1655) cho gọi Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức và các thuộc tướng về kinh, đi đến nửa đường, Văn Hiểu bị đau vì vết thương mà chết" .

Cương mục chép: "Vì việc bị thua ở Hà Trung (tức Dinh Cầu), Trịnh Tráng cho triệu Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức về triều. Văn Hiểu bị đạn lạc trúng vào chân nên chết ở dọc đường" . Nhưng ĐNLTTB ở truyện Nguyễn Hữu Tiến có tham khảo CNDC chép vắn tắt các việc như Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật biên thư dụ hàng, không có kết quả, lại tung tin phản gián cho Trịnh Tráng biết. Trịnh Tráng nghi ngờ sai bắt về kinh hỏi tội, chết dọc đường – Nhưng như đã chú ở trên, thay vì Tiến quận công Lê Văn Hiểu (Hàn Tiến), ĐNLTTB lại chép là Trịnh Đào.

(12) chữ Hán: "Tế tác"

(13) Phục Long: biệt danh của Khổng Minh, Phượng Sồ: biệt danh của Bàng Thống.

(14) tức Thanh Đô vương, tên tước cũ của Trịnh Tráng. Vào thời điểm nói đây đã thăng tước một chữ là Thanh vương

(15) nguyên văn: nội sai, viên quan hầu cận chúa ở nội điện

(16) nguyên văn: "vận ban quan"

(17) Việc này, ĐNTLTB chép "Tham đốc của Trịnh là Đặng Minh Tắc cùng với Triều Tô, Tú Long, Toản Võ, Ninh Lộc – bốn người đều không rõ họ- đều đến cửa quân đầu hàng" .

(18) tên tước của Nguyễn Văn Trạc, trong sách này cũng gọi là quận Trạc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.