... Với bối cảnh đó Nam triều công nghiệp diễn chí là tác phẩm phản ánh thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, đặt lịch sử dân tộc trước một thử thách nội bộ gay go khốc liệt. Đó là thời kỳ ở Đàng Trong trải qua năm đời chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thái (Ngãi vương) . Đàng Ngoài cũng trải qua năm đời chúa Trịnh, từ Trịnh Kiểm (Minh Khang vương) đến Trịnh Căn (Định vương).
Tác phẩm bắt đầu kể từ sự kiện Nguyễn Hoàng dẫn hơn một nghìn quân thủy vượt biển vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Nói là trấn thủ, nhưng thực ra ông cùng các tướng sĩ phải giành lấy phần đất phía Nam đèo Ngang từ tay các tướng nhà Mạc. Đối với triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Hoàng vẫn giữ lễ phiên thần. Khi Trịnh Kiểm (là anh rể) mất, Nguyễn Hoàng còn sai người đem lễ vật ra phúng tang. Một sự kiện quan trọng khiến cho Nguyễn Hoàng phải trở về Bắc: Đầu năm 1593 khi quân Lê - Trịnh đuổi được nhà Mạc, thu phục kinh đô, Nguyễn Hoàng phải về Kinh chúc mừng vua Lê, rồi bị kẹt lại ở Thăng Long với lý do: Được thăng chức Hữu thừa tướng, ngôi thứ chỉ xếp sau Trịnh Tùng. Hơn nữa, để tỏ lòng trung thành với triều Lê trung hưng, ông vẫn phải hăng hái đem quân đi đánh dẹp tàn quân nhà Mạc lúc này đã lui về vùng Đông Bắc. Phải mất gần sáu năm ông mới lập được mưu kế: Xui cho Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê làm phản, tự mình xin đem quân đi đánh dẹp rồi dẫn thuộc hạ bí mật ra cửa Chính Đại dong buồm trở về Thuận Hóa (1600). Từ đó, Nguyễn Hoàng càng chú ý vỗ về khuyến khích cho dân chúng yên nghiệp làm ăn, cho đến lúc qua đời (1613) mừng thấy trong cõi được yên bình thịnh vượng...