Xét Đỗ Thiện thấy chép Vương họ Lý tên là Phục Man, người làng Cổ Sở.
Lý Thái Tổ ngự chơi đến bến đò làng Cổ Sở, trông thấy tú khí của núi sông, cảm hứng tràn ngập, mới rót rượu đổ xuống sông mà nói:
- Trẫm nghe chỗ này sơn kỳ thủy tú, nếu có nhân kiệt, địa linh, thần kỳ, xin thụ minh hưởng của ta.
Rồi thì đến đêm mộng thấy một dị nhân cao lớn đẹp đẽ cúi đầu xưng tạ rằng:
- Thần là người bản hương, họ Lý tên Phục Man, giúp vua Lý Nam Đế làm Tả tướng, nhờ sự trung liệt được danh, trao cho một dãy sông nước Đỗ Động giữa dân cư. Đến ngày chết, Thiên đế khen là người trung trực, lại gia phong giữ chức như cũ. Thần thường nhiều lần lãnh quỷ binh đánh phá nghịch tặc nhiều năm ở đây. Nay gặp Bệ hạ đoái thương cho thần giữ chức hôm mai ở đây.
Rồi lại than rằng.
Thiên hạ gặp mờ tối,
Trung thần giấu tính danh.
Giữa trời nhật nguyệt sáng.
Ai chẳng thấy rõ hình.
Nói đoạn bỗng biến bay đi mất
Vua Thái Tổ giật mình tỉnh dậy, đem chuyện mộng nói với một người; quan Đại phu Vương Nhậm Chí nói:
- Đó là ý thần muốn lập đền miếu, trùng tu hình tượng.
Vua sai quần thần xin keo, quả được, mới khiến thợ thiết lập đền miếu chạm trổ hình tượng giống như đã thấy trong mộng, gia phong làm Phúc thần một phương.
Đến khoảng năm Nguyên Phong nhà Trần, mọi Thát Đát vào cướp, ngựa què không tiến được, khua vào trong thôn; thôn nhân ỷ uy lực của thần, đem dân chúng ra cự, phá được quân giặc; Thát Đát không dám dòm dỏ nữa.
Đầu nhà Trần, đời Trùng Hưng nguyên niên, giặc Bắc lại vào cướp, đến chỗ nào đều đốt phá nhà cửa, kịp đến đi ngang qua Từ Sở, như có phòng hộ, may lông mùa thu không dám xâm phạm.
Giặc đã yên, vua gia phong mỹ hiệu bốn chữ: Diên An Minh Ứng, đến nay càng hiển hách thần linh vậy.