Quế Dương tuy ở Lĩnh ngoại, nhưng núi sông kỳ, đất đai linh, những người hào kiệt thường thường vẫn có. Từ đời Xuân Thu, Chiến quốc đến nay, nước dựng chưa lâu lắm, tục nước Nam đang còn giản lược, chưa có sử sách để chép việc thực cho nên việc cũ bị di vong rất nhiều, may chỉ nhờ nhân gian khẩu truyền mà còn lại không mất.
Kịp đến đời Tây Hán, Tam Quốc, Đông Tây Tấn, Nam Bắc Triều, rồi Đường, Tống, Nguyên mới có sử truyện để chép công việc, như mấy bản Lĩnh Nam Chí, Giao Quảng Chỉ Lược, rõ ràng có thể khảo được.
Nhưng, nước Việt ta từ xưa là đất yêu hoang, sự biên tập còn phần khuyết lược. Nước Việt ta lập quốc bắt đầu từ Hùng Vương, mà văn minh tiệm tiến thì tràn lan từ đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến bây giờ cho nên quốc sử biên tập có phần tường tận hơn, thời bản liệt truyện này làm ra, không biết làm từ đời nào và người nào làm, ngờ rằng các bậc hồng sinh thạc nho đời Lý, Trần thảo sáng ra rồi các bậc quân tử hiếu cổ bác nhã ngày nay nhuận sắc lại.
Ngu đinh này xin xét lại đầu đuôi, cứ từ chuyện mà trình bày để suy minh thêm ý của tác giả, như truyện họ Hồng Bàng nói rõ lý do khai sáng ra nước Hoàng Việt, truyện Dạ Xoa Vương bày tỏ triệu chứng tiệm tiến của nước Chiêm Thành; Bạch Trĩ có chuyện chép đời Việt Thường; Kim Qui có truyện chép đời An Dương; tục sính lễ của người Nam không gì quý bằng trầu cau, nêu cho rõ ra, thời nghĩa vợ chồng, tình anh em càng thêm rõ rệt. Đến mùa hạ không gì quý bằng dưa hấu, cậy có vật của mình không cần đến ân chúa, như thế là rõ ràng. Truyện bánh chưng là để khen sự hiếu dưỡng, hạnh kiểm Ô Lôi là để răn sự tà dâm. Đổng Thiên Vương phá giặc Ân; Lý Ông Trọng uy hiếp hung nô là biết nước Nam có người tài đáng kể, Chử Đồng Tử gặp gỡ nàng Mị Nương, Thôi Vỹ gặp gỡ bạn tiên thì là chuyện người làm lành được có âm chất nên xem vậy. Đạo Hạnh, Không Lộ, mấy truyện ấy là tưởng lệ sự trả thù cha, bọn thuyền sư cũng không nên bỏ sót. Mấy truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh là nêu lên tài trừ yêu quái, đức của Long Vương cũng không thể bỏ quên. Trung nghĩa của hai Bà Trưng, chết làm thổ thần, nêu cao danh dự, ai bao không nên? Anh linh thần Tản Viên đã bài trừ loài thủy tộc, rõ ràng hiển dị, ai gọi không thiêng? Cùng với nước Nam Chiếu là dòng dõi Triệu Vũ, nước mất còn biết phục thù, nàng Man Nương là mẹ Mộc Phật, năm hạn làm được mưa rào, sông Tô Lich có thần Long Đậu, Xương Cuồng có tinh Chiên Đàn; một bên thời lập đền thờ cúng mà dân chịu được phúc, một bên thời dụng thuật trừ khử mà dân khỏi điều họa, việc tuy quái mà không đến đản, văn tay dị mà không đến yêu, tuy rằng có hơi hoang đàng, nhưng tông tích còn có căn cứ, đó chẳng qua là để khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ điều ngụy, tồn điều chân, làm cho phong tục thêm phần khích lệ vậy, so với Sưu Thần Ký của người nhà Tấn, Địa Quái Lục của người nhà Đường thì cùng một ý đó.
Than ôi! Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải ít bổ ích đâu?
Mùa xuân năm Nhâm Tý niên hiệu Hồng Đức [1], ngu sinh mới được bản truyện này, giở ra xem, không khỏi có sự lầm lẫn như Lỗ Ngư Âm Đào, quên mình là quê hèn, sắp đặt và hiệu chỉnh lại chia làm ba quyển nhan đề là Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, cất ở trong nhà đề phòng xem lại. Bằng như đính chính và nhuận sắc để cho việc được đầy đủ, văn được xác thực, lời được tinh thông, ý được xa rộng, thời nhờ các bậc quân tử hậu lai hiếu cổ, há lại không có người hay sao? Vậy nên làm bài Tựa.
Niên hiệu Hồng Đức năm thứ hai mươi ba tiết Trọng thu. [2]
Yến Xương Vũ Quỳnh, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, [3]
Giám sát đạo Kinh Bắc, Ngự sử, người Hồng Châu, xã Trạch Ổ [4].
__
1. Năm 1492, khoảng tháng 2.
2. Năm 1492, khoảng tháng 8.
3. Năm 1478, khi ấy Vũ Quỳnh 26 tuổi.
4. Xã Mộ Trạch, theo Dương Quảng Hàm. (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, trang 251, lời chú 22)