Đây nói về phận Ái Nhơn, từ giờ bị Bạch tĩ Thoàn đâm té nhào dựa thang lầu, nằm bất tỉnh nhơn sự, những tưởng hồn qui dị lộ, chắc rằng phách đã táng vong, chẳng dè may, lính tuần thành thấy tri hô lên, cò bót tựu tới troàn đem vô dưỡng đường Chợ Quán.
Khám nghiệm ra, Ái Nhơn bị một mũi dao nơi yết hầu rất nặng, song quan lương y nói, tuy vậy mà chẳng đến đỗi thiệt mạng Ái Nhơn, quan thầy liền hối kể phụ tùng, lo việc thuốc men điều trị.
Trong bữa đầu Ái nhơn nằm thiếp thiếp như say chưa tỉnh, vít chưa thấm nên chửa biết đau, qua hai bữa sau, Ái nhơn mới tỉnh hồn, đau đớn rên la như sấm. Chịu thuốc đặng mười lăm bữa, vít bớt đau Nhơn mới nằm nghĩ sự tình, Nhơn thở ra mà than rằng:
“Chẳng hay con bạn trú hà phang, cơn mưa nắng khó toan che chở? Thời cũng tưởng đây chồng đó vợ, có dè đâu “con trăng già” làm lỡ duyên ta, biết chừng nào sum hiệp một nhà, chung gối mới là phải thế. Trách trời chi nỡ xui rất tệ, mối tình nầy chưa dễ biết sao?
Ta nằm đây trong dạ như bào, đó còn mất lẽ nào chưa hãn. Đêm luống những mơ màng tới sáng, ngày bâng khuâng âu hãn gió mấy, người làm sao năm bảy nơi một cửa vui vầy, ta riêng một tình nầy lại mất.
Nhớ những lúc không nỡ rồi một tấc, bây giờ sao kẻ bắc người nam, nào những khi kề gối phụng dựa màn loan, bây giờ lại keo san rời rã. Lo cho bạn linh đinh thoàn bá, Vàm Tượng nay mai lại ngả Bãi Xang, biết sao rằng ngọc ẩn Côn Cang, biết sao gọi châu dời Hiệp Phố.
Phải lòng trời còn độ, giúp ta mạnh cho mau, thượng lộ tìm nàng, sau nữa là trả oán thằng Thoàn, chớ như tình đã mất oán lại còn, nằm đây mãi sao an tấc dạ.”
Đây trở lại chuyện hai Long, từ ngày theo Bạch tĩ Thoàn vào dựa nơi nhà mụ quán, ngoài mặt giả bướm chường ong chán, trong lòng kết oán ghi xương, miệng tuy cười mà dạ đau thương, mặt hớn hở mà tâm dường muối xoát. Chim trong lồng khôn thoát, cá mắc lưới khó ra, cắn răng yêu ấp gọi là, chằng mắt cho qua ngày tháng.
Từ ngày lâm đại nạn, nhờ ơn bà quán khỏi lo, tuy chẳng cho đồng nhỏ đồng to, song cơm tẻ cũng no thửa dạ. Hay đâu nỗi trời ghen thới quá, làm cho thân đày đọa bằng hai, đem mụ dì lên cảnh thiên thai, bỏ Long lại không ai hẩm hút.
Xem tiền bạc càng ngày càng hụt, biết làm chi mà đỡ lúc eo, khoanh tay ngồi vậy chịu nghèo, buổi sớm có buổi chiều lại thiếu. Hết phang lo liệu, mua chịu khắp nơi; Bạch tĩ Thoàn cứ thả đi chơi, ngày tháng chẳng đoái hoài chi tới.
Thiệt là loài bất ngỡi, gạt gái lành đem tới bỏ đây, cứ thả theo me lú bạc bài, hiệp đoàn điếm sớm mai tới tối. Không ăn năn cải hối, không dời đổi tánh hoang, lúc túng cùng đón ngõ chận đàng, ấy mới quả dục an cựu lộ.
Phận Long kể biết bao cực khổ, muốn kêu trời mà vắn cổ khó kêu, muốn đưa chơn nhắm mắt đánh liều, còn chi nữa mà ấp yêu chăn gối. Muốn tính vậy còn e một nỗi, thằng súc sanh nó lặn lội theo tầm, ngại đôi đường giọt lụy không cầm, xót phận bạc khóc thầm trong dạ.
Thấm thoát tháng ngày mau quá, lần tay tính đã sáu trăng, cơm ngày hai không có mà ăn, áo một tấm túm sau túm trước. Phận đã đành vô phước, tới lui một bước khó dời, ôm đoạn sầu lâu đã mòn hơi, đeo mối thảm kêu trời mỏi miệng. Lòng sầu tợ biển, mối thảm dường non, nét trăng rằm đã kém một phấn son, nhan sắc đâu còn mà kể; gầy mòn thân thể, vóc liễu kém suy, xưa hình dung tợ gái Tây Thi, nay dã dượi chẳng bì tục nữ.
Sớm tối một mình tư lự, ngày đêm rơi lụy ướt dầm, nhớ Ái nhơn tình lại càng thâm, nên đến đỗi thân lâm trọng bịnh. Hết mê rồi tỉnh, hết tỉnh lại mê, nằm đây cam chịu một bề, Bạch tĩ Thoàn chẳng hề hỏi tới.
Lối xóm thương xúm lợi, miếng cháo rau đem tới cho Long, thỏn mõn rồi người cũng mỏi lòng, ai lại chẳng có công có chuyện! Khát nước đã nứt môi khô miệng, biết kêu ai xin miếng thỏa lòng, nghĩ nỗi niềm hết kể hết trông, còn chi đợi bóng tùng che chở!
Tiếp theo phận Ái Nhơn, nằm tại nhà thương Chợ Quán trọn ba tháng trời, mới thiệt mạnh. Quan thầy thuống thông tin cho quan Biện lý và cò bót hay, sai lính tới lãnh Nhơn ra mà cật vấn. Nhơn nghĩ: “Thoàn mà đâm ta ra đến thế ni, thù ấy tri tri tạc dạ, có ngày nguyện trả cho xong, lại thêm nó trộm tình bắt xác Hai Long, ta hệ quyết một lòng báo oán. Nay quan muốn hỏi t mà minh đoán, nếu ta khai thì chẳng đáng hùng anh; dẫu cho rằng kế nguyện bất thành, nếm mật cũng đành thửa dạ.”
Nghĩ như vậy, nên khi quan hỏi Nhơn, Nhơn cứ nói rằng lúc đêm hôm không biết ai cho đặng, lại thêm chỗ ni là xứ lạ, không hiềm thù không oán với ai; bởi Nhơn khai quyết một lời nên quan không hỏi nữa.
Nhơn ra; trong tay tiền không có, quần áo vốn cũng không, có đủ đồ bận trong mình, biết lấy chi mà thay đổi, tuy vậy mà Nhơn không vội, cứ tư tư một cái khối tình, muốn sao mau chấp mối tơ mành, cho thỏa chí bình sanh từ đấy!
Hễ là người ở phải, lo chi cái phước giành, ngày kia Nhơn rảo bước Châu Thành, gặp thợ vẽ hữu danh kêu hỏi. Trước sau Nhơn phân nói, rủi may mọi nỗi ngọn ngành; nghe mấy điều thợ vẽ đồng tình, đem Nhơn lại gia đình phục sự.
Trước nuôi làm dưỡng tử, sau dạy thử nghề hay, tánh thiên – liên Nhơn sáng hoa tay, học chưa đặng mấy ngày vẽ khéo. Tánh ý không xiên xẹo, mặc tình ai tròn méo trối thây, cứ một mực thẳng ngay, chuyên nghề hay tập luyện.
Thợ vẽ thấy Ái Nhơn lương thiện, lòng thương tràn như biển không cầm, dầu cho cốt nhục tình thâm, cũng khó bì cho đặng. Vào đó mọi bề đều sẵn, ước chi mà chẳng thỏa lòng, tuy vậy mà Nhơn cũng cứ trông mong, gặp cho đặng Hai Long kẻo nhớ.
Đêm nào cũng nằm mớ, ngày nhắc nhở không ngừng, thấy gái qua tưởng bạn lòng mầng, chừng nhìn lại người dưng đặc sệt!!!
Cơn rảnh việc rảo đi khắp hết, tìm không ra mỏi mệt trở về, cùng Sài Gòn rồi qua tới Thị Nghè, hỏi đủ mặt cũng không nghe tin bạn. Chưa đến đỗi xiên đình ngả quán, nhưng mà dật dờ như chích nhạn kêu sương, thấy kẻ qua người lại bên đường, trông thấy cái tình thương mà chẳng thấy.
__
Hết cuốn 4
Muốn biết nơi tiểu xá Hai Long từ cựu ngỡi, khỏi dưỡng đường Ái Nhơn khóc tình xưa ra thể nào, coi qua cuốn thứ năm thì rõ.