[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912

Quyển 2-Chương 6 : Tránh nợ gặp duyên lòng chưa phỉ, Tìm nghĩa vương tình dạ chẳng nguôi




Hà Hương xách gói ra đi, chẳng dám xuống bến thue thuyền, cứ bờ dắp lần đường tới đâu hay đó. Đi một đỗi xa ước đặng vài dặm, gặp một ông già tuổi ước bảy mươi, đầu bạc như bông, xăm xăm đi tới. Hà Hương mới hỏi thăm đàng đi Trà Vinh, ông già đưa tay chỉ chừng, bảo Hà Hương noi theo tiểu lộ; lại rằng: “Gần đây cách chừng năm dặm, có một tiểu thôn, có đi tới đó phải dừng chơn kiếm nơi ngụ đỡ; sáng ngày như có muốn đi Trà Vinh phải mướn thuyền mà đi mới đặng. Mà cô ở đâu, vì sao phải độc hành nói cho già nghe thử?”

Hương rằng: “Tôi vẫn người ở xa đàng, đi buôn bị chìm thoản, bạn bè đều chết hết, may nhờ có ghe câu cứu mạng, tôi mới đặng tồn sinh, ngỡ đem về gá nghĩa minh linh, dè đâu lại dục tình trăng gió. Bởi vậy tôi mới đành lòng bỏ, dễ đâu tôi lại dám vong ơn kết cỏ ngậm vành, cực lòng nên thân gái độc hành; dẫu lâm cuộc tử sanh đành phận.”

Ông già ngồi mắt thì nhìn Hà Hương tai lóng nghe khúc độc. Nghe qua già mới nghĩ thầm trong bụng rằng: “Thật quả hương trời sắc nước, giá đành trên nguyệt trong mây, tiếc thay cái phận lạc loài, dồi dập rày đây mai đó. Phải chi mà … mà thôi, con trai mình không nhỏ, chưa có chỗ có nơi, đem nàng về nàng về kết tóc ở đời, cha chả gái sắc trai tời rất đẹp. Ruộng vườn mình chẳng hẹp, lẫm đựng đầy lúa nếp muôn ngàn, thiếu chi tiền bạc vòng vàng, đầy tủ giẻ hàng nho nhiễu. Chọn nàng dâu yểu điệu, như vậy đặng lắm, may sau sanh con phụng cháu rồng; tục rằng: Con công dầu chẳng giống lông, lẽ nào không giống cánh.”

(Bộ ông già này muốn mạt sao chớ)

Nghĩ vậy bèn nói với Hà Hương rằng: “Lão nay già, đáng đạo ông bà lão có nói ra cháu đừng nệ chấp. Vả chăng cháu là phận quê môn bất xuất, nay mà cháu độc hành như vầy e khi đàng sá bất kỳ, lại thêm cháu đeo đồ trong mình cũng nhiều, chỉ e của hại thân, quân trộm cướp kể chi người, miễn đặng của nhiều, thậm tiếc cát vùi ngọc trắng.

Chi bằng, lão nay của cải trăm ngàn, nhà có một trai không gái; nay mà lão gặp cháu đây lão tưởng cuộc minh linh trời nhỏ phước, lão muốn nuôi cháu làm con, kẻo mà trong nhà không gái hậu sinh; gặp lão đây cháu chửa đủ tin, về gia nội thì tường trong đục. Cháu ma khấng chịu vậy, lão trở lại, đem cháu về nhà, lão mừng hơn đặng ngọc đặng ngà, dầu muôn dặm đàng xa chẳng nệ.”

Lúc cùng chẳng đã, Hà Hương nghe qua ngỡ thật mầng thầm, mầng là mầng có chỗ dung thân, mầng đặng có người giúp đỡ. Bèn đáp rằng: “Ông có lòng hà hải, trẻ thơ đâu dám chối từ, vậy thì xin ông trở gót hài, đem tôi về gia nội.”

Dứt lời ông già lật đật đi với Hà Hương, kể từ đây, già kêu trẻ bằng con, trẻ kêu già bằng cha ngọt. Dọc đàng ông già mới hỏi tên họ tuổi tác, và nhà cửa gốc gác Hà Hương ở đâu; Hà Hương dối tên là Thị Năm, hai mươi hai tuổi, nhà ở Võng Gù.

Nói rồi lại hỏi: “Thưa dưỡng phụ, chẳng hay anh ở nhà mấy tuổi làm chức chi hay là giỏi nghệ nông phu?”

Bởi ông già có lãng tai, Hà Hương nói nhỏ không nghe nên hàm thinh không nói lại.

Hà Hương thấy vậy sanh nghi nghĩ thầm trong bụng rằng: “Ông già nầy nói việc nhà giàu có, lại chịu nuôi mình làm con, nhà giàu dường ni xưa nay chưa từng gặp. Hỏi đến việc nha ổng, ổng lại giả lơ, có lẽ khi ông già nầy thấy minh đeo vàng nhiều, muốn theo dõi đặng ra tay đoạt của chăng? Mình vả chăng phận gái, sức lực bất phược kê, lại thêm đàng sá vắng hoe, rủi gặp vậy còn chi tánh mạng. Vả lại trong mình mình nhiều bạc, song chưa ai soi thấu trong mình, có vàng neo đeo hở ra ngoài, ổng thấy của mới thi kế độc.

Chi bằng, tính như vầy thì hay, vàng dầu mất hết, bạc với mạng còn cũng đặng vững chơn, vậy mình giả cha con cổi hết vòng vàng, gởi cho ổng cất giùm mới tiện. Như ổng mà tham, tay nắm của, ổng không cần hại mạng, ổng dông đi đâu ổng dông, mình lần đường dõi bước tìm chồng.”

Nghĩ vậy bèn cổi hết vàng vòng, trao cho dưỡng phu xin cất giùm kẻo sợ. ông già cười, với tay lãnh vàng vòng lận vào lưng, rồi hàm thinh đi riết.

Đi trót giờ mới tới một chốn tiền thôn, đâu đặng chừng đôi trăm nóc gia, ông già dẫn Hà Hương vào một cái nhà, chẳng phải là nhà tầm thường; nhà ba căn hai chái, lợp ngói, cột lớn rường cao, trong chưng dựng coi phải cuộc nhà giàu.

Hà Hương mới bớt nghi trong bụng. Khi mới vào, trong phòng bước ra một người, không cao không thấp, độ chừng ba mươi tám có dư, mừng hỏi cha đi sao mau về, hối tớ pha trà cho cha giải khát.

Dứt lời bước lại chào Hà Hương rồi cũng khuyên mời đủ lễ. Hà Hương nghe kêu ông già bằng cha thì rõ hết; thoạt nghe người trai ấy hỏi cha vậy chớ người nào đâu lạ mặt.

Ông già đáp rằng: “Cha đi giữa đàng gặp nàng đi độc hành, hỏi thăm đàng đi Trà Vinh, cha thấy vậy mới hỏi nhơn việc chi đi một mình; nàng mới nói đi buôn bị chìm ghe, không nơi tá túc. Cha thấy nhà không gái, cha tính đem nàng về nuôi làm con, nàng đành lòng, cha mừng đặng minh linh trời nhỏ phước.”

Nói rồi, nhớ sực lại, tay thì lần lưng móc đãi, mắt thì xây ngó Hà Hương mà rằng: “Thôi, đã tới nhà rồi, đồ đây con đeo vô đi còn chi mà sợ.”

Hà Hương bước lại lãnh đồ, đeo neo chuỗi vô tay, kiềng mang vào cổ, bước ra rửa mặt.

Rửa rồi trở vào mới hỏi: ‘Anh năm nay được mấy kỷ, có làm chức chi chăng?”

Con ông già trả lời rằng: “Tôi năm nay hai mươi bốn tuổi, mới cử làm Xã trưởng đương niên”. Nói tới đây liếc mắt ngó Hà Hương nhan sắc tợ như tiên, miệng nói có duyên cha chả. Mày tầm mắt phụng, lại thêm má phấn môi son, thiệt là giá đáng đúc nhà vàng, trong đời đà ít có – phải lòng.

Chú Xã mới tiếp thêm một câu nữa rằng: “Nhà chưa có vợ hiền, bởi căn duyên chưa gặp.” Nói rồi chúm chím cười. Hà Hương thì e mặt.

Ông già mới kêu tớ trong nhà bảo sửa soạn phòng the rồi bảo Hà Hương lối vào ngơi nghỉ.

Khi về tới nhà trời cũng vừa khuất bóng, một chập thấy cơm dọn lên, chú Xã mời cha và Hà Hương dùng bữa. Cơm nước xong xuôi, Hà Hương vào phòng, thấy một cái giường chạm, mùng xuyến, lót nệm, trên nệm lại có trải một chiếc chiếu Gạch Giá dệt chữ “Sourvenir” mền gối trắng như bông, Hà Hương bước lên nằm nghỉ.

Hà Hương vào phòng rồi, chú Xã mới bước lại nói nhỏ với cha rằng: “Nàng làm sao mà ngộ dữ cha, trong làng mình, con ông Cổ cũng không bì kịp. Nuôi làm con gái chi uổng, cha để …”

“Ừ, cha nói vậy, chớ thật cha cũng một ý với con. Vậy thì thỉnh thoảng con o bế, rồi cha sẽ khuyên dỗ nó cho, mà cha dặn con. Cha chẳng phải Bùi Ông, con đừng làm như Bùi Kiệm, đa nghé!”

Tối lại, tôi tớ ra nhà sau, còn một mình Hà Hương ở trên với ông già và chú Xã; giây phút liền nghe ông già ngáy pho pho, chú Xã muốn trổ mòi, mà sợ Hà Hương không chịu. Chú Xã mời giả chước nói với Hà Hương rằng: “Vì có việc đi xóm, Cô thức coi chừng nhà, một lát tôi về rồi sẽ nghỉ.” Nói rồi bỏ ra đi, bảo Hà Hương đóng cửa.

Nói về Hà Hương vào phòng nằm thao thứa, lăn qua lộn lại hoài, tuy đi đàng dài, mệt mỏi nhiều, mà mãn rầu rĩ việc mình nên không ngủ. Hà Hương nằm nghĩ tới Nghĩa Hữu bơ vơ đất khách mà sa nước mắt, thương xót vô cùng, song mắc gặp lúc gian truân, biết sao đặng đoàn viên phu phụ.

Khóc lóc một hồi, sực nhớ tới chú Bảy lại tức cười mà nói thầm rằng: “mấy bữa rày, mình đi rồi, mặc sức cho nó Uật! Nếu mà nó móng của nó, e sao nó cũng xin tờ tập nỏa chớ chẳng không; tờ tập nỏa không hại gì, mình nhờ có Xã chở che, e nó mướn người theo tìm kiếm, khó quá.

May mà mình đem thân vào chốn nầy cũng có dễ một chút, mà coi ý anh Xã cũng có tình thương, chẳng biết phải ảnh có tình thương, hay là ma dắt lối quỉ đem đường, tìm nhầm nẻo đoạn trường càng khổ. Bổn phận mình tới đến đây, khác nào chim lánh ná tìm cây mà đỗ, biết bao nhiêu cam khổ đã từng, thôi cũng liều nhắm mắt đưa chưn, phú con Tạo xoay vần đến kiếp. Xưa những tưởng chàng chàng thiếp thiếp, nào hay đâu lạc nẻo ra vào, căm hờn thay cái số hoa đào, gỡ ra khó buộc vào thậm dễ.”

Đang suy nghĩ đến đây, nghe tiếng anh Xã kêu, Hà Hương liền bước ra mở cửa. Nhà tối đen như mực, lại thêm vắng vẻ canh khuya, anh Xã làm bộ không thấy đường, đụng chạm đôi lần thử ý.

Hà Hương hàm thinh không nói thốt chi cả, anh Xã khoái vô cùng. Hà Hương bước vào phòng, anh Xã nằm ngoài thao thức. Một chặp, anh Xã dậy đốt đèn, lục cuốn Kim Vân Kiều, đem ra bình nên điệu. Rằng:

“Thương ôi! Sắc nước hương trời, tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây, giá đành trêu nguyệt trong mây, hoa sao hoa khéo dã dày bấy hoa. Nỗi cơn riêng giận trời già, lòng nầy ai tỏ cho ta hỡi lòng.”

Hà Hương nghe bình mấy câu, xét biết rằng anh Xã chọc mình, song giả không hiểu, cất tiếng hỏi: “Chẳng hay anh ngâm sách chi đó vậy?”

Anh Xã liền đáp rằng: “Kim Vân Kiều.”

Hà Hương nghe nói Kim Vân Kiều, khen giỏi, rồi lại nói trong Kiều có câu:

“Ví chăng chấp cánh cao bay, rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa”

Kiều nói câu đó như vậy, cũng là lời thường, nghe ra có tình lắm, thật là hay, song chẳng biết người đời có chê Kiều chăng? Chớ xét như phận Kiều linh đinh đất khách, trông cho có chỗ phải tưởng đến, thì có tiếc gì, rủi thay Kiều gặp như chú Sở Khanh, bạc phận biết bao mà kể. Bởi cớ ấy nên sau Kiều sợ mà than rằng:

“Thiếp như con én lạc đàng, thấy cung thì phải sợ làn máy cung.”

Anh Xã nghe Hà Hương đọc mấy câu thầm biết rằng Hà Hương khôn lắm, bắt phận Kiều mà tỉ phận mình, anh Xã mới nói rằng: “Phận Kiều chẳng may như vậy là bị số đoạn tràng mười lăm năm lưu lạc, nên mới khiến gặp những bợm già gạt gẫm, làm cho hết kiếp phong trần, chớ xét lại cho kỹ thì trong đời những đứng nam nhân, lẽ đâu lại lấy ân làm oán. Sao phải, ấy cũng bởi tại trời khiến vậy, mựa đừng hở miệng ra răng, như tôi đây, ai mà biết đến tôi chăng, biển trầm luân, lấp cho bằng mới chịu, chớ tôi có thèm làm như các bợm vậy đâu.”

Nói vừa dứt lời, nghe ông già cựa mình thức giấc, kêu trẻ nấu nước, Hà Hương dạ dạ bước ra, lại bên anh Xã bưng đèn, miệng thì cười chúm chím. Bóng đèn rọi sáng, sắc xem nguyệt thẹn hoa nhường, anh Xã khoái ý vô cùng, vụt trỗi dậy đi theo bén gót.

Tới cửa Hà Hương tay thì bưng đèn tay thì mở cửa, anh Xã choàng tay qua cô Hà Hương, ôm hun một hồi, rồi … muốn …. Hà Hương cười mà nói nhỏ rằng: “Khuyên anh đừng thương vội, thương vội sợ mau lìa, rồi đây sao cũng có ngày, thiếp có tiếc chi phòng vội.”

Anh Xã nghe nói vậy lại càng mầng và thương nữa, bèn ôm riết Hà Hương vào lòng; Hà Hương tay bưng đèn rọi sáng. Hai mặt nhìn nhau không nháy mắt. Hà Hương thì cười, anh Xã thì mầng đặng ngọc cầm tay, mầng chẳng xiết nỗi mầng đến đỗi sa nước mắt. Hà Hương liền xô anh Xã ra, bảo đừng làm vậy trẻ nhà không kín miệng.

Anh Xã buông Hà Hương ra, Hà Hương liền mở cửa xuống thức tớ nhà dậy nấu nước; nước vừa xong, chế vào bình, khiến tớ bưng cho ông già uống. Hà Hương mới ngồi lại hỏi thăm một đứa đày tớ trai chừng đôi tám, vì cớ nào nhà cửa lớn như vậy mà không thấy đờn bà?

Chàng nọ đáp rằng: “Ông tôi, làm chủ trong làng, hôm lóng tháng ba, bà tôi qua đời, làng xóm tựu đông đủ, đám tang rất rình rang; còn con của ông tôi là cậu Xã đi nói vợ là con gái của ông Cả bên kia, không còn mấy ngày nữa cưới, chẳng may con gái ông Cả mất, nên cậu tôi ở góa đến bây giờ.”

Kể từ đây, Hà Hương mới hay rằng ông già đó là ông chủ trong làng, còn cậu Xã là xã đương niên cũng con nhà rân rác, mừng thầm; nghĩ vì ông già mà nuôi làm con nuôi thì phước lắm, bằng chẳng vậy, làm dâu thì cũng là may. Xưa nay lưu lạc giang hồ, bướm ong từng trãi, may mà đặng làm thiếm hương thiếm xã dâu ông chủ ông cả, phước lớn biết bao, tưởng phận mình chiếc lá sóng đào, thuyền tình mặc lúc nào may rủi.

Đương suy nghĩ tới đây, Hà Hương ngồi ngó ra, xả thấy ngoài ngõ bước vào một người đầu bịt khăn xéo xanh, mình mặc áo đen dài, quần ống cao ống thấp, tay cầm roi mây, vừa bước vô tới cửa, trẻ trong nhà hỏi: “Đâu sớm vậy chú trùm?”

Trùm nói rằng đi mời Chủ và chú Xã nhóm.

Hà Hương bảo về đi, để mặc nàng thưa lại. Hà Hương liền lên nhà trên thưa lại với chủ và chú Xã rằng: “Có trùm tới mời nhóm.” Chú Xã nghe, lật đật chạy ra thưa với cha rằng: “Bữa nay cha đi nhóm, nói giùm với việc làng trong mình tôi không yên, xin kiếu để bữa khác”

(Hồi hôm chú Xã thức sáng trắng, bộ mệt, hay là muốn đi long ẩn không biết)

Ông Chủ ừ rồi khăn áo sửa soạn ra đi. Chủ vừa bước ra khỏi cửa, chú Xã ở trong phòng vụt trỗi dậy, chạy ra bộ lăng xăng, sai đứa thì đi ra vườn hái dừa, đứa thì ra ruộng đắp bờ, đứa thì đi tát ao, tát vũng, đi hết, còn một mình Hà Hương ở nhà với chú Xã mà thôi.

Chú Xã liền kêu Hà Hương lên phòng đàm đạo. Hà Hương vừa bước vào cửa phòng, chú Xã mừng gặp dịp may, bước lại ôm Hà Hương mà đôi mắt rưng hột lụy. Cũng vì tình vội, khác nào như bướm gặp hoa, Hà Hương nói rằng: “Xin chàng hãy buông ra, đừng làm thói bướm liệng vành hoa mà hại thiếp. Ngày nay tuy sum hiệp, chưa hay phận thiếp ra gì, sợ e phong võ bất kỳ, rồi chàng chẳng nghĩ vì chút phận; lòng chàng dầu khấng, biết trên tông xuống có thương, chỉnh e bướm chán ong chường, rồi sau bỏ ra phường trăng gió.

Chàng thương đừng nệ khó, nệ khó phải đừng thương, việc lứa đôi chẳng phải qua đường, mà dấu diếm chẳng phô trương cho người biết.”

Chú Xã nghe Hà Hương nói như vậy ôm Hà Hương mà hun, và trả lời rằng: “Thiệt lòng ta chí quyết, thương thiệt chẳng phải chơi, giai ngẫu nầy tại ở nơi trời, khiến nên gặp một người một ngả. Ta nay đương làm Xã, cha làm Chủ trong làng, thiếu cho tiền bạc vòng vàng, mà chẳng dám so loan sánh phụng.”

Muốn biết chú Bảy Chà bắt Hà Hương trong đám cưới ra thể nào xin coi cuốn thứ Ba thì rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.