Khi Đông Sơ giục ngựa theo quan lộ, ngày đi đêm nghỉ, xuống ải lên đèo, lúc gần tới Đông Kinh, thì thấy một cảnh tỉnh thành đô hội, đài các nguy nga, thật là một chỗ đại địa phiền ba, cửa nhà đông đảo.
Nguyên chỗ Đông Kinh này là một kinh đô cũ của triều Lê, kêu là Thăng Long thành, nay gọi là Tonkin, tục danh là Hà Nội, vì cái Thăng Long thành này kế cận nước Tàu, bị quân Tàu nhiều phen dấy động can qua, đem binh xâm loạn, nên sau dời kinh đô về tỉnh Thừa Thiên, nay tục kêu là Huế.
Khi Võ Đông Sơ đương dạo xem phong cảnh. Xảy thấy một người phong nghi tề chỉnh, tướng mạo đường đường, tay cầm một cây gươm, tay xách một tấm bảng, đương đứng ngơ ngẩn ngó mông, xem nét mặt dường như có điều chi sầu não.
Đông Sơ bước lại thấy trên tấm bảng viết 4 chữ “Mại kim táng thân” nghĩa là bán gươm mà chôn mẹ, thì lấy làm lạ, liền bước lại, gạn hỏi căn do, và tánh danh xứ sở của tên ấy.
Tên bán gươm nói: “Tôi là người ở Hà Đông, tên là Triệu Dõng, Nguyên cha tôi mất sớm, nên gia đạo hàn vi, vì vậy tôi thường lên núi Tây Kỳ mà chuyên nghề săn bắn. Rủi mấy tháng nay mẫu thân tôi bệnh nặng, mãn lo săn sóc thuốc thang, và ở nhà mà giữ sự thần tĩnh mộ khang, nên cuộc sanh nhai bê trễ; nay lại rủi mẹ đã ly trần, phần thì gia đạo cô bần, không tiền bạc đặng lo bề tống táng, Nên cực chẳng đã tôi phải đem gươm ra bán, hiềm vì chưa gặp người mua. Có người hỏi tôi giá bán bao nhiêu, tôi nói 30 lượng bạc, thì chê rằng mắc.”
Đông Sơ nghe nói, liền xuống ngựa, và bước lại nói với tên ấy rằng: Cảm phiền tráng sĩ, xin cho tôi coi thử cây gươm, rồi lấy gươm rút vỏ ra coi, thấy một ánh hào quang, chói lòa con mắt; thì biết là một cây gươm báu, trên cán đều khảm vàng và chạm đầu sư tử, còn bên cán có khắn 4 chữ “Vĩnh lịch niên chế”.
Đông Sơ xem rồi liền đút vô vỏ và day lại hỏi tên ấy rằng: Nguyên cây gươm này là của người Tàu chế ra trong năm vua Vĩnh Lịch, đời Minh bên Trung Quốc, song chẳng biết duyên cớ nào lại về nước Nam ta, mà vào tay tráng sĩ?
Tên bán gươm nói: “Phải, gươm này là của một vị tướng quân triều nhà Minh.”
Đông Sơ nghe nói day mắt ngó tên kia và lấy làm lạ mà hỏi rằng: “Nhưng tráng sĩ có rõ vị tướng quân ấy tên chi chăng?”
Tên kia nói: “Tôi là lớp hậu sanh niên thiếu cũng như quới khách, lẽ đâu rõ đặng, song khi cha tôi còn sanh tiền có thuật cái lai lịch gươm ấy cho tôi nghe.”
Đông Sơ nói: “Vậy thì xin tráng sĩ vui lòng thuật lại cho tôi nghe ước có đặng chăng?”
Tên bán gươm nói: Nguyên cây gươm này gốc của vị tướng quân triều nhà Minh tên là Lý Tường. Khi Mãn Châu qua lấy Trung Quốc rồi, thì Lý Tường theo hộ giá vua Vĩnh Lịch chạy qua tá ngụ nơi nước Miến Điện. Chẳng dè Ngô Tam Quế đem binh rượt theo, rồi gởi tờ Công hịch cho vua Miến Điện, hẹn nội ba ngày phải bắt vua Vĩnh Lịch mà hiến nạp, bằng không, thì sẽ đem binh qua đạp đổ thành quách nước Miến Điện ra bụi tro bình địa. Vua Miến Điện thất kinh, liền bắt vua Vĩnh Lịch mà nạp. Nói tới đây thì thở ra một cái và ngó Đông Sơ mà hỏi rằng: Quới khách có biết vua Vĩnh Lịch sẽ trở ra thể nào chăng?
Đông Sơ nói: “Xin tráng sĩ hãy nói luôn, tôi đâu rõ đặng.”
Tên bán gươm bèn nói tiếp rằng: “Vua Vĩnh Lịch bị Ngô Tam Quế giết chết tại Vân Nam một cách rất ghê gớm thảm thay cho dòng dõi cơ đồ của triều nhà Minh, từ đây bị một tay Ngô Tam Quế mà tiêu điều tận tuyệt.”
Đông Sơ nói: “Tôi nghe rằng: Ngô Tam Quế vẫn là một vị Phiên trấn đại thần của triều Minh; quyền cao tước trọng, lộc cả ngôi sang, và tổ phụ của Tam Quế cũng đều hưởng thọ tước lộc của Triều Minh, sao lại phụ phản Triều Minh? Mà sát hại vua Vĩnh Lịch? Vậy thì rõ ràng là một đứa gian thần tặc tử lắm chăng?”
Tên bán gươm thở ra một cái nữa rồi nói: “Phải. Hễ con người như vậy, thì là một đứa đã táng tận lương tâm, nào kể chi ngọc bút của sử quan châm chích chê bai, và miệng thế gian nghị luận. Song cái sự độc ác ấy làm cho trời giận đất hờn, nhơn dân đều bầm gan tím ruột. Rồi có một sự quả báo kia trả liền trước mắt.
Đông Sơ nghe nói thì mắt ngó tên kia sững sờ mà hỏi rằng: “Tráng sĩ nói một sự quả báo trả liền trước mắt, mà quả báo làm sao?”
– “Quả báo ấy là khi triều Thanh vua Mãn Châu dòm thấy cái tim đen của Ngô Tam Quế chứa những quỉ ma độc ác phi thường, thì biết là một đứa phản tặc nghịch thần, liền bắt mà tru di tam tộc.”
Đông Sơ nghe rồi gặt đầu hai ba cái, và mỉm cười mà nói rằng: “Vậy mới gọi là hoàng thiên hữu nhãn, tạo hóa công bình, đó là một gương quả báo nhãn tiền, để mà răn người bạo ngược. Còn như cây gươm nầy, vì làm sao mà ngày nay về tay tráng sĩ?”
Tên kia nói: “Khi vua Vĩnh Lịch bị Ngô Tam Quế giết rồi, thì các tướng tâm phúc của vua đều phân phân tứ táng, tốp thì chạy qua Xiêm mà trú ngụ, tốp thì chạy qua nước Nam ta mà tiềm tàng. Lúc ấy có một tướng quân tên là Lý Tường, gặp ông cố tôi làm Tổng binh tại Bắc Giang, bèn cho cây gươm này để làm kỷ niệm: Vì vậy gươm này của Tổ phụ lưu truyền qua tới tôi đây, đã bốn đời rồi, nay rủi tôi gặp cơn gia biến, thảm thay! bị chữ sàng đầu kim tận, làm cho tráng sĩ vô nhan, tôi đã hết thế lo toan, nên bất đắc dĩ phải đem gươm ra bán.”
Đông Sơ nghe nói rồi liền thò tay vào túi, lấy ra 50 lượng bạc, hai tay đưa cho tên kia mà rằng: “Tráng sĩ ôi! Trong lúc gặp gỡ thình lình, vậy tôi xin tráng sĩ nhậm lấy của mọn này mà tống táng từ nương. Còn gươm này thì xin tráng sĩ giữ lấy mà làm dấu tích của Tổ phụ lưu truyền, và như tráng sĩ bằng lòng, thì tôi xin kết làm bằng hữu.”
Triệu Dõng (tên bán gươm) thấy Đông Sơ thật một người khoan nhơn bác ái, hào hiệp trượng phu, thì vói tay lấy 50 lượng bạc, rồi rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: “Quới khách ôi! Nay quới khách trao cái của này mà giúp cho kẻ hàn vi hạ sĩ trong cơn thắt ngặt cùng đồ, thì tôi biết lấy cái chi mà báo đáp ơn sâu, ví tày sông biển; vậy tôi đứng giữa trời cao đất rộng nầy, xin nguyện một lời rằng: nghĩa ấy tôi tạc dạ ghi xương, ngày sau sẽ đền ơn tri ngộ.”
Đông Sơ nói: Sự ấy là lẽ tự nhiên của người ở thế gian nầy, phải giúp nhau trong cơn hiểm nguy thắt ngặt, nếu thấy sự lâm nguy ngộ biến, mà tọa thị bàn quan, làm mặt lấp tai ngơ, chẳng biết thi ân trọng nghĩa mà giúp đỡ anh em, thương yêu nòi giống, thì người ấy có ích chi cho nước non xã hội.”
Nói rồi hai người gá nghĩa anh em, kết tình bằng hữu. Triệu Dõng nhỏ hơn Đông Sơ một tuổi nên kêu Đông Sơ bằng anh,
Lúc đó anh em bịn rịn nhau một hồi, rồi mới phân tay từ biệt. kẻ về Hà Đông lo cất táng mẫu thân, người lại Đông Kinh đặng kiếm nhà thuê ngụ.