[Việt Nam] Giọt Máu Chung Tình

Chương 13 : Chốn phong ba, cưỡi sóng rượt giàn đồ, Cơn hoạn nạn, ra tay đền nghĩa vụ




Từ khi Võ Đông Sơ phụng mạng đi tuần dương, dẹp xong quân Hải khấu Trung Quốc rồi, thì lo sắm sửa hành trang, đi với một tên bộ hạ trở về Đông Kinh đặng phục mạng. Hai thầy trò lên đèo xuống ải, chỉ lo giục ngựa buông cương, trông cho mau tới tỉnh thành, đặng trước là ra mắt Lê công, sau là hội diện cùng tiểu thơ Bạch Thu Hà mà tính cuộc nhơn duyên can lệ.

Khi đi tới một bến đò, thì trời đã tối, dựa bến có một chiếc ghe nhỏ nhỏ, để đưa hành khách qua sông. Đông Sơ liền xuống ngựa bước lại đứng dựa cầu đò, đặng nhắm xem phong cảnh, thì thấy một gương Hằng Nga tỏ rạng, ở dưới, góc núi lần lần ló lên, và một dải trưởng giang thinh thoan rất lớn, nước dọi bóng trăng, xem như rắn giỡn rồng đoanh, muôn dặm hào quang soi nhấp nhán; sóng xao gành núi, nghe dường đờn tâu nhạc rỗi, ngàn trùng bạch thủy trắng phao phao.

Đông Sơ đương đứng rảo mắt ngó mong, bỗng thấy một chiếc ghe, trương buồm bọc gió ở phía trên sông chạy xuống như tên. Khi chạy ngang qua trước bến đò, thì thấy hai người con gái ngồi dưới bóng đèn sáng ở trong mui ghe, rõ ràng là tiểu thơ với thể nữ Xuân Đào, chẳng sai một mảy.

Đông Sơ lấy làm lạ và tự nghĩ rằng: “Tiểu thơ và thể nữ chẳng lẽ đi đâu như vậy, mà có sao xem hình trạng thì giống in như hịch, chẳng khác chút nào, hay là người giống người mà mình mập mờ xem lộn đó chăng? Nghĩ như vậy rồi lại kêu lớn một tiếng: “Xuân Đào”, đặng coi phải hay không cho biết. Thật kêu vừa dứt lời, thì thể nữ Xuân Đào liền day mặt ngó ra, dường như kiếm coi ai kêu mình đó vậy.

Tiểu thơ nghe kêu cũng ngó ra. Song trời tối mờ mờ, phần thì ghe chạy mau như tên, nên không biết rõ là ai hết. Phần thì nghi cho anh là công tử theo kiếm, vì vậy nên chẳng dám dỉ hơi cứ việc làm thinh, để coi ai cho biết.

Đông Sơ thấy rõ ràng là tiểu thơ, thì kêu tiếp thêm một tiếng lớn: “Tiểu thơ, tiểu thơ, xin biểu đình thuyền đặng vài lời gạn hỏi.”

Khi ấy tiểu thơ nghe chẳng phải tiếng anh, thì lật đật bước ra ngoài đứng xem, tuy chẳng thấy rõ ràng, song nhờ lúc trời trong trăng tỏ, xem tướng mạo thì biết là Đông Sơ, liền biểu tài công ngừng thuyền. Nhưng tên tài công cứ việc cho thuyền chạy tới, lại biểu vợ trương thêm một lá buồm nữa mà chạy cho mau. Thuyền nhẹ buồm cao, bọc gió lướt sóng, chạy như tên bắn chim bay.

Tiểu thơ và thể nữ thấy tên tài công chẳng chịu quày thuyền, thì thất kinh lấy tay ngoắt và kêu Đông Sơ, dường như biểu theo mà tiếp cứu.

Đông Sơ trong lúc bối rối, chẳng biết tính sao, ngó lại thấy một chiếc tam bản đậu dựa mé sông, tức thì biểu tên bộ hạ ở đó coi ngựa, rồi nhảy ngay xuống tam bản lấy chèo bơi theo. Theo mau chừng nào thì thuyền ấy lại chạy mau chừng nấy.

Đông Sơ thấy vậy càng hồ nghi, ráng sức bơi theo, tảm bản trườn lên ngọn sóng lướt tới như bay. Kế đó gió càng mạnh, sóng càng khắc càng to, chiếc tam bản hụp xuống trồi lên giữa trận ba đào, xem rất nguy hiểm. Những người đứng trên bến đò thảy đều kinh tâm táng đởm. Nhưng Đông Sơ là người đã từng quen xua thuyền cưỡi sóng, nơi chốn mặt biển chơn trời, nên gặp cơn nguy hiểm thế nào, cũng chẳng nao lòng thối chí.

Khi Đông Sơ thấy thuyền ấy chạy trước đã xa, và lại chiếc tam bản bị sóng dập gió dồi, trồi lên hụp xuống, vô nước đã nhiều, nếu gặp một lượn sóng to, ắt chìm chẳng khỏi, lại trôm nghĩ rằng: Nếu mình theo chẳng kịp thuyền kia thì chắc tiểu thơ phải lâm tay độc thủ. Nghĩ vậy nên và bơi và tát nước, đặng ráng mà rượt theo, chẳng dè một lượn sóng rất lớn lướt tới ồ ồ, bỏ vòi cao hơn năm thước, dựng trước tam bản như một vách thành, rồi ào ào chụp xuống.

Đông Sơ lúc ấy ngước mặt kêu trời và la lên rằng: “Trời ôi, ai cứu tôi với! Cái sóng vô tình kia ôi! Thuở nay ta không thù oán chi đến mi, sao ngày nay mi chờ ta đến đây mà hại vậy.” Vừa dứt lời thì ngọn sóng dữ tợn ấy đã dồi chiếc tam bản lên trên không, rồi hạ xuống sâu như vực thẳm, kế một ngọn sóng nữa ùn ùn lướt tới chụp lên, thì chiếc tam bản và Đông Sơ đều chìm mất.

Một cuộc nguy hiểm rất dữ dằn nầy, dẫu cho ai sức mạnh như thần, tài lội như rái, cũng không thể nào vẫy vùng thoát khỏi đặng. Huống chi Đông Sơ bị bơi một hồi đã mỏi mệt tay chơn, lại giữa chốn cuồng phong nộ lãng, nước chảy sông sâu như vầy, thì còn sức đâu mà lội đặng.

Lúc nầy tên bộ hạ của Đông Sơ và mấy người đứng trên bến đò đều thất kinh và la lên: Trời ôi, chiếc tam bản đã chìm rồi còn chi mà kể. Khi Đông Sơ bị một lượn sóng dữ nhận chìm thuyền rồi, nổi lên hụp xuống hai ba lần đã mòn sức đuối hơi, đó rồi lần lần ngấm xuống. Trong lúc cái chết đã tới trong cơn hấp hối nầy, Đông Sơ ráng cương hai chơn đạp nước một cái nổi lên. Bỗng đâu có một cánh tay mạnh mẽ kia, như cánh tay của thiên thần trên không, thò xuống nắm Đông Sơ kéo lên, thì Đông Sơ xác đã lìa hồn, chỉ nằm thiêm thiếp một giấc Huỳnh lương, và không nhúc nhích.

Một lát Đông Sơ tỉnh hồn mở mắt, thấy mình nằm trong một chiếc ghe, và ngó lại thấy người đương ngồi bên mình, cầm hai tay xô qua lắc lại, làm cho chuyển động tinh thần, châu lưu huyết mạch, lại thấy một mảnh yểu điệu hồng nhan, đương ngồi quạt lửa đốt thang, như một vị nam thiên thần với một vị nữ bồ tát, thấy Đông Sơ bị nạn thì hiện xuống mà ra tay tế độ, vớt người trầm luân.

Nguyên người cứu Đông Sơ nầy chẳng phải là người nào xa lạ. Vẫn là người bán gươm kết nghĩa kim bằng với Đông Sơ khi trước, tên là Triệu Dõng. Khi Triệu Dõng với một người em gái là Triệu Nương ở tỉnh Quảng Yên về, đi tới bến đò, thấy hai con ngựa cột dựa đường, và thấy một người đương đứng day mắt ngó ngay ra ngoài sông, mặt có sắc buồn, xe bộ chẳng yên, dường như có điều chi bồi hồi lo sợ.

Triệu Dõng thấy vậy bước tới và hỏi rằng: cậu, cậu đứng đây chờ ai?

Tên kia nói: “Tôi chờ chủ tôi là Trung úy Võ Đông Sơ, người mới bơi một chiếc tam bản mà rượt theo chiếc thuyền chạy buồm phía trước đó, tôi thấy chiếc tam bản nhỏ, bị gió dập sóng dồi, trồi lên hụp xuống, rất là hiểm nguy, song chẳng biết làm sao mà tiếp cứa. Nói rồi tên kia chỉ ra ngoài khơi, và la lên rằng: kia kìa chiếc tam bản kia kìa, mấy người đứng trên bờ thấy tam bản bị lượn sóng dữ đánh nghiêng qua lắc lại gần chìm, thì để (mất chữ) đầu và nói: Trời ôi! Chỗ ngả tư sông đó có dòng nước ngầm nên sóng gió rất hiểm nghèo, xưa nay chẳng hề có ai dám băng qua vì sợ ghe chìm thuyện lụy, song đứng nói mà thôi, cả đám người nhìn chớ chẳng có một ai khẳng khái dám ra tay tiếp cứu.

Triệu Dõng nghe nói Võ Đông Sơ thì chạy tới bến đò nhìn ra thì thấy một người ngồi trên chiếc ghe tam bản đang chống chọi giữa ngọn phong đào, thật một cảnh ngộ rất ngặt nghèo nguy hiểm lắm, nếu chẳng ra tay tiếp cứu thì tam bản ấy ắt phải bị chìm. May đâu có một chiếc ghe không, để dựa mé sông. Triệu Dõng day lại nói với em gái là Triệu Nương rằng: anh em mình phải cứu Đông Sơ mới đặng.

Đó rồi hai anh em vội vàng nhảy xuống ghe ấy, gay chèo bơi theo. Mấy người đứng trên bến đò thất kinh, ai ai cũng lom lom chống mắt ngó theo, thấy mấy lượn sóng to lướt tới ồ ồ, bỏ vòi trắng giã, dường như vạn mã thiên binh, gầm hét vang rần, nó thấy hai anh em Triệu Dõng thì xốc tới mà đoạt thuyền hãm trận đó vậy.

Nhưng cái tánh liệt nhược tinh thần và cái tánh bàng quan tọa thị, nó đã thâm nhập cốt chỉ của mấy kẻ vô tình đó rồi, dẫu thấy ai lâm nguy, cũng đứng chắp tay sau lưng, lấy mắt ngó lơ là rồi thụt đầu rút cổ, chẳng biết thi ân tựu nghĩa mà cứu giúp đồng bào, chẳng biết mạo hiểm phò khuynh mà ra tay tế độ.

Chí như hai anh em Triệu Dõng là người có khí phách anh hùng, tề tề chỉnh chỉnh, tuy bước vào giữa trận kịch liệt phong đào, nhưng xem dường một chỗ vững vàng bình địa, chẳng chút nào nao lòng khiếp chí cứ việc lướt tới chớ chẳng lui, hễ sóng tới thì trồi lên, sóng qua thì hụp xuống.

Khi chèo theo gần kịp thì thấy lượn sóng dữ đã nhận chìm chiếc tam bản của Đông Sơ. Hai anh em Triệu Dõng ra sức chèo ghe lướt tới như bay, thấy Đông Sơ đương trôi nổi lửng dững giữa giòng sông thì liền thò tay mà kéo lên ghe và đem lửa hơ hám một hồi.

Đến chừng Đông Sơ tỉnh trở lại mở mắt ra thấy Triệu Dõng thì trong bụng mừng rỡ vô cùng, rồi ngó theo chiếc thuyền kia thì thấy nó giong buồm đã xa, chỉ thấy lấp ló một chót buồm trắng hiển hiện trong ánh trăng đó thôi, không thế chi mà rượt theo cho kịp đặng.

Kế đó Đông Sơ mới kể đầu đuôi sự tình lại cho Triệu Dõng nghe, sau đó hai anh em quay ghe trở lại bến đò, tạm ngủ qua đêm ở bến đò, rồi đợi sáng ngày dắt nhau trở về Đông Kinh một lượt.

Đến Đông Kinh rồi, Triệu Dõng nói với Võ Đông Sơ rằng:

“Đây em xin từ giã nhơn huynh đặng về Hà Đông viếng thăm thân thích, nếu nhơn huynh có việc chi cần dùng đến em dầu thiên lao vạn khổ em cũng chẳng từ nan.”

Đông Sơ nói: “Thật rất cảm tình cố hữu và cô nương, là người chỉ biết lấy sự can nghị dũng cảm làm chí khí tinh thần, mà cứu giúp anh em trong lúc hiểm nguy hoạn nạn, vạn tử bất từ. Bằng hữu như vậy mới rằng bằng hữu tín thành, và đáng một bực trượng phu nghĩa khí. Chẳng phải như bằng hữu trong lúc bình thường cô sự, thì anh em quyến luyến, lui tới chơi bời, xem rất thiết nghĩa thân tình, rất tâm đầu ý hiệp. Song đến cơn ngộ biến lâm nguy, thì chỉ lo lách lách tránh xa, giả làm mặt ngơ tai điếc, đặng khỏi điều họa gởi tai lây. Những bạn hữu ấy chỉ coi theo cái túi tiền tài mà giao kết chơi bời, chớ chẳng phải lấy sự thiết nghĩa chơn tình mà kết làm bậu bạn.

Vậy chúng ta phải se dây thân ái mà ràng buộc cho khắng khít nghĩa kim bằng, và đem keo tín thành mà gắn chặt tình anh em lương hữu.

Triệu Dõng nói: “Những lời anh nghị luận, em rất hiệp ý vừa lòng. Nếu mỗi người chỉ lo bo bo phận ai riêng nấy, chẳng biết lấy tình nghĩa mà giao kết cho liên lạc anh em, chẳng biết lấy sự thân ái mà thương yêu nòi giống, thì dẫu cho mấy chục triệu sanh linh, cũng thành một dân tộc thịt chạy thây đi, và một dân tộc chẳng có tinh thần khí phách.

Huống chi là anh em mình ngày nay đã gọi rằng bằng hữu chi giao, đương lúc ngộ nạn lâm tai, lẽ đâu chẳng hết sức giúp nhau, để vậy mà bàng quan tọa thị, thì sao cho rằng phải.”

Đông Sơ nói: ” Nếu mỗi người đều co một tư tưởng như hiền hữu vậy thì cái tiền đồ dân tộc của nước ta ngày kia sẽ trở nên mở mang phát đạt.”

Đó rồi hai anh em Triệu Dõng từ giả ra đi. Còn Đông Sơ thì lật đật vào ra mắt Lê công, và dưng địa đồ các cù lao Đông Dươn và tỉnh Quãng Đông cho Lê công tường lãm. Rồi trở vê tư dinh, nghĩ tới việc gặp tiểu thơ tại bến đò sông Nhĩ Hà, cũng một điều quái sự. Nhưng ức vì chẳng đặng giáp mặt mà gạn hỏi căng do, cho rõ điều hư thiệt. Vì vậy nên trong lòng nghi ngại và bứt rứt chẳng yên. Những mãn ngậm thở ngùi than, trầm tư tự nghĩ một hồi, rồi vội vã sắm sửa y cân, đặng qua dinh tiểu thơ thăm nghe tin tức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.