Cuộc đời có nhiều cái chế riễu đắng cay và đau đớn làm cho chúng ta đột nhiên hiểu cái ý nghĩa chua chát và sâu xa. Tôi sẽ kể câu chuyện dưới đây làm chứng cho sự ấy.
Tôi có một người bạn tên là Minh. Anh ta là một thiếu niên linh lợi, đảm đang và rất có nghị lực. Nhà anh vốn nghèo. Cũng vì cái nghèo ấy, mà từ thuở nhỏ, anh Minh đã phải chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, thiếu thốn, không kể những nỗi bị ức hiếp mà những người nghèo ở thời nào cũng phải chịu. Vì vậy, khi lớn lên, Minh chỉ có một chủ đích: làm giàu. Anh ta vẫn thường nói với tôi: "Đời bây giờ, chỉ có một sức mạnh, là đồng tiền. Nếu anh có tiền, anh làm gì cũng được". Tôi mỉm cười hoài nghi trả lời rằng sự đó không chắc lắm, rằng tuy đồng tiền là một sức mạnh đáng quý thật vì ai dám chê bai nó? Nhưng không phải là mục đích cốt yếu ở đời vì đồng tiền không đem lại cho ta sự sung sướng bao giờ cả. Minh nhún vai, cho tôi là một anh thi sĩ viển vông, chỉ biết mơ màng hão mà không biết đến những sự thiết thực khác cần hơn nữa.
Nhưng anh Minh hình như bị cái không may nó ám ảnh. Những công việc anh hăng hái làm đều bị thất bại cả. Những lúc anh tưởng được thành công, tưởng sẽ nắm trong tay được món tiền, thì lại là những lúc anh sắp được tin công việc hỏng. Cái không may ấy làm cho anh trở nên một người tấm tức, và ngày càng đồng tiền lại càng là cái ám ảnh độc nhất của trí não anh, cho đến một ngày cái không may lớn lên nữa đến làm anh khổ sở.
Hôm ấy, anh ta đương đi trong phố thì bị một cái ô tô tự nhiên bỏ đường nhảy lên hè cán phải. Minh chỉ kịp thoáng nghĩ đến cái sự không may ấy nữa, rồi anh ta đau quá ngất đi.
Khi tỉnh dậy, Minh thấy mình nằm trên một chiếc giường trong nhà thương. Anh chỉ mang máng nhớ lại hình như sau tai nạn, họ có mang anh lên bàn mổ, vì lúc bấy giờ anh thoáng ngửi thấy mùi thuốc mê. Nhưng rồi sau Minh mê đi không biết gì nữa.
Anh khe khẽ cử động chân tay, thì biết chân bên phải như bị tê liệt. Chợt nghĩ đến sự cưa chân, Minh toát mồ hôi trán, quả tim đập mạnh.
Vừa lúc ấy, một người khán hộ bước vào phòng, tay cầm một chai thuốc. Cái câu Minh muốn hỏi người này, không ra khỏi được miệng anh ta. Minh sợ sự thực, sợ cái đã rồi, không bao giờ chữa được... Nhưng anh muốn biết.
Người khán hộ đặt chai thuốc lên bàn, nói vơi Minh:
- Cứ hai giờ ông lại uống một thìa. Đây là thuốc cầm máu.
Minh hỏi lảng:
- Tôi ngất đi có lâu không, ông?
- Lúc mang vào đây thì ông mê man không biết gì cả. Có lúc lên bàn mổ thì ông hơi tỉnh lại một chút. Nhưng mà lại bị đánh thuốc mê ngay. Minh hồi hộp đưa lưỡi liếm đôi môi khô ráo, ấp úng hỏi:
- Thế... thế... mổ có... lâu không?
Thầy khán hộ không phải là người biết tâm lý. Thầy ta đáng lẽ phải trông thấy đôi mắt của Minh sáng lên, và cái vẻ lo sợ của Minh hiện ra trên nét mặt. Thầy ta trả lời:
- Chỉ độ mười phút. Cưa soẹt một cái là xong.
Và thầy ta đưa ngón tay trỏ vụt qua bàn tay trái, với một dáng điệu rất rõ rệt. Minh ngất đi.
Minh sống những ngày chán nản ghê gớm trên giường bệnh. Cụt chân! Bây giờ anh đã cụt chân thì còn làm gì được nữa. Nghĩ đến lúc phải lê cái chân gỗ như những người què anh thường vẫn gặp, Minh thấy rùng mình lạnh giá. Một người tàn tật như anh thì còn bao giờ mong đạt được cái chủ đích anh vẫn đeo đuổi xưa nay nữa. Còn mong gì có tiền! Đến mong cái chân lại lành như cũ không thể nào được rồi. Minh chỉ muốn tự tử.
Nhưng bốn tháng sau, khi ra khỏi nhà thương, Minh cũng quen dần với số phận của mình. Anh đành chịu vậy với một chân què. Đấy là một sự an phận buồn rầu và khổ não, tràn lấp hết cả những hy vọng, những sở ước của đời anh.
Nhưng, đó là một cái may hay cái không may? Minh lại hy vọng khi người thầy kiện của anh đến bảo cho anh biết có thể kiện hãng ô tô để xin một số tiền bồi thường rất lớn được. Anh ta, từ đấy, hồi hộp mong đợi từng ngày cái kết quả của vụ kiện trên tòa án. Anh nghĩ đến số tiền mà anh sẽ có, nghĩ đến cái sức mạnh mà tiền sẽ mang đến cho anh. Tôi thấy anh ta lại vui vẻ, huýt sáo miệng, và toan tính thực hành những cái mộng tưởng mà anh ta theo đuổi bấy lâu nay.
Quả nhiên anh được kiện. Ngày lĩnh tiền, Minh rủ tôi cùng đi. Anh mân mê những tờ giấy bạc một vạn bạc một cách thiết tha và khoan khoái. Mắt anh sáng lên, nhưng lần này vì vui mừng, anh giữ chặt vào ngực tập giấy bạc yêu quý, như ôm một người tình nhân.
Tuy vậy, lúc cùng đi xe trở về nhà, một mối buồn lại đến ám ánh ảnh anh. Minh buồn rầu,chỉ vào cái thân gỗ của anh, nói:
- Giá không què chân mà được số bạc này có phải sướng biết bao không!
Rồi anh tấm tức thở dài, mắt đăm đăm nhìn thẳng ra xa như đang suy nghĩ lung lắm.
Được ít lâu, tôi gặp Minh luôn luôn ở những chốn ăn chơi trong thành phố. Đồng tiền làm cho anh đạt được mọi ý muốn. Anh lấy tiền bù đắp vào cái chỗ chân què của anh, cái sức mạnh đồng tiền làm cho anh say sưa. Muốn tận hưởng những cái khoái lạc cũng như người khác, Minh vun tiền ra không tiếc.
Tôi đã có lần khuyên anh nên dè dặt, thì Minh có vẻ tấm tức trả lời:
- Anh bảo tội gì mà không tiêu cho sướng? mà tôi còn giữ tiền làm gì cơ chứ?
Anh trầm ngâm một lát rồi nói tiếp:
- Anh không biết, tôi chơi bời để khuây khỏa nỗi buồn và để quên đi.
Tôi đưa mắt nhìn cái chân gỗ của anh không trả lời.
Mà thực, trong những hành động của Minh, người ta nhận thấy như một cái chua chát, một nỗi căm hờn... Có lẽ anh Minh không tha thứ cho số mệnh đã oái oăm với anh như thế, cho anh có tiền sau khi anh đã cụt một chân. Những cuộc chơi bời của anh kịch liệt như một sự phản động, mà chán nản như một vụ tự tử.
Hai năm sau. Điều mà người ta có thể đoán trước được đã đến. Phung phí trong hai năm, số tiền một vạn của anh Minh không còn một xu nhỏ. Anh lại trở lại với cái nghèo nàn như cũ, với những cái thiếu thốn của kẻ không tiền. Nhưng tâm anh đã rướm máu bị thương, lòng anh bây giờ không như trước nữa. Bây giờ trong lòng anh đầy những sự chua chát và chán nản. Cái chán nản sau những cuộc chơi bời, cái chua chát khi nhận thấy sự thay đổi của lòng người đối với kẻ có tiền và không có tiền.
Tôi đến tìm anh Minh trong một căn nhà ở ngoại ô. Ôn lại chuyện cũ, tôi hỏi anh một cách thân mật:
- Thế mà, bây giờ anh đã quên chưa?
Minh buồn rầu, giơ cái chân cụt ra ánh sáng, thong thả trả lời:
- Không, nó ở đây, không quên được.
Anh nói cả vết thương ở ngoài hình thể và trong tâm hồn.