Trên các bãi phù sa lầy đỏ cửa sông Cái, vào những ngày ấm trời, có từng đàn hàng nghìn hàng vạn con mòng, con sếu về tránh rét, lặn lội kiếm ăn suốt mùa đông ở đấy, bây giờ cất cánh lên phương bắc, bay rợp bóng như cơn mưa che cả một quãng sông. Bấy giờ lại đương còn những ngày thanh thả đầu năm. Rải rác, trên nguồn đã bắt đầu có mưa mới, sông Cái dâng đỏ, làn nước cuồn cuộn truồi lên truồi xuống. Cảnh ấy lại là thường, mà chưa bao giờ những làng, những bến rải rác ven sông được thấy đoàn thuyền như thế từ cửa sông vào. Thật thì người ta đã trông ngóng, chờ đợi từ khi đoàn thuyền vâng lệnh vua Hùng vượt biển ra tìm xem ngoài ấy nhà An Tiêm có còn sống hay không. Kịp đến khi đoàn thuyền trở lại qua cửa sông Cái, bồng bềnh vào dòng nước đỏ, những cánh buồm cói được gió đông ào ạt rẽ nước đưa lên thì người bên sông cứ đổ ra xem mỗi ngày một nhiều. Những tin vui tin lạ rỉ tai bay đi nhanh hơn cả những con thuyền ngược gió. Bấy giờ đương còn mùa hội hè ở khắp các bộ, các cõi.
Từ cửa sông lên, dập dìu từng đoàn người thong thả việc gặt hái, đương đi chơi xuân trảy hội, đi ăn cỗ uống rượu vùng này sang vùng khác. Bên sông vẳng ra, không biết đấy tiếng sáo trúc hay tiếng gió thổi, không biết người đi chơi hay người tò mò ra xem đoàn thuyền. Đám người tất tả, nô nức, xem ngóng. Như bao lâu đã chờ sẵn đâu ở các làng xóm quanh đấy, bây giờ túm tụm ra nhìn những chiếc thuyền lớn đang ngược gió đông lên. Và những câu chuyện truyền lại... Biết bao nhiêu tin tức lạ lùng dồn dập tỏa ra như những làn sóng xô vào hai bên bờ. Người ta đồn rằng nhà vua đã cho quan quân ra biển và đã thấy ông An Tiêm ở nơi hoang vu rồi rước ông An Tiêm về. Lạ thay, cả nhà ông An Tiêm ngày xưa phải ra đi bao nhiêu người, bây giờ vẫn bấy nhiêu người trở về. Không ai già đi, chẳng ai biết tuổi. Người ở nơi mặt đất phương trời thần tiên ấy không biết trên đời có cái già, cái tuổi, cái chết. Con trai ông An Tiêm ngày đi chưa được mười tuổi, giờ hiên ngang cao lớn đứng đụng đầu cành đa. Chàng trai ấy đã nuôi bảo được mọi loài thú trong rừng, dạy cho thú rừng cũng biết thuần người như con trâu, con gà, con lợn. Voi vác củi. Hổ đi kiếm thịt. Khỉ gánh nước cả ngày. Đêm đến, mọi loài rủ nhau kéo về ngủ bầy quanh nhà người ở.
Còn cô con gái ông An Tiêm thì đẹp đến đỗi hai hàm răng đen bóng soi gương được, con gái các cõi không cô nào có thể ví tày. Hai mẹ con ở nơi thanh vắng ấy mà bổ cau bằng con dao vàng, có lông nhím để têm trầu, miếng trầu cánh phượng, cả đời người không trông thấy mà tay khéo như trần gian có một. Tưởng người đi chỗ hoang vu thì người sẽ khô héo đến chết. Nhưng không phải thế, quân quan đã thấy được ở đảo một cơ ngơi huy hoàng, những lâu đài tráng lệ như ở cõi tiên. Người đi người vẫn tốt tươi, những con chim đã tha hạt dưa đỏ đến cho người trồng, người được ăn hoa quả mà sống. Rồi mọi loài trong rừng ra thần phục người, cứ vậy cho đến ngày nay. Lại còn biết thả dưa đưa tin vào cửa sông, bảo các cõi trong bờ biết đấy dưa của ông An Tiêm gửi, ông vẫn mạnh khỏe, ông gửi dưa cho ta bấy lâu. Trong này ta được giống dưa ngon mà ăn, lại đem trồng nên bãi. Đấy là những lời đồn cùng những ước mơ của người ta, không ai biết có thật đến đâu và không biết còn muốn những mong mỏi ấy tốt đẹp đến ngần nào nữa. Chỉ thấy đoàn thuyền rước cả nhà An Tiêm trở về, càng vào sâu trong dòng sông thì những đám người rủ nhau ra các bến xem càng đông. Cả từng bọn đương trần lưng mò con trai, con hến trong những vũng sông đọng đầu bãi cũng ngẩng lên, ngơ ngẩn nhìn ra. Ngày ngày, những chiếc thuyền cửa theo dòng, những thuyền chài, những đò ngang, những thúng câu ve vé xuôi ngược, gặp đoàn thuyền An Tiêm thuyền nào cũng bám theo, đuổi theo, kéo thành bọn dài, đi một lúc mới chịu rời ra. Lắm khi An Tiêm ra đứng khoang cái, có lúc gặp quãng mắc cát hay lúc cạn gió, cả Nàng Hoa và An Tiêm với Mon, Gái và Ma Li cùng xúm xít vào chân chèo chân lái, chân đốc chân mũi, chạy lên chạy xuống rầm rập, lẫn lộn trong đám quan quân chèo thuyền, trong những tiếng hò, tiếng xô cất cao. Đi kênh thì cạn Đi với gió đông Dô ta Dô tà... An Tiêm nhìn ra khoang cái, thấy những chiếc thuyền tíu tít đến, tiếng hí tiếng reo tiếng hò tiếng xô váng mặt nước. Trong lòng man mác cảm động tự thấy trên đời không thể cái tình nào ví được bằng tấm lòng đối với quê hương. An Tiêm bảo Mon:
- ở bãi bây giờ người rậm hơn cỏ, khác hẳn ngày ta ra đi, làng chạ nhiều hơn trước, đông vui hơn ra tận cửa sông. Mon nói:
- Con nhớ ngày ấy đã có những đàn mòng, đàn sếu bay rợp cửa sông như bây giờ.
- Phải, khi ta ra đi cũng vào đầu năm, trời ấm, những con mòng con sếu bay đi... Gái nói:
- Quanh cửa sông trên cát cũng có nhiều bãi dưa kia kìa. An Tiêm nói:
- Có lẽ giống dưa của ta thả về. Nàng Hoa thở dài. Nơi nào đã từng ở qua rồi nhìn lại cũng thường nhớ thương. Nàng Hoa bâng khuâng nhớ ngoài kia, mùa này, các bãi dưa đương bỡi, dây mọc lan khắp, lá xanh om. Nàng Hoa nói mơ màng:
- Phải, có khi là dưa của ta. Ngày kia, mặt trời gác núi, mới chập choạng tối, nhìn ra trước mặt, lại thấy chân trời hửng sáng. Tuần trăng đã bắt đầu hôm thuyền vào cửa sông. Không thể trăng non đã lên sớm như vậy. Mon hỏi:
- Cái gì sang sáng đằng kia? Quan coi thuyền bấm đốt ngón tay nhẩm tính rồi nói:
- Cứ được hây hẩy gió cả đêm thế này, có thể hai đêm nữa thì ta đến được Phong Châu. Mon không còn nhớ cái bến kinh đô ấy thế nào. Mon lại hỏi:
- Bến sông mà sáng đến thế kia à?
- Đấy là sáng lửa cây đình liệu. Mon reo lên:
- Lửa đình liệu đốt suốt đêm như hội ngày xưa ấy a? An Tiêm nói:
- Phải đấy! Rồi An Tiêm hỏi quan coi thuyền:
- Bây giờ đương còn hội phải không? Quan coi thuyền thưa:
- Vâng, đương còn hội... Cụ già Bãi Lở nói:
- Năm nay hội kinh đô khác mọi năm, chưa giã đám đâu.
Thuyền qua lại dưới sông mấy hôm nay bảo được tin chủ tướng về, nhà vua còn cho hội ăn mừng dài ngày ra. Chắc có thế, đèn đuốc mới sáng đến như kia được. Suốt đêm, chân trời viền một đường trắng nhờ. Thuyền càng đi lên thì đêm đêm chân trời cứ dần dần đỏ hựng như hoàng hôn lùi vào trong khuya. Trong thành ngoài nội lô xô những cây đình liệu và những đống củi chất cao như gò nối nhau rừng rực từ chặp tối đến sáng. Tiếng reo, tiếng hí, tiếng trống và tiếng chiêng không lúc nào ngớt. Hội đầu năm ấy, vẫn hội vật, hội cơm thi, hội cỗ nén, vẫn như bao năm trước, nhưng mấy năm nay có thêm ngoài sông thi bơi chải. Nhà vua năm nào cũng cho các đội thuyền tranh giải. Có khi cả đêm, đuốc giong trên sông Cái từng dãy thuyền đua, ngấn nước đỏ ngầu ngoằn ngoèo, vun vút, sùng sục, ầm ầm như rồng lửa uốn khúc. Trên mặt sông Cái nước chảy xiết, những chiếc bè vầu đại đã được ghép néo lại, nối cao bằng đầu người, dài rộng cả một khoảng. Trên mặt bè, nguy nga, san sát những tòa nhà bóng kề mặt nước cho nhà vua ra xem thi bơi, có gác cao cho các quan lên ngồi chấm giải, có sân chầu, sân tiệc, bốn phía đình liệu đốt sáng suốt đêm ra đến giữa sông. Đoàn thuyền đưa cả nhà An Tiêm về cập bến lúc giữa trưa. Thuyền đậu, thuyền bơi, các nhà đò, đến hàng trăm, hàng nghìn chiếc, tưng bừng, sôi nổi, từ xa đã xúm xít vây lấy, đông quá, vui quá, làm cho người lạ tưởng như bến kinh đô bây giờ to lớn quá, thuyền bè ngổn ngang dài tới nửa buổi đường nước, quân quan phải khó nhọc lắm mà chỉ dẹp được một đường cho đoàn thuyền An Tiêm vào kề được bè ngự. Những chiếc trống đồng phơi mặt bóng lỳ từng dãy trên những giàn tre bắc sát mặt nước, dài như cầu vồng, như phù kiều ngang sông. Lớp lớp người cởi trần vai vắt vuông lụa điều đứng trên gióng thúc dùi xuống mặt trống. Tiếng đồng ầm ỳ ngang dọc vang âm như đẩy mặt sóng đỏ rực cồn lên. Lúc ấy, ba đội thuyền của ba cõi tranh giải đương ganh đua nhau trong đợt cuối. Những đội thuyền thi rời bến xuôi xuống rồi chốc nữa ngược lên vào tranh giải qua dưới vọng lâu. Nhà vua chống gậy trúc, đương mải sắm nắm ra đón cả nhà An Tiêm.
Con sông Cái mênh mang chảy qua đất nước này, chưa bao giờ được thấy một quang cảnh vừa lạ lùng, vừa cảm động đến như thế. ấy là cái lúc ở dưới thuyền lên, An Tiêm đĩnh đạc đi trước, Nàng Hoa và Mon cùng Gái và Ma Li bước sau bố mẹ. Nét mặt già héo của nhà vua bỗng hớn hở trông thấy. Còn cả nhà An Tiêm bước ra, tưng bừng như mặt trời vừa phá toang những đám mây cài, lại rực rỡ như bất cứ lúc nào giữa ban ngày. Vua Hùng nắm tay An Tiêm đưa lên thềm bè. Rồi lại ra dắt tay từng người vào ngồi chiếu miến trải trong rạp. Bốn phía chen chúc những cánh thuyền hân hoan lướt đến xem mặt cả nhà An Tiêm, cùng lúc tiếng chiêng rền dậy mặt nước. Mon trông lại. Bố mẹ đã già, tóc phơ phơ như nạm cước ở con cước mới nhả, nhưng thần thái vẫn quắc thước như ngày ở nơi hoang vu. Mon đương trạc tuổi tay bơi lực lưỡng kia, nhưng Mon đứng cao lớn hơn hẳn một đầu. Có lẽ cái Gái cũng đương chung một ý vui ấy với anh. Gái nhìn mẹ, Gái mỉm cười. Đôi má người con gái đương độ đỏ hồng và trên miệng cười chợt hé hàm răng đen rưng rức như hạt na. Người nào cũng sống áo rách bợt hết cửa tay; gấu và dải áo phải buộc túm bằng dây rừng, vai áo bạc mờ như đổ muối. Nhưng da dẻ ai cũng hồng hào đỏ lịm bồ quân, khỏe mạnh đến tưởng như chưa ai được thấy trên đất nước này có những cụ già, người trai và cô con gái ở đâu sức lực đến như thế. Lúc ấy, xống áo mới vua ban được đưa đến. Bây giờ cả nhà mới thay. An Tiêm và Nàng Hoa cùng các con tuyệt đẹp trong bộ áo điều mới, khăn mới. Váy mới, áo nhiễu mới nổi cát vân lên. Gái bước ra. Lập tức, lại tiếng đồn dậy khắp đất Phong Châu rằng nhà vua mới rước được người tiên ở ngoài bể về. Nhà vua nắm tay An Tiêm, nói:
- Mừng lắm, mừng lắm. Làm thế nào ông được khỏe mạnh đến thế này! An Tiêm vuốt râu, cười:
- Nơi hoang vắng ấy với các cõi ta cũng là một đất một nước. Người ta đầu đội trời chân đạp đất, có người có sức thì có của. Tâm sự bao nhiêu năm nay của tôi chỉ có vậy thôi. Nhà vua im lặng rồi nói:
- Chuyện cũ đã rồi, ta bỏ qua. Hôm nay ông về đây... Giữa lúc ấy, ba nhịp trống đồng từ những giàn trống bắc ngang sông cùng gióng một lúc. Những chiếc trống vừa rước lò đúc ra, mới đánh thử rồi đưa xuống đặt vào gióng trên sông, tiếng đanh tiếng rền tiếng ngân như sấm mới tháng ba mừng An Tiêm trở về. Nhà vua tưng bừng khoát tay đứng lên nói:
- ... Phường trải thi ngược nước sắp lên đến rồi. Vừa đó, những chiếc thuyền rẽ sông tới trước mặt. Mỗi con thuyền đen trùi trũi tủa hai bên mạn mỗi bên năm chục tay bơi, giữa một tay lái bắt như đuôi cá, cả trăm người lưng trần bóng nhoáng như cá trắm quẫy trên mặt nước, chân duỗi chăm chắm, tay khoa đều tăm tắp như trăm vây cá cùng khỏa một lúc. Giữa khoang cái mỗi thuyền có một ông đầu râu tóc bạc, áo the lam vắt vai, để lộ cái lưng vuông bè như cánh phản lim, đóng khố điều, hai tay hoa lên thúc trống dồn nhịp như giã gạo. Trong khi đó, anh trai ngồi đằng đuôi én ngoáy lái cùng cả trăm mái chèo cắt nước dồn dập theo nhịp trống. Những đội thuyền nối nhau lao đến vọng lâu. Nhà vua đã nhảy xuống chiếc thuyền gỗ chò chỉ bóng mỡ. Chiếc thuyền chiến đầu rồng nghển đuôi én cong ngoắt, đầu mạn trổ lồi hai mắt cá và hàm răng cá sấu ngay chỗ chân thang lên. Cả mình cái thuyền ngự thênh thang như con ba ba thần nổi trên mặt sóng. Nhà vua đã đưa cả nhà An Tiêm với hai ông lão Bãi Lở cùng xuống thuyền đi đốc giải. Tiếng trống thúc trên các thuyền thi bỗng nhiên im bặt giữa lúc chiếc thuyền đốc giải trăm tay chèo của nhà vua vút ra như một mũi lao phóng. Nhà vua mời An Tiêm ra thúc trống cho thuyền vào tranh giải. An Tiêm khoan thai đứng giữa khoang cái, tay cầm dùi, tay giơ chiếc trống khẩu phủ vuông nhiễu lụa. Tất cả các trống trong thuyền rền theo. Các tay chèo ở thuyền đua cứ vun vút qua. Thuyền qua trước bè ngự, trước thuyền An Tiêm đánh trống thúc giải rồi những đội thuyền đua rẽ ngang mặt sông ngay chỗ ấy sang tận bờ bên kia, bơi quanh tròn cái cột cờ cắm trên cọc rồi đảo ngoặt lại, đội thuyền nào trở lại, về được bè ngự trước nhất, đội ấy tranh được giải. Đấy là những quãng tranh giải khó nhất, khó hơn cả lúc tranh lèo mê mải ngược nước. Đã chớm mùa nước, sóng sông đỏ ngầu vật vã truồi đi truồi lại, chiếc thuyền dài nhào vào sóng, nhồi lên lún xuống như đò đồng, con thuyền năm mươi đôi bê chèo, khi đột ngột rẽ ngang dòng nước, khác nào giơ mạn cho sóng cản, thuyền như chui từ trong sóng ra. Chiếc nào ra được, ấy là sống. Nhiều chiếc lật úp giữa sóng. Sôi nổi nhất, rầm rộ nhất là lúc các đội thuyền tạt ngang sông như thế. Nhưng không phải mỗi chiếc chỉ chui ra một mình mà cả đội phải vượt được sóng, toàn vẹn đến trước bè ngự rồi mỗi thuyền cử một cặp chèo đầu bước lên bè lĩnh giải trên khói sóng sông Cái đỏ hồng trong tiếng hí, tiếng hò loạn mặt sông... Những phường chải theo nhau lao vào ngọn sóng như đàn én liệng trong sương mù. Tiếng trống khẩu của An Tiêm vừa gióng lên, tất cả gióng trống đồng trên mặt nước đều rền lên với tiếng hí như ngựa phi của các tay chèo, rộn rã, sôi sục, mải miết, hào hứng quá. Những chiếc thuyền cắn mạn nhau vun vút. Những mái chèo rẽ nước, gạt sóng bạt khói lên cao ngất, mù mịt. Trong nháy mắt, cả đội thuyền bơi đều như con giải mười khúc đã bỏ xa những đội khác. An Tiêm dán mắt nhìn cảnh tranh đua hào hứng ấy rồi hỏi:
- Giỏi quá, đội thuyền cõi nào lên nhanh thế vậy? Quan chấm giải thưa:
- Bẩm, thuyền Bãi Lở... An Tiêm kinh ngạc:
- Bãi Lở a? Cụ già Bãi Lở đứng sau lưng, bước ra, chắp tay:
- Thưa vâng. An Tiêm ngửa mặt lên trời, nói:
- Khi ta ra đi, ngày đêm lúc nào cũng lo đất Bãi Lở khó lòng sống qua được con nước mới, ngỡ mình như ong chúa, ong chúa bay đi thì đàn vỡ. Không ngờ người Bãi Lở vẫn đội trời đạp đất hiên ngang giữa cõi trần ai.
Ngày ta còn ở đấy, mới trị được nước mà chưa ai thạo nước, bây giờ tài sông nước người Bãi Lở lại đứng đầu các cõi thế này, còn hơn cả khi trước, hơn cả khi trước. Thật cao hơn cái nghĩ của ta.
Cụ già Bãi Lở cung kính nói với An Tiêm:
- Chủ tướng ôi, chủ tướng còn nhớ khởi đầu cõi ta ra sinh sống được trên bờ bãi ven sông, không còn phải ẩn náu chui rúc vào hang hốc mái đá nữa, chỉ vì đêm ngày người cõi ta phải lo nghĩ nạn trâu nước, phải có gan xem mặt nước cũng như mặt đất, có thế mới biết tung hoành mà trị trâu nước được. Người già chúng tôi thường nói lại lời chủ tướng rằng có lăn lộn mới thành người được. Tối hôm ấy, trên tòa bè ngự mặt nước, nhà vua mở tiệc mừng cuộc trùng phùng của cả nhà An Tiêm cùng với cỗ thết phường chải giật giải bơi. Từng thuyền chở đầy trai gái các cõi về hát mừng. Tiếng hát, tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt với thuyền chèo quanh bè tiệc suốt đêm. Thui trâu, nướng rùa, rơm đốt đỏ từng nạm ngay kề đầu bè.
Cỗ cũng làm trên mặt nước ấy. Hàng mấy trăm mâm cỗ bát đóng giàn được khiêng ra, suốt cả một dải bè đã kết liền thành sàn giải chiếu dài nhìn đến cạn tầm mắt chưa thấy hết mâm cỗ. Tiếng ốc tù và bốn phía trên sông thổi cong cả sóng nước. Lửa đình liệu đêm nào cũng rừng rực, đêm nay những cây đình liệu càng rực rỡ tàn bay như sao sa. Cách kinh đô mấy ngày đường, người dưới bộ Dương Tuyền về phía nam nhìn lên đêm nay thấy được lửa tiệc vua. Tiếng trống đồng âm mặt nước lên tận nguồn bộ Lục Hải, xuống đến các cửa biển ngoài Ninh Hải, trống giong tin hội lớn, lửa đốt sáng đêm khắp các cõi mừng ngày trở về của những người thật xứng tên là người. Con sông Cái chảy ngang các cõi, chứng kiến cả đất nước đoàn viên đương mở hội mừng. An Tiêm cả cười bảo Mon cùng đem chén đến trước chiếu hai ông lão cao tuổi đầu Bãi Lở. Mỗi lần, cụ này đưa chén mừng cho cụ kia, hai ông lão đổi chén cùng uống cạn lẫn chén của nhau rồi cứ mỗi hơi lại vén râu cười ha hả kể lại từng khúc chuyện đời người từ khi cùng nhau bắc bếp gây dựng nên đất Bãi Lở, đến khi chủ tướng phải ra đảo, lại đuổi theo giấu giếm đưa con dao, cái lửa. An Tiêm vỗ vai ông lão trên trăm tuổi:
- Cho tôi con dao cái lửa, ông lão cao kiến hơn tôi nhiều.
Đôi lúc chợt nghĩ, An Tiêm vẫn ngờ ngợ tưởng như tiệc rượu vua ban đêm nay trên bè ngự nối lại tiệc mừng họp mặt với người Bãi Lở
- thế thì khác nào đêm năm xưa xuống hội ở kinh đô. Lại có lúc cái vui cái phúc trùng nhau đến thế này! Mon nhìn ra mặt sóng. Trên nước đầu mùa đỏ rực, làn sóng truồi đi truồi lại, bóng núi Tản Viên, núi Tam Đảo xanh sẫm sừng sững hai ven sông. Lúc này, riêng Mon có một tâm sự. Từ lúc quãng trên sông đội thuyền Bãi Lở đi đầu, nghe ông lão nói đấy thuyền Bãi Lở, nghe bố reo:
“Bãi Lở a?", lòng Mon bỗng nhiên lại mênh mang nhớ đảo. Đứng đây, nơi Mon đã đi từ ngày tấm bé giờ trở lại, nỗi nhớ đảo của Mon cứ lẫn lộn với những câu chuyện cổ tích của bố mẹ kể khi ở nhà ngục trong bức tường đá, khi ở thuyền gặp bão, khi những ngày khốn khổ trên đảo. Sự tích trầu cau, chuyện ông Gióng. Đời bố ngày bé lăn lóc trên bờ biển ở Ninh Hải...
Những câu chuyện cũ ấy vẫn in từ lúc trẻ thơ qua khi trải cuộc sống ở đảo, đến nay vẫn như nguyên. Và từ lâu, đã dần dần thành một ước muốn khác, ước muốn riêng của Mon. Mon muốn một ngày kia ngoài đảo hoang xa ấy, tay mình sẽ gây dựng được nên như Bãi Lở, đất ấy sẽ có những người hiên ngang như những trai tráng đội thuyền phường chài Bãi Lở mà Mon trông thấy lúc nãy. Năm năm, người các cõi ở đảo sẽ về kinh đô dự hội cơm thi cơm nén, hội vật, hội bơi chải... Nghĩ thế, cảm thấy vô cùng hào hứng. Kể từ khi còn ở ngoài mênh mông, Mon đã nhiều lần nói ước mơ này với bố mẹ
- ước mơ cứ mỗi ngày một khắc khoải và đến bữa tiệc trên bè đêm nay thì càng tha thiết, càng bồi hồi.
* * *
Năm sau, đến mùa gió bấc thổi, Mon được trở lại đảo, như mong ước. An Tiêm hỏi Ma Li:
- Con muốn tìm về đảo cũ hay thế nào thì tuỳ ở con. Ma Li nói:
- Cho con đi với Mon. Nhà vua mở tiệc lớn tiễn. Nhà vua nói:
- Ngày trước, Mai An Tiêm đã có công đi mở đất Bãi Lở ở đầu nguồn. Bây giờ, ngươi hãy nối chí cha, đi dựng phên giậu phía nam cho đất nước.
Mon trở lại đảo cùng một đoàn hơn ba mươi chiếc thuyền. Thật là một đám rước từ sông Cái ra biển Đông mà cả đất nước biết tiếng. Bằng cả một làng ra đảo. Người Bãi Lở có, lại nhiều người các cõi khác được lời rao gọi, trai gái đều hăm hở đi. Nhiều người đem cả nhà cùng đi, cả con trẻ, chó con và gà lợn. Thuyền nào cũng chất chật ba khoang những vò giống, các giống lúa, giống đậu, giống vừng, giống kê. Có người đánh cả vừng cây cau non, cuộn dây trầu không, hom dâu, trứng tằm, men rượu và lưới mảng. Có thuyền lại tải trâu, thoi dệt, nồi ươm và khuôn đúc cày. Chẳng khác nào ngày trước, An Tiêm đem người đi lập làng ở Bãi Lở. Quá nửa tháng, ra tới cửa sông. Lại đến mùa có từng đàn chim mòng, chim sếu hàng nghìn con bay về đọng như một mảng mây nước rợp bóng dòng sông. Những đàn chim phương bắc xuống phương nam tránh rét đậu xuống những bãi cát lầy đỏ, những bãi rêu đá đỏ hắt. Đoàn thuyền đã ra khơi. Những loài chim quen ăn ven biển đã đảo cánh trở lại bờ rồi. Chặp tối, các tay chèo trên thuyền đương đổi bọn chèo lái, thuyền nào cũng nhộn nhịp tiếng hò. Phách nhất chèo mở mái ra Phách nhì chân dặm Phách ba reo hò Phách tư bớt dặm khoan chèo Dô ta... Dô tà... Mon nhớ đêm ngày trước thuyền ra biển. Chỉ nghe những tiếng dô ta... dô tà... quen thuộc ấy ở trong sông. Đến khi ra giữa trời nước, không còn thấy bờ, thuyền nào cũng ngày đêm âm thầm đi, chặp tối và đêm trăng cũng không dám cất tiếng hò hát. Đi vào chốn bơ vơ, ai cũng khiếp đảm. Bây giờ mon nghe tiếng hò thâu đêm trên biển. Không trông thấy bờ, nhưng lúc nào cũng cảm được hơi đất từ trong bờ tỏa sau, ấm áp sau lưng. Cuối tuần trăng ấy, cả đoàn thuyền đã đỗ một dãy dài kề bãi cát bờ đảo phía nam. Mon và Ma Li cho gọi mấy trăm con người trên thuyền xuống và nói rằng:
- ở đảo này, chúng tôi có một bạn chí thiết chẳng khác ruột thịt. Mon kể cho mọi người nghe câu chuyện anh em gấu từ khi ở rừng, rồi Gấu anh gặp nạn, rồi Gấu em theo cả nhà ra bờ biển, cho tới ngày trở về, không hiểu tại sao tìm mấy hôm không thấy Gấu em đâu, đến khi thuyền ra khơi lại thấy Gấu em đứng trông theo. "Từ bấy tới nay, cả nhà tôi vẫn nhớ thương không nguôi được"
- Mon thở dài. Nghe chuyện, ai nấy đều mủi lòng và nói:
- Chủ tướng ôi, con vật trong rừng mà cũng có nghĩa đến như thế thật đáng quí, chúng tôi phải đi tìm Gấu em về ở với làng ta. Ngày hôm ấy, Mon cùng một cánh trai tráng đi tìm Gấu em. Mon lặn lội về cả những nơi ở trước, những nơi xưa đã cùng Gấu em tới. Trèo mấy ngày mới đến được mé đảo có núi trục, chỗ những cây cọ rừng đầu tiên thấy. Đã có khi Mon và Gấu em đến đấy lấy cọ về cho mẹ phơi làm vải. Rồi ra đi theo dọc suối, những chỗ anh em gấu cùng đi đãi vàng với Mon. Nhớ những quãng nước trôi ra nhiều mảy vàng, cẳng chân đen sì của gấu vừa mò xuống, mảy vàng đã lấm tấm lấp lánh lên tận khoeo. Không thấy Gấu em đâu. Mon nhớ còn một nơi chưa lục đến - chỗ cái hang đề phòng chạy bão cạn gần nhà. Mọi lần đến hang đá. Biết đâu, Gấu em bây giờ chẳng một mình ở hang ấy. Mon và những người đi theo giong đuốc, soi khắp. Không thấy gì. Đứng im, chỉ nghe tiếng nước ở nhũ đá rỏ tanh tách, càng lặng ngắt. Trở ra, cả bọn trèo qua dốc núi xuống sườn đá bên này. Đã sang đầu mùa nắng. Khơi xa ngăn ngắt trong xanh. Nhưng chốn này chẳng còn là nơi mà bao năm qua Mon chỉ quen mắt không thấy vết người. Bây giờ đã khác. Những chiếc thuyền đương xôn xao vào đậu bến. Trên cát, những mảng lưới phơi đầu thuyền. Ngoài bãi, mắt lưới lấp lánh ánh nắng. Những chiếc thúng câu cá và mảng đánh cá trôi ve vé như lá tre ngoài kia. Những mảnh buồm cói cánh dơi, như những đàn bươm bướm rập rờn trong nắng. Ngay chân núi, rầm rầm một đàn trâu bồn. Những con trâu chạy nhô nhốp, đương nhởn nghịch, có lúc chợt đứng lại, ghé đầu chọi đùa nhau, có lúc khua sừng lách cách như gõ mõ đá. Đẽo gỗ, đục đá, làm cột nhà sàn, đục cối, đóng cối, trình tường, những tiếng ký cách quen tai suốt một dọc bờ biển.
Tận mép nước xa tít, những bãi dưa đã lại vào mùa mới, lá xanh lên hơn hớn như khói. Mon đăm đăm nhìn ra một vùng trời nước mênh mang liền nhau trước mặt. Lại nghe cả sườn núi bên này cũng vang động tiếng bò rống, tiếng trâu nghé ngọ. Rồi tiếng trẻ cười. Tiếng chó sủa. Con gà gáy trưa, tiếng gáy thật trong óng. Đâu đây, rền lên tiếng trống. Tiếng đồng như giọt nắng vàng long lanh xuống. Những tiếng dội của cuộc sống đảo hoang đương cựa mình chuyển thành cõi đất phì nhiêu mà rồi đây những xóm làng đầu tiên được dựng lên ở bến nước cửa suối Sáng ra biển. Tựa lưng vào sườn núi Mon đương ngồi nhìn xuống. Mon đã đi từ sau hội năm mới ở Phong Châu. Hội năm nào cũng sôi nổi, tưng bừng những sới vật cả nghìn người xem, những đám thổi cơm thi, những lều thi cỗ cơm nén, cuộc bơi chải trên sông Cái. Khắp nước ngày đêm vào hội linh đình, tràn ra suốt tháng và các cõi, hội hè là niềm vui về cái ước muốn của thường tình người ta. Nhưng Mon không mảy may lưu luyến. Thế là Mon cùng Ma Li và mọi người ra đi... Bố mẹ và em tiễn xuống tận đầu bến. Bố bảo Mon:
- œớc muốn của bố con ta đã toại nguyện. Con đem người đi lần này phải làm nên công nên của mà bố con ta đã mơ ước từ ngày mới đặt chân lên đỉnh núi trọc ngoài ấy, con nhớ không? Mon lạy bố mẹ và thưa:
- Con xin được nối chí cha mẹ. Gái cứ nhắc đi nhắc lại, mắt rơm rớm:
- Thế nào anh cũng cố đi tìm Gấu em, tội nghiệp nó. Bất giác, Mon nhìn lên bóng trái núi lừng lững xanh. ạ hay, ô hay, Mon để ý sao thấy hòn núi hệt hình con gấu. ờ, hệt hình Gấu em. Bao nhiêu năm nay, Mon vẫn thấy hòn núi này ở đây nhưng giờ mới trông ra thấy núi giống hình gấu, con gấu đương cúi xuống uống nước, như năm ngoái, lúc thuyền đã ra khơi. Hay là cái núi vừa mới giống con gấu? Biết tại hòn núi giống bóng con gấu hay lòng thương nhớ làm cho mắt nhìn núi như con gấu anh em. Lưng núi loang lổ đá trắng. Mới cách năm mà thương nhớ đã khiến gấu già bạc cả lưng rồi. Bao giờ mới lại gặp được? ánh nắng mờ như sương phủ dưới chân. Nước óng ánh, nước mắt. Gấu khóc từ ngày anh em mình lạc nhau? Từ ngày ấy, Gấu vẫn cúi xuống uống nước biển, cố uống cho cạn biển khiến những chiếc thuyền đương đi phải đứng lại, cho người trở về với gấu?
Biển xanh không cùng, vô cùng, sao mà uống cho cạn được. Kia kìa, Gấu em đứng, hai chân trước phục xuống, mõm vươn dài trên mặt biển. Một làn sương ở đâu thả đến. Làn sương bay qua, vẫn thấy Gấu em quỳ uống nước. Như vẫn uống nước như thế từ năm trước, từ khi mình đi. Mon bồi hồi trong lòng. Gấu đương muốn uống cạn biển. Một cơn khát suốt đời. Uống cho hết nước biển Đông, cho thuyền dừng lại, cho ta gặp nhau. Nhưng bây giờ Mon đã trở về, tha thiết. Sao chẳng thấy em? Không, ta sẽ gặp. Gấu em thích ăn dưa đỏ, có khi đến mùa dưa này ra bãi lại gặp. Lần ấy về, Mon đào vách núi chỗ ấy làm tường, dựng nhà ngay bên sườn núi hình gấu. Những đêm lạnh. Mon đốt sưởi ngồi bên tường đất đến khuya. Hơi đất núi đượm lửa, cảm thấy được tựa vào gấu, nằm gối đầu trên cánh tay ấm của gấu như những mùa lạnh trước. Nhiều đêm nghĩ vẩn vơ, không chợp mắt được. Mon lại cùng Ma Li vào rừng đẵn vầu. Hai người theo suối đi mãi vào một khoảng rừng phía bên kia núi. Một đỗi xa, đến một quãng, Mon nhận ra đây gần nơi rừng năm xưa Mon bị bão nước ống trôi sang đây. Trí nhớ trở về những kỷ niệm đầu tiên, dù xa đến đâu, nhưng mỗi khi chợt nghĩ, lại như được phủi bụi đi, mỗi lúc một rõ. Một gốc thông. Một bụi dây bìm leo quấn với dây củ mài. Những lùm hoa tầm xuân hồng nhạt. Những tảng đá đen đá trắng. Đi đến chỗ nào, Mon lại kể cho Ma Li nghe chuyện cũ như thế. Những vật vô tri cũng có sự tích. Ma Li cũng tưởng mình được sống trong cảnh gian khổ lạ lùng ngày trước với Mon. Mon nói:
- Ma Li à, chỗ bãi cỏ vàng vàng kia... Sáng sớm hôm ấy, vừa mưa xong, tôi vào đây kiếm cái ăn... tôi thấy vết chân gấu... tôi thấy con trăn núc chết gấu mẹ ở chỗ kia... Tôi trông thấy anh em gấu con trong cái khe đá... Lúc ấy, Ma Li chợt đứng lại, kêu lên:
- Vết chân gấu... Vết chân gấu... Mon cũng sững lại, không nhúc nhích. Mon đã nhận thấy hình như có vết chân gấu mờ mờ trong những túm cỏ xơ xác. Hay là mắt mình ngỡ như thế. Mình đương nghĩ chuyện ngày trước mà. Nhưng không phải. Rõ hằn bốn móng khoắm xuống, móng chân gấu. Một móng sau hơi gảy bụi lên làm mờ mờ lá cỏ úa, - bụi ấy như mơ màng trải lên cả một vùng bàng hoàng. Hai người rón rén dò theo vết cỏ. Đến trước một cái khe hoắm vào đá thành chỗ ngồi được. ờ, cái khe đá này ngày trước... Mon đã phóng lao... Con trăn chạy chết vào rừng...
Rồi Mon đến dưới khe ôm hai anh em gấu về nuôi. Mon trông lên vòm đá. Bỗng Mon thấy một con gấu ngồi thu lu trên ấy, ngay trước mặt Mon. Ma Li cũng trông thấy con gấu ấy. Ma Li hấp tấp quay lại, nhảy tót lên cây, chĩa cái lao định phóng xuống giết con thú dữ để cứu Mon. Mon cứ đứng sững sờ. Mon nói khàn không rõ tiếng:
- Có phải Gấu em không? Phải em không? Con gấu vươn mình, nhảy xuống, bước ra. Con gấu đến trước mặt Mon, đứng lên, một tay đặt lên vai Mon. Thằng Gấu em đây. Không biết đấy là hai con mắt nó long lanh sung sướng hay đấy là hai giọt nước mắt. Mon cũng cảm thấy nhòa nhòa trên mắt mình, không nhìn rõ được. Chỉ mới ít lâu mà sao Gấu em lại lụ khụ, tha thủi hẳn đi như thế. Đám lông bờm mọi khi đen nhánh bây giờ đã rụng trụi xuống, trơ một mảng da bả vai xám ngắt, nhăn nheo - như bóng núi gấu già ngoài kia. Mon vòng tay ôm Gấu em. Im lặng một lúc. Rồi quay lại, gọi Ma Li:
- Gấu em đây rồi, Ma Li ơi! Ma Li loay hoay tụt từ trên cây xuống, bước lại. Chưa hết sững sờ. Tay vẫn nắm chặt cây lao trúc. Mon quàng vai Ma Li, kéo lại. Một bên Gấu em, một bên Ma Li, Mon nói:
- Gấu em của chúng mình đây rồi, đây rồi. Thật là Gấu em đã yếu, một chân phải bước khập khiễng. Nhưng hai con mắt vui sướng cứ long lanh. Gấu em bám lấy cổ Mon. Mon và Ma Li bá vai gấu, bước về phía bờ biển. Dường như tất cả những người trong đất quê ra lập nghiệp ở đảo, đã nghe tiếng đồn bay như gió thổi, lúc ấy đã chạy ùn tới. Tiếng reo hét, tiếng hò la, tiếng ốc tù và rúc gọi nhau về mừng chủ tướng gặp được Gấu em, vang động, ánh ỏi, ầm ầm cả một vùng từ rừng xuống bãi. Gấu em lại nghe những tiếng kỳ lạ ghê gớm ấy. Nhưng không còn cảm thấy sợ và buồn tủi như lần trước. Không hiểu tại sao.
Cũng như không bao giờ ai hiểu được tại sao Gấu em ốm yếu trở về nằm chỗ khe đá, nơi mẹ chết, nơi ngày trước Mon đã đưa gấu về nhà. Nó trở lại đấy vì tình cờ, hay vì một thoáng nhớ nào. Không ai có thể biết. Tất cả đi về phía biển, chỗ núi hình gấu. Hòn núi đá hình gấu kia như tấm lòng mong nhớ của Gấu em, của Mon - của cả Gái nữa - muôn thuở vẫn sừng sững đấy. Bây giờ lại gặp nhau. Tình nghĩa đi vào trong thương cảm, mãi mãi như bóng núi. Về sau, Mon cho lập trại, lập làng ở bờ biển quanh chân núi. Mỗi hôm, mặt trời ngả sau núi, bóng núi lại che xanh thẫm trên các xóm. Chỗ doi đá hình mõm gấu vươn dài uống nước, thành cái bến - thuyền bè các nơi đi đến tấp nập, nhất là tới mùa trảy dưa đỏ.