Tôi đố ai muốn kiếm tìm nguyên lai phát đạt của một gia tộc, một nhân vật nào trong xã hội ta, mà trước không thấy đất.
Đời có thiếu gì khách tài hoa. Nhưng không phải cứ tài hoa đều được thanh nhàn, phú quí. Chẳng thấy những hạng như Manon hay Dupleissis, kẻ thì chết vì nghèo khổ, người thì chết vì ho lao. Cô Tư Hồng "tay trắng làm nên cơ nghiệp lớn, má hồng trang điểm phấn son vua" hình như có một số phận đặc biệt. Nhất là nhà cô, luôn bao nhiêu đời tổ phụ nghèo khó, bùng phát ra một người đàn bà "có tàn, có tán, có hương án thờ vua, được sắc phong cho cụ", nếu quá nhờ hòn đất, thì hòn đất ấy cũng kì.
Chắc độc giả không ngại gì câu chuyện dông dài.
Vùng Thành Thị còn có ông già, bà cả nhớ chuyện hơn trăm năm nay, ông tổ tứ đại của cô Tư Hồng làm chánh tổng, có tiếng hiền lành, phúc đức được dân cả vùng mến yêu, gọi là cụ tổng Bụt.
Lúc đó về đời Lê mạt, hai triều Tây, Nguyễn đang tranh nhau thiên hạ nhuốm máu giang sơn suốt cả nam bắc.
Sau khi thâu phục được cả Gia Định, Phú Xuân rồi, đức Cao Hoàng đem quân ra bình định Bắc Hà, nơi còn có dư đảng Tây Sơn nhiễu nhương cát cứ.
Tương truyền một hôm về chiều, long thuyền ngự đến khúc sông làng Thành Thị thì nghẽn mất lối đi. Tình thế của đức Cao Hoàng lúc ấy rất nguy, bởi tứ phía hình như đều có quân Tây Sơn truy tung khẩn cấp, thành ra xa giá không dám đổ bộ, chỉ còn một nước làm sao thông ra sông cái mới thoát được.
Ông tổng Bụt lập tức chiêu tập những dân phu đinh tráng trong tổng được hơn ba ngàn người, ai nấy đều dự bị cuốc xẻng, tức tốc đào một con sông nhỏ. Nhờ lúc bình tố được lòng dân kính phục, thành ra khi hữu sự, ai cũng tận lực. Chỉ có một đêm, mấy ngàn cánh tay lực điền ấy đào xong một con sông nhỏ từ làng Thành Thị qua ba làng nửa thông ra đến sông Bồ Đề. Giữa canh năm, cả đạo ngự thuyền và quan quân hộ giá đã có lối chảy ra sông Vị Hoàng.
Đến lúc Cao Hoàng định xong việc Bắc Hà, trở về Phú Xuân, thì ông tổng Bụt đã qua đời rồi. Ngài không quên cái công lao đào sông cứu giá, truy phong tước Triều nghiêm bá cho ông.
Tuy ông làm chánh tổng 35 năm và có danh vọng như thế, nhưng cảnh nhà rất là thanh bạch; có thể nói là nghèo đói, còn ít nhiều chữ nghĩa, giờ cảnh nhà ông bắt buộc phải xếp lại để đi tìm ăn nuôi mẹ.
Sẵn có viên chánh tổng mớiở làng Ngô Xá đang cần dùng một anh nho thay mình lo liệu giấy tờ việc quan, cậu con ông tổng Bụt sang xin làm chức ấy. Con chánh tổng cũ trở nên bác nho, tức là thủ hạ của chánh tổng mới.
Mặc dầu mưa nắng đường xa, ngày nào bác nho cũng sáng đi tối về, cho được phụng sự mẹ già, không hề sơ sót. Chánh tổng Ngô Xá trông thấy thế, sinh lòng cảm động, ngoài ra sự tư giúp càng ngày càng tin cậy mến yêu, coi như một người thủ hạ thân tín.
Nhà viên chánh tổng này vốn giàu có nhất vùng. Lại có tính hay cầu phúc hiếu danh, tin sự mồ mả, cho nên thường nuôi thầy địa lí Tàu cao tay ở trong nhà hàng tháng hàng năm, không ngại tốn kém. Mỗi ngày thầy địa lí Tàu tha hồ chè chén no say, chỉ có việc xách túi la kính địa bàn đi tróc long tầm hồ, rồi lại cất ngôi mộ này, để ngôi mộ kia cho nhà cụ tổng.
Khi có thầy Tàu đến ở, làm việc đất đai mồ mả nhà mình như thể, chánh tổng Ngô Xá đều phú thác cho tên thủ hạ thân tín là bác nho, giao tiếp thù tạc và hướng dẫn đường lối.
Người quanh vùng ấy, ngày nào cũng thấy hai người, một khách một ta, theo nhau như hình với bóng, lững thững đi hết gò này sang bãi kia, nay lần mò ở làng này mai lặn lội vào xóm khác.
Cặp kè với nhau lâu ngày, tự nhiên quen hơi bén tiếng. Bước đường khập khễnh buồn tình, thế nào cho khỏi thốt ra một hai câu chuyện tâm sự. Chú khách rõ biết anh chàng đồng hành với mình, vốn là con nhà gia thế, nhưng giờ sa sút khó khăn, một nách mẹ già, hai bàn tay trắng, tình cảnh rất là khốn đốn. Bác nho ta than thân buồn phận thì có, nhưng chắc trong chí không có cái mộng tưởng thay đổi mồ má đất đai. Muốn được đất trước hết phải có tiền. Bác tự biết thân kiết xác như vậy lấy gì mà mua đất!
Một hôm về mùa hè, giữa lúc chính ngọ, ngọn lửa của mặt trời rọi xuống như thiêu như nấu, hai người phải vào ngồi nghỉ mát trước thềm một tòa cổ miếu thờ bà chúa Liễu ở bên cạnh đường. Trong khi bác nho ngồi trầm ngâm suy nghĩ đâu đâu, thầy địa lí Tàu cũng lẳng lặng ngó nhìn ra phía trước giây lâu, rồi lại ngắm nghía tướng mạo bác nho một cách chăm chú. Bác chỉ thấy tay ông cầm quạt phành phạch, miệng nói những tiếng líu lo líu lường gì mà bác nghe không hiểu. Một lát, ông tươi cười vỗ vai bác và nói với bác bằng tiếng An Nam rõ ràng, không chút ngượng nghịu, đủ tỏ ra ông đã lấy nghề địa lí ăn cơm Ó nàm, khoét hồ bao ó nàm, không phải là ít:
-Tôi trông diện mạo anh cũng có phúc tướng lắm đấy, không lẽ nghèo khổ mãi; chỉ vì còn thiếu âm chất đó thôi. Bởi vậy tôi đã lưu tâm tìm kiếm, để dành cho anh một kiểu đất rất hay. . .
Như được nghe chiếu chỉ thiên tử, mặt bác bỗng dưng đổi sắc, nét mừng nổi bật lên.
Thầy địa lí Tàu bảo bác đưa mắt đi theo ngón tay ông chỉ ra đám bãi tha ma ở trước mặt và nói:
-Kìa! Chính là kiểu đất tôi để phần cho nhà anh đó. Nhưng tất phải đến đời cháu chắt của anh thì mới thấy đất ấy phát. Tính ra cũng phải một trăm năm sau. Thế, anh có ưng ý không?
-Thưa cụ, trời cho con cháu được hiển dương phát phúc thì ông bà cũng được thơm lây. Ai sống ở đời chẳng muốn lo xa cho con cháu hơn là bản thân.
Bác nho cảm động quá chỉ nói được mấy câu như thế rồi sụp xuống đất lạy ông thầy địa lí hai lạy gọi là tạ trước cái thâm ân cho đất. Nhưng rồi chợt nhớ đến cảnh nghèo mà ngao ngán, bác vừa nói vừa sụt sùi khóc lóc.
-Khốn nhưng cảnh nhà tôi nghèo khổ quá biết làm thế nào?
Thầy địa lí ôn tồn an ủi:
-Tôi há không biết cảnh nhà anh nghèo ra thế nào? Nhưng anh đừng lo, đểm mặc tôi toan liệu cách sao cho ông cụ nhà anh được có mồ yên mả đẹp thì thôi mà.
Tối hôm ấy, thầy Tàu ngồi đánh chén với cụ chánh Ngô Xá. Trước bầu rượu, đĩa nem, không ai biết thầy đã khéo điều đình tán tỉnh ra sao, mà lúc bôi bàn còn đang lang tạ, cụ chánh gọi bác nho kiết lên, nói một cách trịnh trọng:
-Ta cho phép anh ngày mai đem đi hài ông cụ nhà anh tới cải táng ở miếng đất non Ngô mà ông thầy địa lí đây đã có hảo tâm làm phúc cho anh. Công việc di táng ấy phí tổn bao nhiêu ta sẽ chu cấp cho anh đủ hết, miễn được êm đẹp là quí; không cần gì phải cỗ lớn ma to mới là có hiếu, nghe chưa?
Thế là, một mặt nhờ thầy Tàu cho đất, một mặt chánh tổng Ngô Xá giúp tiền, bộ xương khô của ông tổng Bụt qua ngày hôm sau được cải táng ở kiểu đất mới một cách chu đáo.
Cả đất ấy, mộ ấy, ngày nay vẫn còn di tích y nhiên.
Nó là một bãi rộng chừng bốn năm mẫu, cao hơn bình địa xấp xỉ một thước ta, hình tượng trông rõ ra con voi đưa vòi vơ lấy đám cỏ ở trước mặt. Thầy địa lí Tàu điểm huyệt cho mộ ông tổng Bụt táng ngay vào giữa ức con voi ấy.
Người ta thuật lại rằng giữa hồi bấy giờ, ở trên đám cỏ nằm trước mặt voi, đã có ngôi tổ mộ của nhà Bộ Định táng ở đó, con cháu đang phát giàu có thịnh vượng nhất nhì trong vùng. Nhưng quái thay! Từ khi có bộ xương ông tổng Bụt đem về kí tại ức voi, thì con cháu nhà kia bỗng hóa suy vì, sa sút, đến nỗi họ tức mình phải dời tổ mộ đi nơi khác.
Tuy vậy, nhà họ Trần cũng chưa thấy phát gì truyền nhau ba đời, vẫn nghèo xơ, nghèo xác. Họ trông mong mãi, chẳng thấy sinh được một chú đàn ông nào tài năng, có máu mặt, hầu được ứng nghiệm với kiểu đất.
Thì ra ông thầy Tàu tiên đoán một trăm năm sau kiểu đất con voi ấy mới phát.
Mà chắc con voi này là con voi cái, cho nên về sau mới phát ra một thị mẹt có đủ cả "tàn, tán, hương án, hàn độc, tủ sắt, nhà lầu" .