[Việt Nam] Cô Tư Hồng

Chương 18 : Bắt được vàng chôn hay chỉ là có đống đá




Thật thế, việc thầu khoán phá thành đã đặt vào tay cô Tư một mối phát tài to.

Trong khi xã hội bắt đầu biết tiếng cô Tư Hồng và nhiều chú đàn ông dòm nom, gấm ghé thì sở địa ốc của thành phố Hà Nội đã biên tên Trần Thị Lan là một nghiệp chủ.

Người đàn bà mới ngoài ba mươi tuổi ấy có thủ đoạn khôn ngoan thật tình.

Một công hai việc: cô Tư vừa phá, dọn thành xưa vừa xây nhà mình.

Thì ra những viên gạch cạy gỡ ở thịt da bức cổ thành kia nào phải là vật đáng bỏ đi, vô dụng!

Bộ óc tính toán lợi dụng của cô nặng đến mấy ki lô không chừng.

Giữa lúc vất vả dọn thành cứ dọn, cô vẫn lo tậu đất làm nhà. Vì những viên gạch nào nạy ở thành ra còn nguyên lành, vẫn có thể đem dùng vào việc xây nhà cất phố của ta, còn gì tiện lợi và khỏi tốn hơn nữa.

Cho đến sự thuê một căn nhà ở hàng Da để làm căn cứ đã nói ở cuối đoạn trên, cũng là nhất cử lưỡng tiện, để coi sóc công việc dọn thành ở cửa Đông mà cũng để trông thợ làm nhà của mình ở trong xóm ấy luôn thể.

Chắc hẳn cô Tư mua đất ở xóm Đông môn lúc ấy cũng như chú Hỏa mua đất chung quanh chợ Bến Thành, Sài Gòn. Nghĩa là một xu một thước.

Tiền có, đất rẻ, gạch kia tha hồ; lúc bốn vách thành Hà Nội ngã xuống sát đất tức là lúc mấy dãy nhà mới của cô Tư ở mặt đất mọc lên.

Năm 1901, người ta thấy công cuộc phá thành vừa hoàn hảo thì một dây nhà mới ở phố cửa Đông Général Bichot cũng tạo lập gần xong. Lại xây thêm một dây khác ở hàng Da cả thảy tám căn.

Thời đại nào, kỉ cương ấy. Những dãy nhà kia, so với lâu đài phố xá bây giờ chẳng thấm vào đâu nhưng mà ba bốn chục năm trước, người làm chủ nó đã nổi tiếng là sang trọng và được coi là một đại phú gia.

Hồi này, vốn liếng trong tay cô Tư được chừng vài ba vạn.

Thấy gái nhiều của mà ở một mình, thiếu gì các ông danh giá mon men, tán tỉnh. Vì quan tư Garlan về Pháp năm 1902, cô Tư ở độc trụ buôn bán làm ăn, người ta đồn cô nhân tình ông này ông nọ, chẳng ai biết đấy là đâu nhưng kể danh nghĩa thì chưa có ông nào là chồng chính thức.

Còn các bà thì ngồi lê đôi mách:

- Ấy, cô ả phá thành bắt được vàng chôn từ đời xưa mới chóng giàu to như thế, bà ạ. Chứ công việc dọn mấy đống gạch, dù có lời lãi cũng không tậu nổi hai ba dãy phố như thế kia!

Tiếng đồn cô Tư Hồng dọn thành được của, đồn vang khắp cả kẻ chợ nhà quê từ đó.

Người ta đồn cũng có lẽ.

Như các ngài đă rõ, thành Thăng Long nguyên là kinh đô của ba triều vua Lý, Trần, Lê. Trước sau gần bảy thế kỉ.

Phàm là chốn kinh sư, bao giờ cũng tụ tập những cùa trân kì quí báu. Trong chỗ cung vi chứa nhiều vàng ròng, của lạ đã cố nhiên, lại còn các phủ vương công, các nhà quyền quí, các tay phú hào, thiếu gì kim ngân tích súc.

Bảy trăm tuổi của Thăng Long đế đô đã trải qua ba phen thay triều đổi họ, ba lần quân Tàu xâm lăng, ngoài ra còn biết mấy mươi lớp nào loạn li, nào nội chiến, nào đào nạn, nào luân vong. Cứ mỗi cơn quốc gia biến cố như thể, từ trong cung cấm đến ngoài dân gian, trước khi trốn tránh, người ta chôn vàng giấu của ở một xó xỉnh nào đó, họa may sau về còn mong lấy lại của mình. Nhưng thử hỏi bỏ nhà chạy nạn xưa nay, có bao nhiêu người trở về được hay là trở về mà của chôn còn đó không mất?

Vậy thì biết đâu những buổi thành Thăng Long sao dời vật đổi như cuối đời Trần Lê, chẳng có những cung nhân chôn giấu vàng ngọc dưới một gốc cây hay một góc thành?

Lại biết đâu những thuở có quân Mông cổ tới hay có loạn Kiêu binh nổi lên, chẳng có những nhà quan sang giàu lớn gói ghém vòng xuyến hoa hột, chôn dưới chân thành cho khỏi bị quân giặc cướp mất?

Nhưng rồi ngày qua tháng lụn, cỏ mọc rêu phong, tài chủ một đi không về, bảo vật trăm đời nằm đó. Người sau đào cây cuốc đất, vô tình bắt được vàng bạc của cổ nhân, của tiền triều là sự thường thấy. Vàng Sầm Sơn mấy năm nọ là một chứng cớ.

Suy thế thì vì dọn dẹp thành Thăng Long mà cô Tư vớ được mười con trâu vàng hay một kho bạc nén tưởng cũng có thể có và cũng không phải quái lạ gì.

Tuy nhiên, câu chuyện được vàng chỉ theo tiếng gió truyền văn, không biết đâu mà chất chính thực hư thế nào. Duy một đổng đá vứt đi mà rồi bán được dăm sáu nghìn đồng thì là chuyện có thật.

Con người ta đến lúc số phận cho khá, thần tài nịnh hót đến nỗi như phép thần tiên "chỉ đá hóa vàng", có lẽ tiếng đồn được vàng bởi đó mà ra chăng?

Đoạn trên, chúng tôi đã nói thành Hà Nội xưa chân móng xây bằng đá ong thật tốt; hai bên thành cầu đi vào mỗi cửa cũng xây đá hoa. Năm trước, cô Tư Hồng lĩnh việc phá thành, những đá ấy, hòn nào to và nguyên lành, người thầu được bán hay phải nộp nhà nước dùng vào việc kiến trúc khác không rõ. Chỉ biết cô Tư gom góp được vô số đá nhỏ, đá nhớn đem về chất thành mấy đống cao ngất như mấy đống rơm của nhà đại điền chủ ở trong khu vườn sau nhà cô tại phố hàng Da.

Mấy đống đá coi như vật bò lăn lóc dầu dãi nắng mưa luôn ba bốn năm trời. Cô Tư định bụng nay mai có xây nhà tây thì dùng nó làm nền, làm móng.

Ngờ đâu hôm kia có một ông lão làm nghề bán đá mài nghe tin đến mua. Kế tới những thợ khảm các nơi đồn nhau đến mua về để mài trai mài ốc, tốt lắm.

Ấy thế là đá phát giá cao. Hòn to bán một hai đồng; nhỏ nhất cũng năm bảy hào. Chỉ hơn một năm, cả mấy đống đá như có chân ra đi, đem về cho cô Tư một số tiền khá lớn.

Chẳng bao lâu, người thấy cô tậu được chín gian nhà tây ở phố Richaud và xây tòa nhà tân thời đồ sộ ở ngõ Hội Vũ. Cô thường nói:

- Đấy là số tiền bán mấy đống đá năm xưa, tôi đem buôn bán sinh lợi mà tậu và làm nên những ngôi nhà này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.