Bà chủ hiệu Phát Lộc nhận cho Thị Lan vào làm ngay là một việc cả hai người cùng có lợi.
Lan được lợi hiện tại.
Bà trông lợi tương lai.
Phần nhiều gái quê rất sợ lên tỉnh, không ai thân thích, không chỗ dựa nương mà không tìm ra chỗ ở việc làm ngay thế tất phải bơ vơ đầu đường, xó chợ rồi bị quân đàng điếm lợi dụng hay bọn mẹ mìn thổ chứa cám dỗ là sự thường thấy. Lan mới ra Phòng từ sáng đến chiều đã có việc làm chỗ ở ngay thế là có phúc hơn nhiều chị em lắm đấy.
Nhưng bà chủ hiệu chí tâm làm phúc cho người thì ít, vụ lợi cho mình thì nhiều.
Bà nguyên là một thím tài về già được nghỉ, cũng như người đi làm việc đến tuổi hưu trí vậy. Không biết rõ quê quán và gốc tích của thím ra thế nào. Người ta đồ chừng thuở mười lăm, mười tám bà trôi dạt đến miền này còn là một xóm vạn chài biệt tịch hoang vu, hình như bà cao số lắm thay đổi năm sáu đời chồng mà đời nào cũng là một chú khách đuôi chuột. Có lúc trong vòng một năm, hai lần bà giới thiệu ông chồng cho bà con hàng xóm biết:
- Chú tài nhà tôi đây.
Người ta nhận ra mỗi lần giới thiệu lại là một chú khách khác lạ hẳn. Thì ra bà đã thay đổi chú tài nhanh chóng như ta thay áo, dễ thường chú nọ xuống thuyền chưa về đến Đông Hưng hay là hòn đất đậy mồ chưa ráo thì bà đã nên chồng nên vợ với một "sếnh sáng" khác rồi. Chẳng ai được biết chồng bà làm nghề nghiệp gì, chỉ thấy bà giới thiệu chồng là chú tài thì người ta gọi bà là thím tài và xem ý bà thích cái vinh hiệu ấy lắm.
Tuy vậy bà hiếm hoi về đường từ tức, mỗi đời chồng kết thúc là một sợi dây đứt hẳn không lưu lại một chút ki niệm gì về huyết nhục hay tinh thần. Chỉ có điều khác là bây giờ bà đã có một tòa nhà gạch hai từng ở đâu phố Cầu Đất, dọn cửa hàng bán rượu và các thứ tạp hóa, ấy là cơ nghiệp của đời chồng thứ sáu để lại cho khi phải cuốn gói vĩnh biệt đất nước "Ố nàm" vì anh ta bị nghi là một tên dư đảng của giặc Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc.
Trừ ra chiếc nhà gạch, lưng vốn bà cũng có dăm sáu nghìn quan tiền. Cái thời đại 18 đồng tiền kẽm một bát chiết yêu cơm đầy lên có ngọn, số vốn của bà được vậy đã kể vào hạng giàu, cũng như đời nay có bạc vạn. Thiếu gì chú tài khác trông thấy mà thèm muốn ra tay đào mỏ nhưng bà không dại, bà vẫn tự khoe một tay mình mấy chục năm khoét tiền của khách, giờ họ định khoét lại thì bà không chơi.
Vả lại, lúc này bà đã 59 tuổi đầu rồi, không còn xuân sắc gì mà đa mang chồng con cho thêm bận. Thím tài đến lúc hưu trí rồi: "Thương thì tiền của đưa đây, lấy chồng thì gái già này xin van ", thím tài bây giờ chỉ lo hốt cùa làm giàu. Trong đời thường có nhiều người lạ lùng như thế: họ không có con cái, tự phụng một cách rất kham khổ mà bo bo giữ từng đồng kẽm, chắt bóp từng đồng xu định hót của làm giàu để lại cho ai không biết?
Nhờ bao nhiêu năm lấy khách bà thạo cả đường lối buôn bán của họ. Vì thế mà bà mở cửa hàng rượu, đặt tiền trước cho dân quê nấu rượu rồi đem ra đong hết cho bà, bà bán lại cho khách thành ra những kẻ có nồi nấu mất công mà lãi ít, còn bà chỉ đưa đẩy nước bọt thì được lãi nhiều.
Ngoài ra những hũ rượu, thím tài — từ sau ta nên dùng tiếng xưng hô này đúng hơn - còn buôn một món hàng khác, kiếm một mối lợi khác nữa: buôn người.
Ta nên biết thím tài buôn người là một công phu trau chuốt, hầu như là một nghệ thuật khó khăn, người nào khác tay thím chưa chắc muốn làm mà đã làm nổi. Thím vẫn tự phụ rằng mình từng "đi guốc" vào trong tâm lí của các ông khách vì đã lâu năm cùng họ đầu gối tay ấp. Có những hạng chủ hiệu giàu đẫy, béo quay, dù trong nhà mấy thiếp, mấy phòng ra ngoài cũng vẫn còn thèm của lạ, hay mấy chú mại bản, tài phú quen thói bốc rời vớ được miếng mồi hiếm hoi dù phải tiêu một vài trăm quan tiền họ cũng không ngại tốn kém........
....... Vì thế mà họ dám trả sự may mắn ấy với một giá đắt. Còn một hạng chủ tâm sinh cơ lập nghiệp ở đây lâu dài muốn lấy con gái bản xứ làm nội trợ để giúp việc trông nom tiện đường giao thiệp hoặc để gá tiếng mượn tên trong việc buôn bán cho được tiện lợi dễ dàng hơn. Hạng này thường tinh khôn kén chọn mấy cô nào có căn cơ bề thế để họ tin cậy phú thác mai sau chứ không phải bạ ai cũng vớ, xong việc thì thôi.
Đón biết tâm lí và sự nhu yếu của họ như thế cho nên thím tài dụng công tìm kiếm gái quê để nuôi nấng trau chuốt rồi gả cho khách lấy lãi. Thím làm việc nuôi người thế này, cũng chịu khó cho những kẻ đi mua gà con, lợn giống về nuôi, ban đầu vốn liếng bạc đồng bạc hào, chi mất công chăn nuôi trong ít tháng là có thể đem bán được bạc trăm, bạc chục.
Ai hiểu công khó của kẻ nuôi gà con, lợn giống sẽ hiểu công khó của thím tài nuôi người.
Những người ở thôn quê xa gần thường đem sản vật ra cửa hiệu thím bán, thím ân cần nhắn bảo họ về làng xem có con gái nhà nào nghèo khó mà sạch sẽ - phải biết nghĩa hai tiếng sạch sẽ là có chút nhan sắc, thì đưa chúng nó ra làm việc với thím, thím nuôi nấng cho, may mặc cho, dạy bảo buôn bán cho rồi sau gả chồng lập nghiệp cho cũng nên. Không thiếu gì nhà có con chỉ cầu ước như thế.
Quả nhiên thím khéo tùy theo vẻ người và óc khôn của mỗi chị gái quê mà biến hóa trở nên một cô gái tỉnh vào giai cấp nào, giá trị nào. Trước hết, thím cho chải chuốt ăn mặc rồi dạy bảo cặn kẽ từ những cách đứng, cách đi, cách gói, cách mở và ít nhiều tiếng khách cần dùng để giao thiệp đối đáp. Bấy giờ mới cho ra ngồi phất phới ở cửa hàng hoặc cho đem hàng hóa đến giao các hiệu khách. Từ lúc tô lục, chuốt hồng cho đến lúc xuất đầu lộ diện được, các cô gái quê đổi sắc tướng bao nhiêu tức là thím tài đã tốn công phu bấy nhiêu. Ngộ nhất là cô nào đối với thím, không cháu gọi bằng dì thì cũng em gọi bằng chị, toàn người thân thích ruột già, nào phải ai đâu xa lạ. Một ít danh hiệu xưng hô ấy có ý nghĩa quan hệ khôn ngoan của nó, không phải thường đâu!
Lúc này, một sểnh sảng nào để vào mắt xanh một cô em hay cô cháu của bà chủ hàng rượu ở đầu phố cầu Đất mà muốn cưới xin tự nhiên phải tốn cho thím tài năm bảy chục nén bạc hay một hai nghìn quan tiền đen cũng có. Họ tin ở thím là người đã từng làm vợ khách và họ yên trí rằng em, cháu của thím bao giờ cũng căn cơ bề thế hơn.
Thành ra các cô nào đã qua tay tạo hóa của thím cũng được nên duỵên hay đắt mối, phi cách nọ thời cách kia, món nào khá thì thím gả chồng, món nào tầm thường thì thím "bán lẽ" . Người ta nói trong khoảng mười năm, thím phát tài về cuộc buôn này cũng nhiều mà những cô nhờ tay thím gả bán được làm vợ khách vào hạng khá cũng không ít.
Cô em, cô cháu thứ mấy chục của thím không biết vừa mới vu qui với một chú mại bản được mấy hôm, trong nhà đang vắng vẻ chưa có người kế chân thì vừa có Thị Lan ơ đâu tới xin vào làm việc, thím tài nhận lời ngay.
Thím liếc cặp mắt tinh ranh nhìn cô ả gái quê từ đầu đến chân thấy mặt mũi tươi tắn có duyên lại ra vẻ người lanh lẹ, chắc không mất công tô điểm bao nhiêu sẽ thành ra một vật có giá trị cho nên thím đón ngay lấy không ngần ngừ chút nào. Nhất là cô gái quê này sẽ được việc cho thím cả hai phương diện: vừa biết nghề nấu rượu vừa có ít nhiều nhan sắc.
Nhập gia chưa đầy một tháng, cô gái quê đã thay hình biến tướng.
Con người đã có trí sáng, lại như có vận thời sắp đến giúp thêm vào, sự thay đổi nào có mấy chốc.
Bây giờ Thị Lan nghiễm nhiên là một cô thiếu nữ tỉnh thành luôn luôn quần lĩnh áo the, ra giày vào dép, cái lốt gái quê hôm nào đă trút đi mất rồi. Ban đầu nàng tưởng mình được vào ở nhà này già con hầu, non đầy tớ, không dè bà chủ lại cho ăn mặc tử tế sang trọng và đãi như con cháu: sự đó hẳn ở ngoài hi vọng và trí tưởng tượng của nàng. Hình như nàng cảm động mỗi khi nghe ai hỏi về nàng, thỉ bà chú cũng nhận là cháu:
- Ấy nó là cháu gọi tôi bằng cô ruột. Vì cửa hàng, cửa hiệu lúc này bận lắm tôi phải nhắn cậu nó cho cháu ra ngoài này trông nom giùm tôi ít lâu.
Sự thật, lâu ngày ở với nhau thành ra tâm đầu ý hiệp, tính nết nàng thùy mị đáng yêu lại được cử chỉ nhanh nhảu và có trí sáng bảo một biết mười khiến cho thím tài phái vì nể, chiều chuộng. Trước chỉ đóng vai tuồng cháu vờ, sau hóa ra thật như con ruột. Thím tài càng cố trang điểm cho nàng đến nỗi tháo cả hoa hột cửa mình ra cho mà diện những khi sai đi ra ngoài có việc. Ví dụ lúc này bác phó Thành Thị có gặp con, không chừng chắp tay vái chào sát đất, coi con nghĩ là một tiểu thư nào, đố dám nhận là cái Lan.
Nhưng bù lại cư xử tử tế của thím tài, Lan tỏ ra mình cần dùng đắc lực và đỡ đần thím được nhiều trong công việc buôn bán. Nào là đi thu tiền chỗ này, đòi nợ chỗ kia, nào là cầm sổ đến các hiệu khách giao hàng hay lấy hàng, mỗi ngày năm bảy bận. Những lúc ngồi nhà trông hàng, cô ả lại chào mời khách khứa với giọng nói ân cần khôn khéo và nét mặt tươi cười. Thím tài phải khen nàng có khiếu buôn bán đảm đang.
Trên kia đã nói thím tài chuyên nghề cất rượu của dân quê để bán lại cho khách vận tải về bên Tàu. Có lẽ tại bên Tàu nhiều miền ít cấy lúa nếp mà rượu nếp ta ngày xưa nấu rất ngon cho nên dân quê nấu bao nhiêu đem bán cho khách cũng hết. Họ xuất cảng về miền nam xứ họ một phần còn một phần thì lại bán lại cho bà con mình, đựng trong hũ sành ngoài dán tờ giấy đỏ gọi là rượu Nhu Mễ.
Lúc dân quê gánh rượu ra bán cho hiệu thím tài thì Thị Lan làm việc một nhà hóa học kĩ sư và đóng vai một nhà giám định. Con nhà nghề nghiệp thủa nay có khác, nàng không cần gì phải nếm chỉ ngửi qua mùi rượu xem nhạt hay nồng và trông qua nước rượu trong đục là phân biệt tốt xấu ngay. Từ khi có nàng thím tài không mua lầm phải những thứ rượu có pha lẫn nước lã như trước.
Chừng nào cất rượu được nhiều thì cũng tay nàng đem giao cho các hiệu khách. Nhờ giao thiệp lui tới thường ngày, nàng học được ít nhiều tiếng khách cần dùng trong việc giao dịch. Lạ hơn nữa, nàng đổi hẳn tính khí nhút nhát ngày xưa mà trở nên mạnh bạo, từ lời nói cho đến cử chỉ. Nhiều chú khách thấy nàng hồng hào, chắc nịch trong ý thòm thèm nhỏ rãi. Nhưng chú nào chòng ghẹo nói năng hơi sỗ sàng thường bị nàng nắm kéo đuôi sam giật ngược lại cho mất cựa hay nàng cướp lấy chiếc quạt Tàu của chú đang phe phẩy trong tay:
-Từ rày 'nị' đã chừa chưa?
-Thôi, 'ngộ' sợ cô hai rồi lớ.
Vì nàng đã bạo mà lại khỏe hơn.
Tấn kịch khôi hài ấy làm ngơ ngác lũ trẻ đứng núp xem ở ngoài cửa hiệu. Các bạn nên nhớ lúc bấy giờ Trung Quốc còn ở dưới triều Mãn Thanh, người Tàu mặc áo dài, kết bím và đội thứ mũ có núm ờ trên đỉnh đầu, trong tay luôn luôn cầm chiếc quạt tàu vừa đi vừa phe phẩy. Thuở xưa, lũ trẻ mình thấy bóng người khách là sợ run rủ nhau chạy mất. Cái cảnh tượng của cô con gái mình dám kéo đuôi sam chú khách như thế bắt mấy đứa trẻ đứng xem phái lấy làm lạ.
Nàng ở với thím tài thế mà thấm thoát đã được ba năm. Càng ngày thím càng tin cẩn thương yêu, định bụng tìm kiếm cho nàng một đám chồng khách nào rõ giàu, để nàng nhờ cậy chung thân và thím gỡ lấy một món tiền đền công mấy năm dưỡng dục luôn thể.
Tuy có mấy đám mối manh đạm hỏi nhưng đều không xong: hoặc nàng không ưng, hoặc thím không chịu.
Có đám là một chú tài cậy trẻ tuổi nhưng mang phải tội nghèo, thím không chịu gả. Thím kị nhất là cái nghèo vì chú rể khách nghèo thì bảo thím cậy gỡ vào đâu. Còn một đám là chủ hiệu giàu có nhưng mặt như lợn ỷ, bụng phệ bằng chiếc thúng cái, mỗi bữa ăn hơn một cân thịt, đám này thì Lan chê là Đổng Trác tái thế và không ưng. Nàng nói đùa với thím:
- Lấy nó để mùa hè rực lên những mỡ là mỡ, ai mà chịu được.
Sau lại có một đám được cả hai người cùng hợp ý, hoan nghênh chỉ sợ sểnh tay rơi mất: ấy là chú khách Hồng, chủ hiệu Bình An.
Chú này vốn là một bạn hàng quen của thím tài vì hiệu Bình An cũng chuyên mua rượu An Nam chờ về Tàu. Thường ngày, nàng hay lui tới giao hàng đã quen người nhẵn mặt. Năm ấy chú Hồng mới độ ba mươi tuổi chưa có vợ con gì, một mình chù trương cửa hiệu của ông bố để lại cho kể đáng bạc vạn. Với đám này, thím tài mới chắc kiếm được món "lì xì" khá bở.
Thím khéo mối lái tán tỉnh thế nào không biết chỉ cách sau mươi ngày hàng phố bỗng thấy nhà thím có đám cưới linh đình.
Thị Lan, hai mươi ba tuổi, trở nên thím Hồng tức là bà chủ hiệu Bình An.
Cuộc nhân duyên này, theo như thiên hạ đồn, thím tài đã ăn không năm sáu chục nén bạc của khách Hồng. Vì thím này vẽ ra nào là tiền cheo cưới ở nhà quê nặng và phải đãi đằng bà con họ hàng đông.
Thế là Lan đã có chồng mà thím tài đã vớ được một mẻ buôn người phát tài vậy.