[Việt Nam] Bánh Xe Khứ Quốc

Chương 6 : Quyền của mạch máu




Trời sẩm tối.

Tiết cuối thu tỏa lên mặt nước Tây Hồ một màn sương trước còn lờ mờ, sau tối hẳn.

Đồng thời với các đồn khác, đồn Thụy Chương cũng vừa điểm xong hồi trống thu không. Từ chòi canh, viên biện lại thủng thỉnh quay xuống trú phòng định lấy rượu ra uống để giải khuây cái buồn lữ thứ. Nhưng thày vừa rót được một chén thì một cậu vệ mải mốt chạy vào, nói có người xin mở giúp cửa ô để cáng một người thân ra ngoài thành phục thuốc.

Kinh thành gần đây luôn luôn bị náo loạn, nên các cửa ô cần phải khám xét rất ngặt những người ra vào.

Đó là lệnh của chính phủ.

Nhưng chính phủ không bằng chén rượu mà hơi men đã bốc lên rất nồng nàn. Không buồn quay lại phía cậu vệ đương kiên nhẫn đứng chờ, thày biện dõng dạc truyền:

- Cho đi.

Rồi thày cứ ung dung nâng lấy chén rượu, mắt lừ đừ nhìn ra con đường cổ ngư xa thẳm như một con rắn nằm vươn mình giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Viên biện lại vừa cạn chén rượu thì thốt giật mình, vì phía ngoài có tiếng kêu dữ dội. Để ý kỹ thì nhận thấy tiếng ấy phát ra ngay trong cỗ cáng mà người đi theo khai là khiêng một bệnh nhân. Người nằm trong cáng không những kêu la ầm ĩ, trái với hơi thở yếu ớt của các bệnh nhân thường mà lại còn giẫy giụa khiến cho người khiêng đi rất khó khăn tuy bọn này đã cố rảo bước để mau tới đích.

Viên biện lại không khỏi ngạc nhiên về thái độ của bệnh nhân đó, nên gọi giật lại định xét xem người trong cáng là ai. Nhưng thày càng gọi thì phu cáng càng chạy thật nhanh. Tức giận viên này liền cùng với mấy người Vệ binh chạy ra đuổi theo giữ lại. Bọn phu cáng và người đi kèm tự liệu là khó lòng trốn thoát, liền quẳng cáng xuống đất mà chạy tháo thân, không đuổi theo nữa, nên biện lại sai lính mở cáng ra xem thì thấy phía trong có một cậu thanh nhiên bị trói chặt cả chân tay, vừa bị ngất đi, vì bị quẳng xuống đường mạnh quá.

Bọn lính vội khiêng thiếu niên vào trong điếm và dùng mọi cách để cấp cứu như giựt tóc mai, đổ nước gừng… Hồi lâu thiếu niên tỉnh lại. Viên biện lại gạn hỏi thì thiếu niên nói tên là Lê Duy Khiêm hồi chiều đương chơi ở trong điện thì có kẻ xin vào hầu, nói là nội giám ở Vương phủ. Vì nghe tin chàng mới được thoát nạn, Trịnh Thái phi muốn xem mặt, nên cho cáng sang rước. Duy Khiêm còn đương ngần ngại thì viên nội giám kia cố gò chàng lên cáng mà khiêng đi. Khi ra khỏi cửa Tuyên Vũ, Duy Khiêm không thấy khiêng mình qua Trịnh phủ mà lại đi tuốt lên ô Thụy Chương thì lên tiếng hỏi. Nhưng viên nội giám không nói năng gì hết, lấy giẻ nhé vào miệng chàng và trói chặt chân tay chàng lại mà khiêng ra cửa ô. Đến đấy may chàng lấy lưỡi đẩy được nắm giẻ ở miệng ra, kêu lên được, nên mới thoát nạn.

Viên biện lại biết thiếu niên mà mình vô tình cứu thoát, chính là hoàng tôn Lê Duy Khiêm thì mừng rỡ không biết ngần nào. Viên này vội lấy cơm rượu cho hoàng tôn ăn uống, rồi thông báo cho tất cả bạn đồng ngũ trong thành. Bọn quân nhân nghe biết việc này thì tức giận vô cùng, kéo cả đến mà săn sóc cho hoàng tôn và hết sức truy nã những kẻ đã lập mưu mà họ ngờ là trong số đó có cả Thái tử Duy Cẩn. Vì họ tin rằng Lê Duy Cẩn vì sợ hoàng tôn tranh mất ngôi Thái tử của mình nên đã nghĩ mưu làm hại cháu.

Họ tưởng lầm.

Thủ phạm chính là Trịnh Thái phi, người đã quá yêu cho rước hoàng tôn sang Vương phủ để xem mặt.

Nguyên khi Duy Vĩ bị giết, Thái phi rất tán thành việc lập Duy Cẩn lên thay. Khi kiêu binh phá ngục Đề Lĩnh, Thái phi thấy anh em Duy Khiêm được bọn quân nhân cực lực hoan nghênh thì lo rằng Duy Khiêm còn, cái tương lai của Duy Cẩn sẽ bấp bênh. Bà nghĩ chỉ có cách là trừ Duy Khiêm đi thì mới ổn thỏa hết được. Bà liền sai người giả làm nội giám vào cung nói là để rước hoàng tôn sang Vương phủ chơi, nhưng sự thực là mang hoàng tôn ra dìm xuống dòng sông Nhị.

Kiêu binh không biết việc đó nên quy oán cả cho Thái tử Duy Cẩn.

Hôm sau, chúng kéo đến Vương phủ, xin Đoan Nam vương tra cứu những kẻ đã định ám hại hoàng tôn tình cờ gặp các đồ lộ bộ của Duy cẩn để ở cửa phủ. Chúng tức giận nói:

- Làm Thiên tử đã dễ mà được à! Để chi nhưng đồ này cho hắn làm những điều trái phép!

Nói rồi, đập phá cả cả đồ lộ bộ. Duy Cẩn lúc ấy đương ở trong phủ, sợ quá, phải lẻn ra cửa sau , đi bộ mà về.

Đoan Nam vương nguyên đã biết là mưu ở Thái phi, nên phải ôn tồn khuyên dụ quân lính và lập tức cho thảo biểu xin đặt Duy Khiêm vào ngôi Đông cung và giáng Duy Cẩn xuống làm Sung Nhượng công.

Duy Khiêm nhờ ở sự tình cờ mà ra khỏi nhà ngục, nay lại nhân một tình cờ nữa mà không những thoát chết, lại còn được bước lên ngôi Đông cung là một bậc thang để trèo lên tới ngai vàng.

Từ kẻ tử thù, chàng lần lượt đóng vai hoàng tôn, Thái tử, trong khi chờ làm một vị đế vương. Cũng may ngoài cái quyền máu ra chàng đã có được những tư chất thông minh, nên tuy vai trò thay đổi mau chóng mà chàng không đến nỗi bị khổ tâm vì vấp váp.

Nguyên sau khi được chính vị Đông cung rồi, triều đường liền cắt quan tư giảng để dạy Hoàng tự tôn học. Duy Khiêm học đâu nhớ đấy, nên chỉ trong vài năm, các kinh sử đều thông hiểu. Chàng lại biết ăn ở hiền hiếu nên tiếng tăm đồn khắp mọi nơi. Bọn kiêu binh nhân thế, muốn tác thành cho một người mà cái mệnh hệ đã do chúng tạo ra. Chúng bàn nhau định xin vua Lê Cảnh Hưng thoái vị để nhường ngôi cho chàng.

Việc này tuy mới là dự định, song có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ thực hành, nếu trong nước không xảy ra một biến cố nó đã xoay tiền đồ nước Việt Nam sang một phương hướng khác hẳn với chỗ mọi người mong mỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.