Việt Ma Tân Lục

Quyển 2 - Chương 3: Cái dớp




Mặt trời nhô qua khỏi ngọn Pò Hạ thì hai thầy trò Lang Trượng cũng tới được Nà Thượng. Bản nằm sâu trong một thung lũng bọc quanh là những dãy núi nhấp nhô, đa phần là núi cao, vô cùng hiểm trở. Trên rừng có nhiều loại gỗ thiêng, quý hiếm, chứa nhiều linh hồn ma quỷ, nên người vùng này tuyệt đối không bao giờ dám động tới, dù chỉ là một nhát rựa.

Lang Trượng nhớ có lần, vài người vùng khác tới hay từ dưới xuôi lên, tự tiện lẻn vào rừng hòng trèo lấy phong lan. Vì cây gỗ lâu năm, tán rợp, tạo điều kiện tốt cho phong lan phát triển. Từ những nhánh cành, hàng trăm giò phong lan lúc lỉu chen nhau, khoe sắc, dân buôn bán cây cảnh nhìn thấy là phát thèm. Vì cái lợi trước mắt mà quên đi cảnh báo, khiến những tai ương liên tiếp xảy ra, nhẹ thì chỉ bị ngã gẫy chân, nặng thì sau khi trở về nhà bị ma cây ám tới nỗi hóa điên, rồi thậm chí quyên sinh.

Có người lại mơ thấy mình biến thành một cái cây khổng lồ, rồi cứ thế bị chặt, chặt tới đâu thân ứa máu tới đó, ròng ròng chảy. Lúc nào chặt tới phần cổ và đầu thì đau đớn tột cùng. Khi thức dậy thấy khó thở, người nổi đầy ban, mụn nước… đôi chỗ da phồng rộp như bị bỏng. Lạ thay, cứ cử động tới đâu, mụn vỡ ra tới đó, chảy ra thứ dịch nhớt màu vàng hôi thối, khó chịu vô cùng. Khoảng ba ngày sau thì những trường hợp đó đều chết bất đắc kỳ tử, chẳng rõ nguyên nhân. Nhưng mọi người đều biết, những người xẻ gỗ đó đã từng lên chặt cây, hái phong lan… ở rừng Nà Thượng.

Vài ba năm trở lại đây, người vào rừng chặt gỗ cổ thụ, lấy phong lan thưa thớt hơn hẳn. Và cũng từ đó không còn trường hợp nào bị ma quỷ nhũng nhiễu làm hại nữa. Người đi rừng vùng này cũng chỉ dám lấy củi khô rụng xuống, chặt cây bương, cây đành hanh làm hàng rào, làm lạt buộc, hái nấm, tìm măng chứ không ai dám đụng tới những thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ấy.

Nhà trưởng thôn nằm bên một khe suối nhỏ, khe suối chảy từ ngọn Pò Hạ xuống, luồn lách qua những rễ cây độc, lâu dần tích tụ thành nước độc khiến người chẳng thể uống được. Cá dưới suối đều có lớp vảy đen nhánh kỳ lạ. Bắt cá về nấu ăn, ăn vào thì hoa mắt chóng mặt buồn nôn vài canh giờ sau mới khỏi. Nước lấy về đun uống, xong có người trở bệnh sinh buồn bực, chán nản, đi bệnh viện dưới huyện cũng chẳng thể tìm được nguyên nhân. Thế mới nói, Nà Thượng là chốn rừng thiêng nước độc quả không sai chút nào!

Phía trên nhà, một vài người đang ngồi uống nước, hút thuốc bên ánh lửa bập bùng. Không khí nặng nề, u ám. Khi thấy hai thầy trò Lang Trượng tới, đích thân trưởng thôn xuống đón. Ông ta có gốc gác dưới xuôi, tổ tiên lên vùng này khai khẩn đất hoang cũng ở đây đến mấy đời rồi, nên thông thạo tiếng dân tộc và tập tục nơi này lắm.

– Thầy tới rồi! – Trưởng thôn đon đả nói. – Mời thầy lên nhà!

Thạnh nhanh nhảu đỡ thầy lên bậc thang cao, chừng khoảng bảy bậc. Người dân tộc Mường thường rất chú trọng cách làm những bậc thang bắc lên nhà sàn, vì theo quan niệm, đó là thứ đầu tiên mà một vị khách sẽ nhìn thấy khi đến nhà. Trên đầu thang còn được chạm khắc những hình thù trông rất lạ mắt.

Trong nhà, một mâm cơm đã bày sẵn với xôi nếp, gà luộc và cá suối đồ măng chua. Nhưng tuyệt nhiên Lang Trượng không động đến đồ ăn, dù gia chủ đã ngỏ ý mời. Lang Trượng yêu cầu trưởng thôn trình bày ngay mọi chuyện, vì e rằng, đã có nhiều người bị chết oan bởi lũ ma trành.

Giữa Lang Trượng và trưởng thôn Nà Thượng không phải chỗ xa lạ gì, trước có người em họ của trưởng thôn lên rừng bị lạc, cũng chính nhờ Lang Trượng nên mới tìm được, rồi cứu sống kịp thời. Thế nên, trưởng thôn rất kính nể Lang Trượng.

– Tình hình căng thẳng lắm thầy ơi! – Trưởng thôn run rẩy nói. – Thế nên tôi mới tới nhờ thầy. Không có thầy, e là lần này không xong chuyện rồi.

– Ông cứ nói rõ mọi tình hình với tôi luôn một thể, rồi cùng tìm cách giải quyết. – Lang Trượng cất tiếng, giọng trầm ồm, bất an. – Trước khi tới đây, tôi đã nghe sơ qua tình hình, nên cũng nắm bắt được đôi phần, cũng đã cho hai đệ tử ngược lên vùng núi Nà Thượng để thu thập thông tin.

– Gia đình của cô gái đã tới báo với thầy? – Trưởng thôn hỏi.

Lang Trượng gật đầu, đáp lời.

– Hai cha con họ tới tìm tôi trước khi ông cho người báo tin.

– Ra là thế! Nhưng không chỉ có mỗi mình cô gái đó mất tích, trước cô còn hai người nữa.

Lang Trượng nghiêm mặt, nhưng tuyệt nhiên không hỏi gì thêm. Im lặng! Thảng hoặc, ông khẽ đánh ánh mắt về phía xa xăm, như đang nghe ngóng thứ gì đó thần bí lắm!

– Một bà cụ ở thôn dưới, một cậu bé mười hai tuổi và cả cô gái nữa, tổng là ba người.

– Nhưng sao tới bây giờ ông mới báo cho tôi thế? – Lang Trượng ra giọng quở trách.

Trưởng thôn bèn lắc đầu, như thể ông ta cũng có nỗi khổ tâm riêng, khó mà trình bày một cách cụ thể được.

– Tại ban đầu, tôi cứ nghĩ chuyện chẳng có gì, cũng cho người đi tìm, mà không một ai nghĩ tới điều đó.

Xem ra mọi thứ khó tin thật. Chuyện xảy ra ở Nà Thượng cũng đã lâu rồi. Mãnh hổ hoành hành chốn dương gian, mười người nghe ắt tám, chín người không thể tin nổi. Chưa kể, nếu như người ngoài xa lạ mà nghe thấy, đều bật cười ha hả vì cho rằng đó chỉ là những chuyện hoang đường. Ngay cả người vùng này, từ thuở bé lọt lòng mẹ đã được bao bọc bởi những câu chuyện linh dị, hoang đường còn không tin nữa là. Chuyện tâm linh khó tránh khỏi những cảm giác nửa tin, nửa ngờ. Thế cho nên phần nào Lang Trượng cũng hiểu được nỗi khổ tâm của trưởng thôn.

– Cũng không hẳn tại ông. Tôi hiểu mà. – Lang Trượng nói với giọng điệu hết sức cảm thông. – Chuyện mãnh hổ xuất hiện ở vùng ta, quả là khó ngờ thật. Ngay cả bản thân tôi khi nghe chuyện cũng còn sinh nghi nữa cơ mà.

– Thế thầy đã thăm dò được gì chưa? – Trưởng thôn tò mò hỏi.

Lang Trượng bèn đáp lời.

– Tôi đã cho hai anh em Thứ, Thất đi thăm dò rồi. Đợi lát nữa chúng nó về thì sẽ rõ chuyện thôi!

Vừa mới dứt lời thì Thạnh lẳng lặng đi vào, bảo hai anh em Thứ, Thất đã về tới đầu ngõ.

***

Khi nghe xong câu chuyện của hai anh em Thứ, Thất, mất một hồi Lang Trượng mới bình thường lại được. Vì bất chợt, hình ảnh oan hồn người thiếu nữ cùng tiếng hét kinh hãi, ghê rợn đêm qua quay lại tâm trí ông một cách rõ rệt hơn. Quả nhiên, con ác hổ hung mãnh đã quay trở lại vùng đất này một lần nữa. E là, nếu không ngăn chặn kịp thời thì không biết bao nhiêu oan mạng vô tội nữa sẽ đổ máu, thấm lên cái vùng đất linh thiêng này, rồi lũ quỷ mà cứ được đà thì sẽ hoành hành ghê gớm lắm.

Mây đen bỗng che kín mặt trời, khiến bầu trời tối kịt, nặng trĩu, như thể sắp mưa đến nơi. Lang Trượng bấm độn mấy đầu ngón tay để nhẩm tính ngày, giờ. Một lát sau, ông quay qua trưởng thôn Nà Thượng, dặn dò.

– Bây giờ, ông có thể gọi khoảng dăm bảy trai tráng trong làng đi cùng thầy trò tôi được không? E là chuyện không thể chậm trễ được rồi!

Trong câu nói của Lang Trượng chất chứa sự lo lắng.

– Được chứ thầy! – Trưởng thôn Nà Thượng sốt sắng. – Tôi cho người gọi ngay. Nếu thầy cần gì thì cứ nói với tôi.

– Phiền ông mài sắc cho tôi một con dao rựa tra vào trong bao! Bảo thanh niên trai tráng vót sẵn cung tên tẩm độc, súng săn và cả lao móc nữa. – Đoạn, thầy quay sang phía đệ tử. – Thạnh, con đi theo trưởng thôn rồi cầm dao cho thầy!

– Dạ! – Thạnh lễ phép đáp lời, rồi ngoan ngoãn đi ra.

– Ngược lên rừng Nà Thượng, chúng ta không thể chậm trễ được. – Lang Trượng cứng rắn đáp. – Phải tìm được và phá cái dớp trong đêm nay thôi!

***

Khi cơn dông đột ngột kéo tới, mây đen trĩu nặng cả bầu trời, phủ kín phần đỉnh Pò Hạ. Men theo con suối nước độc, thầy trò Lang Trượng cùng năm thanh niên trai tráng của Nà Thượng đã bắt đầu lên đường.

Thạnh nắm chặt con dạo rựa đã mài sắc, tra vào bao, trong lòng không thôi lo lắng. Đi bên cạnh, hai anh em Thứ, Thất đang cố gắng kể lại cho Thạnh nghe về oan hồn của cô gái Thái bên bờ suối. Thạnh nghe xong thấy rùng hết mình mẩy, dù sao cậu chàng cũng chưa bao giờ thật sự nhìn thấy người cõi âm. Cùng lắm là nhìn thấy người bị ma nhập, trong nghi lễ trừ tà của thầy mà thôi.

Men gần nửa đường theo con suối nước độc, cả đoàn người quyết định rẽ vào một lối mòn. Đó là một lối tắt dẫn thẳng vào rừng sâu; vì từ nhỏ quen đi rừng cùng cha ông nên Lang Trượng nắm rõ địa đồ của vùng này như trong lòng bàn tay. Kinh nghiệm mấy chục năm ở chốn rừng thiêng nước độc này cho hay, dù rừng sâu có hiểm trở, nhiều oan hồn, ma quỷ trú ngụ nhưng chúng ta không có tâm địa xấu xa, thì sẽ chẳng thứ gì làm hại được cả. Đây cũng là tôn chỉ của Lang Trượng mỗi khi đem ra dạy dỗ học trò.

Con đường mòn dẫn họ đi thẳng vào một rừng lát, thứ gỗ có phát ra mùi thơm như muốn quyến rũ lòng người. Lang Trượng dặn tất cả mọi người trong đoàn không được làm tổn hại tới những thân cây. Trời tối om khiến họ phải sử dụng cả đèn pin và đuốc để chiếu sáng. Lang Trượng vừa đi vừa dùng cái gậy làm từ gỗ moi gõ gõ lên bất kỳ thân cây, phiến đá nào mà ông gặp ở dọc đường. Thảng hoặc ông dừng lại, vốc một nắm đất, quan sát, thậm chí còn đưa cả lên mũi để ngửi.

Băng qua khu rừng rậm, đoàn người dừng lại ở một khe đá nhỏ, suối ở đó giờ đã cạn khô. Lang Trượng nói đây là ranh giới giữa rừng Nà Hạ và Nà Thượng, sang bên kia chính là khu rừng thiêng của Nà Hạ – nơi truyền thuyết về con mãnh hổ của người dân tộc Mường đã được thêu dệt, mang màu sắc huyền bí, ghê rợn.

– Nếu thấy bất kỳ hiện tượng lạ nào xảy ra khi sang tới bên đó – Lang Trượng dặn dò trước khi đoàn người bước vào lãnh địa của ma trành – thì cũng đừng tin vào bất cứ lời dụ dỗ nào của chúng. Chúng là lũ ma trành đi theo con hổ dữ, chuyên dẫn dụ người tới chỗ hiểm nguy.

Nói rồi, họ tiếp tục lên đường. Bước qua khe ranh giới, họ men theo con đường nhỏ hoai mục, những tán cây dày phía trên che khuất, không còn một tia sáng nào có thể hy vọng lọt qua.

Thạnh vừa đi vừa cố không quan sát xung quanh, cắm cúi bước thẳng về phía trước, theo sát đoàn người. Nhưng không khí quá loãng, Thạnh bắt đầu cảm thấy hơi khó thở, tức ngực. Đây cũng là lần đầu tiên Thạnh đi sâu vào rừng Nà Thượng.

Đang đi, đột nhiên mắt Thạnh mờ nhòe. Nó nheo mắt, dụi dụi mấy lần, tới nỗi nước mắt cứ thế mà túa ra.

Thạnh không còn nhìn thấy mọi người nữa. Nó hoảng hốt, định la lên. Và khi ấy, nó nhìn về phía trước, những bụi cây chẳng hiểu từ đâu mọc ra, tự lúc nào đã bít kín lối đi.

“Cứu tôi với! Anh gì ơi! Cứu uuuuu… tôi iiiiii!”

Một giọng nói sắc lạnh, đột ngột vang lên bên tai Thạnh. Cơn ớn lạnh chạy dọc thân thể đang trở nên yếu ớt, như chực chờ đổ sụp xuống.

Theo phản xạ, Thạnh quay ngoắt về phía sau. Chỉ cách nó vài bước chân, có bóng dáng người con gái trong trang phục Thái, nhưng một bên váy đã rách tả tơi, để lộ phần đùi bị cào cho nát bấy, máu cứ thế tuôn chảy thành từng vệt dài xuống tận mắt cá chân. Một con mắt đã rơi ra khỏi tròng, một mảng da đầu lớn bong tróc, lộ nguyên phần sọ dừa trắng hếu.

Thạnh thụt lùi vài bước, vấp té, rồi ngã ngửa ra một cái hố nông ở đằng sau, lăn tròn vài vòng mới dừng lại. Đau điếng, ê ẩm cả người!

– Thạnh, Thạnh! Mày sao thế! – Giọng nói quen thuộc của Thất chợt vang lên bên tai.

Thạnh định thần lại, mở mắt, trời vẫn âm u nhưng không khí thì dễ chịu hơn lúc trước. Đứng đối diện, hai anh em Thứ, Thất nhìn Thạnh với gương mặt không khỏi lo lắng. Thạnh gượng dậy khi thấy thầy Lang Trượng đã từ từ tiến lại.

– Con đã nhìn thấy gì? – Lang Trượng hỏi, giọng không giấu sự lo lắng khi nhìn thấy gương mặt tái nhợt đi của Thạnh.

– Ở đằng đó… con… con… – Thạnh lắp bắp nói chẳng thành câu – nhìn… nhìn thấy một cô gái. Chính là… cô gái người Thái… đã bị mãnh hổ bắt đi.

– Đằng nào? – Thứ sốt ruột hỏi lại.

Thạnh chẳng nói chẳng rằng mà trỏ tay về phía bụi rậm nó đã thấy trước đó. Một lối đi đã bị bịt kín, bện lại chằng chịt như mạng nhện bởi những cây dây leo.

Lang Trượng không nói gì thêm mà cầm lấy con dao rựa bên cạnh Thạnh. Ông rút dao ra rồi tiến thẳng về phía đó, cứ thế dùng dao phạt ngang qua bụi rậm, chẳng mấy chốc, một lối đi đã hiện ra ngay trước mặt.

Đoạn, ông quay lại mấy thanh niên trai tráng Nà Thượng đang trong tư thế sẵn sàng cung tên, lao móc và cả súng săn. Khi ấy, trời cũng bắt đầu về chiều, không khí trở nên lạnh lẽo, âm u hơn.

Đoàn người tiến về phía lối đi, dẫn thẳng vào khu rừng đành hanh. Đi được một đoạn, họ bắt gặp một cái gùi, măng rơi vãi ra nền đất đã héo quắt tự lúc nào. Đi tiếp một đoạn thì tìm thấy một con dao nhọn chuyên dùng để lấy măng. Lang Trượng cầm dao lên, tần ngần, rồi nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm. Một hoạt cảnh lướt nhanh qua đầu ông, một cô gái Thái đang kêu cứu, một bà lão người Mường đang đứng đó, nhưng chỉ mỉm cười nhìn cô gái chịu đau đớn. Bà lão đó chính là người đã bị con mãnh hổ ăn thịt và biến thành ma trành, dẫn dụ cô gái tới cái dớp kia.

– Ở phía đó! Cái dớp chắc chắn ở phía đó! – Lang Trượng trỏ thẳng về phía vạt rừng thâm u, rậm rịt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.