Viên Xuân

Chương 18




Nhớ về hai chiếc đèn lồng đỏ lớn Tết năm ấy, mặt trời vừa đỏ vừa tròn treo trên đỉnh đèn lồng đỏ, trên trời một cái, dưới đất một đôi.

Nếu hỏi tôi bắt đầu động lòng với anh Xuân từ bao giờ, sau này tôi trăn trở rất nhiều năm, truy gốc đào rễ, hai chiếc đèn lồng đỏ ấy hẳn cũng là một trong những nguồn cơn tội lỗi.

— Nhật kí An Viên

Qua Tiểu niên, không khí Tết ngày một rõ rệt, ống khói nhà nào nhà nấy nghi ngút khói trắng từ sáng đến đêm, tiếng pháo hoa không ngơi nghỉ, hết nhà này đốt lại đến nhà kia đốt, đốt từ khi trời rạng cho đến khi trời tối, rồi từ khi trời tối cho đến khi trời rạng.

Trên đường, giấy pháo đỏ rải đầy trên những đống tuyết, tầng tầng lớp lớp đỏ phiêu lãng trong nền trắng. Trên đường cái, đám trẻ nghịch ngợm nhét đầy pháo vụn còn thừa sau khi đốt trong túi, một tay cầm đuốc, một tay cầm pháo, châm rồi thả, lẫn trong gió bấc là từng tiếng “lộp bộp”.

Ngày ngắn, song, mặt trời ban trưa vẫn cheo leo cao tít.

Ông nội Thẩm dán que trúc và giấy đỏ vào với nhau, làm thành hai cái đèn lồng đỏ lớn, đợi keo khô thì bảo Thẩm Hành Xuân treo lên cổng.

Thẩm Hành Xuân đứng trên ghế, An Viên đứng dưới, đỡ ghế và bắp chân của Thẩm Hành Xuân.

Thẩm Hành Xuân treo mỗi cái đèn lồng vào một bên cổng, treo xong còn nói:

“Trước đây nhà mình chưa treo đèn lồng đỏ bao giờ, bình thường trong thôn toàn là nhà nào có hỉ sự mới treo.”

An Viên ngước đầu nhìn đèn lồng đỏ, hỏi:

“Hỉ sự gì ạ?”

“Kiểu kết hôn hay đại loại thế.” Thẩm Hành Xuân nhảy khỏi ghế, đứng cạnh An Viên, cùng em ngước nhìn đèn lồng đỏ.

Gió bấc thổi, hai chùm tua rua màu vàng dưới đèn lồng đỏ đung đưa, mặt trời trên đỉnh đầu cũng đung đưa theo.

Đèn lồng đỏ lắc lư dữ dội, mặt trời cũng gác núi.

Ông bà đi ngủ rồi đèn căn phòng nhỏ vẫn sáng, An Viên và Thẩm Hành Xuân mỗi người ngồi một bên bàn, An Viên đang viết thư cho bố, Thẩm Hành Xuân vừa đọc sách vừa nhìn An Viên viết thư.

Thẩm Hành Xuân chốc chốc lại bắt chuyện với em:

“Lần này Tiểu Viên nhi viết gì cho bố đấy?”

“Sắp Tết rồi, em muốn chúc mừng năm mới bố.” An Viên viết xong đặt bút xuống, gấp gọn lá thư vừa viết bỏ vào phong bì, ngẩng đầu hỏi Thẩm Hành Xuân. “Liệu bố có thể nhận được thư em trước Tết không?”

Thẩm Hành Xuân đáp:

“Nhận được, ngày mai mình đi gửi thư.”

An Viên đặt ngay ngắn phong bì, rồi mở ba lô, lấy một quyển sổ bọc da đỏ ra, để mở trên bàn.

Thẩm Hành Xuân chỉ vào quyển sổ da đỏ, hỏi:

“Tiểu Viên nhi, đây là gì thế? Vở bài tập à?”

“Đây là sổ nhật kí của em.” An Viên nói.

Thẩm Hành Xuân tò mò hỏi:

“Nhóc con còn viết nhật kí cơ à?”

“Em vẫn luôn có thói quen viết nhật kí mà.” Sau khi An Viên mở nhật kí ra, tay phải cầm bút, tay trái khum vào, chắn bên cạnh sổ nhật kí, không cho Thẩm Hành Xuân xem.

Thẩm Hành Xuân cố tình dịch ghế sang cạnh em, khuỷu tay quệt vào cánh tay An Viên, mắt liếc về nhật kí của em.

An Viên lườm Thẩm Hành Xuân đang dí sát vào, rạp xuống quyển nhật kí, che kín bưng.

“Anh không được xem nhật kí của em.”

“Trong nhật kí viết cái gì đáng xấu hổ lắm hử?”

“Nhật kí của em không có gì đáng xấu hổ hết, nhưng nhật kí là riêng tư cá nhân, anh không được xem.” An Viên đáp bằng lời ngay lẽ thẳng. “Anh không được xâm phạm quyền riêng tư của em.”

Thẩm Hành Xuân không trêu em nữa, cười mấy tiếng, nói:

“Được, anh không xem nhật kí của em, em viết đi.”

An Viên thấy Thẩm Hành Xuân dịch ghế xa ra mới thẳng lưng, một lúc sau lại tự mình lên tiếng:

“Em viết về hai cái đèn lồng đỏ lớn ở cổng hôm nay, còn có điều ước sinh nhật của em nữa.”

Thẩm Hành Xuân giờ mới nhớ ra để hỏi em:

“Sinh nhật Tiểu Viên nhi là vào bao giờ?”

An Viên đáp:

“Em trước nay đều đón sinh nhật âm, 30 Tết, tên em cũng bắt nguồn từ đó, Viên trong ‘đoàn viên’.”

Thẩm Hành Xuân nói:

“Sinh nhật Tiểu Viên nhi vào 30 Tết à, ngày sinh này thật đẹp, ý nghĩa cũng đẹp, đoàn đoàn viên viên.”

An Viên cúi đầu, ngón tay miết vào bút mực, móng tay chốc chốc cậy vỏ bút, nói:

“Nhưng năm nay không có bố, lần trước chú cảnh sát kia bảo, chắc phải mất sáu, bảy năm, rất nhiều năm về sau em cũng không thể đón sinh nhật cùng bố, cũng không thể cùng nhau ăn Tết, đông hay xuân đều không có bố.”

Thẩm Hành Xuân vươn qua bàn vuốt tóc An Viên:

“Bất kể là sáu năm hay bảy năm, đông hay xuân, anh Xuân sẽ mãi ở bên em.”

Đó là câu đầu tiên liên quan đến lời của Thẩm Hành Xuân mà An Viên viết trong nhật kí.

Anh Xuân nói bất kể đông hay xuân đều sẽ luôn ở bên tôi.

Hôm sau là 26 Âm, chú Lí dạo trước đưa họ đến đồn cảnh sát tới gọi Thẩm Hành Xuân đi lên trấn sắm đồ Tết, Thẩm Hành Xuân dắt cả An Viên theo.

Bà nội đưa tiền mua đồ Tết cho Thẩm Hành Xuân, rồi đưa cho cậu một tờ danh sách đồ Tết.

“Đại Xuân, con với Tiểu Viên nhi mỗi đứa mua một bộ quần áo mới giày mới nhé, đồ bên trong bên ngoài, mấy thứ rau dưa củ quả khác con cứ liệu mà mua, mua một ít đồ vặt, mứt, hoa quả khô, lê, hồng ướp lạnh thì mua nhiều vào, còn câu đối Tết nữa, viết cả trên này rồi, con cứ dựa theo danh sách mà mua.”

Thẩm Hành Xuân đút tờ giấy vào túi.

“Bà với ông còn muốn mua gì nữa không ạ?”

“Bà với ông con không thiếu đồ, hôm Tiểu niên bố mẹ con về đã mua không ít đồ cho ông bà rồi, con với Tiểu Viên nhi mua nhiều vào.”

Thẩm Hành Xuân nhìn tiền bà đưa cậu, lại cầm một nửa nhét trả bà.

“Bà ơi, con cũng có tiền mà.”

Bà nội vẫn nhét tiền vào túi Thẩm Hành Xuân.

“Tiền con tự kiếm thì con cứ giữ lấy, về sau ra ngoài lên đại học còn có mà tiêu, đừng dùng tiền của con.”

An Viên đứng bên cạnh, cũng vỗ túi bên trong áo.

“Bà ơi, con cũng có.”

Bà nội xoa đầu em, tươi cười bảo:

“Tiểu Viên nhi cũng giữ lấy, ông bà không thiếu tiền, nhà mình cũng coi như hộ lớn trong thôn rồi, con không biết, nhà mình nhiều đất lắm, đều cho thuê hết rồi, đủ nuôi hai đứa.”

Hai đứa trẻ lên xe xong thì phát hiện vẫn không đủ chỗ, cả hai bèn làm như lần trước, Thẩm Hành Xuân ôm An Viên ngồi trên đùi mình.

Sau khi tới trấn, chú Lí dừng xe trước cửa tiệm, dặn dò thời gian về vào buổi chiều, người trong xe đều tách ra đi mua đồ.

Thẩm Hành Xuân đưa An Viên đi gửi thư trước, sau đó đưa em vào tiệm làm tóc, tóc An Viên dài quá rồi, còn không cắt nữa chắc lấy bện thừng được luôn.

Tiệm làm tóc đông người, An Viên đợi hơn nửa tiếng đồng hồ mới đến lượt, hai đứa không ngờ rằng, tới phiên An Viên, thợ cắt tóc không thèm hỏi An Viên muốn để kiểu đầu gì đã cầm tông đơ cạo thẳng từ gáy lên.

Cuối năm, tiệm làm tóc bận rộn, tiệm nào cũng đầy ắp khách, thợ cắt cứ mười phút xong một đầu, nam đến cắt thì để đầu đinh hết, thợ cắt cũng chẳng hỏi, hỏi còn chậm trễ thì giờ, đằng sau còn một đống người đang chờ nữa.

Thường ngày Thẩm Hành Xuân toàn tự cạo ở nhà bằng tông đơ, cậu lớn ngần này rồi, trước nay đều để đầu đinh, chưa vào tiệm làm tóc bao giờ.

Khi An Viên giơ tay che đầu thợ cắt đã cạo sạch phần tóc ở sau đầu em rồi, em ngồi trên ghế trước cửa, khách khứa bên ngoài vừa đẩy cửa bước vào, gió rét thổi khiến da đầu phía sau em lạnh toát.

An Viên sờ chân tóc châm chích sau đầu, nhìn số tóc bị cạo dưới chân, mặt sắp xanh lét tới nơi.

“Em còn chưa nói muốn để kiểu tóc nào, sao đã cạo luôn của em rồi?”

Thẩm Hành Xuân ngồi trên ghế, nghe câu nói lạc giọng ấy của An Viên, đi đến cạnh em, lúc nhìn thấy tóc em liền hít một ngụm khí lạnh, đưa tay sờ sờ sau đầu em.

“Đã cạo luôn cho thằng bé rồi ạ?”

Thợ cắt vẫn cầm tông đơ trong tay.

“Nam đều để đầu đinh hết, tệ rưỡi một đầu, cũng không cắt được kiểu gì khác đâu, Tết nhất bận quá, chỗ tôi mười giờ tối mới đóng được cửa đây này.”

An Viên vẫn đang che đầu, Thẩm Hành Xuân khom gối cạnh em, bỏ mũ trên đầu mình xuống, cầm tay em đặt lên đầu mình.

“Tiểu Viên nhi, anh Xuân cũng để đầu đinh, cạo rồi thì thôi, Tết năm nay đành giống anh Xuân vậy, ra Tết lập xuân lại nuôi dài, được không nào?”

Thẩm Hành Xuân mới cạo đầu hai hôm trước, tóc cậu rất ngắn rất cứng, lòng bàn tay An Viên bị chích phát ngứa, nhanh chóng thu tay về, im lặng một lúc, coi như đã đồng ý.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.