Trời phật phù hộ nên mẹ Mây chỉ bị choáng, ba Hải cũng qua cơn nguy kịch. Bác Đăng mừng mừng tủi tủi như nàng dâu nhỏ mấy năm mới được về thăm nhà, bác Vân thấy thương nên tới gần vỗ về.
-“Ba sẽ khoẻ thôi mà, mình phải phấn chấn lên chứ.”
Có người động viên thế mà người kia tâm trạng mãi chẳng khá khẩm lên, mẹ Mây ngoa ngoắt chỉ trích không ngừng làm bác càng não nề, quay sang ôm vợ khóc rưng rức.
-“Ba mà làm sao thì tội anh nặng lắm, kiếp này chắc trả không hết à.”
-“Không sao cả, Vân sẽ trả cùng Đăng.”
Chị Vân quả quyết khẳng định, anh Đăng sụt sịt hỏi.
-“Đăng khốn nạn quá rồi phải không Vân?”
-“Không, không phải thế đâu, Đăng phải suy nghĩ tích cực lên chứ. Thực ra Đăng lông bông nhưng được cái kiếm tiền giỏi, biết kinh doanh và thoáng tính. Nói chung suy cho cùng thì Đăng cũng khốn nạn bình thường thôi chứ không đến mức khốn nạn quá.”
Anh Hậu nghe chị dâu nịnh chồng mà choáng hết cả người, chẳng rõ là an ủi hay đá đểu nữa? Mẹ Mây ghét mùi thuốc trong bệnh viện nên lái xe của bác Đăng đưa mẹ về nhà, bác Vân lúc này mới quay sang bảo vợ chồng chú Hậu.
-“Tôi bảo ông tài chở Khôi Hến Sò về nhà chị rồi, có cái Na cái Nết chăm hai đứa yên tâm. Giờ có khi chú thím về nghỉ ngơi đi, tầm mười một rưỡi vào thay ca cho anh chị.”
Vợ chồng nhà Hậu Hà nghe hợp lý nên cũng gật đầu đồng tình. Ba Hến đèo mẹ Sò tới Royal thì không dừng thả người mà lại lao thẳng xuống tầng hầm đậu xe, sau đó thì vô thức bấm thang máy mở cửa vào nhà, chọn một góc sofa ngồi bần thần.
Chị biết tâm trạng anh rất tệ. Ban nãy chồng tỏ ra bình tĩnh bởi vì bác Đăng đã rối rồi nếu anh không mạnh mẽ thì cả nhà sẽ loạn mất.
Anh thương ba Hải nhiều như thế nào, chị sao lại không rõ? Từ ngày về làm dâu chị chưa từng thấy anh cãi ba nửa lời, cái gì cũng nhất nhất nghe theo. Nói đi cũng phải nói lại, bởi vì ông nội Hến Sò là người quá tuyệt vời nên các con mới yêu quý ông như vậy.
Ngay cả chị đây, từ lúc ba vào cấp cứu lòng bồn chồn không yên à. Chẳng biết động viên ba Hến như nào cho phải nên mẹ Sò đành vào bếp nấu bát miến gà rồi cẩn thận bê ra cho chồng.
Anh Hậu bụng đoi đói rồi nên chẳng từ chối. Cầm đôi đũa mới thấy phục con gái, chính xác trong bát miến có thịt gà xé, giò, nấm hương, hành và rau mùi, ớt tiêu gia vị thì bày sẵn ở cái bát nhỏ bên ngoài.
Trước giờ ăn ngon ngon nhưng cũng không để ý trong đó có gì. Lâu lắm mới được ăn đồ bà xã nấu, húp thìa nước mà ấm cả bụng.
-“Cảm ơn mình…mình không ăn à?”
Chị Hà cười bảo em không đói, mình ăn đi rồi nghỉ. Bình thường thì trong khoản ăn uống anh Hậu rất tôn trọng ý kiến của bà xã, chỉ có điều nghĩ chị bị dạ dày cứ bỏ bữa như thế thì làm sao mà khỏi được nên anh không cho tiêu ớt vào nữa, đoạn gắp gắp bảo vợ ăn cùng cho vui.
Mẹ Sò ngại, ba Hến thắc mắc mình chê mồm anh thối à mà không dám dùng chung đũa, chẳng biết trả lời như nào nên chị đành phải ăn. Xong xuôi anh Hậu nhớ ra mình nhầm nhà rồi nhưng mười một rưỡi phải vào viện đâm ra ngại về, cứ thế đặt lưng ngủ luôn ở sofa.
Chị Hà thấy chồng nằm co quắp tội quá liền lấy chăn lấy gối mang ra cho mà thế nào anh hôm nay chẳng khác gì con gái cả, chăn thì hất tung toé xuống đất, gối cũng chẳng chịu nằm mà lại cứ lần lần mò mò rúc đầu vào trong lòng bà xã.
Có lẽ anh Hậu bị căng thẳng, khoé mắt anh ươn ướt, chị nghe anh nói mơ cái gì mà chuẩn bị đồ lễ cúng ba rồi mua lươn nấu chuối đặt trên bàn thờ, một lát lại siết chị chặt thật chặt. Vợ xót chồng nên chẳng dám cựa nhiều, chỉ đơn giản là ngồi ngắm anh.
Giá kể có thể ghét người ta đi một chút thì tốt biết mấy. Chuyện này mà mang lên diễn đàn tâm sự chắc chị bị các mẹ chửi te tua cho mất thôi. Chính chị cũng biết bản thân mình ngu ngốc cố chấp, khổ nỗi có những chuyện lý trí bảo mà trái tim lại không nghe.
Ở đâu đó có viết chỉ cần chứng kiến người mình yêu hạnh phúc thì cũng đủ mãn nguyện rồi. Quả thật chị có chút mừng cho chồng vì được ở bên người anh thương, nhưng bản thân chị lại không thể cười một cách trọn vẹn được.
Ngôi nhà vắng bóng anh rộng rãi đến phát sợ, những cử chỉ yêu thương săn sóc anh dành cho người cũ như những vết dao cứa dần cứa mòn tim gan chị. Quyết định buông tay tưởng rằng tình cảm sẽ vơi dần, nào đâu ngờ thương nhớ vẫn đong đầy như cũ.
Tính tới thời điểm hiện tại khá khẩm hơn chắc chỉ là anh không còn gia trưởng áp đặt như trước, chị cũng không tự cho mình cái quyền ghen tuông của một bà vợ, cuộc sống nhẹ nhàng dễ thở hơn.
Nhưng trống rỗng.
Thỉnh thoảng tối muộn máy báo có tin nhắn của chồng, chị đọc đi đọc lại tới chục lần, muốn lắm hỏi anh nhiều thật nhiều thứ, rằng xa em như vậy mình có từng nhớ? Rằng sống với nhau gần bảy năm trời, mình ra đi có cảm thấy lưu luyến không?
Soạn soạn rồi mà lại chẳng dám gửi, đêm đêm trằn trọc một mình trên chiếc giường rộng lớn, nước mắt ướt đẫm cả gối, đau đớn xót xa liệu có ai thấu?
-“Mình ơi anh đau đầu quá…mình đâu rồi…à…à quên…chuyển nhà rồi…có mình ở đây thì tốt…”
Ba Hến nói ngắt quãng hổn hển lắm, chị nghe anh gọi tên chị hoài à. Dẫu chỉ là trong mơ thôi nhưng cũng thấy ấm lòng lắm, mẹ Sò đưa tay nhẹ nhàng day day hai bên thái dương của chồng, anh hình như thư giãn hơn thì phải, chân tay không co quắp với đạp linh tinh nữa, hơi thở cũng ổn định hơn.
Tối hôm đó, có người đã bạo gan thơm nhẹ lên trán ông xã, cứ đinh ninh rằng trời không biết đất chẳng hay. Tiếc rằng chồng chị thực ra tỉnh giấc từ rất lâu rồi.
Ban đầu anh cố tình nằm thêm vì thấy thoải mái, sau thì lại phải giả bộ ngủ say để tránh ngại ngùng cho đôi bên. Cái cảm xúc lúc ấy nó lạ kì lắm, có chút gì đó mê đắm ngọt ngào, có chút gì đó bồng bềnh nhẹ nhõm, mọi muộn phiền lo lắng bỗng chốc trở thành hư không.
Ba Hến lười biếng ngủ thêm nửa tiếng nữa, tới lúc dậy thấy sảng khoái hơn nhiều, nhớ tới cái chuyện ngượng ngùng ban nãy thì lại chẳng rõ có thật hay không nữa? Ông xã bảo bà xã cứ ở nhà nghỉ đi nhưng chị ngỏ ý muốn vào cùng thành ra anh cũng chẳng cản.
Bác Vân kể lại ông Hải tỉnh một lần rồi nhưng được vài phút lại hôn mê, bác Đăng không an tâm liền dặn dò thêm.
-“Anh chuyển ba tới phòng chăm sóc đặc biệt rồi, cũng nhờ họ kê thêm cái giường nhỏ nữa, không được thoải mái như ở nhà nhưng chú thím chịu khó nghỉ luôn ở đấy chứ đừng xuống phòng cho người nhà, chỉ sợ đêm hôm ba làm sao thì chết, có gì nhớ gọi cho bọn anh.”
Vợ chồng Hậu Hà ngoan ngoãn gật đầu, tiễn anh chị về rồi cũng vội vã trở vào với ba Hải, mặt ba hốc hác tiều tuỵ nhìn thương quá.
Ba Hến mẹ Sò ngồi ở giường đối diện, đêm hôm khuya khoắt chẳng có việc gì làm nên đành trò chuyện.
-“Nhà anh trước kia chẳng khá giả gì rồi mà mẹ còn tính tiêu hoang thành ra cứ nợ nần chồng chất. Ba anh khổ lắm, hồi xưa còn nhiều ao với mương ấy, mùa đông rét căm căm mà vẫn dậy từ bốn giờ sáng đi đánh giậm.”
Vợ thấy chồng chia sẻ thì cũng mở lòng tâm sự.
-“Ngày nhỏ ông ngoại em cũng hay kể chuyện đánh giậm lắm, ông còn dẫn em về quê cho tập bắt cua cơ. Ông em dậy em nhiều thứ lắm, ông thương em nhất nhà, ngày trước ba mẹ bận dạy học em ở với ông bà, bọn con trai cứ đến chơi là ông lại bảo đứa nào tán được cái Hà nhà ông là mai sau sướng lắm đó.”
Chị Hà hơi lỡ lời nên ngượng, anh Hậu xoa đầu chị rồi bảo.
-“Có gì phải xấu hổ, mình biết chăm sóc người khác thì lấy được mình tất nhiên là sướng rồi, có điều ngày trước mình chẳng kể làm anh không biết mình thân với ông ngoại như vậy, hôm nào rảnh anh sẽ về thăm ông.”
Vợ nói đông chồng nói tây biết bao nhiêu là chuyện, nói nhiều tới mức mà ông Hải đang hôn mê cũng phải bừng tỉnh quát nạt.
-“Hai đứa bay đêm hôm khuya khoắt rồi mà vô ý thức, cứ hót như sáo làm ba nhức hết cả đầu, cẩn thận không mẹ Mây lại thức giấc.”
Ba nói được câu đó xong lại thiêm thiếp mất. Con trai con dâu gọi bác sĩ thì ông ấy bảo chắc ba bị mê sảng thôi, nhưng nhận thức được như thế là mừng rồi. Anh Hậu phấn khởi hết cả người, ôm chị Hà quay mấy vòng lận, hai anh chị già khắm khú rồi mà tự dưng nhìn nhau cười rôm rôm rả rả như trẻ con cấp một vậy đó.
Mấy ngày sau đó mọi thứ dần đi vào quỹ đạo, anh Hậu anh Đăng bận việc nên trực ca tối, ban ngày thì bà Mây với bốn chị Thơm Vân Thắm Hà chia nhau ra chăm sóc ông, ba đứa nhóc Hến Sò Cún cũng vào thường xuyên lắm. Đúng là có ốm đau mới biết được lợi ích của nhà đông con.
Chị Liên nhận được tin ba Hải nhập viện thì buồn không tả nổi, ngẫm nghĩ dù gì phận con cháu cũng nên tới thăm cho phải đạo. Chị chán nản rẽ qua siêu thị mua cân đường hộp sữa rồi vào viện.
Đã bực bội thì chớ lại còn gặp chị Hà đang lững thững xách cái âu cháo chứ, ức phát hoả luôn. Mẹ Bi điên tiết chạy tới giật đồ, mẹ Sò theo phản xạ giữ lại, giằng co một hồi thành ra chiếc âu vỡ choang, nước cháo nóng bắn tung toé lên chân hai mẹ.
-“Chị nói Hà nghe này, em có tận tuỵ bao nhiêu đi chăng nữa thì anh Hậu cũng không bao giờ yêu em đâu. Cái ngữ đàn bà dùng khổ nhục lợi dụng lấy lòng một ông già sắp chết thì tương lai chẳng bao giờ ra gì đâu em ạ.”
Chị Hà còn chưa kịp nói gì thì bác Đăng đã từ đâu xông tới giáng hai phát tát liên tiếp lên mặt chị Liên. Vậy rồi mà bác còn chưa hạ hoả, cáu gắt ầm ĩ hết cả lên.
-“Con cờ hó, mày bảo ai là ông già sắp chết hả? Tao hàng ngày chạy chữa lo nơm nớp mà mày dám lộng ngôn rủa ba tao thế à? Cờ mờ đờ cái con khốn nạn, tao xé xác mày…”
Cũng may có anh Hậu với chị Vân chạy ra chứ mình chị Hà chắc không cản nổi bác Đăng. Ba Khôi bực bội bỏ vào với ông Hải, chị Liên theo anh Hậu còn chị Hà đi với chị Vân.
Chị em dâu thôi mà nhiều lúc mẹ Sò cứ nghĩ là ruột thịt ấy, nhìn bác cúi xuống trườm đá lên vết bỏng ở mu bàn chân cho mình mà chị cảm động quá.
-“Không sao đâu bác, bắn có tý cháo ấy mà.”
-“Điên, tôi điên thay thím luôn. Anh em nhà ông Đăng đúng là giống nhau, yêu vào mờ cả mắt chẳng phân biệt nổi tốt xấu.”
Chị Hà cười cười hỏi bác.
-“Chuyện hai bác tới đâu rồi ạ?”
-“Tới đâu được nữa, giờ ba bệnh thế có mười lá gan lão Đăng cũng không dám quẫy. Cái con Huệ đó, chẳng được cái nước gì sất, mông ngực còn kém cả con Hương cơ mà lão cứ suốt ngày quấn lấy mới lạ chứ, chưa khi nào tôi thấy lão bám con nào dai như con này. Mà thím thấy dạo gần đây anh chồng thím hơi hâm không? Vụ đánh con Liên cũng thế, trước nay có bao giờ động tay động chấn với đàn bà đâu. Tôi nghi lão bị chơi ngải thím ạ.”
Mẹ Sò sốt sắng hỏi han, chẳng ngờ được bác vẫn có thể cười rất sảng khoái.
-“Ôi dào thím lo làm quái gì. Ngu thì cho chết, cả cái đứa nào chơi lão nữa, rồi có ngày bị ngải quật chắc nhục lắm đó. Chuyện của thím sao rồi?”
Chị Hà thật thà kể lại toàn bộ sự việc, bác Vân nghe rồi khuyên nhủ.
-“Thôi thôi chịu thêm thời gian nữa đi, chứ chú thím mà công bố tin sốc chẳng khác nào giết ba đâu.”
-“Vâng, chắc phải thế bác ạ.”
-“Thế thím đã hẹn hò với thầy giáo cũ được buổi nào chưa?”
Thấy em dâu chần chừ rồi thái độ là lạ tự dưng bác Vân giật nảy cả mình, hốt hoảng hỏi mẹ Sò.
-“Đừng nói với tôi thím còn yêu chú nhé? Còn yêu thật hả?”
-“Em…cái đó…”
-“Ôi dồi ôi thím dại quá là dại, còn trẻ còn son thiếu gì trai đẹp đâu mà cố chấp làm gì để ôm khổ ôm nhục vào người. Thím không nhìn cái gương tôi mà học tập đi này, trẻ không dứt được giờ già bố nó mất rồi mới thấy tiếc.”
Bác thương nên mắng thế thôi, mà thực lòng cũng biết chuyện tình cảm khó nói nên chẳng cố gượng ép thím ấy làm gì cả. Trong khi đó ở ghế đá dưới gốc cây bưởi ba Hến thoa thuốc cho mẹ Bi xong thì thay mặt anh trai mình ngỏ lời xin lỗi chị.
-“Thôi không sao, thực ra sự việc cũng chẳng có gì, chỉ là mẹ Sò ton hót đặt điều vu khống nên bác Đăng bác Vân mới hiểu nhầm em.”
Chị cao thượng không chấp nhặt khiến anh cảm động vô cùng.
-“Thực ra vợ anh hơi ích kỷ một chút chứ cũng không phải người xấu đâu em à. Chắc ngay từ đầu đã không có thiện cảm với em nên mới vậy. Với lại giờ Hà đang thân với chị Vân mà có sự xuất hiện của em cô ấy lo lắng cũng là tâm lý bình thường của phụ nữ mà.”
Vợ anh?
Mẹ Bi đến bốc hoả bởi cái tật quen chưa sửa được của anh Hậu mất, chị cố nuốt cơn tức xuống rồi bình tĩnh bảo.
-“Rồi, vì anh nên em sẽ quân tử không chấp nó nữa, giờ mình vào thưa với ba chuyện hai đứa rồi nói luôn anh và Hà sẽ ly hôn cho dứt điểm đi.”
Ai đó đề nghị mà anh kiên quyết phản đối hại chị choáng váng không tả nổi.
-“Thần kinh anh có vấn đề không vậy? Sao hôn nhân của các người cứ lằng nhằng lan man mãi không dứt được thế? Suốt từ đời thuở nào rồi mà có mỗi cái tờ đơn cũng không nộp được, nói đùa cuộc sống nhạt nhẽo thế cứ kéo dài được cái tích sự gì đâu? Em ngoài cuộc cũng mệt mỏi theo đây này.”
-“Thế giờ em bảo anh phải làm sao? Có phải như ở phương Tây hay trai trẻ yêu đương mười tám đôi mươi nói chia tay là xong luôn đâu? Bên dưới hai con nhỏ còn ngây dại, bề trên thì ba đang ốm vẫn chưa được xuất viện. Gia đình anh và nhà mẹ Sò lại đều cổ hủ như nhau, cưới rồi chuyện nó đâu còn là của hai người nữa.”
-“Gớm hôn nhân của ba Hến mẹ Sò mà viết thành tiểu thuyết chắc người đọc phát điên lên mất, có khi tác giả cũng gom được cả rổ đá gạch về xây nhà ý chứ. Tại đợi chờ mòn mỏi hết chap này qua chap khác mà nam chính nữ phụ cứ dây dưa nhì nhèo mãi chẳng dứt điểm được, gây bao nhiêu đau thương cho nữ chính.”
Ba Hến nghe mẹ Bi ví von chỉ biết thở dài. Chị biết anh thương ba lắm nên vụ gửi đơn chắc tới mùa quýt mất, có lẽ phải bàn hướng khác.
-“Hay là em và Bi chuyển tới ở cùng anh nhé. Anh ở một mình em nghĩ tội lắm, em muốn chăm sóc anh. Chúng ta cứ giấu thôi, đợi khi nào ba anh khoẻ thì thưa chuyện.”
Có người trầm ngâm một hồi, nói chung sớm muộn gì thì chị Hà và anh sẽ phải đi bước nữa. Anh giờ già rồi cũng chẳng ham hố yêu đương tìm hiểu người mới làm gì, có lẽ chị Liên là lựa chọn hợp lý nhất rồi.
-“Ừ, vậy đi. Mai anh sẽ thuê xe chở đồ của hai mẹ con sang, chịu khó ở chật một chút tới khi nào anh mua được nhà to hơn.”
-“Không sao, vật chất tiền bạc không quan trọng, tình người mới là cái cốt lõi. Thôi em về đây.”
Chị Liên ấy, mãi vẫn như vậy. Ăn nói bỗ bã nhưng cái tâm tốt lắm, sống ngay thẳng vì người khác chưa từng vụ lợi gì cho bản thân cả. Anh Hậu trìu mến tiễn chị rồi quay vào phòng bệnh với ba, suốt bao nhiêu hôm rồi mà ông Hải vẫn chưa thèm nhìn mặt con trai trưởng.
-“Ba ơi con biết lỗi rồi mà. Xin ba đấy, con bỏ em Huệ rồi.”
-“Gớm tin anh chắc đổ thóc giống ra mà ăn.”
Ba Cún đi tới gần hơn thề thề thốt thốt. Năn nỉ mỏi hết cả miệng ba anh mới thèm quay ra phán câu xanh rờn.
-“Được, anh có lòng thì tôi cũng có dạ vậy. Từ giờ lắp cái máy quay ở trước cổng nhà anh ấy, đêm nào dám không về nhà là tôi biết liền à. Cũng đừng bao giờ nghĩ tới việc dùng công nghệ với tiểu xảo qua mặt ông già này nhé, thỉnh thoảng tôi sẽ gọi điện bất chợt cho con Vân hoặc thằng Khôi rồi bảo nó đưa máy cho anh, không có mặt thì đừng trách tôi ác.”
Bác Đăng thấy ấm ức lắm nhưng vẫn phải vâng vâng dạ dạ đồng ý, thôi thì không chơi đêm thì chơi ngày vậy. Bác Vân yên lặng từ nãy mà đột nhiên lại ý kiến.
-“Ba, sao lắp riêng nhà con? Phải lắp cả nhà chú Hậu nữa.”