Tuổi Kết Hôn Hợp Pháp - Tô Nhị Lưỡng

Chương 27: Kiếm Tiền




(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); Editor: Gấu Gầy

Còn ba ngày nữa là đến Tết, thị trấn càng thêm náo nhiệt.

Không biết vì sao, bây giờ càng xa trung tâm phồn hoa, không khí Tết lại càng đậm đà. Thành phố rực rỡ đèn hoa nhưng không sưởi ấm được lòng người, nơi phố xá nghèo nàn lại tràn ngập sự mong chờ và hy vọng. Người ta dùng những món đồ Tết đủ màu sắc để thỏa mãn mong muốn của mình, dùng niềm vui được khuếch đại để xua tan nỗi vất vả và cay đắng của năm cũ, dùng một khởi đầu nồng nhiệt để chào đón một năm mới bội thu và sung túc.

Nói cho cùng, có mong muốn có khát khao thì mới có không khí Tết.

Dạo này Tần Kiến bận rộn tối mặt tối mũi. Tuy mất đi một nghề kiếm "tiền nhanh", nhưng vì đầu óc lanh lợi lại chịu khó, cậu nhanh chóng tìm được một cách kiếm tiền khác.

Cận Tết, Tân Thành bước vào mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có rất nhiều khách du lịch đổ về thành phố này, ngành dịch vụ ăn uống lưu trú dĩ nhiên trở nên khan hiếm, chính là lúc có thể kiếm lời.

Tần Kiến đứng ở ga tàu hỏa, giúp các nhà nghỉ nhỏ tìm khách, mỗi người mười tệ. Đây là cơ hội kinh doanh mà cậu học hỏi từ cô của Hiểu Hiểu khi đến thăm cô bé mấy ngày trước.

Hôm đó, cậu dạo chợ cả buổi chiều, chịu đựng sự ồn ào và chen chúc, kiên nhẫn chọn mua một chiếc áo khoác bông màu hồng. Không biết vì lý do gì, cậu chợt nhớ đến người phụ nữ từng nói trong một dịp náo nhiệt như thế này: "Tết đến mặc đồ mới, trẻ con ngày Tết phải ăn mặc thật đẹp."

Quần áo ở chợ không đắt, nhưng giá gần trăm tệ đối với Tần Kiến mà nói cũng là một khoản tiền không nhỏ. Cậu không biết mặc cả, bèn khoanh tay ngồi xổm bên cạnh quầy hàng không chịu đi. Khi cậu bắt được tên trộm thứ ba định thừa lúc hỗn loạn trộm đồ, chủ quầy hàng cuối cùng cũng động lòng, bán chiếc áo khoác bông cho Tần Kiến với giá giảm một nửa.

Hiểu Hiểu mặc áo mới vào trông rất xinh, như nàng công chúa nhỏ trong tranh, hồng hào, mềm mại khiến người ta nhìn mà thấy vui. Cô bé thích mê, liên tục vuốt ve chú gấu nhỏ thêu trên áo: "Đẹp hơn cả áo cô mua cho chị."

"Dạo này có ăn no không?" Tần Kiến hỏi.

Cô bé gật đầu: "Dạo này cô kiếm được nhiều tiền, bữa nào nhà cũng có thêm một món, thỉnh thoảng còn được ăn thịt nữa. Mỗi lần dượng ăn xong là em được ăn thịt trong dĩa, no lắm, anh đừng lo cho em."

"Kiếm tiền?" Cậu nhóc rất nhạy cảm với chữ "tiền", "Cô ta vẫn đang tìm khách trọ ở ga tàu hoả à?"

"Vâng, cô nói dạo này khách du lịch nhiều, toàn người có tiền lại dễ dụ."

Cậu nhóc vỗ nhẹ vào bím tóc của cô bé: "Đừng học theo lời cô ấy, khó nghe lắm."

Nhưng ngay sau đó, trong đôi mắt xếch của Tần Kiến lóe lên tia sáng. Cậu suy nghĩ một lúc, đưa Hiểu Hiểu về nhà rồi đến ga tàu hỏa.

Lượng khách qua lại ở nhà ga quả thực đông hơn ngày thường, người tìm khách trọ cũng nhiều. Mỗi khi cửa ra vào mở ra, những người này lại như châu chấu ào ào xông lên, vây quanh một người nào đó, nói huyên thuyên hoặc kéo kéo, cho đến khi người đó tỏ vẻ khó chịu hoặc lên tiếng quát mắng, họ mới bĩu môi kinh thường bỏ đi.

Kiểu làm ăn này mười lần chỉ thành công hai ba lần, nhưng tính ra một ngày thu nhập cũng khá.

Tần Kiến quan sát hơn một tiếng đồng hồ, nắm được cách thức tìm khách trọ, rồi quay sang nhà ga lớn nhất thành phố.

Cậu đi dạo quanh các nhà nghỉ nhỏ gần ga tàu, giả làm khách trọ để tìm hiểu điều kiện ăn ở và tình hình phòng ốc, rồi ngồi xổm trong một con hẻm khuất gió suy nghĩ hồi lâu, đến khi người cứng đờ cả lại mới vỗ đùi đứng dậy.

Cậu đến cửa hàng tạp hóa ở đầu ngõ gọi điện cho Phương Phi và Lưu Tường, ba đứa hẹn gặp nhau ở nhà Phương Phi.

"Thế này được không? Có... phạm pháp không?" Lưu Tường gãi đầu, vẻ mặt hoang mang nhìn chậu nước được pha màu hồng.

"Phạm pháp cái gì, tụi mình làm bóng nước đá... hạt nước đá, nước đá..."

"Đồ thủ công mỹ nghệ bằng nước đá." Phương Phi tao nhã nói tiếp lời Tần Kiến.

"Đúng, tụi mình làm đồ thủ công mỹ nghệ, hơn nữa tụi mình cũng không bán, mà là tặng cho những du khách vừa xuống tàu đang tìm chỗ trọ, phạm pháp cái gì!"

"Không phạm pháp thì được." Lưu Tường vỗ ngực, "Mẹ tôi đón tôi từ đồn công an về khóc cả đêm, hôm sau khản cả giọng."

Trên khuôn mặt thường ngày lạnh lùng của Tần Kiến thoáng qua vẻ áy náy, cậu quay mặt đi im lặng một lúc rồi mới nói: "Sau này tụi mình không làm những chuyện đó nữa, tụi mình kiếm tiền một cách đàng hoàng." Cậu đá Lưu Tường tròn vo một cái, bảo cậu ta nhường chỗ, rồi ngồi xổm xuống trước chậu nước, "Màu này đẹp không?"

Phương Phi gật đầu: "Đẹp, nhưng tôi thấy đông thành bóng nước đá hơi đơn điệu." Lông mi cậu ta chớp chớp, bỗng nhiên mắt sáng lên, "Đúng rồi, hoa hồng! Hai cậu đợi chút."

Nói xong, thân hình nhỏ nhắn như chim én bay ra ngoài.

Nơi này là nhà kho phía sau nhà Phương Phi, bây giờ đã trở thành căn cứ bí mật của ba đứa.

Bố của Phương Phi, Phương Thư Ngọc, vì để mở lớp dạy thêm và lớp học phụ đạo đã thuê một căn nhà cấp bốn trong trấn. Căn nhà chỉ có nước máy, không có hệ thống sưởi, ưu điểm duy nhất là rất gần trường cấp hai trong trấn.

Vừa bước vào cửa là một hành lang, nối liền hai căn phòng bên trái và bên phải, phòng lớn làm lớp học, phòng nhỏ hai bố con ở, đồ đạc không nhiều nhưng cũng đủ dùng. Phía sau căn nhà còn có một nhà kho, chủ nhà cũ dùng để chứa củi, bây giờ Phương Thư Ngọc dùng than đá để sưởi ấm cho sạch sẽ nên nhà kho bỏ không.

Dù là nhà kho không dùng đến, Phương Thư Ngọc vẫn dọn dẹp sạch sẽ, biết mấy đứa nhỏ thường tụ tập ở đây nên ông ta còn đặt mấy chiếc ghế có đệm bông.

Một lúc sau, Phương Phi chạy về, tay cầm một chiếc hộp xinh xắn. Cậu ta giơ chiếc hộp lên trước mặt Tần Kiến và Lưu Tường rồi từ từ mở ra.

Đó là một bông hồng vàng óng ánh, mỗi góc cạnh đều phản chiếu ánh sáng chói lọi, vô cùng xinh đẹp và quý giá, Lưu Tường chớp mắt hỏi: "Phương Phi, ý cậu là gì? Chẳng lẽ chúng ta định tặng hoa hồng kiểu này cho khách xuống tàu à? Một bông này phải... mấy trăm tệ đấy, Phương Phi, cậu bị sao vậy?"

Tần Kiến cũng đang đợi câu trả lời của Phương Phi, chỉ thấy cậu ta lấy bông hồng vàng ra khỏi hộp, rồi hất hàm về phía chiếc hộp: "Hộp sắt hình hoa hồng, có thể làm khuôn."

Lưu Tường vẫn chưa hiểu gì, Tần Kiến lại cầm lấy chiếc hộp, quan sát kỹ lưỡng: "Được đấy Phương Phi, dùng cái này chúng ta có thể làm ra hoa hồng nước đá màu hồng."

"Có mấy cái?" Cậu hỏi.

Phương Phi ngẩn người, cằm hạ xuống: "Chỉ có một cái, người ta tặng mẹ tôi, mẹ tôi không thích nên cho tôi."

"Cái này mà cũng không thích? Hoa hồng vàng đấy!" Lưu Tường há hốc mồm, "Vậy mẹ cậu thích gì?"

Phương Phi vốn hiền lành bỗng nhiên hơi tức giận, ngồi phịch xuống ghế: "Ai biết bà ấy thích gì, dù sao cũng không thích tôi."

Lưu Tường biết mình lỡ lời, ngậm chặt miệng, Tần Kiến liếc nhìn cậu ta rồi chuyển chủ đề: "Dùng khuôn kiểu này để làm nước đá là một ý tưởng hay, chúng ta xem có tìm được khuôn rẻ tiền với nhiều hình dạng khác nhau không."

Lưu Tường đang mím chặt môi bỗng giơ tay lên, nói bằng giọng trầm ấm: "Tôi biết."

Ngày hôm sau có thể nói là đại thắng.

Một bông hồng, hơn chục ngôi sao, mặt trăng, heo Peppa và Tôn Ngộ Không bằng nước đá đã giúp ba đứa nhỏ tạo ra lối đi riêng giữa đám đông tìm khách trọ.

Ba đứa nhỏ không vây quanh khách du lịch như những người khác, chỉ cần đưa cho những vị khách có vẻ mặt hiền lành một món quà nhỏ xinh xắn, trong suốt, tự nhiên sẽ có người vui vẻ đến bắt chuyện.

Những người miền Nam mặc áo phao mới tinh, đi giày tuyết không một nếp gấp, mục đích đến đây là để chơi tuyết, ngắm băng. Vừa xuống xe đã được tặng một món quà như vậy, giống như trời mưa có người đưa ô, ngáp ngủ có người đắp chăn, khiến họ cảm thấy ấm lòng.

Những việc tiếp theo trở nên dễ dàng hơn nhiều. Phương Phi viết ra một đống câu thoại, đại loại là làm thêm kiếm tiền trong kỳ nghỉ, trải nghiệm cuộc sống, nhà nghỉ sạch sẽ, giá cả phải chăng, tiện lợi, vân vân. Cậu ta bắt Tần Kiến và Lưu Tường học thuộc lòng, còn nhấn mạnh thêm một câu: "Tần Kiến, cậu không được cau có, phải tươi cười."

Cứ như vậy, sau một ngày, mặt Tần Kiến cười đến cứng đờ, ngay cả khi nhìn thấy số tiền kiếm được cũng không nhếch mép lên được.

"Chủ nhà nghỉ trả cho tụi mình tổng cộng 180 tệ, mỗi người 60 tệ."

"Tôi không lấy." Phương Phi nói.

Lưu Tường lấy từ trong túi ra một nắm kẹo bỏ vào miệng, đó là nguyên liệu ban đầu để làm khuôn "đồ thủ công mỹ nghệ": "Tôi cũng không lấy."

"Cầm lấy!" Tần Kiến nheo mắt, "Không cầm thì ngày mai đừng đến nữa."

Trong ba người, Tần Kiến là người hung dữ nhất, cũng là người nói được làm được. Một con tôm nhỏ và một con tôm béo nhìn nhau, không dám nói gì thêm.

Cứ như vậy, sự nghiệp của ba đứa bắt đầu phát triển mạnh, sau này không chỉ có những món quà nhỏ như hoa hồng nước đá, Phương Phi còn tỉ mỉ làm một cuốn cẩm nang du lịch, giới thiệu thành phố này từ góc nhìn của trẻ em, trong đó thậm chí còn có cả "Quán bida Tam Phát" ở trấn Tân Phát. Phương Phi trịnh trọng nhờ Phương Thư Ngọc viết một câu quảng cáo cho quán bida, Phương Thư Ngọc suy nghĩ một chút, rồi viết: Tam Phát, một cơ một lỗ, cảm nhận sự phồn hoa ngày ấy, trải nghiệm sự cô đơn lúc này.

—---

(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.