Trọng Sinh Trở Về Vị Trí Cũ

Chương 4




Chờ Quỳnh Nương phía sau chạy nhanh tới, lấy một chiếc khăn từ trong ống tay áo ra giúp hắn lau mồ hôi trên trán, cuối cùng Thôi Truyền Bảo không thể nhăn mặt với muội muội hồn nhiên ngây thơ này được nữa.

Để mà nói thì trong lòng hắn, Thôi Bình Nhi mới giống muội muội ruột hơn. Tuy Bình Nhi tính cách xảo quyệt, mọi thứ bao gồm ăn mặc phải tranh giành thứ tốt nhất trong nhà, nhưng có ầm ĩ thế nào đi nữa thì hắn đã yêu thương muội muội mười lăm năm, sao có thể nói đổi người là đổi?

Nhưng khiến lòng người nguội lạnh là, sau khi nghe về thân thế của mình, muội muội Bình Nhi sớm chiều chung sống luôn ồn ào cãi nhau với hắn lại trèo lên xe xa xỉ tiến vào nhà cao cửa rộng mà không hề lưỡng lự, chẳng có chút lưu luyến nào. Cha nương vô cùng thương cảm, lòng hắn cũng không dễ chịu. Lại thêm muội tử mới về Quỳnh Nương cả ngày khóc lóc, ghét bỏ Thôi gia bần hàn, tà hoả trong lòng thiếu niên càng khó nén, hắn cảm thấy người được trả về giữa chừng này không chung một đường với người nhà mình, nhìn thế nào cũng không thân thiết được.

Nhưng bây giờ Quỳnh Nương đã thu liễm vẻ oán hận lạnh lùng của mấy ngày trước, gương mặt non nớt mỉm cười nhìn hắn, dung mạo lờ mờ có vài phần giống mẫu thân Lưu thị khi còn trẻ... Đây là lần đầu tiên Thôi Truyền Bảo cảm thấy vị thiên kim tiểu thư trước mặt hắn đích thực là muội muội ruột của mình.

Lúc sau, bước chân hắn chậm lại vài phần.

Lúc huynh muội cùng tiến vào cửa sân, Lưu thị đang hấp bánh hoa quế trên lò. Nhìn thấy Quỳnh Nương về giữa làn hơi nước mờ ảo, Lưu thị vội vàng nói: “Bánh vừa hấp xong, Quỳnh Nương ăn trước, Truyền Bảo, con rót nước đầy vạc đi rồi ăn.”

Quỳnh Nương nghe thấy mẫu thân gọi liền bưng chậu gỗ đến. Lưu thị bị giày vò mấy ngày cũng lần ra được vài thói quen của nữ nhi kiều quý mới về nhà, có lẽ đây là quy củ của các tiểu thư quan phủ, trước khi ăn cơm phải rửa sạch tay bằng nước ấm thật lâu, nước lạnh đi một chút cũng không được!

Bà vội vàng lấy cái gáo múc hai gáo nước ấm từ trong nồi sắt to, lại thuận tay nắm một ít hoa quế sạch còn thừa để làm bánh rắc vào chậu gỗ, lấy lòng nói: “Lúc trước con ghét nước trong nồi sắt có mùi hôi, nhưng thực sự sáng sớm không kịp đun nồi gốm, nương dùng cánh hoa quế che bớt mùi, con tạm thời lấy rửa tay có được không?”

Khóe mắt Quỳnh Nương hơi nóng lên vì dáng vẻ cẩn thận dè dặt của Lưu thị. Rốt cuộc trước đó nàng ngang ngược thế nào mới khiến một vị phụ nhân xưa nay đanh đá tháo vát đối xử với mình cẩn thận từng li từng tí như vậy?

Nực cười là nàng còn đay nghiến đòi hỏi mẫu thân ruột của mình, nhưng kiếp trước nàng lại cẩn thận hầu hạ bà bà khắc nghiệt Lư thị... và cả dưỡng mẫu Nghiêu thị. Chưa từng làm tròn đạo hiếu với mẫu thân ruột Lưu thị dù chỉ một ngày.

Đáng tiếc là bản thân cẩn thận phụng dưỡng như vậy nhưng chưa từng nhận được một chút thương tiếc nào của bà bà Lư thị và dưỡng mẫu Nghiêu thị, cuối cùng hai nhà đã bàn bạc để Thôi Bình Nhi vào cửa làm bình thê mà không hề hỏi nàng.

Bây giờ ngẫm lại, nàng của lúc đó thực sự đáng cười mà cũng đáng buồn.

“Nương, sau này không cần bỏ thêm cánh hoa đâu, vốn dĩ nước hấp bánh đã có mùi thơm ngọt của hoa quế rồi, hơn nữa nước nấu gạo nếp rất tốt cho cơ thể, mấy ngày nay tay con trắng nõn thêm không ít, nước này con múc cho cha và ca ca rửa tay, người rắc thêm cánh hoa, lỡ họ ghét mùi thơm thì phải làm sao?”

Lưu thị nghe thấy lời nói ấm áp của Quỳnh Nương mà ngẩn người, lại thấy nàng cười ngọt ngào với bà, bà cũng cười theo, nếp nhăn nơi lông mày giãn ra: “Con không nói sớm, nếu biết là cho bọn họ dùng thì đã không rắc cánh hoa rồi, bỏ một nắm cát cũng không mài mịn được đôi tay thô ráp của bọn họ!”

Thôi Trung vừa bổ củi xong nhìn thấy đôi tay mảnh nhỏ của Quỳnh Nương cẩn thận bưng một chậu gỗ lớn đến trước mặt mình, ông vội vàng giơ tay nhận rồi đặt xuống bàn gỗ dùng để hong bánh bên cạnh.

Quỳnh Nương rút một chiếc khăn trên vai xuống, đợi Thôi Trung rửa tay xong rồi đưa cho cha lau, nàng định đổ đi rồi múc một chậu mới cho ca ca Truyền Bảo rửa. Nhưng nhớ hôm qua Lưu thị mắng Thôi Truyền Bảo dùng thêm một chậu nước nóng thực sự quá bại gia, nàng mới hiểu, với người bình thường, củi khô và nước nóng là vật cần tiết kiệm.

Thế nên nàng nhịn xuống, đợi phụ thân và ca ca rửa tay xong, chuẩn bị dùng chậu nước này để rửa.

Lưu thị nhìn thấy liền vội vàng nói: “Nương múc cho con một chậu khác.” Nói xong, bà múc một chậu nước mới, lại thả vài cánh hoa vào.

Đôi tay này của nữ nhi nhỏ nhắn yếu ớt trắng nõn khiến ai nhìn thấy cũng sinh lòng thương yêu, phải bảo dưỡng thật tốt, may mà trong nhà có phụ thân và huynh trưởng cường tráng, việc nặng đều do nam nhân hai người họ lo. Chỉ là nữ nhi này phải từ từ điều dưỡng để dần thích ứng với cuộc sống nhà nghèo, không thì thể trạng mảnh mai như vậy mà lại bị bệnh như mấy ngày trước sẽ khiến người ta đau lòng xót thương.

Nhưng đến lúc ăn sáng chỉ có Truyền Bảo và Quỳnh Nương ăn, phu phụ Thôi gia chưa kịp ăn đã phải ra ngoài bày sạp bán điểm tâm sớm.

Cái Truyền Bảo ăn là mẩu thừa cắt ra từ góc của bánh hoa quế, bánh hoa quế của Thôi gia có nhân - nhưng phần thừa cắt đi từ góc thì lại không có.

Trong bát của Quỳnh Nương là một miếng to vuông vức mà Lưu thị đặc biệt để lại, cắn một miếng nhân, vị ngọt của nhân mật tổ truyền trào ra, cả miệng lưu lại mùi thơm.

Miệng nhỏ của Quỳnh Nương cắn một miếng, nàng nhìn bát của ca ca rồi quay người vào bếp, lấy dao cắt bánh của mình ra làm hai, chia phần to hơn cho ca ca.

Truyền Bảo không cần, nói ngày nào mình cũng ăn, ăn đến phát ngán rồi, bảo Quỳnh Nương ăn hết. Nhưng Quỳnh Nương biết hắn đang nói dối. Gia vị để làm bánh có chút vốn, phu phụ Thôi thị đã tính toán kỹ lưỡng, ngay cả phần thừa của bánh mà phu thê hai người cũng không nỡ ăn đấy!

Huynh muội nhường nhịn một hồi, cuối cùng miếng bánh đó bị Quỳnh Nương cứng rắn nhét vào miệng Truyền Bảo. Quai hàm Truyền Bảo phình ra, trừng mắt nhìn Quỳnh Nương đang cười với hắn.

Dù sao tuổi vẫn còn nhỏ, huynh muội vốn xa cách nhường nhịn xô đẩy một phen lại thân thiết lên không ít.

Ăn xong, Truyền Bảo nói Quỳnh Nương đi nghỉ ngơi, hắn rửa sạch bát đũa của hai người, quay lại thấy Quỳnh Nương đang đứng trên ghế gỗ dài, tìm kiếm thứ gì đó trong hòm quần áo.

Thì ra ngày đó ra khỏi Liễu phủ Quỳnh Nương mặc váy dệt lụa, tuy trâm cài tóc trên đầu không nhiều nhưng cái nào cũng là đồ tinh xảo của các cửa hàng có tiếng trong kinh thành. Sau khi về Thôi gia, những trang phục hoa lệ này trở thành sự tưởng niệm cuối cùng, ngày nào nàng cũng mặc lên người.

Nhưng mấy ngày nay, sau khi trùng sinh Quỳnh Nương đã tỉnh táo lại, kéo hết xuống đưa rương quần áo cho Lưu thị, nàng nhập gia tuỳ tục, mặc y phục mà Thôi Bình Nhi không đem đi.

Thật ra những y phục này không hề có chỗ vá, tuy bị giặt nhiều nên hơi cũ nhưng đường chỉ vẫn rất tinh xảo mịn màng, Thôi Bình Nhi yêu thích cái đẹp thêu nhiều thứ lên cổ áo, mặc lên người cũng rất vừa vặn.

Mấy ngày nay Quỳnh Nương nghe cha nương than thở tán gẫu nói nhớ Thôi Bình Nhi, hai người rất khó hiểu về bộ y phục mà Thôi Bình Nhi mặc khi đến Liễu phủ, chẳng hiểu lấy từ đâu ra mà vá chằng vá chịt, trông rất nghèo hèn bủn xỉn, khiến Nghiêu thị thẳng thừng châm biếm phu thê Thôi gia khắc nghiệt với nữ nhi của họ.

Có lẽ cũng bởi vì nguyên do này mà sau khi Quỳnh Nương về Thôi gia, Liễu gia đưa qua không ít y phục, xem như là chu toàn phần tình nghĩa mẫu nữ cuối cùng giữa Nghiêu thị và Quỳnh Nương.

Nhưng lúc đưa đồ đến, Quỳnh Nương khóc lóc gào ghét với bà tử đưa đồ rằng nàng muốn về gặp Nghiêu thị, khóc rất dữ dội, suýt chút nữa khiến bà tử không về được. Từ đó về sau không còn thấy người Liễu gia đến đưa đồ nữa.

Lúc ấy Quỳnh Nương mãi không thấy Liễu gia sai người đến đón nàng nên tức giận ném hết mấy bọc đồ Liễu gia đưa đến vào lò lửa, để lửa thiêu sạch sẽ.

Đương nhiên, đây là về sau Quỳnh Nương nghe Lưu thị nhắc lại, bà sợ nàng hờn dỗi, bèn mềm giọng dỗ dành, nói đợi qua năm nay sẽ mua cho nàng quần áo đẹp, tuyệt đối không kém đồ Liễu gia đưa đến.

Nghe được những chuyện táng gia bại sản mà nàng đã từng làm, Quỳnh Nương buồn bực mất một lúc, không phải vì yêu thích những thứ đồ kia, chỉ tức nàng lúc mười lăm tuổi không hiểu chuyện! Nếu có thể gói lại đem đến hiệu cầm đồ thì không phải là có thể phụ cấp sinh hoạt cho gia đình sao?

Năm đó nàng lo liệu được việc nội trợ của Thượng gia do có của hồi môn của Liễu gia, nhưng bây giờ về Thôi gia lại là vạn sự khởi đầu nan, đương nhiên phải tính toán tỉ mỉ.

Thôi gia bây giờ tuy nghèo nhưng chưa đến mức sa sút, chỉ là mỗi bữa cơm đều thiếu chút đồ ăn tinh xảo, tình thoảng thái nửa cân(1) thịt heo, chọn lấy phần mỡ béo dày, sau khi đem về nhà ép lấy dầu, xào tóp mỡ chiên giòn với tỏi để Quỳnh Nương ăn với cơm.

(1) = 250gam

Quỳnh Nương thấy Truyền Bảo nhìn bát của mình nuốt nước bọt liền biết thức ăn này đã là vật xa xỉ với Thôi gia. Nhưng với vị giác được chiều chuộng của Quỳnh Nương, sau vài bữa ăn chay, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời nàng thèm ăn thịt mà không ăn được.

Dù đã trải qua kiếp nạn sinh tử để sống lại, có ý nhìn thấu hồng trần, nhưng nửa đêm tỉnh mộng ruột kêu bụng đói cũng không nhịn được mà mút ngón tay.

Quỳnh Nương cảm thấy việc khẩn cấp trước mắt hiện nay chính là kiếm ít tiền mua thịt cho Thôi gia. Đương nhiên sau này nàng cũng phải tích cóp chút vốn liếng, không thì đến lúc phụ thân Thôi Trung bệnh nặng, Thôi gia lại gặp phải đủ loại cực khổ kiếp trước.

Nghĩ vậy, nàng chọn một chiếc trâm cài đầu mạ vàng, quay người hỏi Thôi Truyền Bảo: “Ca ca, huynh có biết hiệu cầm đồ nào quanh đây không?”

Thôi Truyền Bảo vốn tưởng muội muội chứng nào tật nấy, định lấy đồ đẹp ra diện, không ngờ nàng muốn đến hiệu cầm đồ.

Hắn sững sờ, Quỳnh Nương thấy hắn không phản ứng lại bèn đứng trên ghế gỗ nói: “Ta muốn mua vài thứ, không muốn xin tiền nương, ta đem trâm này đi cầm đồ rồi mua kẹo đường cho huynh ăn được không?”

Truyền Bảo thấy nàng nhỏ nhắn xinh xắn, rõ ràng là trẻ con nhưng lại dùng khẩu khí dỗ dành con nít để nói chuyện với hắn nên hắn vừa tức vừa buồn cười, hắn chìa tay giúp nàng đứng vững, bảo nàng vịn cánh tay hắn bước xuống khỏi ghế gỗ rồi nói: “Muốn mua gì? Ta tích được vài đồng, mua cho muội, cái trâm đó muội cứ giữ lại đi.”

Nói rồi hắn móc ra một túi vải cũ trên giường, đổ ra năm đồng tiền.

Tuy kiếp trước Quỳnh Nương cũng có một ca ca ở Liễu gia, nhưng từ nhỏ Liễu Tương Cư đã say mê võ thuật hiệp khách, kết giao rất nhiều bằng hữu trên giang hồ, cả ngày không thấy tăm hơi, sau này dấn thân vào quân đội, tình cảm với Quỳnh Nương không còn thắm thiết nữa.

Tuy bây giờ Thôi Truyền Bảo luôn làm mặt lạnh với nàng nhưng hắn rất có tư thái của ca ca, hào phóng đổ hết tiền ra giúp nàng khiến lòng Quỳnh Nương ấm áp.

Kiếp trước, dù thân hào môn, nhưng ở lâu rồi lòng người lạnh lẽo không chút tình.

Cẩm y mỹ thực có nhiều thế nào đi chăng nữa thì cũng không bằng thành ý của năm đồng tiền trên giường này.

Nàng mím môi, gật đầu nói: “Tiền này ta dùng trước, sau này sẽ trả ca ca gấp đôi.”

Lại một lần nữa Truyền Bảo bị bộ dáng nghiêm túc của nàng chọc cười, hắn nói dùng thì dùng đi, đâu có cần nàng trả? Sau đó hắn dẫn nàng ra ngoài.

Hắn tưởng nàng muốn mua mấy vật nho nhỏ như trâm hoa cài tóc hay kẹo đường, không ngờ nàng lại đến tiệm thư hoạ ở góc đường. Chủ tiệm vừa mở cửa đã đón một tiểu cô nương trắng trẻo, mở miệng liền hỏi tiệm có bút càng cua cực nhỏ không.

Bút càng cua vốn được tạo ra để vẽ, sợi bút mảnh như sợi tóc nữ nhân. Chẳng qua tiểu cô nương này tuy đẹp nhưng nhìn áo quần vải thô không giống con nhà văn nhã học hoạ. Sau khi hỏi rõ là nàng muốn dùng, hắn bèn trêu: “Bút này rất nhỏ, ngươi không cầm được, chẳng lẽ mua nhầm rồi?”

Quỳnh Nương nhàn nhạt liếc hắn một cái, bồi thêm một câu: “Bút càng cua huyện Duy là thượng phẩm, nhưng giá hơi đắt, chủ tiệm cho ta bút Tam Lạp huyện Mậu là được rồi. “ Nói xong lấy ra bốn đồng tiền từ trong túi.

Lời này không thể do một tiểu nương non nớt nông cạn nói ra được, chủ tiệm sững sờ. Ai da, là người trong nghề! Bút càng cua huyện Duy nổi tiếng viết mịn nhẵn, năm lượng bạc một cái, chỉ có danh gia nhã sĩ mới mua. Dù tiểu cô nương này mua được thì tiệm thư hoạ ở cái huyện nhỏ này của hắn cũng không bán loại mặt hàng quý giá này!

Hắn lập tức giảm bớt vài phần khinh thường, cũng không cò kè trả giá với tiểu nương này, nhận bốn đồng tiền rồi bán cho Quỳnh Nương một cây bút càng cua Tam Lạp.

Quỳnh Nương chần chừ một lúc, lại ngượng ngùng hỏi chủ quán có thể bán cho nàng một khối men đỏ một đồng được không.

Chủ tiệm thấy nàng cắn môi, gương mặt xinh đẹp như ráng mây, nhìn mà còn yêu, khối men đỏ đó chỉ dùng vào lễ tế, người bình thường hay mua về để vẽ hoa văn trên bánh bao hấp, không đáng mấy đồng tiền, bèn dùng giấy bản vàng bọc một khối nhỏ lại tặng không cho Quỳnh Nương.

Truyền Bảo vốn tưởng muội muội ham ăn muốn mua quà vặt, không ngờ nàng chỉ mua một cái bút nhỏ chẳng được mấy sợi lông, bèn tiếc cho số tiền riêng mà hắn vất vả lắm mới tích cóp được, cảm thấy muội tử đi ra từ hào môn thế gia tiêu tiền quá tuỳ tiện, chỉ toàn mua những thứ vô dụng.

Nhưng hắn không muốn tính toán quá kỹ với Quỳnh Nương, tiền đã trả rồi, mở miệng quở trách cũng không tốt, hắn đành rầu rĩ đi theo sau nàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.