Trọng Sinh Trở Về Vị Trí Cũ

Chương 11




Liễu tiểu thư chỉ ra vẻ đến thăm phu phụ Thôi thị, nghe Lưu thị nghẹn ngào giải thích xong, ánh mắt ả ta xoay chuyển: “Tỷ tỷ dung mạo xinh đẹp, chủ nhân xe ngựa vô lễ như vậy, dù tỷ tỷ có về, thanh danh này...”

 

 

Ả ta chỉ nói một nửa, nhưng Lưu thị lại nghe hiểu ý trong lời nói đó, nữ nhi trong độ tuổi xuân bị bắt đi trước mắt hàng xóm láng giềng, nói gì đến thanh danh nữa.

 

 

Rốt cuộc Thôi Trung vẫn là người có chủ kiến trong nhà, không quan tâm đến thanh danh, quan trọng là cứu nhi nữ về trước đã, sau đó đến huyện thừa gõ trống kêu oan.

 

 

Nhưng vừa ra cửa đã thấy một chiếc xe ngựa đưa nhi tử và nữ nhi về.

 

 

Lưu thị thấy nhi tử nằm trên cáng, chân đã được cố định lại bằng tấm gỗ, sắc mặt vẫn tốt, có thể mở miệng gọi người, trái tim treo lơ lửng của bà đã hạ xuống một nửa. Lại thấy nữ nhi lúc xuống xe ngựa đầu tóc chỉnh tề, dáng vẻ đoan chính, trên mặt không có vẻ sợ hãi phẫn hận, một nửa trái tim còn lại cũng hạ xuống.

 

 

Quản gia của Lang Vương, Sở Thịnh đưa người về. Ông vào sân, trước tiên là đánh giá sân hẹp một vòng rồi nhìn phu phụ Thôi Trung. Có lẽ là người trong phủ Lang Vương đều đã quen vênh mặt nhìn người nên lời xin lỗi từ miệng Sở Thịnh nghe cũng không mấy chân thành. Có điều hộp bạc rất nặng, còn kèm theo hai hộp nhân sâm và thuốc bổ máu.

 

 

Nghe nói người đâm là một Vương gia, dù phu phụ Thôi thị có tức thì cũng phải chịu đựng. Sau khi nhận quà, tiễn đoàn người quản gia đi, Lưu thị mới thu xếp ổn thoả cho nhi tử, vội vàng kéo tay Quỳnh Nương tỉ mỉ hỏi han một lúc.

 

 

Quỳnh Nương nói sự thật, nàng chỉ vào biệt quán của Lang Vương làm điểm tâm cho hắn.

 

 

Liễu Bình Xuyên đứng bên cạnh nghe, ánh mắt lập loè, nói hôm nay canh giờ còn sớm, ả ta đã báo với mẫu thân Liễu gia, có thể ăn tối với phu phụ Thôi thị. Tuy Lưu thị phiền muộn vì nhi tử bị thương, nhưng thấy Bình Nhi chịu ở lại ăn cơm, hiển nhiên là bà vô cùng vui mừng. Bây giờ kinh tế đã dư dả, bà mua thịt bò rồi chặt hai khúc xương lớn hầm canh cho nhi tử bồi bổ.

 

 

Nhân lúc phu thê Thôi thị đi nhóm lửa nấu cơm, Liễu Bình Xuyên để nha hoàn bà tử lại, một mình vào phòng Quỳnh Nương.

 

 

Căn phòng này ả ta đã ở rất nhiều năm, tất nhiên là vô cùng quen thuộc. Nhưng ai ngờ vừa bước cửa vào lại có cảm giác đi nhầm phòng. Giấy dán cũ trên song cửa sổ đã đổi thành giấy mới màu tuyết trắng, vết rạn nứt trên tường được tranh chữ che đi. Dù không dán tranh chữ lên vách, hai đầu tranh chỉ cuộn lại bằng gậy gỗ rồi đóng trên tường, nhưng đẹp ở chỗ mây giăng núi xa, khí thế phi phàm, không thấy chút vụng về nào.

 

 

Vị trí giường cũ của ả ta cũng bị thay đổi, hai hộp đồ ăn bỏ đi đã được ghép lại thành một cái tủ nhỏ ở đầu giường, phía trên đặt một chiếc gương đồng nhỏ và lược gỗ nhỏ, trông giống như bàn trang điểm, còn đặt một bình đất sét nhỏ cắm nhành hồng hạnh kiều diễm, đó vốn là bình đựng nước tương của Lưu thị, nhưng lại có một vẻ lịch sự tao nhã khó tả.

 

 

Quỳnh Nương đang đứng trên giường treo màn. Trên màn bị rách vài chỗ, hôm qua Quỳnh Nương và các tiểu cô nương hàng xóm cùng tô điểm thêm màu sắc cho nó bằng cách thêu vài đoá hoa anh đào thanh nhã lên. Xưa nay nàng thêu thùa rất thành thạo, nàng khéo léo thêu hoa bằng gấm Tô Châu để che đậy chỗ rách, lúc mở ra trông vô cùng thanh nhã.

 

 

Như vậy vừa treo lên, màn cũ lập tức như được thay mới, giống một nhành hoa anh đào nhô ra trước giường.

 

 

Vẫn là căn phòng đó nhưng chủ nhân đã thay đổi. Mạng nhện bụi bặm được quét dọn sạch sẽ, dưới nắng chiều, căn phòng tràn ngập vẻ an lành yên tĩnh của năm tháng. Phòng nhỏ được bố trí điểm xuyết tỉ mỉ cho thấy chủ nhân mới là người có xu hướng thanh lịch tao nhã.

 

 

Không biết vì sao, Liễu Bình Xuyên nhìn mà khó chịu.

 

 

Ả ta nghĩ, sau khi Quỳnh Nương trở về Thôi gia hẳn là ngày đêm ai oán, buồn bực không vui mới đúng. Nhưng hôm nay ả ta nhìn bài trí trong phòng lại chẳng thấy có chút đáng thương nào, trái lại hiện ra một cuộc sống nhàn hạ thoải mái.

 

 

Gian phòng của ả ta ở Liễu phủ là một gian khác, vốn dĩ ả ta nhìn trúng phòng của Quỳnh Nương, nhưng đại ca Liễu Tương Cư vừa mới về phủ đen mặt không chịu. Hắn nói nếu sau này Quỳnh Nương trở về thăm phụ mẫu Liễu gia thì phải có một phòng nghỉ ngơi, cuối cùng ả ta phải dọn ra khỏi đó, khoá cửa giữ lại căn phòng kia.

 

 

Ả ta mới chuyển đến cái sân khác, tất cả đồ vật bài trí trong phòng đều do đích thân ả ta đến nhà kho Liễu phủ chọn lựa. Theo lý mà nói, cái nào cũng là vật quý giá, nhưng không biết tại sao bố trí không được lịch sự tao nhã như gian phòng của Quỳnh Nương.

 

 

Loại so sánh này như đang nói phẩm vị của ả ta không bằng Quỳnh Nương, làm sao lại không khiến Liễu Bình Xuyên bực mình cơ chứ?

 

 

Quỳnh Nương treo màn xong bước xuống giường, liếc mắt một cái liền thấy Liễu Bình Xuyên đang đứng trước cửa.

 

 

Ánh mắt ghen tị đó của ả ta vô cùng quen thuộc. Kiếp trước, nàng đã thử làm một đôi tỷ muội tốt với Liễu Bình Xuyên, nhưng lúc đi dạo phố với nhau, bất kể nàng nhìn trúng cái gì, Liễu Bình Xuyên đều giành mua trước. Một câu nói, đồ của Quỳnh Nương, Liễu Bình Xuyên đều muốn chiếm cho riêng mình.

 

 

Nếu có thể, Quỳnh Nương rất muốn thử múc một cái muôi đầy phân người, không biết vị Liễu tiểu thư này có tranh cướp uống không.

 

 

Nhớ đến dụng ý ở lại của mình, Liễu tiểu thư đè nén ghen tuông trong lòng xuống, mở miệng nói: “Nếu tỷ tỷ đã vào Lang Vương phủ thì chắc là gặp được vị quý nhân đó rồi? Thế nào, nghe nói tướng mạo hắn tuấn tú vượt xa người thường có phải không?”

 

 

Quỳnh Nương lấy rổ kim chỉ, ngồi cạnh cửa sổ tỉ mỉ thêu khăn tay vải bông, thờ ơ nói: “Ta đến phủ hắn làm bánh ngọt thôi, hầu hạ trà nước đã có tôi tớ rồi, ta đâu có nhìn thấy chủ nhân?”

 

 

Liễu Bình Xuyên nghe vậy mà vẫn không từ bỏ ý định: “Cơ hội hiếm gặp như vậy, sao tỷ tỷ lại không tức thời nắm chắc chứ?”

 

 

Quỳnh Nương giương mắt nhìn ả ta, giống như khó hiểu hỏi: “Muội muội nói rõ ràng chút, nên nắm chắc thế nào?”

 

 

Hiển nhiên Liễu Bình Xuyên biết Quỳnh Nương đã quen hành động như khuê tú, không cho rằng nàng đang giả bộ, bèn nói thẳng: “Dung mạo của tỷ tỷ như vậy, nếu vị Vương gia đó nhìn thấy thì chắc chắn sẽ thích, đến lúc đó mọi chuyện sẽ suôn sẻ.”

 

 

Quỳnh Nương phì cười một tiếng: “Xem muội muội nói kìa, vị quý nhân đó cũng không phải người sống tạm bợ ở góc đường, làm sao nhìn thấy nữ tử có nhan sắc là thích chứ?”

 

 

Liễu Bình Xuyên thấy Quỳnh Nương trì trệ mãi không thông suốt liền quýnh lên, vội nói: “Khoảng thời gian này Lang Vương phủ sẽ triệu bà mối mua vài thị thiếp vào phủ, nếu tỷ tỷ chịu, ta sắp xếp cho tỷ tỷ một con đường gặp Vương gia, thế nào?”

 

 

Quỳnh Nương bị sự vội vàng của vị Liễu tiểu thư này làm cho buồn nôn, nàng quăng rổ kim chỉ sang bên cạnh: “Lời này của muội muội thật kỳ lạ, vì sao luôn xui khiến ta đến phủ người khác làm thiếp vậy? Tốt xấu gì Thôi gia cũng là gia đình đứng đắn, ba đời tổ tiên nam chưa từng trộm cắp nữ chưa từng hát xướng, một nương tử quy củ thì không làm, lại cố tình cam chịu thấp hèn đi làm thiếp? Đây là ý của muội muội sao? Hay là cha nương không nuôi nổi ta, nhờ muội chuyển lời đến châm biếm?”

 

 

Nói đến đây, Quỳnh Nương lén véo eo, lớn giọng hướng về phía cửa nhà bếp đối diện hô: “Nương! Người không chứa được nữ nhi thì cứ nói thẳng, cần gì phải để muội muội đến mỉa mai chà đạp con?”

 

 

Lưu thị đang cán bột trong nhà bếp - đây là món Thôi Bình Nhi thích nhất, mì bột lúa mạch của Giang Nam phối với trứng gà kho, vô cùng ngon miệng.

 

 

Nhưng nghe thấy Quỳnh Nương bình thường luôn dịu dàng ít nói bỗng gào khóc thê lương, bà lập tức ném mì trong nồi chạy như bay đến, vén rèm cửa ra trừng mắt nhìn hai người hỏi: “Sao lại khóc rồi?”

 

 

Liễu Bình Xuyên cũng bất ngờ không kịp đề phòng, không ngờ Quỳnh Nương nói khóc là khóc, càng không ngờ nàng sẽ gọi nương đến kể tội như một đứa trẻ ba tuổi. Ả ta vội vàng nói: “Chỉ là vừa nãy nói đùa với tỷ tỷ thôi, không ngờ tỷ ấy tưởng thật ...”

 

 

Nói xong vành mắt đỏ lên, giống như ả ta cũng chịu uất ức vậy. Đáng tiếc Quỳnh Nương khóc còn hăng hơn, át hết vẻ yếu đuối như cây liễu trước gió của ả ta.

 

 

Sau khi hiểu rõ ngọn ngành, Lưu thị chẳng quan tâm đến chuyện bây giờ Liễu Bình Xuyên đã là tiểu thư quan gia, bà nhíu mày trừng mắt nói: “Làm thiếp là chuyện có thể đùa được sao? Tỷ tỷ con đoan trang thận trọng, chuyện này truyền ra ngoài bảo tỷ tỷ con phải làm người thế nào?”

 

 

Nói xong bà quay người dỗ dành Quỳnh Nương: “Nghe thấy chưa, muội muội Bình Nhi chỉ đùa con thôi!”

 

 

Nếu là Liễu Tương Quỳnh của kiếp trước thì sẽ không khóc không làm loạn không nói lý như vậy. Nhưng nàng thật sự đã phiền chán Liễu Bình Xuyên cứ ba lần bốn lượt đến Thôi gia làm nàng ghê tởm rồi, lại nhớ đến chuyện kiếp trước ả ta cướp trượng phu và hai đứa con của mình, không cần véo eo nước mắt cũng tuôn ra.

 

 

Hai bên tóc mai rối tung, vành mắt đỏ ửng, nàng ngã vào lòng Lưu thị: “Làm gì có kiểu đùa đó chứ, bảo con chủ động tìm bà mối đến phủ trạch người khác bán thân, nghe cứ như thật, giống như nàng ta đã làm rồi vậy!”

 

 

Nghe nàng lên án, người Liễu Bình Xuyên cứng đờ, ả ta giương mắt nhìn Quỳnh Nương, thấy nàng khóc thút thít, là một tiểu cô nương tâm cơ chưa đủ.

 

 

Dù kiếp trước có làm nhất phẩm phu nhân đương triều nhưng không phải Quỳnh Nương cũng không tính kế ả ta sao? Huống hồ ả ta còn sống lại, biết trước mọi thứ!

 

 

Nghĩ vậy, Liễu Bình Xuyên cảm thấy bản thân quá mức nóng vội, bị Quỳnh Nương tóm được, xưa nay ả ta co được dãn được, lập tức trưng ra gương mặt tươi cười: “Là lỗi của muội muội, mong tỷ tỷ chớ trách.”

 

 

Nhưng càng khuyên Quỳnh Nương càng khóc to hơn, cuối cùng còn nấc nghẹn. Lưu thị lập tức nhớ đến lúc Quỳnh Nương mới về Thôi gia, lúc đó nàng thật sự có thể khóc đổ Trường Thành, nhấn chìm Sơn Hải Quan(1).

 

 

(1) Truyền thuyết kể lại Mạnh Khương Nữ vì thương tiếc người chồng đã chết khi xây Vạn Lý Trường Thành mà khóc lóc không thôi. Lòng thương tiếc của nàng khiến một góc tường thành sụp đổ.

 

 

Giờ để Liễu Bình Xuyên ở lại ăn cơm cũng không tốt, bà hướng ánh mắt đến, nhỏ giọng nói: “Hôm nay tỷ tỷ con bị kinh hãi, con lại kích động con bé, hay là... con về trước đi, ngày khác có rảnh thì lại đến thăm cha nương được không?”

 

 

Vốn dĩ Liễu Bình Xuyên cũng không muốn ở lại ăn cơm, bây giờ bản thân lỡ lời yếu thế, đúng lúc tìm được cơ hội rời đi.

 

 

Lưu thị đang định xây đập chống lũ, nhưng ai ngờ Liễu Bình Xuyên mới vừa đi được một lúc, Quỳnh Nương đã chậm rãi thu nước mắt lại, thút thít nói: “Nương, mì đã được chưa? Không ăn sẽ hỏng mất.”

 

 

Lưu thị vui mừng vì nàng đã dời suy nghĩ, bà vội vàng đứng dậy vào bếp, chần qua mỳ bằng nước lạnh, đổ vào canh xương hầm nóng cuồn cuộn, lại rưới thêm một thìa tương trứng gà đậm đặc.

 

 

Quỳnh Nương đi phía sau bà, vừa dùng khăn ướt lau mặt vừa nói: “Nương, bỏ thêm một muỗng dầu cay vào đi, hôm qua lúc nhìn người làm con đã ngửi thấy mùi thơm rồi... Nhưng mà bát của ca ca đừng bỏ, huynh ấy bị thương xương cốt, phải uống canh thuốc, kiêng chua cay.”

 

 

Lưu thị nhìn nữ nhi vừa nãy còn khóc đến nỗi ruột gan đứt từng khúc, bây giờ lại hoàn toàn chỉ nghĩ đến ăn, không phải là một tiểu cô nương tham ăn sao? Trái tim đang treo cao liền buông xuống, bà bỏ thêm một muỗng ớt và một nắm hành thơm thái nhỏ vào mỗi bát lớn, cười nói: “Ca ca con đâu có ăn được cái này, nương làm bát mì cá từ canh xương hầm cho nó, cũng dễ ăn.”

 

 

Trận ồn ào vừa nãy Thôi Trung cũng nghe thấy, nhưng ông chỉ coi như tiểu cô nương Quỳnh Nương ghen, không thích Bình Nhi đến chiếm tiện nghi của cha nương.

 

 

Hơn nữa dù sao cũng là nữ nhi đã nuôi dưỡng mười lăm năm, ngày xưa Bình Nhi cực kỳ hâm mộ những người giàu nhà cao cửa rộng. Nếu không phải ông và Lưu thị đến kịp lúc thì biết đâu ả ta đã có chuyện gì đó với nhi tử độc nhất trụy lạc nhà Trương gia bán thịt trên phố rồi.

 

 

Vì vậy có lẽ những lời xúi giục Quỳnh Nương ban nãy cũng không phải nói đùa.

 

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.