Trò Chơi Đang Download

Chương 96: 96: Thanh Niên Đẹp Trai Tài Giỏi Chúng Ta…




Tiên ốc… gì cơ?

Giang Tà nói: “Tình huống nhà tôi thế nào em cũng thấy rồi đấy, tôi thực sự rất cần sự giúp đỡ của em.

Thực không dám giấu giếm, dì giúp việc lúc trước tôi thuê sắp đến kỳ gia hạn hợp đồng rồi, tôi cũng không thích thói quen làm việc một giờ mà mời tôi xem mắt tận sáu mươi phút của bà ấy nên đang tính đổi người…”

Y thuê giúp việc cái đếch ấy, cũng chẳng có giúp việc gia đình nào thiếu chuyên nghiệp đến độ suốt ngày đi mai mối cho ông chủ cả.

Đáng thương thay Tạ Tịch mới bỡ ngỡ bước vào đời, bị con cáo già họ Giang xoay mòng mòng.

“Nếu em đến giúp đỡ thì tôi khỏi cần tốn công tìm người khác.” – Giang Tà hỏi: “Em chắc không lo chuyện mai mối giúp tôi giống bà ấy đâu nhỉ?”

Đề tài vừa thay đổi, Tạ Tịch lập tức bị dắt mũi: “Đương nhiên là em không!”

Trong mắt Giang Tà đong đầy ý cười: “Vậy thì tốt quá!”

Đợi đến khi phát hiện ý trêu chọc trong mắt y Tạ Tịch mới tỉnh táo lại, cậu nói: “Em không phải dân chuyên, cũng chưa từng nhận việc này bao giờ…”

Giang Tà ngắt lời cậu: “Tôi rất hài lòng về em, dọn dẹp như vậy là được rồi.”

Tạ Tịch thoáng ngập ngừng.

Giang Tà lại nói: “Em cần việc làm, tôi thì cần người, chúng ta vừa khéo đáp ứng nhu cầu của nhau, sao lại không hợp tác chứ?”

Tạ Tịch còn đang do dự.

Giang Tà lại bắt đầu khua môi múa mép: “Em còn nhỏ, không hiểu được nỗi đau của đàn ông trưởng thành độc thân.

Tôi bộn bề công việc nên không có thời gian chăm chút nhà cửa, tuyển giúp việc thì phần lớn đều là phái nữ, trẻ quá không dám nhận, già quá lại không dám dùng, đúng là chẳng dễ dàng.

Em xem dầu gì em cũng ra ngoài làm công, chẳng bằng đến chỗ tôi có phải tốt hơn không?”

Tầm xàm ba láp một hồi y lại bắt đầu lừa lọc: “Các cụ thường nói một ngày làm thầy cả đời làm cha, em cứ coi thầy như người cha già đáng thương, không nơi nương tựa đi.”

Tạ Tịch: “…”

Đây không phải một ngày làm thầy cả đời làm cha, mà là một ngày làm thầy cả đời rớt hố.

Giang Tà thấy sắc mặt bạn nhỏ rốt cuộc thả lỏng bèn hỏi lại: “Quyết định thế nào, chàng tiên ốc của thầy?”

Đại khái mấy người làm nghề giáo đều có tài ăn nói, giọng nói đặc biệt của Giang Tà vốn đã dễ nghe, sau khi cố ý đè thấp âm lượng càng khiến lỗ tai người ta tê dại.

Lỗ tai Tạ Tịch khẽ run lên, rốt cuộc cậu cũng chịu mở miệng: “Không!”

Giang Tà ngớ ra, thầm nghĩ chẳng nhẽ chiêu trò lừa gạt của mình mất linh?

Bạn nhỏ nhanh chóng tiếp lời: “Em không phải tiên ốc gì cả, nhưng công việc này em nhận ạ.”

Tay già đời bị cậu bạn nhỏ xoay một vòng những vẫn hớn hở như thể trên trời mới rơi xuống vài tỷ.

Tạ Tịch nghiêm chỉnh gập người thật sâu trước mặt Giang Tà: “Em cám ơn thầy Giang!”

Cậu biết Giang Tà có ý tốt, ban nãy do dự không phải vì không thích công việc này mà là cảm thấy ân tình mình nhận quá lớn, không biết phải trả sao cho hết.

Thế nhưng lời đề nghị này quá mê người, không cần làm nhân viên quầy bar hay tiếp xúc với đám đông, thực sự tốt không chỗ chê.

Huống hồ Giang Tà đang cần một người giúp việc thật, nếu giúp việc trước của y đã đến kỳ gia hạn hợp đồng, vậy cậu đến làm cũng không tính là cướp miếng cơm của người ta.

Chuyện tốt như vậy cậu thực sự không muốn bỏ lỡ chút nào.

Tâm trạng Giang Tà vô cùng tốt, vừa được như ý đã lòi đuôi ra: “Quyết định như vậy đi, tiền lương hai trăm một giờ được không?”

Tạ Tịch thình lình ngẩng đầu lên, tròng mắt đen láy nhìn y chòng chọc.

Giang Tà: “…”

Hai trăm chưa đủ hả? Mà tiền học phí của đại học X là bao nhiêu nhỉ? Giá một chiếc máy tính… hồi trước trợ lý đi mua cho y hình như phải mất năm mươi nghìn.

Haizzz… Kế thừa di sản nhiều quá nên quên luôn khái niệm về tiền bạc rồi.

Tạ Tịch hốt hoảng: “Sao cao như vậy được? Thầy à, lúc trước thầy tìm dịch vụ giúp việc ở đâu vậy? Thầy bị lừa rồi!”

Cao, cao lắm hả?

Giang Tà vội vàng lấp liếm, câu trước không hề ăn nhập với câu sau: “Hai trăm một ngày là cao hả? Không phải quét dọn vệ sinh chút là xong việc đâu, em còn phải chuẩn bị bữa trưa với bữa tối cho tôi nữa.” – Bữa sáng chắc là thôi vậy.

Cơ thể đang trong thời kỳ phát triển mà bắt dậy sớm quá cũng không tốt.

Tạ Tịch rõ ràng thoáng thở phào một hơi, cậu nói: “Em nghe thấy thầy bảo hai trăm một giờ.”

Giang Tà bình tĩnh đáp: “Em nghe lầm rồi.” – Nguy hiểm thật!

Tạ Tịch nói: “Dù vậy hai trăm một ngày cũng là một cái giá rất cao, em…”

Giang Tà nghiêm mặt nói: “Em đừng đánh giá thấp công việc này.

Tôi còn hy vọng em có thể bớt chút thời gian giúp tôi xử lý một vài văn bản gốc, coi như làm một trợ lý nho nhỏ.” – Để hợp lý hóa vấn đề tiền bạc, thầy Giang gần như vắt nát óc kiếm cớ.

Kỳ thực lương hai trăm một ngày đối với giúp việc toàn thời gian mà nói không quá cao, nhưng Giang Tà không biết giá thị trường, y hoàn toàn hành động dựa theo sắc mặt của Tạ Tịch.

Ánh mắt bạn nhỏ sáng lên: “Em, em còn có thể làm trợ lý cho thầy nữa ạ?” – Mừng đến độ dùng cả kính ngữ luôn.

Giang Tà sửa lại: “Là trợ lý nhỏ.” – Y gọi vậy đơn giản là cảm thấy xưng hô này rất đáng yêu mà thôi.

Tạ Tịch lại tưởng do mình non tay thiếu kinh nghiệm, bèn trịnh trọng gật đầu: “Vâng, em nhất định sẽ không phụ sự kỳ vọng của thầy!”

Cõi lòng Giang Tà hiện giờ tràn ngập câu cảm thán: “Đáng yêu quá đáng yêu quá, đáng yêu chết đi được!”

Dưới sự kiên trì của Giang Tà, buổi chiều Tạ Tịch gọi điện xin nghỉ việc ở quán bar Khinh Yên.

Quản lý đã biết chuyện tối qua, thái độ rất áy náy, anh ta cũng biết chút ít về tình huống của Tạ Tịch, bèn nói: “Được rồi, vốn cũng chỉ là công việc tạm thời, cậu không muốn làm nữa thì nghỉ.

Về phần tiền công thì cậu cứ yên tâm, mai anh sẽ bảo với bên tài vụ chuyển thẳng tiền cho cậu.”

Tạ Tịch rất cảm kích, chân thành nói lời cảm ơn anh ta.

Quản lý khá thích đứa nhỏ này, mặc dù có một gương mặt rất dễ chọc phải phiền toái nhưng tính cách vô cùng khiêm tốn, nói ít làm nhiều còn nghiêm túc tuân thủ nội quy.

Thanh niên chăm chỉ chịu khó thế này ai mà chẳng thích?

Đợi Tạ Tịch yên lòng, Giang Tà bèn nói: “Chúng ta thêm Wechat đi.”

“Vâng.” – Tạ Tịch nghe lời quét mã của Giang Tà, kết bạn với y.

Giang Tà nhìn chiếc điện thoại nội địa second-hand đã rạn một góc bên phải mà đau lòng khôn nguôi, song y không biểu hiện ra ngoài.

Kết bạn xong xuôi, Tạ Tịch nhận được tin nhắn của Giang Tà.

Cậu vừa mở ra đọc đã giật thót tim.

Giang Tà chuyển cho cậu sáu nghìn tệ!

Y không đợi cậu lên tiếng đã rào trước: “Trả trước cho em một tháng tiền lương.”

Tạ Tịch phản đối: “Không được đâu thầy! Nào có chuyện như vậy, em còn chưa làm được gì mà!”

Giang Tà hỏi vặn lại: “Không nghe lời thầy?”

Tạ Tịch: “…” – Hai chuyện này đâu liên quan đến nhau!

Giang Tà cầm lấy điện thoại di động của cậu, vừa kiểm tra tài khoản vừa nói: “Chuyển tiền trước cho em thì sao? Đằng nào em cũng không chạy mất được.”

Tạ Tịch trơ mắt nhìn sáu nghìn tệ chễm chệ trong tài khoản, hồn cũng muốn bay lên trời: “Không cần phải vậy đâu thầy, ngày mai bên Khinh Yên sẽ trả tiền lương cho em, em…” – Giờ cậu đang thiếu tiền thật đấy, nhưng ngày mai quán bar kết toán lương rồi, cậu sẽ đủ tiền tiêu thôi.

Sóng não của Giang Tà hoàn toàn không nằm cùng kênh với cậu: “À đúng rồi, còn tiền mua thức ăn nữa.”

Y trực tiếp cầm lấy hai chiếc điện thoại, dùng điện thoại mình chuyển tiền rồi tự bấm xác nhận ở điện thoại Tạ Tịch.

Tạ Tịch chưa gặp qua thao tác nào chóng vánh đến thế, cậu trợn mắt há hốc mồm nhìn tài khoản của mình lại nhiều thêm mười nghìn tệ.

Bạn học Tiểu Tạ cả đời chưa từng nhìn thấy khoản tiền nào lớn nhường này: “!!!”

Giang Tà trả điện thoại lại cho cậu: “Được rồi, chưa tới một tháng tôi đã bán mình cho em mất.”

Tạ Tịch còn đang chìm đắm trong cảm giác khiếp sợ nên hoàn toàn không nhận ra vấn đề trong lời nói của Giang Tà, cậu hỏi: “Đây là tiền ăn một tháng sao thầy?” – Chỉ nấu hai bữa, đưa từng này là muốn mỗi ngày ăn những gì?

Giang Tà nghi hoặc: “Mỗi tháng sao được?”

Tạ Tịch khẽ thở phào, vừa định bảo “không cần chuyển một lúc nhiều tiền cho em vậy đâu” thì Giang Tà đã nói: “Mười nghìn một tháng đủ kiểu gì? Đây là tiền ăn một tuần.”

Tạ Tịch: “…”

Giang Tà lại nói: “Trước cứ thế đã, thiếu lại bảo tôi.”

Tạ Tịch không nhịn nổi nữa: “Mười nghìn một tuần, vị chi một ngày hơn một nghìn.

Thầy à, rốt cuộc thầy định ăn gì?”

Với lại… Tiền lương của giảng viên cao như vậy hả? Cậu cũng muốn làm giảng viên.

Giang Tà thoáng khựng lại: “Tóm lại em đừng tiết kiệm tiền hộ tôi, đồ gì đắt thì chúng ta ăn.” – Dầu gì tiền nhiều cũng xài không hết.

Nửa ngày sau Tạ Tịch mới hoàn hồn lại, cậu nói: “Em sẽ ghi sổ, hẳn không tốn nhiều vậy đâu…”

Giang Tà tưởng tượng hình ảnh bạn nhỏ cẩn thận ghi chú sổ sách, ừm…

“Đi thôi, chúng ta đi siêu thị!” – Phải mua sổ ghi chép.

Tạ Tịch muốn mua đồ ăn cho bữa tối: “Mình em đi là được rồi ạ.”

Giang Tà nói: “Không sao, tôi lái xe đưa em đi.”

Tạ Tịch ngẫm nghĩ một hồi cuối cùng vẫn không từ chối.

Cậu vừa bắt đầu công việc, ông chủ muốn kiểm tra kinh nghiệm mua sắm của mình cũng là điều dễ hiểu.

Hai người một trước một sau rời đi, rồi cùng lúc xuất hiện ở bãi đỗ xe.

Sau khi lên xe, Giang Tà nói: “Thắt chặt dây an toàn vào, chúng ta sẽ đến một siêu thị hơi xa đây chút.”

Tạ Tịch làm hết phận sự mà hỏi thăm: “Là siêu thị mà thầy hay đi ạ?” – Có phải về sau cậu cũng phải mua đồ ở đó không?

Giang Tà có thường ghé siêu thị bao giờ.

Số lần y bước vào đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Y cười nói: “Đi xa hơn chút để tránh hiềm nghi.”

Xung quanh trường cũng có siêu thị, quy mô lớn lại náo nhiệt, bán đủ thứ đồ.

Nhưng trong siêu thị tập trung nhiều sinh viên, nếu đụng phải…

Cõi lòng Tạ Tịch ấm áp, cậu nói: “Không sao đâu ạ.” – Cậu cho rằng Giang Tà không muốn để các bạn học biết cậu làm giúp việc ở nhà y.

Giang Tà sao có thể khiến cậu lăn tăn về vấn đề kia được, y vừa mở miệng đã phá hỏng bầu không khí cảm động: “Tôi sợ người ta thấy hai thanh niên đẹp trai tài giỏi đi siêu thị mua thức ăn cùng nhau lại hiểu lầm tôi ôm ý đồ xấu với em.”

Tạ Tịch: “!”

Dứt lời Giang Tà căng thẳng hẳn lên, nhưng nhìn dái tai đỏ ửng của bạn nhỏ y lại cảm thấy đáng lắm.

Tạ Tịch luống cuống nói: “Không, không có chuyện như vậy đâu ạ!”

“Không hửm?” – Giang Tà bảo: “Vậy được rồi, thế chúng ta không vòng vèo nữa, qua thẳng chỗ gần nhất luôn.”

Tạ Tịch phát hoảng.

Giang Tà vẫn còn biết chừng mực, y cong môi cười nói: “Rồi rồi, tôi đùa thôi, kỳ thực là tôi không muốn đi.”

Thần kinh Tạ Tịch vẫn còn căng thẳng, cậu thuận miệng hỏi: “Sao vậy ạ?”

Giang Tà đáp: “Nói thế nào tôi cũng là nhân vật nổi tiếng ở đại học X, lượn lờ quanh siêu thị kiểu gì cũng bị mấy cô gái nhỏ chặn lại.”

Tạ Tịch: “…”

Giang Tà tỏ ra rất nghiêm túc: “Em cũng thấy rồi đấy, hết giờ học là mấy bạn nữ lớp bên cạnh lại chạy sang chặn đường tôi.”

Tạ Tịch không muốn nói chuyện nữa, cậu quay đầu nhìn ra phía ngoài cửa sổ, thầm mắng trong đầu: Thầy Giang quả nhiên rất ngả ngớn!

Giang Tà lái xe mất nửa giờ cuối cùng cùng tìm được một siêu thị tạm ổn.

Hai người xuống xe, giờ không phải sợ chạm mặt người quen nữa rồi.

Đùa nhau chắc, lái xa như vậy đụng phải mới là lạ ấy!

Tạ Tịch lấy một chiếc xe đẩy nhỏ, nghiêm túc đi chọn lựa nguyên liệu nấu ăn.

Trên đường đi cậu có hỏi qua về sở thích ăn uống của Giang Tà nhưng y không nói, chỉ bảo đến nơi xem đã rồi tính tiếp.

Giờ là lúc thích hợp để hỏi: “Thầy thích ăn cá không?”

Giang Tà đáp: “Tôi không ăn cá nước ngọt.”

Tạ Tịch ghi nhớ trong lòng, lại vòng ra khu hải sản.

Giang Tà hình như rất thiên vị hải sản, cơ bản đều thích ăn, còn hỏi: “Em có biết làm Takoyaki không?”

Tạ Tịch chớp chớp mắt.

Giang Tà giải thích: “Hồi còn nhỏ hình như tôi từng ăn một lần, sau đó thì chưa từng ăn lại.”

Tạ Tịch suy nghĩ một chốc: “Món này kỳ thực không khó làm, chẳng qua cần có máy chuyên dụng.”

Giang Tà bảo: “Siêu thị có bán không nhỉ? Tranh thủ mua luôn rồi tối về chúng ta làm bữa Takoyaki.”

Tạ Tịch dở khóc dở cười: “Ở đây không bán, đợi về nhà mình đặt hàng trên mạng, qua mấy ngày là người ta giao đến.”

Giang Tà tỏ ra khá tiếc nuối: “Hiểu rồi!”

Trong lòng Tạ Tịch khẽ động: “Thầy muốn ăn lắm hả?”

Giang Tà đáp: “Không vội lắm, đợi mấy ngày nữa rồi ăn.”

Tạ Tịch nói: “Thứ này trong trung tâm thương mại có bán, nếu thầy muốn ăn thì…”

Giang Tà nói: “Tôi muốn ăn đồ em nấu.”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.