(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); 1.
Đều là giả.
Ta sẽ không cho phép lời đồn biến thành sự thật.
Bởi vì trong lòng ta, không ai có thể sánh bằng một nửa của A Dung nhà ta.
Có một cô gái mà ta đem lòng yêu thương, nàng ấy là con gái của thái phó, nàng tên là Châu Dung Sương.
Tuy đôi khi nàng rất hung dữ, có lúc chẳng thèm quan tâm đến ta, cũng có lúc rất quy củ nề nếp, giống hệt như Châu thái phó.
Nhưng ta vẫn thích nàng ấy.
Ta không thích nhìn nàng ấy nói chuyện với những hoàng huynh hoàng đệ khác, cũng không thích nhìn nàng ấy toàn tâm toàn ý sửa sách luận* cho bọn họ.
(* Sách luận: Chỉ các bài văn nghị luận về các vấn đề chính trị phía trước để hiến sách cho triều đình thời phong kiến.)
Ta không thể trơ mắt nhìn nàng ấy bị Châu thái phó gò bó, càng không thể trơ mắt nhìn nàng ấy chịu uất ức.
Mùa xuân, chúng ta cùng nhau trồng cây lê. Mùa hè, ta dẫn nàng ấy đi bắt dế trong vườn, ngắm bình minh, ngắm hoàng hôn, nhìn trăng sáng soi mặt biển. Mùa thu, chúng ta ngồi dưới gốc cây lê, ngửi mùi thơm của lê. Mùa đông, chúng ta ngắm tuyết đầu mùa, ta hái hoa mai cho nàng ấy.
Phụ hoàng mẫu hậu rất hài lòng về A Dung, ừm, ta cũng hài lòng.
Ta cầu xin phụ hoàng ban hôn, phụ hoàng cũng đã đồng ý rồi.
Ông ấy và mẫu hậu đã trải qua thời niên thiếu nâng đỡ lẫn nhau, ân ái đến tận bây giờ.
Nhưng không chờ thánh chỉ tứ hôn kịp đưa đến, A Dung của ta đã chết rồi.
Nàng ấy đến thôn trang kiểm toán, nào ngờ lại xảy ra hoả hoạn, vĩnh viễn không thể quay về.
Lúc nghe tin, Châu thái phó tuổi già sức yếu, đấm ngực dậm chân, ôm đầu khóc thất thanh. Suốt bao nhiêu năm vẫn luôn đứng thẳng lưng, nay lại đột ngột cong lưng.
A Dung của ta biến thành một cái xác cháy đen, trong tay còn nắm chặt mặt dây chuyền đồng điếu mà ta tặng cho nàng ấy.
Ta rất hối hận vì đã không thể đi theo nàng.
Vì cứu một tiểu cô nương mà nàng ấy táng thân trong biển lửa.
Có người trong thôn trang đã nói rất nhiều sau khi nhìn thấy ta. Y nói mình tên là Ngụy Thuật, trước kia là một tên ăn chơi trác táng, sau này gia cảnh sa sút, y may mắn giữ được mạng sống, vốn tính đến Đông Dục kinh doanh kiếm sống. Nào ngờ, nửa đường, y lại gặp cướp bóc, không chỉ bị đánh đập mà còn bị cướp hết tài sản.
A Dung cứu y, còn cho y tiền, động viên y tiết kiệm, còn dặn y phải báo tên Châu Dung Sương nếu bị ai đó ức hiếp.
Y vẫn nhớ ơn A Dung. Sau này, y đến thôn trang làm tiểu nhị ghi sổ sách, được trời cao ưu ái, gặp lại A Dung.
“Không dối gạt thái tử điện hạ, Nguỵ mỗ từng có tình ý với Châu cô nương, nhưng Châu cô nương nói nàng đã có người trong lòng, người đó là nhi lang tốt nhất mà nàng ấy từng gặp. Tuy người đó rất ấu trĩ, hay ghen tuông, nhưng kiếp này, trái tim nàng chỉ rung động vì người ấy. Tình cảm của Ngụy mỗ không đáng được nhắc tới, chỉ cần Châu cô nương sống tốt là Ngụy mỗ đã thấy mỹ mãn rồi.”
“Châu cô nương rất hay cười, lúc cười rộ lên rất đẹp. Nàng rất dịu dàng, ngay cả khi tức giận cũng chỉ hơi nhíu mày, sẽ không tuỳ tiện giận cá chém thớt lung tung với người khác. Ai trong thôn trang cũng thích nàng ấy, chỉ tiếc là cô nương tốt như vậy mà lại, haiz…”
Đúng vậy.
A Dung của ta trời sinh tính tình lương thiện, một cô nương tốt như vậy, vì sao lại muốn hại nàng?
Sau đó, ta điều tra chân tướng, nhưng rất nhiều người đều cản trở ta.
Nhưng nàng ấy không chỉ là nữ nhi của thái phó mà còn là người ta yêu.
Ngụy Thuật nói, mùi dầu hoả trong không khí khác hẳn với mùi dầu mà thôn trang sử dụng, là mùi dầu hoả mà y từng ngửi qua khi còn sống trong phủ nhà mình. Từ nhỏ, khứu giác của y đã nhạy cảm, có thể ngửi được mùi hương mà người khác không thể ngửi được.
Có nghĩa là, đây là do có người cố tình phóng hoả.
Hiện trường chỉ để lại một mảnh vải, bên trên có hoa văn chìm, không phải là của người trong thôn trang.
Lúc ấy, người trong thôn trang cứ ngỡ rằng đây là của người nào đó muốn cứu hoả, nhưng mảnh vải kia hoàn toàn không thể được tìm thấy trong thôn trang, bởi vì trong thôn trang chỉ dùng vải lanh bình thường.
Ta sai người điều tra, phát hiện ra đó là vải mà Dạ Hành Vệ sử dụng.
Là gia đình giàu có, hơn nữa, khả năng cao còn là gia đình nhà quan.
Chẳng qua, không biết mục tiêu cuối cùng của bọn họ là A Dung hay là ta.
Ta đưa Ngụy Thuật về cùng, để y đi vào thành tìm xem có nơi nào nặng mùi dầu hoả hay không, đặc biệt là phải chú ý xem có nhà quan nào có nữ nhi hay không.
Nếu là nhằm vào A Dung, ta nghĩ mình biết mục tiêu của bọn họ là gì.
Cuối cùng, Ngụy Thuật quay về báo cho ta, có tất cả 5 chỗ, một chỗ là cửa hàng than đá, hai chỗ là phú thương ở thành Tây và thành Đông xa xôi, còn có toà nhà mà sứ thần Đông Dục ở, chỗ còn lại là thiên viện của phủ thừa tướng.
Ta nhớ lại, phủ thừa tướng có hai vị tiểu thư, nổi tiếng nhất là đại tiểu thư Tống Doanh Xu.
Thì ra là thế này.
Ta thỉnh cầu phụ hoàng truy phong A Dung làm chuẩn thái tử phi, giả vờ lên triều tuyên bố muốn điều tra rõ nguyên nhân gây ra hoả hoạn ở thôn tra, điều tra rõ cái chết của A Dung.
Quả nhiên, đêm hôm đó, trên xà nhà phủ thừa tướng, Ngụy Thuật nghe lén được tiếng phu nhân thừa tướng nơm nớp lo sợ đòi đưa Tống Doanh Xu đi lánh nạn một thời gian.
Ngày hôm sau, thừa tướng ngay lập tức thu thập hành lý, đưa bọn họ đến thành Bình Triều.
Thành Bình Triều nằm kế kinh thành, là quê quán của Châu thái phó.
Bọn họ còn dám vác mặt đến đó?
Ta chợt nhớ ra, phủ thừa tướng đã mơ ước vị trí thái tử phi của Đông Cung từ lâu.
Vậy nên mới giẫm đạp lên mạng sống của người khác hay sao?
Ta bẩm báo phụ hoàng, phụ hoàng im lặng một lúc, kêu ta chờ thêm một chút. Ông ấy sai ta và Thẩm Cận cùng nhau thu thập chứng cứ phạm tội của thừa tướng.
Thẩm Cận là con trai của Thẩm bá phụ. Vì cứu phụ hoàng của ta mà Thẩm bá phụ hy sinh trước cổng thành, phụ hoàng bèn nhận Thẩm Cận làm nghĩa tử.
Hắn mới cưới vợ gần đây, là nữ nhi của thừa tướng, chẳng qua không phải Tống Doanh Xu mà là tiểu thư con vợ lẽ, Tống Sơ Yểu.
Thôi được rồi, ta quyết định chờ thêm một chút.
Ta cũng đến thành Bình Triều.
Ta giả vờ là công tử gặp nạn đến từ kinh thành, gõ cửa khách sạn nơi bọn họ đang ở, lấy cớ tham khảo văn thơ để trò chuyện với Tống Doanh Xu. Trong lúc lơ đãng, ta cố tình để ả phát hiện ra ta là thái tử, còn nói bóng nói gió với ả ta rằng ta và A Dung không hề thân mật như lời đồn, ta chỉ xem nàng ấy là muội muội, không có tư tình nam nữ.
Sau đó, ta phải quay lại kinh thành, ả ta lưu luyến không buông.
“Xu Nhi nguyện trao một tấm chân tình cho công tử, mong công tử chớ có quên thiếp.”
Gớm muốn chết, ai thèm tấm chân tình của ả ta?
Như ta mong muốn, nửa tháng sau, ả ta cũng quay về kinh thành.
Một buổi sáng trời trong nắng sớm, Đông Cung tổ chức tiệc, trên cầu Đạp Tinh, Tống Doanh Xu vô tình rơi xuống hồ nước, được ta cứu
“Vân, Vân công tử.”
Đôi mắt của ả nhìn chằm chằm vào ta. Lúc ả thẹn thùng cho rằng ta đã nhìn trúng ả, ta đang thầm chê mùi son phấn trên người ả khó ngửi muốn chết.
Thật là ô nhiễm cầu Đạp Tinh.
Đạp Tinh và Lãm Nguyệt là tên do A Dung đặt cho hai cây cầu. Ta từng nắm tay nàng đi qua cầu Đạp Tinh dưới cơn mưa lất phất, cũng từng ôm nàng trên cầu Lãm Nguyệt sau một thời gian dài không gặp.
A Dung, chờ ta một chút.
Ta đích thân đến thăm phủ thừa tướng, trên phố dần xuất hiện lời đồn, nói rằng thái tử có ý với đích nữ phủ thừa tướng, có lẽ Tống Doanh Xu sẽ trở thành thái tử phi.
Tống Doanh Xu ngu xuẩn vô cùng, chỉ nếm chút ngon ngọt đã không kiêng nể gì lao vào Đông Cung.
“Lúc ở thành Bình Triều, Xu Nhi cũng không biết ngài là thái tử, đã mạo phạm nhiều rồi, mong điện hạ thứ lỗi.”
Thời gian dần trôi, ả bắt đầu gọi ta là “Lễ ca ca”.
Thật đáng kinh tởm.
A Dung sẽ không gọi ta như vậy. A Dung sẽ dịu dàng gọi ta là “Vân Trình”.
Vân Trình là nhũ danh của ta.
Ta và Tống Doanh Xu ở bên nhau, Chiêu Lạc rất tức giận, thường xuyên gây sự ầm ĩ, cứ nhắc mãi đến A Dung.
“Dung tỷ tỷ tốt hơn Tống Doanh Xu kia nhiều!”
Muội muội ngốc của ta, sao ca ca lại không biết A Dung mới là người tốt nhất. Ca ca nhớ nàng hơn cả muội.
Một ngày nọ, ta đi ngang qua Học Đường, Thái thái phó đang dạy học. Ta thấy thất đệ trêu chọc cô nương sau lưng đệ ấy, cô nương kia nhíu mày, dùng thước gỗ gõ nhẹ lên người đệ ấy. Thất đệ lại lén lút đưa đồ ăn cho cô nương kia, nàng cúi đầu không quan tâm, nhưng ta nhìn thấy khóe môi cô nương hơi cong lên. Khoảnh khắc đó, ta lại nhớ đến những kỷ niệm giữa ta và A Dung, chúng ta cũng từng giống như vậy.
Lý thái phó dạy chữ cổ cho chúng ta là người có tính tình chẳng ăn nhập gì, vậy nên, luôn có học trò nghịch ngợm chơi đùa trong tiết học của ông ấy. Ta chính là một trong số đó.
Ta sẽ trêu đùa A Dung đang nghiêm túc viết chữ, sẽ nghịch tóc của nàng, cài trâm cho nàng hoặc đút đồ ăn vặt cho nàng. Nàng sẽ tỏ vẻ nghiêm túc trách cứ ta, nhưng ta biết nàng không tức giận, ta còn lén lút ngắm khoé môi hơi cong lên của nàng.
Lúc còn nhỏ, ở Đông Cung, mẫu hậu hỏi ta cảm thấy A Dung như thế nào.
Khi đó, ta nhìn tiểu cô nương đang hái lê, nói, “Nhi thần thích A Dung, nhi thần muốn ở bên cạnh A Dung, mãi mãi không rời xa.”
Ta muốn cùng A Dung lớn lên, cùng nàng đi qua một kiếp người.
Hôm nay, ta đến gặp phu nhân thừa tướng.
Phu nhân của Thẩm Cận từng nói, mẹ cả và đích tỷ của nàng ấy chỉ có dung tục hơn chứ không có dung tục nhất. Hôm nay vừa gặp, ta đã hiểu ngay.
Ta còn phát hiện ra một chuyện. Vốn dĩ, thừa tướng có một người vợ chưa cưới vào nhà, vì muốn mượn sức thái uý nên mới cưới phu nhân hiện tại. Thiên viện cũ nát trong phủ thừa tướng chính là nơi ở trước kia của phu nhân Thẩm Cận. Ngoài ra, trong phòng sách của Tống Kế Tổ có một ngăn bí mật, bên trong có hai quyển sổ sách, một quyển ghi chép khoản chi của quân đội, một quyển có lẽ là số tiền tham ô của thừa tướng suốt mấy năm nay. Số tiền đó còn nhiều hơn cả chi tiêu trong suốt 20 năm của gia đình bá tánh bình thường.
Hiện giờ, vì bọn họ mà bá tánh phải thắt lưng buộc bụng, khổ không nói nên lời.
Ta sai Ngụy Thuật trộm những sổ sách này, thay vào đó sổ sách giả.
Mùa thu, Thẩm Cận nói đã chặn được lá thư thừa tướng thông đồng với địch ở doanh trại man di.
Ta nghĩ, hẳn là sắp đến lúc rồi.
Sau khi dây dưa với Tống Doanh Xu, ta rất ít khi đến sân của A Dung, ta sợ nàng sẽ trách ta.
Đây là lần đầu tiên ta bước vào sân của nàng ấy kể từ khi A Dung gặp chuyện.
Bàn được sắp xếp ngay ngắn, bên trên còn cắm hoa hồng ta tặng cho nàng. Chỉ tiếc, hoa hồng đều đã héo cả rồi.
Ta lướt qua kệ sách của nàng từng chút một, bỗng phát hiện ra một chiếc hộp. Ta ma xui quỷ khiến mà mở ra xem, đập vào mắt là những tấm thẻ cầu may.
Những tấm thẻ cầu may có khắc hai chữ “Vân Trình”.
Tổng cộng là 14 tấm thẻ.
Năm 9 tuổi, ta quen biết A Dung. Năm nay là năm thứ mười bốn chúng ta quen biết nhau.
Hai chữ “Vân Trình” trên thẻ cầu may, từ ngây thơ trong sáng đến đoan trang chính trực, mặt sau còn ghi nguyện vọng của nàng.
Ta đến chùa Quảng Chiêu, lão trụ trì dẫn ta đến một nơi.
Trên đỉnh núi Kim Đài có 3000 bậc thang, trụ trì nói, từng có một cô nương, sinh nhật năm nào cũng bước lên bậc thang núi Kim Đài xin một tấm thẻ cầu may. Nàng ấy đích thân khắc tên lên tấm thẻ kia, thành tâm cầu nguyện trời cao có thể nghe thấy mong ước của mình.
Ta nhìn lụa đỏ được cột lên những cành cây, phảng phất như đang thấy một tiểu cô nương chắp tay trước ngực, cầu nguyện thần linh.
“Nguyện Vân Trình luôn luôn vui vẻ.”
“Nguyện Vân Trình luôn luôn bình an.”
“Nguyện Vân Trình cầu được ước thấy.”
…
“Nguyện A Dung và Vân Trình nắm tay nhau đến bạc đầu.
Suốt mười bốn năm, trước sau như một.
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");