Trại Hoa Đỏ

Chương 26: Căn bệnh




Trước mặt Bách la liệt giấy tờ, những tấm ảnh chụp thi thể Ráy, ảnh chụp xác chết của Di, của Sương và của gã điên anh đã suýt cán phải trên đường đến dự lễ khánh thành. Mai Thanh vào phòng, mùi mộc lan và gỗ đàn hương nồng nàn toả ra từ chút nước hoa Envy đọng lại trên cổ tay cô.

- Công việc của anh đến đâu rồi?

- Đã tìm ra trùm sò của băng quái nhí, một con nhóc mới có mười tám tuổi. Kinh khiếp cho lũ trẻ bây giờ.

- Còn vụ này? – Mai Thanh nhìn những tấm ảnh khổ 20x30 đang đặt trên bàn.

- Phòng giám định đã kết luận những dấu chân trong ngôi nhà cổ và hầm mộ khớp với kích cỡ giày của Sương, đôi giày mà hắn đang đi ở chân trước khi chết. Những dấu chân còn lại là của Ráy và Diên Vĩ. Giám định pháp y cũng khẳng định rằng vết thương nguy hiểm nhất khiến Ráy tắt thở là một cú đâm vào tâm thất trái. Kích thước vết thương cho thấy con dao gây án là loại dao mũi nhọn, cỡ lớn hơn con dao của Diên Vĩ. Còn những vết đâm của Diên Vĩ trong lúc hoảng loạn chỉ khiến nạn nhân bị trầy xước bên ngoài. Không tìm thấy hung khí, nhưng núi cao rừng thẳm như thế, rất có thể tên giết người đã vứt tuốt xuống một cái vực nào đó rồi. Có mà Trời tìm.

- Anh đã có kết luận gì chưa?

Bách thở dài.

- Một vụ không bình thường chút nào. Thằng Sương đã giết tới ba mạng người ở Trại Hoa Đỏ. Lý do chỉ có một hướng duy nhất mà thôi. Hắn muốn tìm thấy kho báu của nhà họ Quách nên mới cấu kết với Ráy để coi bà ta như tay sai. Hắn thuyết phục Lưu mua miếng đất ấy để làm trang trại cũng nhằm mục đích này.

- Vậy thì tại sao hắn phải giết tới chừng ấy người. Hắn cứ việc tìm kho báu. Sẽ chẳng có người dân hiền lành nào ở cái bản ấy lại muốn ngăn cản hắn.

- Một số đồ cổ tìm thấy trong hầm mộ được chuyên gia xác định là có niên đại sau này, nghĩa là không phải tất cả số đồ cổ là tài sản thuộc nhà họ Quách, mà là cổ vật đang được gã Sương buôn lậu và lấy đó làm nơi cất giấu. Có thể mụ Ráy cũng nằm trong đường dây vận chuyển lậu qua biên giới.

- Và những người kia phát hiện ra điều bí mật đó nên hắn giết ngươif triệt khẩu?

- Chẳng còn cách giải thích nào khác. Nhưng anh thấy còn nhiều nghi vấn lắm. Diên Vĩ nói rằng Di nhìn thấy một “thứ gì đó” rõ ràng rất kinh khủng và cô ta bị giết vào giờ phút chót. Ráy và Sương cũng nhắc đến một khái niệm tương tự. Chị ta đã nói rằng “Nó ở đâu ra? Tại sao tôi sống ở cái bản này hơn ba mươi năm rồi mà chưa nhìn thấy nó?”. Chị ta đã rất sợ hãi còn Sương thì quyết định đêm hôm đó sẽ đi kiểm tra. Như vậy, cái mà Sương muốn tìm đêm hôm đó cũng chính là nó, là thứ mà Di đã nhìn thấy.

- Quan trọng nhất là tại sao hắn ta lại giết Ráy và ai đã giết hắn. Ráy là kẻ cùng hội cùng thuyền. Chị ta vô hại đối với hắn.

- Có thể hắn đã lệnh cho Ráy phải giết lão thầy mo. Những đồ đạc mà chúng ta tìm được trong ngôi nhà cổ chứng tỏ lão đã sống chui lủi ở đó và tất nhiên, đã khám phá ra những bí mật của căn hầm. Lúc người của Lãm cho anh ta biết lão thầy mo muốn tiết lộ một bí mật để mong được giảm án, có thể mụ Ráy đã nghe thấy. Mụ ta đoán ra sự việc nên thông báo cho Sương và hắn ra lệnh phải thủ tiêu kẻ bép xép. Sau đó mụ ta tìm thấy hũ vàng của lão. Thật là một công đôi việc.

- Đồng ý. Còn ai giết tay Sương? Và giết vì lý do gì?

- Đó chính là câu hỏi khiến anh điên đầu nhất. Nó làm đảo lộn mọi suy đoán của anh từ đầu đến giờ.

- Anh có cho rằng…

- Mai Thanh thì thầm.

- Một lời nguyền nào đó khiến những người dân bản ấu trĩ phải ra sức bảo vệ cái kho báu ấy?

- Cũng có thể, nhưng ghép vào những dữ liệu mà chúng ta đang có thì điều ấy có vẻ không hợp lý cho lắm.

Bách xếp ngay ngắn bốn bức ảnh cạnh nhau trên bàn. Mỗi tư thế người chết lại mang đến một sự rùng mình khác nhau cho người xem. Điều khó chịu nhất khiến không ai có thể nhìn lâu vào những bức ảnh là cả bốn đôi mắt đều mở trừng trừng như kinh ngạc, như sợ hãi, như ai oán. Bách nói khẽ.

- Anh đang nghĩ đến một hướng khác. Một điều mà anh không muốn nghĩ tới nhưng bắt buộc phải làm.

Anh nhớ lại lời của trung tá Phả lúc ở hiện trường “ Chẳng lẽ ở trang trại này lại có một kẻ giết người hàng loạt à? Nó giết người liên tiếp như thế vì lý do gì? Để tiêu khiển ư? Thế thì cái đứa ấy nên cho đi trại thương điên là vừa”.

Người công an phường sở tại có khuôn mặt tròn xoe, đen bóng. Anh ta kéo chiếc ghế nhựa ra trước mặt Bách rồi càu nhàu với bà chủ quán cà phê về chuyện trời mới chớm thu mà bà ta đã tắt hết máy lạnh để thay thế bằng chiếc quạt trần lọc xọc. Anh ta khuấy chiếc thìa cáu bẩn vào ly cà phê đá và ra vẻ trịnh trọng.

- Việc của ông nhờ tôi đã làm hết sức rồi đấy, chứ thời buổi này công an phường chẳng quản lý nổi nhân khẩu đâu. Nay có thằng Hàn Quốc đến thuê nhà, tuần sau lại thấy chuyển đi. Rồi hàng trăm đứa sinh viên lúc nhúc ở chung một chỗ. Chúng nó đều đăng ký tạm trú nhưng hết đứa nọ đến đứa kia đến ở chui. Bố ai quản lý nối. Bận trước có thằng người yêu một con bé đến ở suốt một tuần không khai báo, thế rồi chả biết ghen nhau thế nào mà đâm chết con nhà người ta. Lúc ấy báo chí lại è cổ công an phường chúng tôi là không chịu sâu sát nhân khẩu địa bàn. Chưa kể hộ khẩu một đằng tạm trú một nẻo. Có khẩu chuyển nhà tới năm lần rồi, hộ khẩu vẫn cứ ở nguyên cái nơi mà lần cuối cùng người ta nhìn thấy họ là mười lăm năm trước. Tôi hỏi ông có tài thánh mà quản hết cho xuể.

- Được rồi, được rồi. Việc càng khó càng vinh quang. Thế cuối cùng là thế nào?

- À, khẩu của nhà Trần Hoàng Lưu và Mai Diên Vĩ là từ quận khác chuyển về. Họ đăng ký kết hôn từ năm 2004, đến nay được bốn năm.

Bách hơi nhíu mày.

- Anh chồng làm kinh doanh, giàu nứt đố đổ vách. – Anh ta uống ngon lành ly cà phê được pha từ thứ bột rang quá lửa.

- Diên Vĩ làm nghề gì?

- Không làm gì cả. Chồng giàu thế, còn phải làm gì nữa.

- Hàng xóm nhận xét về họ thế nào?

- Chẳng nhận xét gì hết. Họ ở trong một biệt thự rộng 400 mét vuông, có cả lính canh gác. Anh chồng đi làm trong một chiếc xe gắn kính đen. Vợ đi chợ, con đi học bằng một chiếc xe kính đen khác có tài xế riêng. Có nhìn thấy mặt mũi bao giờ đâu mà bảo nhận xét. Với lại khu đó toàn nhà biệt thự, ai nấy đều kín cổng cao tường cả. Họ không sống bầy đàn như anh em mình đâu. Nhà ai biết chuyện nhà nấy.

Chỉ trong một ngày, Bách đã có toàn bộ thông tin về Mai Diên Vĩ và Trần Hoàng Lưu. Lưu và Diên Vĩ đều là người từ nơi khác chuyển đến. Lưu kinh doanh nhiều hạng mục và liên tục phát đạt. Trước đây anh từng tốt nghiệp đại học hạng ưu và sau đó vào làm trong một công ty xây dựng. Anh thăng tiến, trở thành giám đốc điều hành nhưng nhanh chóng xin nghỉ việc để lập công ty riêng. Còn Diên Vĩ đã từng bji đuổi khỏi trường đại học sau ba năm theo học.

Hai ngày sau, Bách gói hai bộ quần áo vào chiếc túi xách nhỏ và lên một chuyến xe chạy suốt Bắc Nam, lần theo địa chỉ từng là hộ khẩu đầu tiên của Mai Diên Vĩ. Anh xuống xe nửa chừng và bắt một chiếc xe nhỏ khác. Xe lèn đầy người buôn, mùi rau quả nẫu và mồ hôi người bôc lên nồng nặc. Xe chạy ngoằn ngoèo ra khỏi thành phố, xuyên qua con đường đầy đá sỏi không một bóng cây. Bách lại xuống giữa chừng và đi nhờ xe công nông của một anh nông dân vào làng. Suốt đường đi, anh ta líu lo bằng thứ thổ ngữ mà Bách chỉ hiểu được ba mươi phần trăm. Anh ta chịu không biết ở làng này có ai tên là Mai Diên Vĩ. Đại loại, anh ta bảo làng của mình chỉ có Sen, Dừa, Thu, Cúc. Tên như diễn viên như vậy lên thành phố mà tìm. Tiếng công nông hoà vào giọng nói trọ trẹ của anh nông dân khiến đầu Bách váng lên như người đang say nắng. Anh liền rút tấm ảnh ra đưa cho người lái xe. Anh ta vẫn lắc đầu quầy quậy, nói rằng làng của anh ta chỉ có da đen, tóc rậm, răng hô chứ đẹp như diễn viên như vậy lên thành phố mà tìm. Bách đã bắt đầu bán tín bán nghi. Anh cũng không thể ghép hình ảnh những người phụ nữ lịch lãm, giọng nói Bắc Kỳ chuẩn xác vào hình ảnh những người như anh lái xe công nông này được. Anh ta đỗ lại đầu làng, vẫn nổ máy xe, đầu nguẩy nguẩy ra hiệu cho Bách xuống. Anh ta nói vào làng mà hỏi tiếp, giờ anh ta phải ra đồng bốc nốt chỗ gạch vụn.

Bách xách túi bước đều, chiếc ảnh để bên ngực trái. Người anh mỏi nhử sau chặng đường vừa rồi. Trời đã về chiều và những đợt gió thu hanh hao thổi ráo mồ hôi trên mặt, trên cổ anh. Ngôi làng thật tiều tuỵ. Vẻ nghèo khó hiện lên ngay từ cổng vào đầu làng. Dân làng không góp nổi tiền để đắp điếm một cổng chào mới cho ra hồn, vẫn đành đoạn đi qua đi lại dưới hai cột đá lở loét được gọi là cổng. Các ngôi nhà kiểu một gian hai chái lặng thầm trên nền đất khô. Những phụ nữ ngồi trước cổng nhà mở to mắt nhìn người khách lạ. Không như các làng quê miền Trung thân thiện khác, những con người này tỏ ra dè dặt một cách bí ẩn. Không biết làm cách nào, Bách đành đứng trước cổng nhà một người phụ nữ trung tuổi.

- Chị làm ơn cho hỏi, làng mình có một cô tên là Mai Diên Vĩ, nhà cô ấy ở đâu? – Bách giơ cao tấm ảnh.

- Hỏi ai chừ?

- Người phụ nữ ngó lom lom vào tấm ảnh nhưng không nói gì, vẻ mặt giống hệt anh lái xe công nông khi nãy.

Tức thì những người hàng xóm bỏ dở công việc và xúm lại gần. Họ chuyền tay nhau tấm ảnh, lật trái lật phải, gí lại gần mắt rồi đẩy ra xa, tay miết miết lên cả mái tóc cột gọn gàng để lộ những ngấn cổ yêu kiều. Rốt cuộc, không ai biết cô gái trong ảnh. Họ nói rằng đã ở đây từ lúc sinh ra cho tới khi lớn lên, chưa từng nhìn thấy cô gái này bao giờ, tên Mai Diên Vĩ lại càng chưa bao giờ nghe nhắc đến. Chắc anh nhầm làng rồi. Người đẹp như vậy không thể sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng cùi cụt thế này. Họ nhìn tấm ảnh một cách kính nể.

Đúng lúc đó, một người phụ nữ mặc quần đen, ống xắn tới tận bắp đùi dắt xe đạp đi qua đám đông. Thấy sự xúm xụm lạ kỳ, bà ta nhó vào.

- Chuyện răng rứa?

Tiếng nhao nhao cất lên, tranh nhau kể lại cho người mới đến. Người đàn bà tò mò nhìn vào bức ảnh, nét mặt không tỏ thái độ gì. Bà ta trả lại cho Bách kiểu tôi chưa từng nhing thấy con người này. Những người kia xúm vào mớ rau muống người đàn bà đèo sao yên xe.

- Rau ở mô mà ngon rứa?

Họ đổi chủ đề, chuyển sang bàn tán về mớ rau muống mà người đàn bà kia vừa kiếm được. Bách chán ngán, chẳng nhẽ chặng đường vài trăm cây số đổ đi thành công cốc. Anh lặng lẽ rời khỏi đám đàn bà kia. Bất ngờ, chủ nhân của mớ rau muống gọi giật anh lại, đề nghị cho bà ta xem lại tấm hình. Anh rút bức ảnh từ trong túi. Bà ta để sát tấm ảnh vào mắt và chợt kêu lên.

- Con Cẩm. Con Mai Thị Cẩm.

Tức thì đám đông ồ lên, tranh nhau giành giật tấm ảnh như một thứ của quý. Những tiếng lao xao.

- Đúng hí. Con Cẩm.

- Chừ răng nó đẹp dễ sợ.

- Nó là hoa hậu rứa?

- Chừ anh nớ tìm nó có chuyện chi?

Đám đông có vẻ cảnh giác, nhưng sau tất cả, Bách nhanh chóng nhận ra thái độ của họ đối với bức ảnh đã thay đổi sau khi họ nhận ra người đồng hương của mình. Họ tỏ vẻ ghê sợ tấm ảnh như thể đấy là một thứ bùa chứ dị giáo.

- Tôi có chút việc cần cô ấy. Cô Diên Vĩ…à cô Cẩm giờ sống ở đâu?

- Nó ở mô ai biết. Nó bỏ làng đi lâu rồi.

- Tại sao?

- Ai biết. Nó đi chúng tôi mừng.

- Hỏi bà tê.

- Một người chỉ vào người đàn bà có mớ rau muống – Con Cẩm chơi với con trai bà ấy.

Ngay lập tức, người đàn bà cau mặt và vội vã dắt xe rời khỏi đám đông. Bách vội bám theo sau. Người đàn bà ngồi lên xe đạp để đi cho nhanh, nhưng luống cuống thế nào mớ rau muống rớt xuống đất. Lạt buộc bung ra khiến những cọng rau văng tung toé. Bà ta tuôn ra một tràng cằn nhằn bằng tiếng địa phương. Bách cúi xuống nhặt đám rau và túm lại giúp người đàn bà.

- Thì ra cô Cẩm có thân với gia đình bác.

- Không ai thân với nó mô.

Bà ta lại cằn nhằn thêm một chập nữa, ý rằng cứ liên quan đến con người tên Cẩm là lại có chuyện chẳng lành. Mớ rau đang buộc nguyên thế cũng tuột hết cả ra. Bách cứ lẽo đẽo theo người đàn bà về đến tận nhà. Bà ta dựng xe ngoài sân rồi mang mớ rau vào bếp. Bách kiên nhẫn theo vào căn bếp ám đầy muội than.

- Anh muốn chi?

- Tôi muốn biết gia đình cô Cẩm sống ở đâu?

- Nhà nó rời làng lâu rồi. Nó không có bố. Mẹ đàng điếm.

- Vậy sao? Cô ấy rời làng khi nào?

- Mười lăm năm rồi, từ khi nó vào trại thương điên.

- Bác nói sao?

- Con bé bị điên.

- Từ khi nào.

- Tôi không nhớ. Có một lần nó cùng lũ trẻ con trong làng chơi rồng rắn lên mây ngoài sân. Nó túm được một con bé tám tuổi hàng xóm, và cứ thế bóp cổ đứa kia đến lè lưỡi. Con nhỏ ngất đi tưởng chết. Từ đó không ai dám dây với nó nữa. Chúng tôi đều dặn con cái phải tránh xa cái nhà nó ở đến cả trăm thước. Nhưng thỉnh thoảng nó vẫn lên cơn và bóp cổ những đứa bé trong làng. Rõ ràng nó là một đứa trẻ bị ma ám.

- Nghe mọi người nói cô Cẩm chơi thân với con trai bác.

- Không có mô. – Người đàn bà đỏ bừng mặt giận dữ rồi nhìn đi chỗ khác, tránh ánh mắt của Bách,

- Con tôi không chơi với người như rứa.

- Cậu ấy đâu? Con trai bác ấy?

- Nó làm việc trên thành phố, xa lắm.

- Bác có thể cho tôi địa chỉ?

- Không.

- Người đàn bà quắc mắt lên. – Tôi không cho. Con Cẩm lại gây chuyện răng? Mà anh là ai rứa? Chúng tôi hơn mười năm nay không nhìn thấy nó mô, không liên quan chi hết.

Bách rút chiếc thẻ và giơ ra trước dù biết rằng bà ta chẳng nhìn thấy chữ gì.

- Tôi thuộc đội cảnh sát điều tra thành phố. Tôi rất mong bác sẽ hợp tác. Nếu bác giấu giếm địa chỉ của con trai mình, rất có thể sẽ bị khép vào tội chống người thi hành công vụ. – Bách nói một tràng để doạ dẫm người đàn bà ương ngạnh.

Y như rằng lời nói của anh có hiệu quả bất ngờ đến nỗi người đàn bà vò đầu bứt tai và giọng nói có phần mếu máo.

- Trời ơi, con tôi có chuyện chi mà tôi phải giấu giếm. Tôi biết ngay con Cẩm lại gây ra chuyện mà. Nó ở mô con tôi khổ ở đó.

Bà ta quầy quả bỏ lên nhà trên để lấy cho anh tờ giấy biên địa chỉ gấp quăn queo dưới đáy tủ chè. Anh liếc nhìn lên bàn nước, thấy có tấm ảnh được lồng trong khung kính, trong ảnh là một thanh niên có gương mặt cương nghị, đeo kính trắng và mặc áo blue trắng. Người đàn bà run run chép lại cho anh địa chỉ. Anh xin phép được viết giúp bà ta.

- Nó làm bác sỹ trên bệnh viện thành phố. – Bà mở to mắt nhìn anh. – Nhưng con Cẩm gây ra chuyện chi rứa? Tất cả là tại nó hết, không liên quan đến con tôi mô.

- Tôi chỉ muốn con trai bác cộng tác giúp đỡ cho công việc của chúng tôi thôi mà. Không có chuyện gì hết? – Anh nói để bà mẹ yên lòng.

Người đàn bà có vẻ tạm yên tam nhưng vẫn chưa hết run.

- Tôi giúp chú được chuyện chi nữa không?

- Nhờ bác chỉ giùm cho ngôi nhà cũ của cô Mai Thị Cẩm.

Người đàn bà dẫn anh ra cửa. Bà ta nửa muốn tống khứ vị khách không mời rắc rối, nửa muốn giữ lại để hỏi cho cặn kẽ xem có chuyện gì. Bà chỉ về phía cuối làng, tay phất sang phải sang trái để minh hoạ. Bách cảm ơn rồi đi bộ trên con đường chưa lát gạch.

Anh rẽ ba lần theo lời chỉ dẫn rồi dừng lại trước một ngôi nhà hoang hiu hắt. Phải gọi là một túp lều mới đúng. Nó hoang tàn, đổ nát và lạnh lẽo. Bách hình dung nó vẫn u tịch như thế ngay cả khi có người ở. Ngôi nhà nằm biệt lập với những người trong làng như thể một bệnh nhân hủi bị cộng đồng xa lánh. Trước nhà, môt vũng nước tù đọng có vẻ như trước đây đã từng là một cái ao. Phía sau lưng là những bụi chuối dại xơ xác.

Bà chủ Trại Hoa Đỏ xinh đẹp và trang nhã lại xuất thân ở một nơi như thế này sao? Bách không muốn lưu lại đây thêm nữa. Anh bước vội ra cổng làng để bắt chuyến xe cuối cùng trở về thành phố.

Phòng làm việc của bác sĩ Khang gọn gàng và lạnh lẽo như tất cả những phòng khác trong các bệnh viện. Bách phải chờ hơi lâu vì bác sĩ Khang có cuộc họp giao ban. Tuy nhiên, Khang đã đưa chìa khoá cho cô y tá để mở cho Bách vào phòng ngồi chờ. “ Anh ta là một người chu đáo”, Bách thoáng nhận xét như vậy dù chưa gặp mặt.

- chào anh, tôi là Khang, có thể giúp gì được cho anh nào? – Bác sĩ Khang bước vào, nụ cười cố tỏ ra thân thiện nhưng khuôn mặt không giấu nổi vẻ lo lắng vì đầu giờ sáng, lúc Bách gọi điện để xin một cái hẹn, anh có giới thiệu rằng mình thuộc đội điều tra hình sự.

Anh ta nói giọng Bắc rất chuẩn. “ Người miền Trung có biệt tài bắt chước đủ mọi loại giọng nói”. Đã có nhiều người nói với anh câu này nhưng đến hôm nay anh mới được chứng kiến. Nhiều người miền Trung vẫn giữ nguyên giọng gốc cho dù họ định cư ở thành phố khác, nhưng một người như bác sỹ Khang, có lẽ có lý do riêng để quên đi gốc gác của mình.

- Hôm kia tôi đã nói chuyện với cụ thân sinh anh ở quê. – Bách vào đề luôn.

Bác sĩ Khanh hơi giật mình.

- Sao, mẹ tôi có chuyện gì?

- Không, tôi trao đổi với mẹ anh chuyện về cô Cẩm mà giờ lấy tên là Diên Vĩ.

Nghe nhắc đến cái tên này. Khang càng giật mình hơn nữa. Mặt anh ta hơi tái đi.

- Cẩm có chuyện gì? Cô ấy bị làm sao? – Anh hỏi dồn.

- Không có chuyện gì xảy ra với cô ấy, chỉ vì cô ta liên quan đến vài vụ án mạng nên chúng tôi muốn điều tra cho rõ.

- Vài vụ án mạng? – Khuôn mặt bác sĩ Khang lộ vẻ thất kinh. – Làm sao có chuyện ấy. Cẩm thì can dự gì vào chuyện này?

- Chúng tôi chưa hề kết luận rằng cô ấy can thiệp gì vào những vụ án ấy, nhưng theo nguyên tắc điều tra, bất kỳ người nào liên quan đến nạn nhân, cho dù là thân nhân, hàng xóm hay một người tình cờ có mặt ở hiện trường đều phải được thẩm vấn. Chỉ là công tác nghiệp vụ thôi mà, và chúng tôi cần có sự cộng tác.

Bác sĩ Khang vẫn chưa hết băn khoăn, nhưng dường như anh ta có vẻ yên tâm khi thấy không có chuyện gì chẳng lành xảy đến với Diên Vĩ. Anh rót hai ly nước trắng và đặt một cốc trước mặt Bách.

- Vâng,có gì anh cứ hỏi. Tôi sẽ cộng tác hết sức có thể.“ Một người nhã nhặn”, Bách thầm đánh giá và kín đáo quan sát Khang. Ở ngoài, anh ta còn điển trai hơn trong ảnh, khuôn mặt vuông vắn, nhân trung sâu, mũi cao cân đối và lông mày khá rậm. Anh ta trạc ba mươi tuổi.

- Tôi được biết rằng hồi nhỏ anh chơi khá thân với cô Cẩm?

- Đúng vậy.

- Đến giờ hai người vẫn còn là bạn bè?

- Lâu rồi chúng tôi không gặp nhau. Gần bốn năm trước, tôi có phẫu thuật thay giác mạc cho con trai của cô ấy nên sau đó chỉ thỉnh thoảng gặp nhau vì lý do công việc, như bất kỳ bác sĩ và thân nhân nào khác. – Khang hơi quay đi, tránh ánh mắt của Bách.

- Trước đây cô Cẩm đã từng vào viện vì thần kinh không ổn định?

- Cô ấy phải vào viện, nhưng không có bệnh gì hết? – Khang hơi nhăn mặt.

- Tôi chưa hiểu ý anh?

- Đó là suy nghĩ ấu trĩ của mẹ cô ta và cả những người khác.

- Cô ấy từng tấn công những bạn cùng tuổi ngay từ khi mới chưa đầy mười tuổi.

- Điều đó là có thật, nhưng không có nghĩa là thần kinh của cô ấy có vấn đề.

- Tôi không biết nhiều đứa trẻ tấn công bạn bè của mình…theo cách như vậy. – Bách nhún vai.

- Tất nhiên, vì anh là người ngoài nhìn vào như tất cả những người khác. Tôi sống cùng cô ấy từ nhỏ nên đã chứng kiến tất cả. Cô ấy không có bố, sinh ra chỉ có mẹ bên cạnh. Tôi vẫn còn nhớ ngày mẹ cô ấy dắt theo một đứa bé gái lũn chũn. Hai mẹ con đi bộ từ đầu làng. Họ tìm cha của cô ấy, nhưng ông ta đã biến khỏi làng từ hàng chục năm trước đó rồi. Người mẹ, không giống những người phụ nữ áo vải chân vôi phèn nứt nẻ trong làng, bà ta xinh đẹp, trang điểm loè loẹt ra sáng thành thị. Anh không biết hồi đó, ở một làng quê lạc hậu miền Trung, chuyện phụ nữ không chồng mà lại có con khủng khiếp như thế nào. Nhất là người ta đã biết rằng bố cô ấy chẳng phải là loại tử tế gì. Không ai muốn giao tiếp với hai mẹ con họ. Có lẽ người mẹ đã đến đường cùng, nên mua lại ngôi nhà cuối làng của một ông già chăn vịt. Cô ấy, lớn lên vô độc như cây cỏ. Đường dây giao tiếp duy nhất là bà mẹ. Về mặt tâm lý mà nói, anh cũng biết rằng những đứa trẻ lớn lên trong cô độc, không giao tiếp, sự phát triển tính cách sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Cô ấy sống dè dặt, mới ba tuổi đã tỏ ra biết thân biết phận như một người trưởng thành bị hắt hủi.

- Nhưng cô ta có anh là bạn. – Bách nhắc lại.

- Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp cô ấy.

- Dường như Khang không phải đang đứng trước mặt một cảnh sát điều tra mà đang lật giở những trang hồi ký đầy hoài niệm. – Bà mẹ sải những bước dài vì không muốn gây sự chú ý cho dân làng. Đôi chân của đứa bé ba tuổi theo không kịp, nên vừa đi vừa chạy. Lúc hai mẹ con đi qua nhà tôi, cô ấy ngước mắt lên nhìn. Lúc đó tôi mới lên bảy và không thể nào quên được ánh mắt ấy. Nó cô đơn, buồn bã và không kém phần lạnh lẽo. Chúng tôi kết bạn, nhưng chỉ lén lút thôi. Mỗi lần mẹ tôi phát hiện ra là bà lại cho tôi một trận đòn không thương tiếc, như thể tôi giao du với tội phạm vậy. Năm cô ấy lên sáu tuổi, ông bố trở về làng, ở nhà vài ngày. Cô ấy sợ ông ta nên suốt ngày lánh ngoài bờ dậu không dám vào nhà. Một tối, tôi tình cờ nhìn thấy cô ấy vẫn ngồi yên bất động ngoài hàng rào mà không chịu đi ngủ. Tôi ra ngồi cạnh và chúng tôi cứ yên lặng cho muỗi đốt, không ai nói với nhau câu gì. Một thằng bé lên mười không có gì để tâm sự với một con bé lên sáu cả, ngoài việc chơi lò cò và bắn bi. Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi nghe thấy những tiếng ầm ĩ trong nhà vọng ra. Ông bố, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông ta gần như thế, mình trần, người đầy xăm trổ, lôi bà mẹ ra ngoài sân bằng cách túm tóc dắt đi như người ta dắt động vật. Ông ta muốn bà ấy phải cởi bỏ quần áo. Sau đó là những màn hành hạ kinh dị như thời trung cổ. Bà ấy buộc phải loã thể, và tiếp theo là những gì anh biết rồi, ngay trên sân gạch, ngay trước mắt hai đứa trẻ, ngay trước mắt đứa con gái mới hơn sáu tuổi. Cuối cùng, dường như hết chịu nổi, bà kêu khóc thảm thiết và ông chồng lôi vợ xuống ao, dìm bà ấy xuống nước và … bóp cổ. Ông ta cũng trần truồng, hành vi man rợ như một tên sát nhân thời nguyên thuỷ. Cô ấy run rẩy, không khóc được nữa. Tôi cũng run không kém, miệng cứng lại. Ngôi nhà cô ấy biệt lập với dân làng nên không ai hay biết chuyện này ngoài hai chúng tôi. Hôm sau, ông ta bỏ đi và sau đó ít lâu có người về làng nói rằng ông ta bị bắt vì tội quá tay đánh chết một người làm cùng. Không biết chuyện đấy có thật hay không nhưng từ đó cô ấy càng bị cô lập. Có một lần tôi và lũ trẻ trong làng đang chơi trò Rồng rắn lên mây ở sân đình. Cô ấy thèm lắm nhưng chỉ đứng từ xa nhìn. Tôi mới hết sức thuyết phục những đứa khác cho cô ấy chơi cùng. Cô ấy đóng vai thầy thuốc. Chơi được một lượt, con bé đứng cuối cùng trong hàng vẫy tay chế giễu và nói rằng cô là con một kẻ giết người, lớn lên sớm muộn gì cũng giống bố. Cô ấy bị tổn thương và kích động ghê gớm. Tôi cho rằng hành động của một đứa trẻ trong hoàn cảnh ấy không có gì là lạ.

- Nhưng sau đó cô ta cũng tấn công nhiều đứa trẻ khác nữa.

- Vì sự việc đó có nhiều người chứng kiến, cả người lớn nữa, nên tất cả càng cho rằng cô ấy là một kẻ không bình thường, càng chế giễu và cô lập. Những lần sau đều xảy ra khi cô ấy bị những đứa trẻ khác kích động.

- Sau đó cô ta phải nhập viện?

- Đó là một thời kì ấu trĩ, những người làng dốt nát càng ấu trĩ hơn, mẹ cô ấy cũng vậy. Bà bị sức ép của những người xung quanh, họ cho rằng cô ấy sẽ hại chết con họ và không muốn để cô ấy ở làng nữa. Nhưng kinh khủng hơn là chính bà ta cũng cho rằng con gái mình có vấn đề. Năm mười ba tuổi, cô ấy bị tống vào viện. Sau đó bà mẹ bỏ làng đi biệt tích. Một đứa trẻ sống giữa những kẻ điên khùng xa lạ sớm muộn gì cũng bị ảnh hưởng. Tôi đã theo mẹ cô ấy đến bệnh viện một lần. Khi chúng tôi về, cô ấy van vỉ hãy cho cô ấy ra. Cô ấy sợ những người xung quanh sẽ giết mình. Điều đó càng làm bà mẹ tin rằng cô ấy ở lại đây là đúng đắn. Sau đó, tôi lên thành phố học đại học, làm thêm được chút đỉnh và đón cô ấy đi theo. Cô ấy ở cùng phòng tôi trong một nhà trọ và tiếp tục đi học.

- Nghĩa là…

- Chúng tôi không có gì với nhau cả. Chỉ là anh trai và em gái. – Khang gắt lên.

- Cô ấy đã bị đuổi khỏi trường đại học?

Khang thở dài

- Đấy là một câu chuyện buồn. Tôi thừa nhận rằng sau khi rời khỏi bệnh viện thì tinh thần của cô ấy trở nên tồi tệ, thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu,chán nản và dễ bị kích động. Đó là hậu quả và chuỗi ngày sống giữa những kẻ thần kinh không bình thường và bị chính mẹ đẻ của mình bỏ rơi. Tuy nhiên, Cẩm là một cô gái thông minh và nghị lực,cô ấy vẫn vào đại học đàng hoàng. Kể từ lúc đó, cô ấy không sống cùng tôi nữa mà ở cùng nhà trọ với mấy người bạn cùng lớp. Giữa năm thứ ba, cô ấy và một người bạn trong phòng có sự xích mích nho nhỏ. Tôi không biết là chuyện gì, sự thể như thế nào vì kể từ lúc đó cô ấy không hề hé răng nói bất cứ một lời nào, mọi sự chỉ do phía bên kia kể. Lúc đó trong phòng chỉ có ba người: cô ấy, cô bạn kia và người bạn trai của cô ta. Có vẻ như Cẩm đã không kiểm soát được và dùng dao tấn công cô bạn. Tôi cần nhắc lại rằng toàn bộ câu chuyện đó vẫn là lời thuật lại của cô gái kia. Cô ta bị thương và không biết do đâu moi được toàn bộ tiểu sử bệnh án của Cẩm. Cẩm bị kỷ luật, nhưng kinh khủng nhất là sự cô lập quay trở lại với cô ấy như những ngày niên thiếu. Tôi đã lên gặp hiệu trưởng để thuyết phục nhưng Cẩm kiên quyết không quay lại học nữa. Lòng dạ con người thực độc ác. Họ ác mà không biết minh đang ác.

- Cô gái kia tên là gì, anh còn nhớ không?

- Nhớ chứ,làm sao tôi quên được, một con bé xảo quyệt, cả tên họ là Đào Lam Thuý.

- Còn bạn trai của cô ta?

- Tôi không nhớ lắm vì không gặp, tên là Sương thì phải.

- Tên là gì? – Bách giật mình – Anh có nhớ cả họ không?

- Tôi thực không nhớ lắm. – Khang nhíu mày.

- Chỉ nhớ tên là Sương, và họ…họ…Phạm.

- Cảm ơn sự cộng tác của anh, đó là tất cả những gì tôi muốn biết. À, còn một câu hỏi nữa, về Trần Hoàng Lưu, chồng của Diêm Vĩ, anh có quen anh ta không?

- Tôi biết song không quen? – Khang lạnh lùng.

- Anh có biết nhiều về anh ta không?

- Không nhiều nhưng đủ để biết rằng anh ta là một người tử tế,có địa vị XH tốt, yêu thương Cẩm. Tôi mừng cho cô ấy.

Bách thoáng thấy một gợn nhẹ trên xương hàm vị bác sĩ trẻ, chỉ thoáng qua thôi và Bách cho rằng biết đâu mình nhìn nhầm.

- Một lần nữa cám ơn anh. – Bách chìa tay ra.

Khang cũng đưa tay đáp lễ. Khuôn mặt anh quay trở lại vẻ lo lắng.

- Liệu Cẩm có liên quan gì đến chuyện này không?

- Hiện giờ thì chưa có gì, nếy có thông tin, tôi sẽ báo ngay để anh biết.

Nói đoạn, Bách ra ngoài và bước dọc hành lang hút dài của bệnh viện. Những đôi mắt bệnh tật được chụp thành poster rồi gắn lên tường giương lên nhìn Bách trừng trừng. Lại là mắt, anh thực sự đã sợ nhìn thấy những đôi mắt không thể khép lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.