Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 62: Tri liễu hầu nhi chiên dầu




Qua Đoan Ngọ thì cũng là lúc mùa hè nóng bức chính thức bắt đầu. Mặt trời to tròn chói lóa, nền đất bỏng rát phủ một lớp bụi cũng nóng hổi, chó trốn vào chỗ bóng râm của tường đào hố nằm ủ rũ, ngay cả đám gà con cũng nề nếp hơn không ít, không còn tìm đủ cách nhảy qua hàng rào đi gây họa cho rau ria trong vườn nữa.

Trời thế này thì chuyện gì cũng dẹp hết, Thẩm Thiều Quang cả ngày ru rú trong quán không ra ngoài, sống tạm qua ngày nhờ vào đồ uống ngâm nước giếng sau hậu viện và hoa quả. Bữa sáng và bữa chiều thì còn tạm, bữa trưa thì chỉ ăn vài đũa cho có, chả khác gì con mèo.

Cứ thấy Thẩm Thiều Quang ăn bữa trưa như vậy thì Vu Tam lại cau mày. Thẩm Thiều Quang cười lấy lòng, gắng ăn vài miếng nữa. Nàng biết, giữa ngày hè nóng bức đầu bếp chui vào trong bếp vất vả lắm mới làm ra được vài món, người ta lại không thích ăn, đây là chuyện không thể nào chịu đựng được đối với một đầu bếp!

A Viên, A Xương thì cả năm bốn mùa khẩu vị đều tốt, cũng không kiêng kỵ đồ mặn. Trời nắng nóng thế này mà giữa buổi sáng hay giữa buổi chiều đói bụng, A Viên vẫn có thể ăn vài cái bánh nướng kẹp thịt mã não dằm vụn, hoặc là ăn một lồng ngọc tiêm diện. A Xương cũng giống vậy, bữa phụ của hai người vừa đồng bộ vừa nhất trí.

Từ sau khi tới Thẩm Ký, A Xương đã mập hơn không ít, nhưng mà người lại không thấy cao lên; A Viên thì đang đúng độ trổ mã, một năm cao thêm mấy tấc.

Thẩm Thiều Quang quy đổi chiều cao của mình, ước chừng 165 cm, mà A Viên còn cao hơn nàng hơn nửa gang tay, ít nhất cũng phải trên 175, eo cũng càng lúc càng lớn, câu nói của công chúa Vu Tam thật đúng là thành lời tiên tri – A Viên đúng là tháng sáu bảy tám ắt bi thương.

Nhưng mà thực khách lại cảm thấy như vậy rất tốt: “Nhìn người của quý quán thì biết ngay là cơm canh trong quán ngon miệng! Nhìn bọn hắn trổ mã thể diện chưa kìa.”

Thẩm Thiều Quang và Vu Tam – hai người trổ mã không “thể diện” như vậy: “…”

Thẩm Thiều Quang và Vu Tam lại bới móc nhau, một người thấy đối phương cũng ăn đâu có ít, sao lại không thêm được chút thịt nào chứ? Thật đúng là mất hết mặt mũi của đầu bếp! Người kia thì lại chê đối phương ăn còn không bằng một con mèo, miệng lưỡi lại vừa tham vừa kén…

Thẩm Thiều Quang cảm thấy mình thật là oan mất một nửa: Ăn ít đúng là chuyện thật, nhưng mà tham với kén thì không đúng tí nào! Ngươi không thấy ta ngày nào cũng ăn cháo giữ mạng sao.

Cháo bữa sáng và bữa tối của Thẩm Ký là cháo hoa, cháo đậu xanh, cháo hạt sen hoa bách hợp, cháo lá sen, cháo thịt nạc rau xanh… Luân phiên thay đổi đủ kiểu.

Rau dưa ăn kèm thì ngoài các món rau xanh mùa hè ra còn có dưa muối: các loại cải thảo muối, củ cải muối, dưa chuột muối, gừng muối rất quý tộc của công chúa Vu Tam, còn có các loại “ướp muối khắp người” như cá muối cơm rượu chiên, thịt khô xào tương thù du, trứng muối.

Thẩm Thiều Quang không ngại “hiệu ứng Zeno lượng tử”, vẫn cứ thỉnh thoảng lại tới ngắm nghía chân giò muối của nàng, vừa tưởng tượng xem chân giò muối trộn rau dền của Đường Lỗ Tôn tiên sinh ăn với cháo có mùi vị thế nào, vừa bắt chước Vu Tam cầm cây tăm trúc đâm đâm một cái – nhưng mà cũng đâm không ra được cái gì, có thể thấy là từ tiểu thịt tươi trở thành một lão thịt khô mê người là cả một quá trình dài, không thể gấp gáp được.

Thẩm Thiều Quang lại nhớ tới “chân giò hai năm” Lâm thiếu doãn, chắc là hắn cũng hai mươi lăm hai mươi sáu tuổi rồi nhỉ? Theo tuổi tác và tướng mạo mà nói thì vẫn còn rất tươi, nhưng ai bảo người ta có “thiên phú dị bẩm” cơ chứ? Lại có thể dựa vào cái tính gió mưa bất động kia mà rút ngắn thời gian lên men…

Nghĩ tới ánh mắt cứ như thể ẩn giấu ngàn lời muốn nói của hắn dạo gần đây, tới khóe mắt cong cong lúc mỉm cười, tới đôi môi căng mọng sau khi uống canh, còn cả cánh tay và thắt lưng kia nữa, Thẩm Thiều Quang cũng thấy cổ họng hơi khô khan, này này, tiết tháo và nguyên tắc của ta, yên tĩnh nào!

Rốt cuộc Thẩm Thiều Quang cũng đã ăn dưa muối tới ngán, bắt đầu vươn móng vuốt tới các loài vật sống nhỏ bé khác.

Buổi sáng, đại thúc bán cá đưa cá tới, Thẩm Thiều Quang cười hỏi: “Lang quân có thể mang tới cho ta một ít châu chấu và ve không? Ve cần loại mới từ dưới đất bò ra còn chưa thoát xác, ve mà bay rồi thì không thơm không non, ăn không ngon miệng.”

Người bán cá cười nói: “Cô nương là người giàu sang ở trong thành, sao lại nghĩ tới chuyện ăn mấy thứ này? Mấy thứ ngoài đồng này, những năm đói kém mất mùa bọn ta nhờ ăn chúng mới giữ được mạng.”

“Ăn ngon mà, lang quân chỉ cần bắt cho ta một ít là được.” Thẩm Thiều Quang cười nói.

Đừng nói tới người trước lúc xuyên không là một dân thường nhỏ bé, sau khi xuyên không là một nữ nô trong cung rồi thành bà chủ của một quán rượu nhỏ như Thẩm Thiều Quang, ngay cả người giàu sang thật sự của triều đại hiện giờ cũng ăn thứ này, ví dụ như Huyền Tông hoàng đế, tổ tiên của thánh thượng hiện giờ.

Khai Nguyên năm thứ tư xuất hiện nạn châu chấu phá hoại mùa màng, Huyền Tông căm hận lấy châu chấu làm đồ ăn, nói “Ngươi ăn ngũ cốc của bách tính trẫm, cũng như ăn phế phủ của trẫm”, dẫn dắt quan viên bách tính đánh thắng trận chiến với nạn châu chấu.

* Khai Nguyên là niên hiệu của vua Đường Huyền Tông (hay Lý Long Cơ), từ 713 đến 741.

Đương nhiên, bây giờ đã cách Khai Nguyên rất nhiều năm, mà Huyền Tông ăn châu chấu cũng chứa đựng quá nhiều ý nghĩa chính trị, người thực sự vì thèm ăn mà ăn thứ “sâu bọ” này là ông nội của thánh thượng hiện giờ.

Theo người đầu bếp già trong cung kể lại thì vị thánh thượng đó thích nhất là ăn ức ve sầu vàng, hoặc nướng hoặc chưng hoặc chần, sau đó thêm giấm chua, tương, rau thơm và các loại gia vị, cứ tới hạ là ắt phải ăn*. Nghe nói lúc đó có rất nhiều quan to và quý nhân bắt chước theo, còn tiên đế và đương kim thánh thượng thì lại không có tình cảm gì đặc biệt với thứ này.

* Tham khảo từ “Thuật tề dân”. [tác giả]

Thẩm Thiều Quang không biết mấy vị quan to có còn yêu thích thứ này nữa không, để thử hỏi Lâm thiếu doãn xem.

Người bán cá vốn làm nghề nông, từ năm ngoái đưa cá vào thành bán trở thành nhà cung cấp cho Thẩm Ký thì hơn nửa năm nay cuộc sống đã khá giả hơn không ít, thấy cô nương muốn ăn thì đương nhiên chút chuyện lặt vặt này hắn muốn giúp, nhưng cô nương lại nói rõ là muốn mua.

Ngày hôm sau quả nhiên mang tới một hũ ấu trùng ve – ở quê của Thẩm Thiều Quang gọi đây là tri liễu hầu nhi, cùng với hơn chục xâu châu chấu xâu lại bằng nhánh cỏ, nói rằng ve là do đám trẻ con trong nhà đi đào tối hôm qua, còn châu chấu là do hắn mới bắt lúc sáng sớm.

Thẩm Thiều Quang cảm tạ đám trẻ con vất vả, trả thêm tiền, cười nói: “Đa tạ tiểu lang quân trong nhà đã giúp đỡ.” Lại còn tặng thêm một ít bánh hoa tỏ ý cảm tạ.

Người bán cá vui vẻ ra về, Thẩm Thiều Quang thì đi xử lý đám “sâu bọ” này.

Thẩm Thiều Quang không kiên nhẫn được như vị hoàng đế thích ăn ức ve sầu kia, cho nên quyết định dùng cách “chiên dầu” nhanh gọn, mang tất cả đi chiên hết.

Rửa sạch là bước quan trọng nhất, sau đó ngâm với nước muối tiêu, để ráo nước, thế là có thể cho vào nồi chiên.

Chiên cái này cũng không khác gì chiên thịt viên, trước tiên là chiên kĩ bằng lửa nhỏ, tới lúc đã chín kĩ thì vớt ra, chiên với lửa lớn một lần nữa để mùi vị thơm ngon hơn.

Sau đó rắc một ít bột hồ tiêu và thì là, ăn không hoặc nhắm rượu hay kẹp ăn chung với bánh nướng đều ngon cả.

Nhưng mà thứ này, đừng nói là Vu Tam, ngay cả A Viên và A Xương cũng không ăn.

A Viên vốn đã hơi động lòng, nhưng nhìn đám côn trùng giương nanh múa vuốt, râu ria vểnh lên y như còn sống thì cuối cùng vẫn lui bước.

Mặc dù A Viên không ăn nhưng vẫn không quên khen cô nương nhà mình: “Cô nương đúng là to gan!”

Thẩm Thiều Quang: “…”

Thẩm Thiều Quang thì ăn ngon lành – rốt cuộc trưa hôm nay cũng ăn no.

Nhưng không ngờ rằng cảnh này lại bị một vị khách tới sớm bắt gặp, đây là một vị khách quen, chính là vị đề thơ vịnh đĩa xuân “Bạch ngọc bàn thượng thanh ti nộn, phỉ thúy phủ trung luyến nhục hương” kia.

Về sau vị này còn làm thơ khen bánh ngọt, ngọc tiêm diện và lãnh đào của Thẩm Ký, đều viết lên bức tường kia, gần như có thể xem là kiêm chức trưởng bộ phận sáng tạo quảng cáo của Thẩm Ký.

Dù sao vị này cũng là người đọc sách, lúc đó liền so sánh với “Phú ve sầu” của Tào Thực, “Ủy quyết thể vu thiện phu, quy viêm thán nhi tựu phần” để tìm chút lịch sử sâu xa cho cái miệng thòm thèm của Thẩm Thiều Quang.

Nếu đã như thế thì sao Thẩm Thiều Quang lại có thể không chia cho hắn một ít? Lại thêm mấy món nhẹ như dưa chuột xào, gỏi tai lợn, một cốc rượu lục nghị mới cất, thư sinh ăn uống say sưa, say rồi thì vỗ bàn hát, bài hát ấy à, thì phỏng theo “Phú ve sầu” của Tào Thực, làm một bài “Phú ăn châu chấu ve sầu”.

“Phú ăn châu chấu ve sầu” này đã thay đổi sự bi thương trong “Phú ve sầu”, ngợi ca sự thái bình phồn hoa của triều đại, nói những loài gây nên nạn mất mùa đói kém năm đó như ve sầu châu chấu tới bây giờ chỉ là thứ nhắm rượu mà thôi. Mặc dù là nói về ve sầu châu chấu nhưng dùng từ lại thanh lịch tao nhã, kết hợp cả biền ngẫu cả tản văn, hơi có nét giống tiểu phẩm thời Lục triều.

Thẩm Thiều Quang chỉ hận không thể vỗ nát bàn tay, phong cách này, chủ đề này quả thật quá thích hợp để làm quảng cáo. Nếu đổi lại là tràn đầy lòng căm hận như câu “Không người tin cao thượng, ai tỏ lòng thừa thãi?” của Lạc tài tử thì ta cũng chỉ có thể cổ vũ, để hắn say một trận rồi thôi, chứ viết lên tường thì không thể nào – quá không phù hợp với sự hài hòa của xã hội.

Thẩm Thiều Quang xóa bài thơ cũ đi, thư sinh trong lúc say lại múa bút khoe nét chữ như rồng bay phượng múa của mình, đề bài phú này lên tường.

Thẩm Thiều Quang chỉ thấy cảm khái, tiếc là nguồn cung nguyên liệu không đảm bảo, nếu không thì dựa vào bài quảng cáo này có thể kiếm thêm một khoản lời to.

Thẩm Thiều Quang không biết rằng quán rượu nhỏ của mình lại rất có tiềm chất “cẩm lý”, bài phú này sau được Lý tướng công tới ăn cơm đọc được, cũng nhắc tới trong lúc nói chuyện phiếm với hoàng thượng, thế là vị sĩ tử này được Lý tướng công nhận về phủ mình, về sau trở thành hàn lâm học sĩ của hoàng thượng.

Mặc dù hàn lâm ở thời này không cao quý được bằng thời sau nhưng cũng là cận thần của thiên tử, vị sĩ tử này thi nhiều năm không đậu, lại nhờ một bài phú đồ ăn mà bước chân vào con đường làm quan, đúng là cơ duyên ở đời khiến người ta phải thở dài.

Đương nhiên, những chuyện này đều là chuyện về sau.

Trong lúc Thẩm Thiều Quang đang chơi đùa với món tri liễu hầu nhi này thì Lâm Yến đang ở chỗ Tống thị lang bộ Hình.

“Bởi vì Phạm thượng thư của bổn bộ hơi khó nên hồ sơ vụ án Thẩm Khiêm mà đợt trước An Nhiên nhờ ta tìm, tới bây giờ mới lấy được.” Tống thị lang cười đẩy một cuộn giấy tờ trên bàn tới.

Lâm Yến gật đầu, trịnh trọng nói tạ ơn.

Tống thị lang cười nói: “Cũng chỉ là bản sao thôi, bản gốc thì không cách nào mang ra được.”

“Yến hiểu được, thứ này đã không dễ dàng rồi.”

Những hồ sơ về các vụ án lớn được niêm phong cất vào kho như thế này đều được cất ở ngăn hồ sơ riêng, quy định ban đầu là nếu không có chữ ký của tất cả các bộ phận liên quan thì không được cho mượn.

Nhưng trên thực tế thì để tránh mối phiền toái như vậy đều chỉ yêu cầu người mượn đọc ký tên, thị lang bộ Hình xét duyệt, thượng thư phê chuẩn là có thể đọc ở bộ Hình – Tống thị lang lại vận dụng một chút đặc quyền, cho người sao chép cho Lâm Yến một phần.

“Đáng để An Nhiên phí nhiều công sức giúp đỡ tra hồ sơ cũ như vậy thì chắc hẳn vị hậu bối Thẩm thị này rất xuất sắc. Nếu hắn tới kinh thành thì An Nhiên nhất định phải giới thiệu với ta đấy.” Tống thị lang cười nói.

Lâm Yến mỉm cười: “Được.”

Trước đây lúc Lâm Yến nhờ Tống thị lang giúp đỡ thì lấy cớ là một người cháu của Thẩm Khiêm muốn biết chuyện cũ trước kia, nhờ hắn điều tra, đương nhiên người này là bịa ra không có thật, nhưng bây giờ Lâm Yến đột nhiên nghĩ tới một tầng nghĩa khác.

Tống thị lang và Lâm Yến bắt đầu làm quan gần như cùng thời điểm, lúc Lâm Yến chạy vạy khắp nơi vì chuyện của Thôi thượng thư thì Tống thị lang cũng có biết, lúc đó đã cảm thấy người này có thể kết làm bằng hữu, dạo này tra lại bản án cũ của Thẩm Khiêm thì cũng hơi cảm khái với chuyện của vị Thẩm công này, lại biết hắn cũng không lưu lại dòng chính dòng thứ nào, người muốn tra lại bản án cũ là con cháu Thẩm thị, cũng chỉ là dựa vào nghĩa khí. Thảo nào lại nói “phượng tụ theo loài, vật chia theo loại”, đều là người trọng nghĩa khinh lợi.

Chỉ là nghĩa khí thế này có đôi lúc cũng phải trả một cái giá rất lớn: “Vị Thẩm công này và con trai đã chết, vợ và con gái vào Dịch Đình, quý nữ nhà quyền quý như vậy e là…”

Nói đến đây, Tống thị lang đột nhiên ngậm miệng, nhớ tới vị hôn thê của Lâm Yến trong lời đồn, không khỏi ngượng ngùng, uống một ngụm trà để che giấu.

Lâm Yến cũng uống một hớp trà, ánh mắt trở nên ấm áp, A Tề sống rất tốt, xán lạn không kém gì cảnh xuân tháng ba, nhưng nàng đáng được sống tốt hơn thế nữa, nếu ngày nào đó chuyện Thẩm công được làm rõ…

Lâm Yến buông chén trà xuống, hai tay đặt trên đầu gối, sợi dây trường mệnh khuất trong ống tay áo cọ xát lên tay hắn, hơi ngứa, Lâm Yến cũng mặc cho nó ngứa…


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.