Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 41: Tham quan phủ thiếu doãn




Người nô bộc nhỏ giọng nhắc nhở Thẩm Thiều Quang: “Đó là a lang nhà ta.” Sau đó dẫn nàng đi tới, bẩm báo với Lâm Yến chuyện chủ quán Thẩm Ký đưa cháo tới cho thái phu nhân.

Thẩm Thiều Quang cúi người hành lễ với Lâm Yến.

Nhìn Thẩm Thiều Quang và hộp đựng thức ăn trong tay nàng, Lâm Yến phân phó người nô bộc kia: “Ngươi đưa cháo tới cho thái phu nhân. Ta có lời muốn nói với bà chủ Thẩm.”

Người nô bộc kia hơi ngạc nhiên, vội vàng hành lễ đáp vâng.

Thẩm Thiều Quang hơi nhíu mày, liếc mắt nhìn Lâm thiếu doãn, giao lại hộp đựng thức ăn cho người nô bộc kia, cười nói: “Xin hãy nói với người hầu của thái phu nhân rằng cháo này phải ăn nhân lúc còn nóng. Nếu để nguội thì có thể hâm lại, nhưng mà như vậy thì mùi vị sẽ không còn như cũ.”

Người nô bộc gật đầu, nhanh chóng mang hộp đựng thức ăn đi.

Thẩm Thiều Quang nhàn nhã đứng yên tại chỗ, chờ vị Lâm thiếu doãn này lên tiếng, trong lòng đang tự hỏi lẽ nào chuyện mình giúp Sở cô nương bôi nhọ Hoàn Thất đã bị phát hiện? Tốc độ phá án thời Đường nhanh thế sao? Mà mấu chốt là lại còn kinh động tới vị phó thị trưởng thường vụ thành Trường An này sao? Trong đầu nhớ lại nội dung “Đường luật sơ nghị” xem trong đó có quy định nào về xâm phạm quyền danh dự của công dân hay không.

Lâm Yến đúng là muốn hỏi nàng vài câu về chuyện này. Chuyện năm đó Thẩm thị lang bất khuất trần tình trước thềm điện, dù hắn không được nhìn thấy tận mắt nhưng nghe Lý tướng công kể lại cũng có thể tưởng tượng ra được. Nàng là ái nữ của Thẩm thị lang, là một cô nương thì vẫn nên giữ mình chính trực, không thể lúc nào cũng cứ nghĩ ra mấy trò tinh quái như thế được.

Nhưng nghĩ tới nội dung trong mấy truyền kỳ đó thì Lâm Yến lại không tiện mở miệng, thế là cứ yên lặng.

Thẩm Thiều Quang cũng đã quyết định biện pháp đối phó, chẳng có bằng chứng gì, cứ chối phăng đi là được.

Lâm Yến ngẩng đầu lên nhìn Thẩm Thiều Quang, nàng mặc một bộ váy màu xanh đậm với họa tiết tối màu, cổ áo màu đen dựng lên, vẻ mặt nghiêm túc, trông rất uy nghi.

Lâm Yến nhếch miệng, mà thôi, đừng nên hỏi thì hơn. Nếu như trách lầm thì sắc mặt cô nương sẽ rất khó coi; nếu như không phải trách oan thì với tài của cô nương, “trí đủ để chối, ngôn đủ để giấu”, cũng không hỏi ra được cái gì. Mà tên Hoàn Thất kia đúng là thiếu phẩm hạnh thật, bị dạy dỗ một bài như thế cũng đáng thôi.

“Mời cô nương tới bên này.” Lâm Yến nâng tay lên ra hiệu.

Thẩm Thiều Quang bước theo phía sau hắn.

Hai người chậm rãi đi dọc theo hành lang.

Hoa cỏ cây cối trong đình viện hai bên hành lang đều tàn lụi khô héo, tuyết đọng dưới mái hiên còn chưa tan hết, đâu đâu cũng là cảnh tượng hiu quạnh đặc trưng của mùa đông. Thỉnh thoảng có vài tên nô bộc nhìn thấy Lâm Yến thì đều cúi người hành lễ tránh sang một bên.

Thẩm Thiều Quang đang ngắm nhìn hàng lan can chạm trổ bách hủy mà “chính mình” lúc còn nhỏ đếm thế nào cũng không xuể. Nếu không phải Lâm thiếu doãn còn đứng bên cạnh thì nàng thật sự muốn đếm lại số hoa cỏ này.

“Cô nương ở chốn phố chợ có vui chăng?”

Thẩm Thiều Quang: “…” Hỏi lại câu hỏi y hệt, thì ra là lại đang điều tra độ hạnh phúc của xã hội sao?

Trên mặt Thẩm Thiều Quang hiện lên nụ cười giả dối: “Đương nhiên rồi. Nay thiên hạ thái bình, thành Trường An phồn hoa đông đúc, …” Thẩm Thiều Quang thuận miệng lặp lại “đáp án chính xác” lần trước.

Lâm Yến nghiêng đầu nhìn nàng, sắc mặt rất nghiêm túc.

Thẩm Thiều Quang không tiếp tục câu trả lời đùa cợt của mình được nữa, dừng lại một lúc: “Vẫn khá ổn. Có tay có chân, có thể ăn có thể uống, chắc là cũng coi như yên vui nhỉ?”

Lần này thì Lâm Yến gật đầu, tiếp tục đi về phía trước.

Thẩm Thiều Quang đột nhiên hơi bực, cớ gì mà ngươi cứ quấn lấy con gái của một quan viên mang tội như ta cơ chứ, tìm cảm giác ưu việt từ trên người một dân thường nhỏ bé như ta là chuyện vui lắm sao? Chúng ta chẳng qua là sinh ra rồi tiếp tục sống sót mà thôi, cái vấn đề mang đậm tính tinh thần như vui vẻ này thì không thể đạt được chỉ trong một thoáng một chốc đâu!

“Thiếu doãn hai lần hỏi thăm, chắc là vì cảm thán cuộc đối thoại cái vui của cá của Trang Tử và Huệ Tử trên cầu sông Hào, muốn đích thân kiểm chứng chăng?” Thẩm Thiều Quang tự ví mình là cá, như cười như không hỏi hắn.

* Trích “Thu thủy” của Trang Tử: Trang Tử cùng Huệ Tử đi dạo trên cầu sông Hào. Trang Tử bảo: “Đàn cá du (một loài cá trắng) kia ung dung bơi lội, ấy là cái vui của cá.” Huệ Tử bẻ: “Ông không phải là cá, làm sao biết cái vui của cá?” Trang Tử đáp: “Ông không phải tôi, làm sao biết tôi không biết cái vui của cá?” Huệ Tử nói: “Tôi không phải ông, dĩ nhiên tôi không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì dĩ nhiên là ông không biết được cái vui của cá.” Trang Tử bảo: “Xin trở lại câu hỏi đầu tiên. Ông hỏi tôi làm sao biết cái vui của cá. Như vậy là ông nhận rằng tôi đã biết cái vui đó rồi. Làm sao tôi biết được ư, thì đây, tôi đứng trên cầu sông Hào này mà biết được.” (Bản dịch trích từ “Trang Tử – Nam Hoa Kinh” của Nguyễn Hiến Lê)

Lâm Yến dừng bước, nghiêng đầu nhìn nàng. Thẩm Thiều Quang mỉm cười nhìn thẳng vào mắt hắn.

Lâm Yến nhếch miệng: “Cô nương đã nghĩ nhiều rồi. Mỗ chỉ là…” Muốn nói “hy vọng cô nương yên vui” lại ngại bị hiềm nghi là lưu manh cợt nhả; nếu nói hy vọng mọi người đều yên vui thì nghe có vẻ qua loa có lệ, chỉ đành ngậm miệng không nói nữa, xoay người tiếp tục đi về phía trước.

Nghe câu nói dở chừng này, trong lòng Thẩm Thiều Quang buồn cười, ai chà, lời này thân thiết gần gũi như vậy, nếu như ta hơi tự luyến thì đã cho rằng ngươi có ý với ta rồi…

Thẩm Thiều Quang hiểu được ý tứ của hắn, cũng tiếp nhận thiện ý của hắn, chắc hẳn là hôm đó nghe xong chuyện của cha nàng, vị Lâm thiếu doãn này sinh lòng cảm thông, cho nên muốn xác định xem con cháu Thẩm thị lang sống có tốt hay không.

Thẩm Thiều Quang quay đầu nhìn Lâm Yến, cười có vẻ hơi tinh ranh: “Thiếu doãn là con cháu nhà quyền quý, chắc là chưa từng trải qua cảnh tay chân bị cóng.”

“Lúc nhi còn ở Dịch Đình, than củi không đủ, hễ trời rét buốt thì tay chân sẽ sưng phồng chảy mủ. Nếu cứ lạnh thế thì không sao, chẳng qua là nứt nẻ đôi chỗ, hơi đau một chút mà thôi. Sợ nhất là đột nhiên lại gặp phải than củi, ôi chao, nhói buốt không chịu nổi.” Cho nên cái kiểu đột nhiên quan tâm này ít ít thì vẫn hơn.

Lâm Yến hơi nghiêng đầu, Thẩm Thiều Quang cười cong cả mắt, Lâm Yến nhếch miệng, dời mắt đi.

Viết tấu chương, cho dù có tranh cãi giữa triều thì Lâm Yến cũng có thể nói có chứng có cớ, nhưng đối mặt với một cô nương mồm miệng lanh lảu thế này, Lâm Yến lại chẳng biết nói gì cho phải, thế là đành dứt khoát im miệng, yên lặng làm người dẫn đường.

Hai người đều yên lặng, bầu không khí hòa hoãn trở lại. Thẩm Thiều Quang nhìn “nhà cũ” của mình, nhìn bóng dáng Lâm thiếu doãn đi đằng trước, hơi hối hận vì vừa rồi lỡ miệng, mình lại đi thảo luận vấn đề tình cảm với một nam nhân nửa quen nửa lạ thế này… Chắc chắn là vì dạo này bận quá, công việc áp lực quá. Tới năm mới ngừng bán hàng, phải thả lỏng vài ngày mới được!

Hai người yên lặng đi tới viện của thái phu nhân.

Nhìn thấy Thẩm Thiều Quang, hai mắt Giang thái phu nhân tỏa sáng: “Đây chính là cô nương chủ quán Thẩm Ký sao?” Hôm nay thái phu nhân rất minh mẫn, không nhầm Thẩm Ký thành quán rượu nào ở Biện Châu hoặc Giang Nam hay Hà Đông mấy chục năm trước.

Thẩm Thiều Quang đã quen với ánh mắt của khách ăn hàng lúc nhìn thấy đầu bếp như thế này, vô cùng điềm tĩnh bước lên hành lễ: “Thái phu nhân vạn phúc.”

“Cô nương thanh tao nhã nhặn, phong thái thật tốt.” Giang thái phu nhân khen ngợi.

Thẩm Thiều Quang mỉm cười: “Thái phu nhân quá khen rồi.”

Giang thái phu nhân nhìn Thẩm Thiều Quang, cười nói: “Ta già rồi, khẩu vị cũng hỏng, nhưng lần nào bọn họ mua đồ ăn của quý quán về cũng có thể ăn nhiều hơn. Lần này lại làm phiền cô nương tự mình nấu cháo đưa tới, quả thật là đa tạ cô nương.”

“Có thể được thái phu nhân thích, nhi cũng rất mừng.”

Đưa đưa đẩy đẩy một hồi, đầu bếp Thẩm Thiều Quang và thực khách Giang thái phu nhân đã nói tới vấn đề ẩm thực.

Từ mấy món ăn của Thẩm Ký nói tới những điều cấm kỵ trong ăn uống, nói tới vấn đề ẩm thực thuận theo quy luật tự nhiên, nói tới các ngày lễ ẩm thực, hai người có qua có lại, trò chuyện vô cùng vui vẻ. Giang thái phu nhân cứ cười mãi không ngớt, vẻ mặt vui mừng, Thẩm Thiều Quang cũng mỉm cười, đôi lúc còn kể mấy chuyện hay ho.

Lâm Yến ở bên cạnh lắng nghe, hiếm khi thấy bà nội có tinh thần nói chuyện như vậy, cũng hiếm khi thấy Thẩm cô nương lại ngoan ngoãn hiền hòa chịu khó lắng nghe như vậy. So sánh với kiểu nói chuyện tinh ranh mồm miệng lanh lảu vừa rồi lúc ở hành lang, Lâm Yến tự suy xét lại, chẳng lẽ vấn đề là ở ta?

Thẩm Thiều Quang nói chuyện với Giang thái phu nhân và mấy người vú già về cách làm chè óc chó, lại chỉ họ cách nấu cháo bát bảo, tránh cho hôm nào đó thái phu nhân lại nổi hứng thèm mấy món này nhà bếp lại rối.

“Mùi vị không đúng có lẽ là vì trình tự cho gạo và các loại hạt vào cháo không đúng.”

“Trước hết phải ninh các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen và các loại hạt lâu mềm như hạt bo bo, hạt súng, ninh chừng nửa canh giờ thì thêm gạo, ngô, nấu thêm chừng một canh giờ nữa mới bỏ táo đỏ vào…”

Mấy người vú già đứng cạnh chăm chú lắng nghe, cố gắng nhớ kĩ để nói lại cho nhà bếp nghe.

“… Nấu tới lúc sánh đặc, chuẩn bị nhấc xuống khỏi lò thì mới thêm đường. Các loại hạt khác như hạt thông, hạt phỉ thì thêm vào lúc ăn, như vậy thì mới có thể cái gì cần mềm thì mềm, cái gì cần giòn thì giòn. Các loại gạo và hạt “giống mà không giống”, nếu như cùng cho vào nấu một lúc thì đúng là “giống mà không giống” thật.” Thẩm Thiều Quang xuất thân là người phê bình ẩm thực, tổng kết lại một câu theo thói quen.

Giang thái phu nhân tán thưởng: “Cách nấu ăn của cô nương thật đúng là hợp với lời của thánh nhân, thảo nào mà đầu bếp bình thường lại không sánh được!” Lại nói tiếp: “Món cháo của cô nương gọi là cháo bát bảo mặc dù xác thực nhưng gọi là “cháo quân tử” thì hay hơn, giống mà không giống, ấy là đạo làm quân tử.”

Thẩm Thiều Quang cảm thấy Giang thái phu nhân đúng là am hiểu cách đặt tên cho đồ ăn, trong phiên dịch chú ý ba yếu tố “tín đạt nhã”, cách đặt tên thế này cũng đáp ứng đủ “tín đạt nhã”. Nếu lấy tên là “cháo quân tử”, vậy có phải người ăn nó cũng sẽ bất giác sinh ra chút khí độ ung dung nho nhã của bậc quân tử không?

* “Tín đạt nhã” là ba nguyên tắc “khó” trong lý luận phiên dịch do nhà phiên dịch, nhà tư tưởng cận đại người Trung Quốc Nghiêm Phục đề ra. “Tín” nghĩa là ý nghĩa đúng với nguyên văn, tức là văn dịch phải chuẩn xác, không thêm ý cũng không bớt ý; “đạt” nghĩa là không câu nệ theo sát hình thức của nguyên văn, văn dịch phải lưu loát dễ hiểu; “nhã” nghĩa là lúc dịch phải dùng từ dễ hiểu, đơn giản, tao nhã.

Bà nội và Thẩm cô nương từ đồ ăn có thể kéo tới đạo làm quân tử, rất có khí thế hùng biện thời Ngụy Tấn, Lâm Yến nhìn hai người đang vui vẻ nói chuyện với nhau kia, mỉm cười bất đắc dĩ.

Nói chuyện với Giang thái phu nhân hồi lâu, Thẩm Thiều Quang nhìn sắc trời, đứng dậy cáo từ.

Giang thái phu nhân đích thân tiễn nàng ra cửa, cười nói: “Đã lâu lắm rồi không được nói chuyện vui vẻ như vậy. Nếu cô nương có thời gian thì nhớ thường xuyên tới đây ngồi với ta một chút.”

Thẩm Thiều Quang gật đầu: “Thái phu nhân xin dừng chân, sau này nhi ắt tới quấy rầy.”

Thái phu nhân bảo người vú già bên cạnh tiễn Thẩm Thiều Quang ra ngoài.

Người vú già kia xách hộp đựng thức ăn, đi tới trước cửa mới đưa cho Thẩm Thiều Quang, lại cười cảm ơn một lúc, Thẩm Thiều Quang cũng khách sáo đáp lại.

Ra tới cửa bên, lại quay đầu nhìn thêm một cái, Thẩm Thiều Quang chậm rãi quay trở về quán rượu.

Trở lại trong quán, mở hộp đựng thức ăn ra, phát hiện bên trong là hầu bao đựng bốn thỏi bạc nhỏ, một đôi hình hoa mẫu đơn, một đôi hình con cá, bạc vẫn còn mới tinh, đoán chừng là mới làm để chuẩn bị mừng năm mới, mỗi thỏi nặng chừng nửa lạng, tính chung lại là hai lạng bạc.

So sánh với cách Lâm thiếu doãn trả tiền cơm và tiền boa, Thẩm Thiều Quang nghĩ bụng bà đúng là bà, cháu đúng là cháu, nhìn xem thái phu nhân kĩ càng tinh tế nhường nào.

Lúc ra khỏi cung, tiền tích cóp của Thẩm Thiều Quang mười phần đã đi mất tám phần, ra ngoài lại tiêu tốn một khoản, mấy thỏi bạc dễ cầm dễ dùng kiểu này đã chẳng còn sót lại thỏi nào nữa. Bây giờ mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng cũng không có cái nào đẹp thế này, để chờ tới năm mới thì lấy cái này làm tiền mừng tuổi cho bọn A Viên đi.

Trong Lâm trạch, Lâm Yến đang nói chuyện với bà nội.

Vừa rồi Giang thái phu nhân nói chuyện nhiều, bây giờ đã hơi mệt, nhưng cháu nội ngồi đây, lão thái vẫn muốn tán gẫu với hắn một lát.

Lâm Yến giúp bà nội kéo chiếc chăn bằng da hươu trên người, mỉm cười chậm rãi nói chuyện phiếm với lão thái.

“Các cô nương bây giờ đúng là tốt thật. Cô nương họ gì mới gặp đợt trước, rồi cả cô nương chủ quán Thẩm Ký này nữa, ai cũng vừa xinh đẹp vừa có khí chất.”

Vú già đứng cạnh mỉm cười: “Thái phu nhân lại quên rồi, họ Tần, ngũ nương nhà Tần phó xạ.” Lại liếc mắt nhìn Lâm Yến ngồi cạnh, nhỏ giọng nhắc nhở thái phu nhân đừng đánh đồng một nữ tử chốn phố phường với người có thể chọn làm cháu dâu: “Thẩm cô nương này có tốt thì cũng không thể nào so sánh với cô nương Tần gia.”

Giang thái phu nhân gật đầu, hơi xúc động cười nói: “Thân phận gia thế đôi lúc dễ thay đổi lắm, không mấy quan trọng, nhưng lúc kết thân lại không thể không tính tới. Nhà nhà đều như vậy, người người bất ngộ.”

Ma xui quỷ khiến thế nào Lâm Yến lại đi giải thích với bà nội: “Cô nương chủ tiệm Thẩm Ký này xuất thân từ Thẩm thị ở Lạc Hạ, chẳng qua trong nhà sa sút mà thôi.”

Giang thái phu nhân hơi ngạc nhiên, mấy người vú già cũng ngạc nhiên, bọn họ ngạc nhiên không chỉ vì thân thế của Thẩm cô nương này mà còn vì… sao a lang nhà mình lại biết chuyện này?

Giang thái phu nhân lại nhớ tới những gian khổ trước kia, dù rằng già rồi lẩm cẩm, nhưng có một số việc lại giống như những vết khắc bằng dao, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng cũng không thể nào xóa mờ đi được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.