*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Thẩm Thiều Quang duỗi thẳng cổ, khẽ thu cằm lại, nặn ra một nụ cười căng thẳng, ông bà đã dạy rồi, có thể mất mặt nhưng không được thua khí thế.
Ni cô tiếp khách thấy vậy thì hơi nghi hoặc, do dự một lúc, cuối cùng dẫn nàng tới gặp trụ trì.
Trụ trì chừng năm, sáu mươi tuổi, mặt tròn, vẻ mặt hiền lành: “Thẩm — Chẳng lẽ là nữ nhi Thẩm thị ở Lạc Hạ?”
* Lạc Hạ chỉ thành Lạc Dương
Thẩm Thiều Quang cười cảm khái, nhẹ giọng nói: “Đã khiến tổ tiên xấu mặt, thật sự không đáng nhắc tới.”
Trụ trì gật đầu: “Chả trách khí chất lại cao nhã như vậy.”
Khen ngợi khí chất của người khác, đặt vào bối cảnh của triều đại này, cũng tương đương với đánh giá năm sao trên Taobao thời hiện đại, chẳng qua chỉ là tiện tay làm chút chuyện tốt mà thôi, Thẩm Thiều Quang cười cười, coi như tiếp nhận.
Trụ trì quả thật là một người dễ nói chuyện, sảng khoái đồng ý cho Thẩm Thiều Quang tá túc.
Mặc dù trụ trì không để ý, nhưng Thẩm Thiều Quang vẫn kiên trì trả ba tháng tiền thuê dựa theo mức thu của các chùa khác: “Sư thái tốt bụng thu lưu, nhưng ta không thể không hiểu chuyện.”
Sư thái cười nói: “Nếu cô nương đã kiên trì rạch ròi thì cứ quyết định vậy đi.”
Thẩm Thiều Quang hơi ngượng ngùng, nàng thế này đâu phải là rạch ròi quân tử gì, rõ ràng là lòng dạ tiểu nhân, người ta tốt bụng thu lưu, nàng lại đề phòng người ta đổi ý… Nhưng dù sao “thuê” cũng khiến người ta yên tâm hơn “nhờ” một chút.
Vừa khéo trong am không có khách hành hương nào khác xin tá túc, cũng không có ni cô nào của am khác ngủ trọ ở đây, có lẽ là nhờ họ “Thẩm” cùng với “khí chất cao nhã” mà Thẩm Thiều Quang được phân hai gian chính phòng rất tốt, vừa rộng rãi vừa sáng sủa.
Để tỏ ý cảm ơn, Thẩm Thiều Quang tự tay làm một tô bánh canh ngũ sắc cho sư thái trụ trì.
Thực ra bánh canh này cũng không có gì để tán dương ca ngợi, chỉ là cách làm rất cầu kỳ.
Cẩm quỳ, tía tô giã nhuyễn lấy nước, lại dùng bột kê, bột mè các loại, lần lượt trộn chung với bột mì để tạo thành năm màu khác nhau. Lúc nấu mỗi loại cần một nồi nước riêng để tránh cho nước canh bị nhiễm đục, mất đi màu sắc đẹp đẽ của nó.
Bánh canh tạo nên cái đẹp bên ngoài, mùi vị thì hoàn toàn dựa vào nước dùng. Nước dùng được hầm từ nấm dại, nấm chứa nhiều axit amin, có thể tạo nên mùi vị như thịt, chỉ có nước dùng thơm nồng như vậy mới có thể khiến món bánh canh ngũ sắc vừa bắt mắt lại có hương vị đặc sắc.
Lúc Thẩm Thiều Quang bưng tới, thật ra trụ trì đã ăn xong bữa chiều, nhưng tô bánh canh này thực sự đẹp tới nỗi khiến người ta không thể không ăn.
“Cẩm quỳ, tía tô, kê vàng, chà, mè là thơm nhất…” Lưỡi của trụ trì đúng là rất nhạy.
Thấy trụ trì ăn hết tô bánh canh, đệ tử Tịnh Thanh đứng cạnh nhếch miệng, hôm nay sư phụ vừa mới nói phải ăn uống điều độ để dưỡng sinh, lời sư phụ nói đúng là không thể tin được! Nhưng mà tô bánh canh này… đúng là rất thơm, bề ngoài cũng đẹp mắt, không ngờ vị thí chủ họ Thẩm này lại có tay nghề tốt như vậy.
Tô bánh canh khơi dậy hứng thú của trụ trì. Lão thái thái liệt kê ra từng loại mì mình đã từng ăn: “Bánh canh dê tây bắc bỏ nhiều hồ tiêu, ăn đến mức trán đổ mồ hôi mới gọi là ngon; bánh canh xanh Hàng Châu thì thích hợp với canh gà; bánh canh tương Hà Bắc thì kết hợp với thịt rán, ăn kèm với rau thái sợi; lãnh đào ở thành Trường An của chúng ta thì ăn cùng với tôm hoặc cá mè là ngon nhất…”
Thẩm Thiều Quang mỉm cười lắng nghe, không ngờ trụ trì đã đi qua nhiều nơi như vậy, thật là thích! Nhưng mấu chốt là lão thái thái ăn thịt cơ đấy… Vậy có phải tức là nàng ở chỗ này cũng không bị cấm ăn món mặn?
Để cho lão thái thái vui vẻ, Thẩm Thiều Quang lanh trí tiếp lời nàng: “Vừa rồi sư thái nói rất phải, ẩm thực có đẹp hay không là do thời mà khác, do đất mà khác, do người mà khác*.”
* Cùng một món, ăn ở những thời điểm khác nhau, ở những nơi khác nhau, bởi những người khác nhau thì có mùi vị khác nhau
Trình độ nấu nướng của Thẩm Thiều Quang chỉ có thể coi là khá, nhưng khả năng bình luận thì xuất chúng, lập tức cười nói: “Tháng chạp ăn mì lạnh, cho dù đẹp mắt thì cũng bớt phần sảng khoái, đây là do thời mà khác; tới Hàng Châu mà ăn bánh canh thịt dê với hồ tiêu thì hơi nồng, tới tây bắc ăn bánh canh xanh thì hơi nhạt, đây là do đất mà khác; bậc sĩ phu ăn mì lạnh với cá mè thì cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, nhưng dân chúng bình thường thì có lẽ sẽ cảm thấy thịt lợn kho, đặc biệt là thịt ba chỉ thì mới đủ hương đủ vị, đây là do người mà khác.”
Chỉ nói mấy câu đã tỏ rõ trình độ lý luận vượt trội.
Sư thái trụ trì vỗ tay cười to: “Hay lắm! Chưa từng có ai nói được thấu đáo tới như thế. Mấy lời chúng ta nói hôm nay cũng đủ để viết thành một bộ “Bánh Kinh” rồi.”
Thẩm Thiều Quang góp vui: “Kinh nghiệm thưởng thức ẩm thực không rộng khắp trăm núi ngàn sông như sư thái, người từng phẩm qua trăm dạng mới hiểu rõ ngọt đắng. Nếu viết “Bánh Kinh”, ta nguyện bày giấy mài mực cho sư thái.”
Sau đó lại bỏ thêm một câu: “Lục ẩn sĩ đã có “Trà Kinh”, nếu sư thái lại viết “Bánh Kinh” nữa thì thật đúng là cái may cho những người mê ẩm thực.”
* Lục Vũ là học giả uyên bác đời nhà Đường, được biết với những đóng góp nổi bật nghiên cứu về trà đạo, tiêu biểu như tác phẩm Trà Kinh là bộ sách lý luận Trà học chuyên môn đầu tiên trên thế giới. Lục Vũ được người đời sau tôn là Trà thánh, là một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung Hoa.
Nghe thấy Thẩm Thiều Quang đặt mình ngang với Lục Vũ, sư thái lại càng cười vui vẻ hơn, hài tử này thật là biết cách nói chuyện. Vừa rồi trụ trì nói “Bánh Kinh” chẳng qua là thuận miệng nói chơi, bây giờ được khuyến khích như vậy thì thật đúng là bắt đầu nổi lên một chút thú vui trần tục, hay là cứ thử viết xem sao, nếu không thì thật đúng là uổng phí những mỹ vị đã từng được thưởng thức.
Tịnh Thanh cười vừa bất đắc dĩ vừa dung túng, sư phụ cũng không có yêu thích gì khác ngoài mỹ thực, nhưng mà thật sự đúng như sư phụ nói, đám đệ tử chẳng có ai có chút “tuệ căn” trong chuyện này, rốt cuộc bây giờ sư phụ cũng gặp được tri kỷ rồi…
Thẩm Thiều Quang quay lại phòng không lâu thì Tịnh Thanh dẫn theo vị ni cô tiếp khách mày chữ bát kia, mỗi người bưng một chậu hoa tới. Một chậu mẫu đơn, một chậu hoa nhài, đều đang lúc nở rộ.
Tịnh Thanh cười nói: “Sư phụ bảo bọn ta đưa tới cho thí chủ hai chậu hoa, để thêm chút hương khí.”
Thẩm Thiều Quang biết đây là đáp lễ cho tô bánh canh, vội vàng ngỏ ý cảm ơn, lại nói thêm vài câu khách sáo, sau đó thì tiễn hai ni cô ra ngoài.
“Sư tỷ, Thẩm cô nương này mặc dù xuất thân từ Thẩm thị Lạc Hạ nhưng chẳng qua cũng chỉ là cành cây khô trong Thẩm thị, tại sao trụ trì lại đối đãi tốt như thế?” Tịnh Từ thấy trong phòng Thẩm Thiều Quang thực sự đơn giản quá mức, ngay cả một tỳ nữ cũng không có, có thể thấy là rất nghèo.
Không tiện nói là sư phụ ham ăn, tất cả đều là một tô mì kết duyên phận, Tịnh Thanh chỉ đành mượn cớ nói là sư phụ từ bi.
Tịnh Từ lắc đầu không đồng ý, có một cái họ tốt đúng là tốt thật.
Sau khi đã sắp xếp ổn thỏa ở am Quang Minh trong phường Sùng Hiền, Thẩm Thiều Quang bắt tay vào kế hoạch hành nghề của mình.
Bước đầu tiên là phải điều tra thị trường cẩn thận. Trước kia nàng cũng từng xem sơ qua, nhưng nếu đã muốn làm ăn thật sự thì không thể chỉ “sơ qua” được.
Các ni cô trong am phải dự bài giảng sớm nên ngay sau tiếng mõ đầu tiên thì đều đã thức dậy. Thẩm Thiều Quang không phải dự bài giảng sớm nhưng cũng dậy rất sớm, rửa mặt rồi thu dọn sơ qua, sau đó mang theo mấy đồng tiền đi ra ngoài.
Bởi vì vẫn còn sớm nên trên đường không có người, chỉ có vài ba quán ăn đã mở cửa, từ xa xa đã có thể nhìn thấy ánh lửa từ lò bánh nướng, còn ngửi được mùi mè thơm nức.
Người bán bánh nướng là một chàng trai trẻ tuổi mắt to mày rậm, không biết là dậy từ canh giờ nào mà đã nướng xong hai mẻ bánh, đặt vào trong sọt trúc, dùng một chiếc chăn mỏng đậy lại.
Thấy Thẩm Thiều Quang lạ mặt, lại là một cô nương trẻ tuổi mà lại tới mua bánh vào giờ này, hắn không khỏi ngạc nhiên nhìn nàng lâu hơn một chút.
Thẩm Thiều Quang nhíu mày.
Lỗ tai chàng trai bán bánh hơi đỏ lên, vội vàng chà tay lên tạp dề, lấy từ trong sọt trúc ra một cái bánh đưa cho nàng.
Thẩm Thiều Quang nhân lúc bánh còn nóng mà gặm một miếng, vỏ ngoài xốp giòn, ruột bên trong lại mềm dai, bỏ chút muối tiêu, ăn rất ngon miệng. Một cái bánh như vậy mà chỉ bán ba văn tiền, đúng là kiếm tiền không dễ dàng gì.
* Văn là đơn vị tiền tệ thời cổ đại, 1000 văn tiền tương đương với 1 lạng bạc
Phía xa xa lại có hàng bán bánh bột, đã sửa soạn xong nồi nước dùng nóng hổi.
Đi thêm một đoạn nữa thì có quán ăn quy mô lớn hơn một chút. Thẩm Thiều Quang đi vào, bên trong có chừng hai mươi mấy bàn ăn, trên quầy treo thực bài, bên trên viết các loại món ăn như bánh hấp thịt dê, cháo gạo thơm với mứt táo, bánh canh thịt dê.
Trong quán chỉ có vài thực khách, Thẩm Thiều Quang chọn bàn gần nhất rồi ngồi xuống, mua một tô canh thịt dê, lấy bánh nướng mua lúc nãy ra xé thành mảnh nhỏ ngâm vào trong nước canh.
Trong tô canh chỉ có dăm ba miếng thịt dê, mùi vị rất nồng đậm, người thích thì sẽ nói là thơm, người không thích thì có lẽ sẽ chê mùi quá nồng, một tô canh như vậy bán giá mười văn tiền.
Ăn canh xong, đi bộ hết mấy con phố nhỏ, Thẩm Thiều Quang đi tới trước cửa phường, đứng đó cho tới khi mở cửa phường, chính thức giải trừ lệnh cấm đi lại ban đêm, đi loanh quanh một lúc nữa, tới lúc mặt trời lên cao, nàng mới trở về trong am.
Ngày hôm sau, hôm sau nữa nàng lại đi ra, hành trình cũng gần như nhau, chỉ là chọn ăn các món khác nhau.
Khảo sát xong, rốt cuộc nàng cũng đã có quyết định, chuẩn bị bếp lò, chọn mua nguyên liệu nấu ăn, gần như tiêu sạch số tiền dành dụm được, cuối cùng cũng coi như bắt đầu sự nghiệp buôn bán.