*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
“A Phương –“
“A huynh –“
“A Lan –“
“A gia –“
Ngoài cửa An Phúc liên tục vang lên tiếng nhận người thân và tiếng khóc lóc.
Suốt cả mùa xuân, cả kinh thành và vùng lân cận đều chỉ lấm tấm mấy trận mưa dầm không đủ để ướt đất, thậm chí mấy tảng đá trong con kênh đào quanh thành cũng đã lộ ra một góc, có thể thấy tình trạng khô hạn đã đến mức sắp thành mối họa.
Đương kim thiên tử nhân đức, đầu tiên là miễn thuế vụ xuân, sau thì cho quan lại xem xét xá tội cho tù binh, trong cung cũng cắt giảm suất ăn, cho một đám cung nữ lớn tuổi hơn được xuất cung.
Chiếu lệnh thả cung nữ đã được dán sẵn từ trước, những người còn nhớ chút tình thân có ai mà không tới đón, biết đâu trong số cung nữ được thả ra lại có nữ nhi hay tỷ muội của mình thì sao?
Trong lúc người khác còn đang bận rộn nhận người thân thì Thẩm Thiều Quang lại chỉ lo ngắm nghía cảnh sắc bên đường. Đây chính là thành Trường An đấy. Đường sá bằng phẳng thênh thang, bên đường cây cối rợp bóng, những người gánh hàng hay cưỡi lừa thì hoặc là vội vàng hoặc là nhàn nhã đi qua trước mắt, ngay cả tiếng hót của mấy con chim sẻ trên cây lọt vào tai cũng thanh bình yên ả, thật là tốt đẹp…
Thẩm Thiều Quang xốc lại bọc quần áo trên vai, cất bước về phía trước.
“Đường xa thì tới ngồi trong xe bên kia, lát nữa sẽ đưa các ngươi về.” Hai tên sai dịch ngăn nàng lại.
Nhìn trang phục trên người bọn họ không giống cấm quân, đoán chừng là người của phủ Kinh Triệu phụ trách việc thả cung nữ ra khỏi cung.
Thẩm Thiều Quang đi tới vái chào một cái, chuyển sang giọng Trường An, cười nói: “Nhà ta không xa, ta tự đi về được.”
Xung quanh vẫn là tiếng khóc lóc không ngớt, sai dịch bị nụ cười rực rỡ của nàng làm cho chói mắt, lại nghe được giọng Trường An quen thuộc thì chăm chú liếc nàng một cái rồi định cho nàng đi – Bên trên chỉ nói rằng ai có người thân tới đón thì để cho người thân dẫn đi, còn lại những người ở xa thì tạm thời đưa tới dịch quán, sau đó có thể đi theo những người vào cung nạp cống phẩm mà trở về quê quán, nhưng không hề nói là không cho phép người ta tự đi về nhà mình.
“Xảy ra chuyện gì?” Một vị quan viên áo xanh lục cùng một vị quan lớn áo đỏ vừa lúc tuần tra tới chỗ này.
* Thời Đường dùng màu sắc trang phục để phân biệt phẩm cấp của quan viên: thông thường, màu tím là trang phục của quan viên tam phẩm trở lên, màu đỏ rực là trang phục của quan ngũ phẩm trở lên, màu xanh lục là trang phục của quan lục phẩm thất phẩm, còn bát phẩm, cửu phẩm là màu xanh lam.
Sai dịch hành lễ rồi nói: “Người này nhà ở gần, thấy không có gia quyến tới đón nên muốn tự về nhà.”
Thẩm Thiều Quang cười nịnh nọt với hai vị quan lớn kia, trong đôi mắt cong cong lộ ra đôi phần khôn khéo.
Quan viên áo lục rất hiền lành, đưa mắt sang nhìn vị quan cấp trên trẻ tuổi đứng bên cạnh mình, cho người ta đi chứ?
Có lẽ là vị quan lớn áo đỏ kia còn chưa đến độ tuổi hiền lành, trên khuôn mặt tuấn tú không lộ rõ biểu cảm: “Mời lấy công nghiệm ra.”
Thẩm Thiều Quang thấy bọn họ đi tới thì đã có cảm giác không hay ho, bây giờ thì lại càng than thầm là xui xẻo, chỉ đành móc công nghiệm ra đưa cho sai dịch bên cạnh, sai dịch lại chuyển cho vị quan lớn áo đỏ.
Vị quan lớn áo đỏ kia ngước mắt nhìn Thẩm Thiều Quang, ánh mắt sắc bén, dòng đầu tiên trên công nghiệm viết rõ “Người Lạc Dương”.
Thẩm Thiều Quang tỏ vẻ vô tội, dù sao ta cũng đâu có nói mình là người Trường An, còn chuyện gần xa thế nào thì chỉ là quan niệm chủ quan của mỗi người mà thôi.
Quan lớn áo đỏ khẽ mím môi, tiếp tục xem công nghiệm.
Phần sau của công nghiệm là tuổi tác và thân thế.
Thẩm Thiều Quang tự biết lai lịch gốc gác của mình đã bị người ta biết sạch sành sanh, cho nên cũng không có gì phải sợ. Cùng lắm là bị đưa tới nhà thúc bá nào đó trong họ ở Lạc Dương, làm một tiểu thư ăn nhờ ở đậu mà thôi, chẳng lẽ bọn họ còn có thể nhét nàng lại vào trong cung sao?
Vị thúc bá nào đó cũng thật là xui xẻo, tự dưng bị ép phải tiếp nhận một nữ nô, con gái của tội thần, quyền lợi thì chẳng có mà phiền phức thì lại có một đống!
“Cô nương đang tuổi đào lý, cớ sao lại xuất cung sớm?” Quan lớn áo đỏ khép lại công nghiệm, chậm rãi hỏi.
* Đào lý là cách gọi độ tuổi trẻ trung, xinh đẹp của người con gái
Hắn hỏi như vậy cũng không có gì là lạ, các cung nữ khác đều lớn tuổi hơn Thẩm Thiều Quang, thậm chí còn có vài người tóc đã nhuốm hoa râm, Thẩm Thiều Quang đứng giữa bọn họ đúng là quá nổi bật.
Thẩm Thiều Quang híp mắt cười lấy lòng: “Bởi vì ốm yếu nên xuất cung.”
Bây giờ đừng nói người khác, ngay cả hai tên sai dịch cũng thấy có vấn đề, cô nương này vóc dáng cân đối, da dẻ trắng nõn mặt mày hồng hào, ốm yếu… hừ… ốm yếu!
Nhưng đúng như Thẩm Thiều Quang nghĩ, cho dù biết rõ có chuyện mờ ám thì chẳng lẽ lại có thể nhét nàng vào trong cung lần nữa? Lỡ đâu chuyện này lại dính líu tới bí mật nào đó của hoàng thất thì sao? Mà cho dù không phải bí mật hoàng thất gì, chỉ liên quan đến đám cung giám thôi cũng đã khó lòng xử lý rồi.
Quan lớn áo đỏ nhìn Thẩm Thiều Quang một lúc lâu, đưa công nghiệm cho sai dịch, phất tay áo bước đi. Quan viên áo lục cũng vội chạy theo.
Hai tên sai dịch trố mắt, thế này là có ý gì?
Thẩm Thiều Quang mỉm cười với hai tên sai dịch: “Hai vị lang quân, xin cáo từ.”
Hai tên sai dịch hoàn hồn lại, đưa mắt nhìn nhau, trả lại công nghiệm cho Thẩm Thiều Quang, sau đó thả nàng đi.
Thật ra Thẩm Thiều Quang cũng hơi bất ngờ, nàng còn tưởng là phải tới Lạc Dương làm cải trắng nữa cơ đấy! Chẳng lẽ vị quan lớn áo đỏ kia cho rằng nàng được thả ra là có chuyện ẩn khuất gì đó, trong đầu đã vẽ ra 80 tập cung đấu? Mấy người giàu trí tưởng tượng thật là đáng yêu!
Quan viên áo lục và Thẩm Thiều Quang đúng là anh hùng cùng chung chí lớn, cảm thấy vị Lâm thiếu doãn mới tới này mặc dù hơi lạnh nhạt, cũng quá trẻ tuổi nhưng lại rất hiểu thế sự, biết sâu biết cạn.
Từ kinh nghiệm từng phục vụ cho gần mười vị Kinh Triệu doãn và thiếu doãn của mình, hắn biết rõ làm quan ở phủ Kinh Triệu cần nhất chính là cẩn thận. Thành Trường An là chỗ nào? Ném một hòn gạch có thể trúng phải ba vị mặc áo tím. Kẻ bán bánh trên đường có khi lại là huynh đệ tỷ muội của một vị ái thiếp trong vương phủ. Như vậy, há có thể không làm việc cẩn thận sao?
Thẩm Thiều Quang dọc theo con đường lớn đi về phía nam, giá phòng ở thành nam rẻ hơn, tìm một chỗ ở tạm trước đã.
Về vấn đề mưu sinh sau này, Thẩm Thiều Quang đã có tính toán từ trước – bán đồ ăn.
Kiếp trước là biên tập viên cho tạp chí mỹ thực, chuyên viết mấy thứ ăn ăn uống uống, kiếp này từng phục vụ trong ngự thiện phòng một thời gian, về chuyện làm đồ ăn, mặc dù đúng là năng lực có hạn nhưng kiến thức lý thuyết thì có thừa, Thẩm Thiều Quang nghĩ, chắc hẳn dùng cái này để nuôi sống bản thân cũng không thành vấn đề.
Nhắc đến nuôi sống lại nghĩ tới tiền bạc, nghĩ tới tiền bạc lại không khỏi đau lòng một phen, để có thể có tên trong danh sách được thả ra khỏi cung lần này, tiền bạc tích cóp bao nhiêu năm nay được mười phần thì đã phải chi ra tới tám phần, tên thái giám phụ trách đổi bỏ cung nữ kia đúng là quá tàn nhẫn!
Đi một đoạn đường không quá xa thì ngang qua phường Sùng Hiền, Thẩm Thiều Quang dừng chân lại, trước kia trong nhà nguyên thân có một căn nhà ở chỗ này, trước sân còn trồng một rừng trúc – sở dĩ ký ức sâu sắc như vậy là vì trong rừng trúc từng có một con rắn màu xanh biếc chui ra dọa cho nguyên thân sợ tới bật khóc. Trong đầu Thẩm Thiều Quang lại hiện lên cảnh cha của nguyên thân ngồi dưới ánh trăng uống rượu làm thơ trước rừng trúc.
Thẩm Thiều Quang hơi xúc động, không biết người ngồi ngâm thơ trước rừng trúc bây giờ là ai.
Khu vực quanh phường Sùng Hiền rất được, nằm ở phía nam thành, qua một đoạn nữa là tới phường Quang Đức – chỗ đặt phủ Kinh Triệu, mà bên cạnh phường Quang Đức chính là Tây Thị nổi danh khắp Trường An, theo cách nói ở kiếp trước thì phường Sùng Hiền này có thể coi là nằm trong khu vực vành đai 3.
Nàng dựa theo ký ức tìm tới chỗ ở cũ của Thẩm gia. Tường cao sân rộng, cửa lớn sơn đen, bậc thang rất sạch sẽ, có nô bộc đi ra đi vào qua cửa hông, từ bên ngoài nhìn vào có thể nhìn thấy mái hiên cùng với rừng trúc bên trong, không biết trúc này có phải là trúc năm đó?
Ban đầu nàng chỉ định tiện đường thì nhìn qua một cái rồi lại đi tiếp về phía nam, nhưng trong lúc đi khảo sát tình hình buôn bán các loại đồ ăn trong phường rồi nhìn thấy am Quang Minh thì Thẩm Thiều Quang lại thay đổi chủ ý.
Am này ở chếch đối diện với cửa sau căn nhà cũ của Thẩm gia, trong trí nhớ của nàng, chỗ này vốn không phải là một cái am, có lẽ là ai đó đã quyên chỗ ở cũ này làm am cho các ni cô – trong thành Trường An đầy quý nhân thì đây chỉ là chuyện thường tình.
Ni cô phụ trách tiếp đãi khách khứa mày chữ bát mắt tam giác môi mỏng, nhìn tướng mặt có vẻ không dễ chung đụng.
Thẩm Thiều Quang lại yên lòng hơn một chút, nếu người tiếp khách là một tiểu cô nương xinh đẹp trẻ tuổi thì nàng thật sự không dám mở miệng nhắc tới chuyện ở nhờ. Dù sao nàng cũng đâu biết cái am này là thờ thần thờ Phật hay là buôn bán da thịt, thử nghĩ tới Ngư Huyền Cơ, nghĩ tới am Màn Thầu trong “Hồng lâu mộng” mà xem…
* Ngư Huyền Cơ, tự Ấu Vi, lại có tự Huệ Lan, là một tài nữ trứ danh và là một kỹ nữ tuyệt sắc vào thời kỳ Vãn Đường trong lịch sử Trung Quốc. Về sau, bà xuất gia làm đạo sĩ.
** Am Màn Thầu vốn gọi là am Thủy Nguyệt (ý chỉ trăng trong nước), bởi vì bánh màn thầu trong am rất ngon nên được mọi người gọi là am Màn Thầu, là nơi các ni cô tình tứ với Giả Cần, là nơi Trí Năng hẹn hò cùng Tần Chung.
Ánh mắt của ni cô tiếp khách lướt qua bộ váy hơi cũ của Thẩm Thiều Quang, nhìn lên búi tóc chỉ cắm hai cây trâm bạc của nàng, sau đó đánh giá bọc đồ của nàng, khiến Thẩm Thiều Quang chợt nhớ tới chuyện đi dạo cửa hàng xa xỉ phẩm ở kiếp trước.