Chương 98
Kỳ thực ngoài lo lắng lúc lâm bồn, Nguyên Tứ Nhàn còn hơi tiếc năm nay không thể cùng Lục Thời Khanh đón Tết. Có lẽ y về kịp lúc nàng sinh nhưng chắc chắn không thể cùng nàng đón giao thừa.
Hồi Hột bùng phát chiến tranh, Đại Chu điều binh chi viện, biên quan đồng loạt giới nghiêm nhằm tránh các nước chung quanh nhăm nhe như hổ rình mồi thừa cơ chui vào, tướng lĩnh trấn thủ biên ải không được tự ý rời vị trí. Cho nên, trước khi chiến tranh kết thúc, cha mẹ nàng cũng không thể vào kinh.
Tết năm nay sẽ là một cái Tết lạnh lẽo thê lương.
Sáng hôm sau trời còn chưa rạng, Lục Thời Khanh đã khẽ khàng ra ngoài.
Nguyên Tứ Nhàn ngủ không hề yên, khi y xốc đệm chăn là nàng tỉnh ngay, nhưng thuận theo ý y mà vờ như không biết, một là nàng không muốn chính thức từ biệt như sinh ly tử biệt, hai là cũng muốn để y yên tâm hơn.
Đêm qua nàng đã hỏi rõ Lục Thời Khanh về nguyên do xảy ra chiến tranh Hồi Hột.
Do trước đây nhị hoàng tử dính líu quá nhiều với Hồi Hột và Đột Quyết nên Huy Ninh Đế đã chọn Nhai Châu cách tây bắc một trời một vực làm nơi lưu đày nhằm tránh hắn ta bị ép đến đường cùng gây ra tai họa.
Ý nghĩ này của lão hoàng đế vốn rất tốt nhưng cẩn thận mấy cũng có sai sót, ông ta không nghĩ đến việc từ Trường An đến Nhai Châu ở đông nam phải đi qua địa giới Hoài Nam nơi Bình vương ở.
Thực ra nhị hoàng tử chưa bao giờ đến Nhai Châu. Khi đội ngũ áp giải đi qua Hoài Nam, người trong xe tù đã bị Bình vương đánh tráo thần không biết quỷ không hay.
Sau đó, Bình vương luôn tích cực an bài cho nhị hoàng tử liên hợp với Đột Quyết chuẩn bị chiến tranh suốt nửa năm mãi đến ngày hôm nay.
Nói thẳng ra, chiến tranh lần này giữa Hồi Hột và Đột Quyết bắt nguồn từ việc tranh đoạt ngôi báu dai dẳng của Đại Chu. Lục Thời Khanh đã lăn lộn trong đó nhiều năm, Nguyên Tứ Nhàn tin với năng lực của y, ắt có thể thuận lợi đạt thành minh ước với Hồi Hột. Nàng chỉ lo trên đường hành quân bốn bề thọ địch, người Đột Quyết có lẽ sẽ ngầm hạ sát thủ với y để ngăn y gặp mặt Khả Hãn. Cộng thêm đường sá xa xôi núi non cách trở, y theo đoàn hành quân gấp chịu hết gió mưa vất vả, e sẽ khiến vết thương cũ tái phát.
Canh cánh trong lòng như thế hơn một tháng, hai nhà Nguyên – Lục thậm chí cả Đại Chu đều không được ăn Tết trọn vẹn, mãi đến khi tin thắng trận đầu tiên từ tây bắc truyền tới, nói viện quân Đại Chu đã thuận lợi hội họp cùng binh mã Hãn đình Hồi Hột, đồng thời liên tiếp đoạt lại được năm tòa thành trì bị quân tiên phong Đột Quyết đánh hạ trước đó.
Chuyện kể cho lão bách tính nghe luôn tốt khoe xấu che, nhưng Nguyên Tứ Nhàn biết một tháng này gian nan cỡ nào.
Tuy nàng không thể nhận được quân báo nhanh nhất, nhưng có thể đoán được từ những tin tức lặt vặt. Trước khi vào lãnh thổ Hồi Hột, nhánh hành quân gấp mà Lục Thời Khanh đi cùng đã trải qua ít nhất ba trận chiến lớn. Sau khi vào Hồi Hột, giao phong trực diện với binh lính Đột Quyết xưa nay bạo ngược càng chẳng khác nào dùng khiên thịt người chống địch.
Tin chiến thắng vẻ vang chói lọi thực tế cực kỳ nặng nề.
Lục Thời Khanh từ đầu đến cuối không hề báo tin về. Có lẽ y thật sự bận vắt chân lên cổ, có lẽ Hồi Hột đang chiến tranh, nếu thư từ bị chặn sẽ có khả năng tiết lộ hành tung của quân đội Đại Chu nên y đành lựa chọn ẩn náu, lấy đại cục làm trọng.
Nguyên Tứ Nhàn hiểu điều này, nhưng không kìm được ngày ngày bẻ ngón tay tính toán, hỏi Giản Chi xem còn bao nhiêu ngày nữa mình sẽ lâm bồn.
Ngày nào Giản Chi cũng trả lời câu đó riết không chịu nổi, bèn hỏi:
– Phu nhân thật sự không nhớ hôm qua nô tỳ trả lời người thế nào sao ạ?
Nàng hùng hồn nói:
– Nhớ chứ, hôm qua ngươi nói còn khoảng 15 ngày.
– Vậy người…
… trừ một ngày là được mà?
Nguyên Tứ Nhàn nhìn nàng ấy:
– Ta muốn nghe ngươi nói.
Giản Chi đành nói:
– Người còn khoảng nửa tháng nữa sẽ lâm bồn ạ.
Nàng “ừ” một tiếng, nhìn mảnh băng ngoài cửa sổ, lẩm bẩm:
– Còn 14 ngày nữa, nhanh thôi.
Giản Chi biết câu “nhanh thôi” của nàng ám chỉ điều gì. Phu nhân cảm thấy lang quân là người giữ chữ tín, hứa được chắc chắn sẽ làm được, nhiều lần hỏi ngày lâm bồn, chẳng qua là đang mong ngóng ngài ấy khải hoàn trở về mà thôi.
Giản Chi đang định khuyên giải Nguyên Tứ Nhàn vài câu thì thấy Thập Thúy vội vã vào, hỏi nàng ấy đặt chiếc áo khoác lần trước phu nhân mặc đêm giao thừa ở đâu.
Giản Chi nghe vậy hơi sững sờ rồi nhanh chóng nói:
– Không tìm được à? Để ta đi theo xem.
Dứt lời, nàng ấy nhìn Nguyên Tứ Nhàn xin ý kiến:
– Phu nhân, nô tỳ đi tìm áo khoác cho người ạ.
Nguyên Tứ Nhàn gật đầu, cười nhìn hai nàng ấy:
– Đi đi.
Hai người gật đầu lui xuống, dọc đường chỉ nói chuyện áo khoác, nhưng khi đi xa khỏi phòng Nguyên Tứ Nhàn thì cả hai cùng nghiêm mặt. Giản Chi hỏi trước:
– Xảy ra chuyện gì?
Áo khoác của Nguyên Tứ Nhàn mặc đêm giao thừa không phải do Giản Chi thu cất mà là Thập Thúy, nên khi nghe Thập Thúy hỏi câu kỳ lạ ấy, Giản Chi biết ngay có ẩn tình.
Thập Thúy quả thật lộ vẻ lo âu, quay đầu nhìn về hướng Nguyên Tứ Nhàn, cảnh giác nói:
– Tỷ đi theo ta.
Nàng ấy dẫn Giản Chi đến gian phòng gần đó, nói:
– Tào đại ca vừa nhận được mật báo, nói sáng hôm kia, hai đội kỵ binh Hồi Hột và Đột Quyết giao chiến ở biên cảnh Đại Chu gặp tai nạn tuyết, hai bên đều toàn quân bị diệt. Lang quân…
Nàng ấy nói tới đây thì căng thẳng:
– Lang quân hình như cũng ở trong số đó.
Giản Chi biến sắc mặt, thấy Tào Ám cũng ở trong phòng, đang vô cùng lo lắng siết chặt thư báo, bèn trực tiếp hỏi hắn:
– Tại sao lang quân lại ở trong đội quân Hồi Hột?
Tào Ám giải thích:
– Lang quân vội về, nhưng do chiến sự cấp bách nên tướng sĩ của chúng ta không thoát thân được. Khả Hãn Hồi Hột lo cho an nguy của lang quân, sau khi đạt thành minh ước với Đại Chu ta thì phái binh hộ tống lang quân về Trường An trước. Nhìn từ vết tích thì rất có khả năng là đội kỵ binh ấy.
Giản Chi nghe vậy nín thở, im lặng một lát rồi nói:
– Nếu chưa chắc chắn thì tuyệt đối không thể để phu nhân biết chuyện này. Tào đại ca, trước hết phiền huynh nghĩ cách điều tra…
Nói tới đây, nàng ấy chợt nghe tiếng vạt áo sột soạt ngoài bình phong, quay đầu thấy Nguyên Tứ Nhàn đứng đó, sắc mặt trắng bệch, không biết đã nghe được gì.
Ba người cùng sững sờ. Thập Thúy ngập ngừng nói:
– Phu nhân…
Nguyên Tứ Nhàn vừa mới đến trước cửa. Nhưng chỉ nghe câu cuối cùng cũng đủ để nàng hiểu hết tất cả. Nàng không nhìn họ mà nhìn bức mật báo trong tay Tào Ám, lạnh lùng nói:
– Đưa ta.
Tào Ám vô thức giấu mật báo ra sau lưng, giấu xong mới nhận ra mình làm điều thừa thãi bèn bất đắc dĩ trình lên, nói:
– Phu nhân, tin tức này lấp lửng lắm, tiểu nhân cho rằng tuyệt đối không thể tin. Phu nhân chớ quá lo lắng, tiểu nhân sẽ tìm người đáng tin để bàn bạc đối sách.
Người đáng tin mà hắn ám chỉ đương nhiên là Trịnh Trạc.
Nguyên Tứ Nhàn lướt nhanh xem xong tin báo, không hề hoảng loạn như ba người tưởng, thậm chí càng bình tĩnh hơn, nàng nói nhanh:
– Cho ta một tấm bản đồ vùng giao giới giữa Đại Chu và Hồi Hột, cả giấy bút nữa.
Thập Thúy vội lấy tới cho nàng, nàng trải bản đồ da lên bàn xem một lượt, sau đó cầm bút khoanh vòng nhanh vài nơi, nói với Tào Ám:
– Đột Quyết và Hồi Hột giao chiến, mà biên cảnh Đại Chu ở ngay trước mắt, chàng không thể nào lãng phí thời gian dính líu vào đó, theo lý là đã thoát thân rời đi trước khi tai nạn tuyết xảy ra. Nhưng chàng không thể truyền tin báo bình an về Trường An trước phong tin dữ này, chắc chắn đã gặp phiền phức khác. Điều ngươi nên chú ý không phải là trận tai nạn tuyết ấy mà là nguy hiểm tiềm tàng trong lãnh thổ Đại Chu trên đường về sau đó.
Tào Ám nghe vậy, mắt sáng lên, gật đầu nói:
– Phu nhân nói chí phải.
Nguyên Tứ Nhàn nhìn bản đồ lần nữa, chỉ vào một điểm bên trên, ngón trỏ vạch một đường:
– Không cần tìm ai bàn bạc hết, ngay bây giờ, ngươi dẫn người xuất phát đi tiếp ứng theo con đường này, nhớ không được để lộ tung tích.
Tào Ám lĩnh mệnh gấp gáp rời đi, Nguyên Tứ Nhàn nắm lấy mép bàn như hết sức, trán nhanh chóng lấm tấm mồ hôi.
Thập Thúy và Giản Chi giật mình, vội tiến lên hai bên dìu nàng:
– Phu nhân về phòng nghỉ ngơi trước đi ạ.
Nguyên Tứ Nhàn níu cánh tay họ, cau mày, gắng gượng không ngã xuống:
– Không về được, hình như ta sắp sinh rồi…
Trên dưới Lục phủ tức khắc nháo nhào. Thập Thúy và Giản Chi nào biết một khắc trước Nguyên Tứ Nhàn còn vững như Thái Sơn mà một khắc sau đã thế này, nhớ kỹ lại mới phát hiện lúc nãy sắc mặt nàng đúng là trắng đến khác thường, e là lúc ở ngoài bình phong đã động thai khi nghe tin dữ, sau đó do lo nghĩ đối sách nên luôn cố kìm nén mà thôi.
Mấy ngày trước, Lục gia đã sắp xếp bà đỡ xong xuôi, vốn định mai hoặc mốt mới đưa họ đến phủ đợi lệnh, không ngờ Nguyên Tứ Nhàn lại sinh sớm, đành tức tốc đi gọi người.
May mà trong phủ có vài bà lớn tuổi hiểu chuyện sinh nở nên biết chuẩn bị trước, hai bà đỡ được mời cũng tay chân lanh lẹ, nhanh chóng đến, thấy nước nóng và thuốc thang đều đã chuẩn bị xong thì rửa tay vào phòng.
Tuyên thị gấp đến mức đi qua đi lại bên ngoài, thấy bên trong mãi không vọng ra tiếng Nguyên Tứ Nhàn kêu đau, ngược lại bà lại lo lắng, hỏi tỳ nữ sao không có động tĩnh gì.
Non nửa canh giờ trôi qua, có lẽ thuốc thúc thai cuối cùng đã có hiệu quả, Nguyên Tứ Nhàn mới bắt đầu lâm bồn, chỉ là câu nàng kêu hơi khác với phụ nhân thông thường.
– Sao mà… đau dữ vầy nè!
– Lục Thời Khanh… chàng đúng là làm thiếp tức chết, tức chết mà!
– Là ai nói chắc chắn sẽ về kịp lúc thiếp lâm bồn hả? Chờ chàng về thiếp sẽ… sẽ rút lưỡi chàng!
Tuyên thị nghe, toàn thân run lên, lại nghe nàng la tiếp:
– Thiếp sẽ lột da chàng! Rút gân chàng! Treo chàng lên rồi cầm roi quất! Á, đau quá…
Lục Sương Dư ở bên Tuyên thị cũng chấn động, hơi bối rối nhìn mẹ:
– Mẹ, để tẩu tẩu có thêm sức, chúng ta cứ để a huynh chịu thiệt vậy.
Tuyên thị gật đầu đồng ý, siết tay muội ấy để chống đỡ, quay mặt vào trong hô:
– Tứ Nhàn, con cứ mắng đi, mắng xả láng! Mẹ nói con biết, mắng càng hăng thì sinh càng thuận lợi!