Chương 109
Nguyên Tứ Nhàn đoán được đại khái qua giấc mơ: xuất phát từ nguyên nhân nào đó, Thiều Hòa tự đày mình đi xa đến Đôn Hoàng, sau nhiều năm lánh đời thì nghe được tin Lục Thời Khanh bệnh chết, nàng ấy quay về quê cũ, không biết từ đâu mà biết được sự tồn tại của Từ trạch.
Lúc đó tất cả đã bụi trần lắng đọng, Từ trạch đã thành hoang phế, Lục Thời Khanh qua đời, nơi đó đương nhiên không phòng bị nữa. Nhờ thân phận đặc thù nên nàng ấy có thể vào trong nghiên cứu cũng không lạ.
Nói cách khác, tuy Thiều Hòa trùng sinh nhưng hiểu biết cũng có hạn giống Nguyên Tứ Nhàn, thậm chí còn biết ít hơn. Thiều Hòa cũng không rõ những biến đổi chính trị giữa Đại Chu và các nước láng giềng trong mấy năm then chốt gió nổi mây vần ấy. Nhưng Thiều Hòa có thể nhận được tin Lục Thời Khanh qua đời, chứng tỏ không hoàn toàn tách biệt với thế gian mà chừa lại một lỗ hổng để chỉ nhận tin tức liên quan đến Lục Thời Khanh. Như vậy, với những sự kiện trọng đại có y tham dự, có lẽ nàng ấy cũng biết được chút ít.
Trước đây, mật đạo Từ trạch vô duyên vô cớ bị lộ, ngay cả Lục Thời Khanh cũng chưa thể xác định đã sơ suất chỗ nào, nhưng qua giấc mơ này, Nguyên Tứ Nhàn nhanh chóng liên tưởng đến Thiều Hòa. Biết vị trí mật đạo Từ trạch nhưng không biết lối vào cụ thể ở Lục phủ, điều này khớp với giấc mơ. Cho nên tin tức bị lộ từ chỗ nàng ấy hẳn không sai.
Nhưng Nguyên Tứ Nhàn không xác định nàng ấy đã nói ra bí mật đó trong tình huống nào. Nếu Thiều Hòa cam tâm tình nguyện, kỳ thực cũng có thể lý giải. Không ai biết thâm cung Nam Chiếu rốt cuộc xảy ra chuyện gì. Nàng ấy đã nhẫn nhịn hai kiếp, một khi bị kích thích vào điểm mấu chốt, dù là bến nước yên ả cũng có thể khơi lên sóng lớn.
Còn nếu nàng ấy bị khống chế thì cũng có thể tưởng tượng được. Sau biến cố đêm lâm bồn, Nguyên Tứ Nhàn đã cảm nhận sâu sắc Tế Cư làm việc không hề có ranh giới. Với thủ đoạn của hắn ta, có lẽ căn bản không cần Thiều Hòa hợp tác. Chỉ cần Thiều Hòa biết chuyện, hắn ta sẽ có cả vạn phương pháp cạy miệng Thiều Hòa.
Lục Thời Khanh không dị nghị gì, chỉ nói là đã biết, sau đó ôm nàng lên giường nghỉ ngơi, nói với nàng là bây giờ chưa tới giờ dần, nàng hãy ngủ thêm một lát, còn y phải lập tức vào cung diện thánh.
Quân tình khẩn cấp, thành Trường An lúc này e không thể an bình. Không chỉ Lục Thời Khanh mà các triều thần đều gấp rút vào Đại Minh cung. Nguyên Tứ Nhàn không trì hoãn y, gật đầu thuận theo, nhưng khi y đi rồi, nàng làm thế nào cũng không ngủ được, bèn ngồi dậy mặc y phục, đốt sáng đèn trong phòng, sau đó lấy ra một tấm bản đồ bao quát các quốc gia.
Thập Thúy và Giản Chi thấy nàng thức dậy ban đêm bèn vội tới hầu hạ, nhìn nàng cau chặt mày dán mắt vào tấm bản đồ thì không dám quấy rối, mãi tới khi nàng khẽ thở dài, chủ động hỏi:
– Bình vương khởi binh với cớ gì?
Thập Thúy vừa nhận được tin tức từ Tào Ám, vội đáp:
– Thưa, hôm qua là lễ Phật Đản ngày mồng tám tháng tư, Bình vương lấy lý do được thần Phật chỉ dẫn vào ban đêm nên khởi binh “thanh quân trắc”.
Nguyên Tứ Nhàn cười:
– Thanh quân trắc à, thanh trừ ai thế?
Thập Thúy gật đầu:
– Hịch văn thảo phạt lưu loát ba trăm chữ, từng chữ như châu từng câu sắc bén, nói gì mà thiên địa thần minh soi tỏ tấm lòng hắn ta, trong đó còn kể không ít tội trạng của lang quân, nói lang quân đã mê hoặc thánh tâm thế nào, cùng Hồi Hột và Nam Chiếu đạt thành hiệp định bí mật ra làm sao, đã thế còn cấu kết với hoàng tử trong triều, tâm thờ ba chủ.
Nàng khinh bỉ:
– Không có ý gì mới mà nói cứ như thật.
– Phu nhân yên tâm, bệ hạ chắc chắn biết đây chỉ là cái cớ, dù nghi ngờ cũng sẽ không làm khó lang quân vào thời điểm then chốt này. Dẫu sao Bình vương đã mang quân đánh vào kinh thành rồi, trong khi dưới tay lang quân lại chẳng có một binh một tốt nào.
Nguyên Tứ Nhàn gật đầu:
– Ta không lo lắng điều này. Thánh nhân kiểu gì cũng phải giải quyết Bình vương trước đã. Ta chỉ đang nghĩ, phương pháp mà thánh nhân dùng để giải quyết hắn ta có thể sẽ khiến Đại Chu hỗn loạn.
– Phu nhân nói vậy là sao ạ?
Giọng nàng nhẹ nhàng hòa cùng tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ:
– Thánh nhân vừa không có tấm lòng “dùng người thì không nghi người” vừa không có bản lĩnh “nghi người thì không dùng người”, chẳng những muốn nhổ cỏ tận gốc Bình vương mà còn kiêng kỵ cha ta. Đối phó Bình vương xong, kế tiếp rất có khả năng sẽ đến lượt Nguyên gia ta. Ngươi nói xem, bây giờ Hoài Nam làm phản, nếu triều đình muốn bảo toàn thực lực thì nên dùng ai đấu với Bình vương để đạt được lợi ích lớn nhất?
Thập Thúy kinh ngạc:
– Thánh nhân muốn dùng binh lực Điền Nam, sai Điền Nam vương xuất binh cứu viện kinh thành?
Giản Chi cau mày:
– Nhằm bỏ đi mối họa trong lòng mà lấy nước xa để cứu lửa gần, thánh nhân đúng là bất phàm!
Nguyên Tứ Nhàn thầm nghĩ ông ta nào chỉ bất phàm, nàng gật đầu, cụp mắt xem một lượt tấm bản đồ dưới tay rồi chỉ vào bên trên, nói:
– Tướng sĩ và chiến mã Điền Nam chúng ta không phải thứ mà khí hậu Hoài Nam có thể tạo ra được, theo lý thuyết thì trận này cha có thể thắng. Nhưng cha dẫn binh hành quân gấp lên phía bắc, ắt bị tiêu hao lớn, giao chiến với Bình vương chiếm ưu thế địa lý sẽ là một trận đánh ác liệt, chưa chắc có thể dễ dàng đánh hạ trong thời gian ngắn. Hai quân đối địch, càng hao tổn lớn, thánh nhân sẽ càng vui.
Giản Chi tiếp lời:
– Nhưng e là chẳng bao lâu thánh nhân sẽ không vui nổi nữa. Trưởng hoàng tử Nam Chiếu đang ở Trường An là giả, tân hoàng Nam Chiếu lại là người dám coi trời bằng vung, thấy Điền Nam bỏ trống lâu ngày, sao có thể không động lòng? Một khi Nam Chiếu hành động, Đại Chu ắt phải phân tâm lo liệu… làm sao mới tốt đây?
Nguyên Tứ Nhàn gật đầu khẳng định phán đoán của nàng ấy:
– Lúc này sẽ đến lượt Hồi Hột lên sàn. Thánh nhân không dự liệu được khâu Nam Chiếu nhưng Thời Khanh và lục điện hạ thì có thể. Nhằm tránh cho bách tính biên quan chịu khổ, họ nhất định đã chuẩn bị kỹ càng từ sớm, lôi kéo quân đồng minh Hồi Hột.
…
– Nhưng bất luận thế nào, không thể để trường thương Hồi Hột chĩa vào ngực tướng sĩ Đại Chu. Dù các tướng sĩ ấy đang hủy diệt Đại Chu chăng nữa, việc mượn binh lính Hồi Hột để ngăn cản họ cũng sẽ mang hiềm nghi phản quốc. Như vậy chẳng có gì khác với Bình vương và nhị hoàng tử tư thông với địch. Cho nên, Thời Khanh sẽ mời viện quân Hồi Hột tránh trận nội chiến Đại Chu mà đi thẳng đến tây nam đánh Nam Chiếu.
Thập Thúy nghe đến đây thì không hiểu:
– Họ mới đẩy lui Đột Quyết chưa lâu, sao có bản lĩnh chỉnh đốn binh lực nhanh thế được?
Nguyên Tứ Nhàn hỏi ngược:
– Nếu nhánh quân bị đẩy lui trước đó chỉ là tung hỏa mù thì sao? Bản thân chuyện nhị hoàng tử bỏ trốn giữa đường, lĩnh quân Đột Quyết tấn công Hồi Hột rất kỳ lạ. Hắn ta được Bình vương cứu không khó, nhưng dựa vào đâu có thể hiệu lệnh Đột Quyết? Hắn ta là kẻ thù cũ của tộc Đột Quyết năm xưa đấy. Vả lại, Đột Quyết chọn thời điểm an ổn kia để đông sơn tái khởi thì chắc chắn sẽ bị Đại Chu và Hồi Hột liên hợp tấn công, sao có thể thành công được, đó chẳng phải là theo nhị hoàng tử một cách mù quáng sao?
Giản Chi phán đoán:
– Cho nên, từ đầu đến cuối, nhị hoàng tử chỉ là một quân cờ, người thật sự hợp tác với Đột Quyết là Bình vương. Bình vương hi vọng Đột Quyết có thể tổn thất một phần nhân mã để diễn vở kịch ngươi đuổi ta đánh kéo dài suốt nửa năm, triệt để chặt đứt đường sống của nhị hoàng tử, đồng thời tiêu hao sức chiến đấu của triều đình. Điều kiện trao đổi là cho họ cơ hội thật sự chấn chỉnh lại cờ trống, cũng chính là thời điểm hiện tại, Đại Chu và Hồi Hột đều luống cuống tay chân?
Nguyên Tứ Nhàn gật đầu:
– Bình vương đoan chắc thánh nhân mắt mờ không nhìn rõ tình thế, vui vẻ để hắn ta và cha ta tự hao tổn lẫn nhau, bảo toàn sức chiến đấu của kinh kỳ, nên không bắt hắn ta ngay. Chỉ cần hắn ta chống đỡ cha ta đến khi Đột Quyết đánh vào thì sẽ có khả năng xoay chuyển tình thế. Đến lúc đó, dù thánh nhân tỉnh ngộ, Đại Chu cũng đã cực kỳ nguy cấp, kinh kỳ không thể nào điều đủ binh lực để đối phó hắn ta.
Thập Thúy nghe vậy không rét mà run.
Trận chiến này kết nối từng mắt xích với nhau, khởi đầu bởi Bình vương, kéo dài lần lượt bởi triều đình, Điền Nam, Nam Chiếu, Hồi Hột, Đột Quyết, cuối cùng lại vòng về Bình vương.
Nếu xu thế thiên hạ thật sự theo đó mà dự liệu, Đại Chu sắp bị đẩy đến bờ vong quốc.
Thập Thúy hỏi:
– Chúng ta đã dự liệu được tình thế có thể xảy ra ở tương lai mà không cách nào ngăn cản sao?
– Có.
Nguyên Tứ Nhàn nói xong thì trầm mặc, nhìn gió mưa vẫn rả rích ngoài cửa sổ hồi lâu mới lên tiếng:
– Thứ nhất, cha ta phải liều chết tốc chiến tốc thắng chém đầu Bình vương trong tình huống quân đội kinh kỳ bảo toàn thực lực, sau đó tranh thủ liên hợp các tướng sĩ Hoài Nam bị xúi giục, cùng nhau nhất trí đối ngoại. Thứ hai, vào lúc cần thiết…
Nàng xòe tay ra, sau đó khép năm ngón tay vào lòng bàn tay, làm động tác bóp cổ:
– Phải có một người khống chế chặt chẽ thánh nhân.
Tình thế kế tiếp đúng như Nguyên Tứ Nhàn dự liệu.
Huy Ninh Đế lệnh Nguyên Dị Trực lập tức khởi hành đưa quân cứu viện kinh thành, cùng lúc đó, phái kinh kỳ và Giang Nam canh giữ hai đường một nam một bắc đánh giáp công địch, nhằm hãm chân Bình vương ở ngoài Sơn Nam đông đạo, kéo dài thời gian chờ đợi viện quân Điền Nam.
Nửa tháng sau, Nguyên Dị Trực và Điền Nam chính thức giao chiến, binh mã kinh kỳ và Giang Nam thấy viện quân đến thì phụng mệnh toàn diện rút khỏi Sơn Nam đông đạo, bảo toàn sức chiến đấu.
Nhưng chuyện xảy ra kế tiếp nữa lại nằm ngoài dự liệu của Nguyên Tứ Nhàn.
Từ khi giao chiến với Bình vương, quân đội Nguyên Dị Trực thế như vũ bão, nhẹ nhàng thắng lợi ngay trận đầu, ngăn địch ở Sơn Nam đông đạo bên ngoài Phòng Châu.
Ba ngày sau đánh thêm trận nữa, họ lại tiếp tục đẩy lùi quân địch trăm dặm, ép quân đội Hoài Nam ra ẩn nấp ở Phục Châu tiếp giáp Sơn Nam đông đạo.
Kế đó, nào đánh lén, nào cắt quân nhu, nào đốt lương thảo, từng bước đều đâu ra đấy, khiến Bình vương không thể không co đầu rụt cổ, tiến thoái lưỡng nan.
Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy khó tin. Nàng biết phụ thân hành quân nhiều năm, luận kinh nghiệm, luận chiến thuật, ông đều là nhân tài kiệt xuất của Đại Chu, nhưng nàng cũng biết rõ triều đình bố trí cho Điền Nam bao nhiêu chiến lực. Dù cha vét sạch Điền Nam đưa đi cũng không thể thắng lợi liên tiếp dễ dàng như thế.
Nhánh quân đến từ Điền Nam giao chiến với Bình vương thực là tinh nhuệ trong tinh nhuệ, ai nấy đều có thể lấy một địch trăm.
Thần binh trời giáng à?
Nguyên Tứ Nhàn không có nơi để chứng thực mối nghi ngờ trong lòng. Vì từ khi chiến tranh nổi lên, Lục Thời Khanh rất ít khi về phủ, ban ngày y ở Tử Thần điện hoặc Tuyên Chính điện, tối thì ngủ lại ở nha môn trung thư tỉnh.
Hai ngày sau, chiến sự trở nên gấp gáp, các tướng sĩ Hoài Nam cùng đường không chịu nổi, liều chết phá vòng vây.
Nguyên Dị Trực ngồi chờ thu lưới, được mấy thân binh bảo vệ, xung phong đi đầu, qua ải chém tướng, xông thẳng vào hang hổ, một đao chém đầu Bình vương.
Phản quân Hoài Nam tan tác trong nháy mắt.
Khi đầu Bình vương được đưa gấp về Trường An, Nam Chiếu thậm chí chưa kịp có hành động gì đối với Đại Chu.
Tin tức truyền đến kinh thành.
Trước khi vui mừng, cả triều ai nấy đều khiếp sợ theo bản năng.
Quá đáng sợ. Triều đình vì một tiếng hiệu lệnh thanh quân trắc mà trốn đông trốn tây, tính toán tổn thất khi mượn lực chống lực, trong khi đó chiến lực của Điền Nam đã khủng bố đến mức này!
Như vậy xem ra, chỉ cần Nguyên Dị Trực muốn làm phản là hoàn toàn có thể làm một Bình vương thứ hai!
Nhất thời, lời đồn trong kinh xôn xao tứ phía, ai cũng bảo lần này Nguyên Dị Trực không phải mang theo quân đồn trú đóng giữ ở biên quan tây nam mà là tư quân do chính ông nuôi dưỡng.
Nguyên Tứ Nhàn không phẫn nộ với các lời đồn đó, vì nàng cảm thấy họ nói đúng.
Nếu không phải mấy năm nay cha nuôi tư quân thì chỉ dựa vào những binh lính địa phương kia, tuyệt đối không có thực lực này.
Để tranh thủ thời gian cho Đại Chu thở lấy hơi trước khi Nam Chiếu ra tay, cha chẳng những liều mạng chém Bình vương mà còn không tiếc để lộ vốn liếng bản thân. Chuyện này chắc chắn đã qua bàn bạc với Lục Thời Khanh.
Chính vì như vậy, mấy ngày nay Lục Thời Khanh mới luôn không về phủ, thời thời khắc khắc ở Đại Minh cung đợi lệnh.
Nếu thánh nhân sẵn lòng tin cha, sau khi nguy cơ thanh quân trắc giải trừ, lệnh cho cha quay về trấn giữ tây nam thì mọi chuyện đều tốt, không xảy ra chuyện gì. Nhưng một khi ông ta bị uy thế của Điền Nam làm khiếp sợ, quyết tâm nhân cơ hội này diệt trừ Nguyên gia, qua cầu rút ván, thì Lục Thời Khanh sẽ khống chế ông ta ngay lập tức.
Nhân thủ, lý do, đường lui, Nguyên Tứ Nhàn biết y đã chuẩn bị xong xuôi tất cả, nhưng nàng không hi vọng lão hoàng đế thật sự ép y, ép Nguyên gia đi tới bước này.
Tiếc rằng trời không chiều lòng người, đêm đó Đại Minh cung truyền ra tin tức Huy Ninh Đế lao tâm lao lực nhiều ngày nên bị ngất, cả đêm chưa tỉnh, sáng sớm khi tỉnh dậy, câu đầu tiên Huy Ninh Đế nói là tạm thời giao phần còn lại của chiến sự cho Lục thị lang xử lý.
Tin tức này đồng nghĩa thánh nhân đã hạ quyết tâm ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván.
Thánh nhân xưa nay khỏe mạnh bỗng đổ bệnh trong một đêm, ai nấy đều kinh ngạc nghi ngờ, triều đình và các hoàng tử hoàng tôn liên tục cầu kiến nhưng đều bị từ chối. Cả đám đứng đông nghìn nghịt trước Tử Thần điện đòi diện thánh giằng co cả buổi sáng với Kim Ngô vệ được Lục Thời Khanh cài cắm sẵn trước đó.
Đến giữa trưa, một dư đảng Bình vương không nhìn nổi nữa, gắt bảo thánh nhân không hề bị bệnh mà bị Lục Thời Khanh khống chế.
Ông ta chưa kịp nói xong, Lục Thời Khanh làm thế tay đưa xuống, Kim Ngô vệ tiến lên, một đao cắt ngang cổ họng ông ta.
Máu văng tung tóe, Nguyên Tứ Nhàn biết, kể từ một đao ấy, Lục Thời Khanh và Nguyên gia cùng phản.
Mọi thứ quay về như kiếp trước.
Tiếp theo sẽ đến lượt Trịnh Trạc lên sàn.