Thích Khách - Thẩm Nhạn

Chương 7




Người khỏe khoắn một khi đổ bệnh là y như cơn trầm kha tích lũy đã lâu nay bung bét hết cả, thêm nữa còn chậm trễ mãi sau mới dùng thuốc, thế nên Tiết A Ất sốt cao không hạ liên tiếp mấy ngày.

Giữa lúc mê man tỉnh lại, có người đang dùng khăn vải nhúng nước lạnh lau mặt cho hắn, đưa mắt nhìn, Thúy Thúy đang giàn giụa nước mắt trông hắn.

Tiết A Ất sốt liền sáu ngày, gần như bất tỉnh, đại phu y quán bó tay hết cách, Thúy Thúy lo quýnh lên, được Phùng Thiếu Mị hộ tống lên chùa Kim Sơn dâng hương. Có lẽ là Phật tổ hiển linh thật, đến ngày thứ bảy, Tiết A Ất bắt đầu giảm sốt, không quá hai ngày đã khỏi bệnh hơn nửa.

Thúy Thúy hết lòng tin là kì công nén nhang kia tạo thành, bắt hắn lên Kim Sơn lễ tạ.

Chùa Kim Sơn là một nơi có rất nhiều truyền kì, Bạch Tố Trinh trộm dược thảo cứu Hứa Tiên, hòa thượng Pháp Hải lừa Hứa Tiên đến chùa Kim Sơn, bạch xà dâng nước ngập Kim Sơn cứu Hứa Tiên. Thế nhân lắm hiếu kì, người yêu tình thâm nghe thú vị xiết bao, bởi thế mà chùa Kim Sơn xưa nay đầy ắp người.

Tiết A Ất bị em gái lải nhải không chịu nổi, há miệng ứng bừa, đi đến phố Đông Quan lại dừng chân bất động.

Mưa dầm suốt nhiều ngày cuối cùng cũng ngơi, mặt trời chiếu cao, hoa quỳnh Giang Đô nở, đóa to như cái đĩa bạch ngọc, hai bên bờ sông chen chúc hoa quỳnh. Có câu sương buốt giết xuân sang, cành lá ngờ đao nhọn, tiết trời mới ấm còn lạnh qua rồi, góc cạnh phong cảnh Giang Đô cũng dịu dàng hơn hẳn.

Hắn tự ý hỏi mượn ông cụ bán dầu trên phố cái ghế mây rồi ngồi ven đường phơi nắng ngắm hoa.

Thúy Thúy tức tối giậm chân, không thèm để ý đến anh trai nữa, một mình đi tiếp.

Nằm trên giường bệnh quá lâu, xương cốt thân mình như bị đánh thuốc mê, mềm nhũn bải hoải. Lúc mơ màng sắp ngủ, chợt nghe một tiếng phẫn nộ: “Ranh con vô lễ!”

Tiết A Ất mở mắt.

Trong con hẻm nhỏ cách đó năm trượng tụ tập dăm ba người, ở giữa bày một chiếc bàn gỗ, đặt bốn chồng bạc vụn và xâu tiền đồng, trung tâm rải rác vài con xúc xắc. Người cầm cốc xúc xắc là một thiếu niên choai choai chừng mười lăm, mười sáu tuổi, mặt mày hãy còn vương nét ngây thơ, đôi con ngươi linh hoạt đảo tròn như khỉ.

Mấy quân xúc xắc khắc bằng xương lợn quay cùng một mặt lên trên, ba con sáu.

“Sao các vị đại ca cứ khăng khăng là tiểu tử trí trá thế, tiểu tử tuy còn nhỏ nhưng cũng biết làm người quý ở chân thành.” Thiếu niên đập chiếc chén sứ dùng làm cốc xúc xắc lên bàn, chỉ tay vào người đàn ông trung niên làm nghề mổ lợn đối diện, “Hồ đại ca chém một đao vào tay phải tôi đi, đao xuất tay thu, xí xóa tất cả, thế nào?”

Gã đồ tể họ Hồ lưng hùm vai gấu, cười xì một tiếng, xách con dao lóc xương treo ngang hông lên như xách gà: “Đao chặt xuống rồi là không thu lại được đâu nhé!”

Đặt tay phải lên bàn, lòng bàn tay úp xuống mở phẳng, thiếu niên cười hì hì: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy.”

Tiền bán thịt cả nửa năm bị thằng ranh choai choai thắng mất, vốn còn trù trừ, nghe đối phương nói vậy thì máu huyết sôi lên, bất chấp tất thảy. Nghé con mới sinh không sợ cọp, đồ tể không lắm lời nữa, lùi hai bước, hai tay giơ dao chém mạnh xuống, dấy lên một trận gió:

“Đốc!”

Tiết A Ất bất giác ngồi dậy.

Có người gõ vang bên kia tường đỏ sau lưng, giọng vịt đực hào hển nói: “Chờ lâu rồi, bị vướng ít chuyện.”

Dao lóc xương găm sâu ba phân vào gỗ, bấy giờ đao phong dấy lên mới thổi vào ống tay áo gã đồ tể, vải bị kéo căng rồi buông lỏng, đánh roạt một tiếng.

Thiếu niên dùng tay phải lành lặn gom chiến lợi phẩm về, bên trong còn có một cây trâm đồng khảm san hô được làm khá tinh xảo, đầu trâm rủ xuống một con chuồn chuồn lấp lánh muốn bay. Thiếu niên nhét hết bạc vụn vào túi, nhón cây trâm lên, bình thường hẳn cậu thích cười lắm, lúc rộ cười mặt tươi như hoa.

Tiết A Ất thu mắt, tựa vào lưng ghế, vẫn lấy tấm áo cũ che miệng như cũ: “Không sao.”

“Hoài lão gia tử vừa đi, đại đệ tử Tô Ngạo đã không chèo chống nổi sư môn, hiện nay trên giang hồ rất loạn, đầu trâu mặt ngựa gì cũng trồi lên tác quái, ngày nào cũng vất vả bôn ba!” Giọng vịt đực hổn hà hổn hển, cuối cùng cũng ổn định được hơi thở: “Tiết huynh, có việc mới đây…”

“Sợ là không thành.” Tiết A Ất ngắt lời hắn, “Mấy ngày trước mắc mưa, nhiếm khí lạnh, không đi xa được.”

“Gần lắm, ngay trong Giang Đô thôi.”

Tiết A Ất ngẩn người: “Không phải đi tiêu à?”

“Không phải, nhưng vụ này hời lắm.” Giọng vịt đực hạ giọng, “Nghe mối lái trước nói Tiết huynh đang túng thiếu, chuyến này mà thành, có thể ăn được năm mươi lượng bạc ròng đấy.”

Vật mĩ miều luôn đính kèm nguy hiểm, mà tiền tài là nguy hiểm hàng đầu.

Tiết A Ất hỏi: “Vụ gì?”

“Bắt một người, một phụ nữ,” Giọng vịt đực nói, “Tên là Vương Cẩm Nương, sống ở ngõ Điềm Thủy.”

Vương Cẩm Nương ở ngõ Điềm Thủy là chủ thuê vụ trước của Tiết A Ất, nhờ hắn mang một bức họa cũ đi đưa cho kẻ phụ lòng đã chuyển đến sống ở trấn Bạch Thủy. Năm mươi lượng mua một cái mạng thì không phải là rẻ nhưng để bắt một người thì là quá đắt, lâu lắm rồi Tiết A Ất không qua tay vụ làm ăn nào hàng ngon giá rẻ vừa lòng như vậy.

Tiết A Ất ngồi dậy, ghế mây cao tuổi kêu “cót két”: “Quyền cước còn yếu lắm, sợ sẽ hỏng việc.”

“Không sao,” Giọng vịt đực cười nói, “Chỉ là một cô ả chân yếu tay mềm trói gà không chặt thôi.”

Thợ săn trong núi quen dùng miếng thịt ngon nhất trên người gia cầm làm mồi nhử thú săn, giăng tròng đặt bẫy, dụ dỗ sa cơ, Thích Ca Mâu Ni còn biết cắt thịt nuôi ưng để thành Phật, xưa nay con mồi càng tươi ngon lại càng thu hoạch được tốt đẹp. Giọng vịt đực mới vào nghề này nên trong mắt chỉ nhìn thấy lời lỗ, không biết rằng trời sinh dã thú đã bén nhạy.

Tiết A Ất đổi chủ đề: “Thanh đao huynh đài nhắc đến lần trước thế nào rồi, đã tìm ra người lấy mất đao chưa?”

“Khỏi nói đi!” Giọng vịt đực thở vắn thàn dài, “Vật giấu bên trong quả thực đòi mạng, nghe cha tôi nói là chứng cớ thái tử nuốt trộm tiền triều đình dùng vào việc xây cất đập nước, lão gia cái nhà bị thổ phỉ giết sạch ấy vốn là tâm phúc của thái tử, chẳng biết là ai dò rỉ tin tức ra rồi gọi một ổ thổ phỉ đến diệt khẩu.”

Tiết A Ất sửng sốt: “Không phải trùng hợp à?”

“Không phải, chính là vì phong mật thư này.” Giọng vịt đực thoắt đổi, “Tiết huynh, huynh đoán xem là ai phái thổ phỉ đi diệt khẩu?”

Hắn rất có thiên phú kể chuyện, kể đến là rõ ràng mạch lạc, đang nói đến đoạn hưng phấn, cũng chẳng thiết Tiết A Ất tiếp lời, tự hỏi tự đáp: “Chắc chắn huynh không ngờ được đâu – là Hoài Vô Nhai đấy. Không hổ là lão làng rong ruổi võ lâm ba mươi năm, chỉ đâu là hảo hán lục lâm răm rắp đánh đó, Hoài lão gia tử xuống tay quả thực nhanh như chớp, chỉ tiếc không ngờ mật thư giấu trong đao, sắp thành lại bại.”

Tiết A Ất không hiểu: “Sao ông ta phải làm việc đó?”

Giọng vịt đực cười “ha” một tiếng: “E là huynh không ngờ được, Hoài Vô Nhai già rồi nhưng dã tâm chẳng già tí nào, ngồi vững vị trí thủ lĩnh giang hồ rồi còn chê không đủ, nảy lòng muốn nhúng tay vào triều đình. Đời này lão ta tính toán kể cũng khéo đấy, đáng tiếc hai lần đều lật thuyền trong mương: Lúc trung niên đang thịnh thì bị một tên lỗ mãng rời nhà lần đầu ngáng ngã, mất con gái đã đành, bản thân cũng phải chui vào Bắc Sơn ở ẩn; năm sáu chục tuổi sắp rửa tay gác kiếm, đáng lí nên an hưởng niềm vui con cháu đầy nhà thì lại chết dưới váy đàn bà. Người xưa có câu lòng tham không đủ rắn đòi nuốt voi, thân bại danh liệt là đáng đời.”

Cách tường vọng tới tiếng ông lão quán trà hô: “Nhỏ dãi giải khát – trà bí đao ngọt không ngấy đây!”

Giọng vịt đực đang miệng khô lưỡi đắng: “Cho một chén.”

“Tới đây…”

Một chén trà bí đao xuống bụng, giọng vịt đực khoan khoái thở dài: “Thái tử điện hạ bắt người tìm thanh đao kia như chó điên vậy, nghe nói Giang Đô vương gia cũng tham dự vào, đáng thương lũ người giang hồ chúng ta, thành đao giết người trong tay quý tộc vương công.”

“Loạn thế xuất anh tài,” Tiết A Ất nói, “Gần đây chắc huynh đài kiếm được khá lắm?”

Giọng vịt đực tự đắc, không kìm được cười thành tiếng: “Lại chẳng!”

Cười xong mới nhớ tới chuyện chính: “Tiết huynh, vụ làm ăn mới nói có hợp ý huynh chăng?”

Tiết A Ất tựa về lưng ghế, lại “cót két”: “Thân bệnh tật không kham nổi trọng dụng, huynh đài vẫn nên tìm người khác thì hơn.”

Bị cuốn vào tranh đấu giữa các hoàng tử, bánh vẽ có to hơn nữa thì cũng chỉ có số kiếm tiền không có số hưởng, sơ sẩy một chiêu là chết thẳng cẳng chẳng có chỗ chôn.

Bên kia tường tựa hồ không ngờ được, mãi sau mới cất tiếng: “Cũng được, Tiết huynh bảo trọng. Tiểu đệ còn chuyện quan trọng, cáo từ.”

Tiết A Ất đáp lời: “Thứ cho không tiễn được.”

Tường đối diện vọng lại tiếng vải vóc va chạm loạt xoạt, tiếp đó là tiếng bước chân, càng lúc càng xa, nhoáng cái đã yên ắng. Tiết A Ất mở áo cũ che mặt ra, nhặt cục gạch đỏ bên chân lấp lại cái lỗ trên tường, đứng dậy kẹp cái ghế mây cũ dưới nách đi sang bên kia phố trả lại cho ông cụ bán dầu.

Đang định mở miệng thì sau lưng vang tiếng Thúy Thúy gọi lanh lảnh: “Ca ca!”

Tiết A Ất quay đầu, Thúy Thúy đang đứng ở đầu phố vẫy tay với hắn.

Hắn buông ghế mây xuống trước sạp, nói câu cảm ơn với ông cụ bán dầu rồi xoay người đi về phía Thúy Thúy.

Có người đi cùng đường với hắn, là thiếu niên đánh cuộc thắng rúc vào xó nghịch cây trâm đồng khảm san hô kia. Cậu ta đi tới cạnh hai anh em, quan sát trên dưới một phen: “Coi như đợi được người rồi, Giang Đô vương gia muốn gặp hai vị.”

Tiết A Ất ôm quyền thi lễ: “Tiểu huynh đệ là…”

“Tôi tên Tạ Thiêm,” Thiếu niên chợt đổi đề tài, “Chúng ta đã gặp nhau bao giờ chưa?” Thoạt nhìn trông hơi quen quen.

Tiết A Ất lắc đầu: “Chưa từng.”

“Tiểu tử đường đột.” Thiếu niên nói, “Gia sư là chưởng môn nhân nhà họ Hoài, Tô Ngạo, đang nghị sự cùng Giang Đô vương gia. Hai vị, mời đi bên này.”

***

Gánh hát không náo nhiệt được bằng khi xưa, tiếng đệ tử Lê viên1 đá chân la hét thấp đi đến mấy độ, xa xa vọng tới giọng ca diễn ê a. Vài ba đứa bé gầy nhom mới đưa tới luyện công tụ tập sau cây liễu già, trộm ngó thị vệ vương phủ đứng nghiêm thẳng tắp trong ngoài phường trò.

1 Nghĩa đen là “vườn lê”, nguyên là tên địa danh nơi Đường Minh Hoàng dạy âm nhạc và vũ đạo cho các nhạc công và cung nữ, từ đó cái tên Lê viên trở thành tên gọi ti phụ trách huấn luyện diễn tấu âm nhạc trong cung đình. Người đời sau dùng “Lê viên” để chỉ giới hí khúc, diễn viên hí khúc thường tự xưng là đệ tử Lê viên.

Tạ Thiêm dẫn anh em nhà họ Tiết vào đại viện, cả phòng oanh yến ùa tới chào hỏi, đều là các cô nương chưa thành danh trong phường, đưa mắt liếc người lạ sau lưng cậu rồi mồm năm miệng mười trách: “Tạ tiểu công tử, sao đi lâu vậy, để người ta mong ngóng quá chừng!”

Tạ Thiêm chìm trong son phấn, cười to cáo lỗi: “Sư phụ sai tôi làm việc, làm phiền các tỷ tỷ đợi lâu rồi, tôi đi một lát sẽ trở lại.”

Cậu ta móc cây trâm san hô chuồn chuồn thắng được ra, lúc này mới phát hiện Trình tiểu nương tử mình nhìn trúng khi trước đã đổi sang mặc hí phục màu xanh đậu, không còn hợp với cây trâm này nữa. Dời mắt đi, bắt được một cô bé chưa cập kê bận áo váy hoa văn chuồn chuồn, bèn cắm cây trâm vào búi tóc em, ngắm trái ngắm phải một phen mới vừa lòng sảng khoái buông tay.

Cô bé e thẹn đỏ bừng mặt, toan khước từ thì Tạ Thiêm đã dẫn người vào trong.

Tiếng chiêng trống mỗi lúc một rõ, khoảnh sân nhà chính đối diện cửa giữa, lấy ngưỡng cửa làm ranh giới, bố trí một sân khấu tinh xảo, đã mở màn được một lúc. Trước sân khấu bày hơn trăm cái bàn, ngồi ở vị trí trung tâm là Giang Đô vương và chưởng môn nhân nhà họ Hoài ngày hôm nay, Tô Ngạo.

So với lần đầu gặp mặt trong bữa tiệc mừng thọ Hoài lão gia tử, Tô Ngạo thay đổi không ít, khóe miệng thì nhoẻn đó mà trong mắt chẳng có lấy nửa ý cười.

Trông thấy Tiết A Ất, gã hơi ngạc nhiên: “Thì ra người vương gia muốn tìm là Tiết đại lang à.”

“Ồ?” Giang Đô vương nghiêng đầu, “Hóa ra là người quen cũ của Tô chưởng môn.”

Tô Ngạo khoát tay: “Có duyên gặp một lần mà thôi.”

Tiết A Ất chậm rãi siết chặt miếng vàng lá tiêu hãy còn dư trong túi, miếng vàng mỏng cộm tay phát đau. Hắn kéo Thúy Thúy đang luống cuống chân tay, hai anh em cúi đầu chắp tay hành lễ: “Thảo dân bái kiến vương gia, bái kiến Tô chưởng môn.”

Giang Đô vương không nhìn anh em họ Tiết, lệnh đầy tớ dâng trà phổ nhĩ thượng hạng lên, tự tay bưng trà đưa cho Tạ Thiêm: “Làm phiền Tạ tiểu công tử phải đi tìm người rồi, nhất thời bên cạnh không có ai dùng được, chỉ đành lấy dao mổ trâu giết gà, để tiểu công tử chịu thiệt thòi.”

Tạ Thiêm nhận chung trà: “Được vương gia coi trọng, tiểu tử nên đảm đương.”

Tạ Thiêm mới chỉ đương tuổi vũ thược1, nhưng trong võ lâm lại như sấm đánh bên tai, bàn về danh tiếng cơ hồ ngồi ngang hàng với sư phụ Tô Ngạo. Danh tiếng này lại không phải do cậu ta tự gây dựng nên mà là bởi cậu là con út của Tạ thừa tướng đương triều.

1 Thời cổ, con trai trong khoảng 13 – 15 tuổi thì gọi là tuổi vũ thược, tức tuổi học văn võ.

Tên đặt rất có căn nguyên: Trên cậu có hai huynh trưởng, người nào người nấy đều xuất chúng bất phàm, nổi bật rạng rỡ, đến cái thai này, Tạ thừa tướng vốn tưởng là một thiên kim, dè đâu không có số đẻ con gái, vẫn là con trai. Ăn thì không ngon bỏ thì tiếc, cùng lắm xem như vật dôi, bèn đặt tên Tạ Thiêm.1

1 Thiêm (添) có nghĩa là thêm, tăng thêm.

Thiếu niên xốc nổi kiêu ngạo, không cam lòng làm “vật dôi”, tuổi nhỏ đã rời nhà, một đi không trở lại. Xưa nay văn nhân không coi trọng mãng phu giang hồ, bao nhiêu năm mới xuất hiện một cậu chàng can trường không chịu an hưởng phú quý, xách đao xông xáo thiên hạ, hồi ấy có thể nói chuyện Tạ Thiêm bái lạy làm môn đệ nhà họ Hoài đã chấn động một thời.

“Tạ tướng đã ba phen mấy bận gửi thư cho cô hỏi thăm cậu sống có ổn không, lệnh từ1 cũng nhớ mong cậu nhiều.” Giang Đô vương nhấp một ngụm trà, thổn thức, “Cha con nào ai thù hằn qua đêm, khi nào rảnh rỗi, Tạ tiểu công tử nhớ về thăm nhà một chuyến.”

1 Lệnh tôn chỉ cha, lệnh từ chỉ mẹ.

Tạ Thiêm mím môi không đáp, Tô Ngạo liếc cậu, cười tiếp lời: “Trẻ con đứa nào mà chẳng ham chơi, chơi đã rồi tất sẽ hồi tâm, vương gia chớ nhọc lòng. Huống hồ thằng học trò này của tôi thiên phú dị bẩm, học thành võ công tuyệt thế rồi hẵng áo gấm về nhà lại chẳng đẹp thay?”

Giang Đô vương gật đầu: “Nghe nói Hoài lão gia tử từng đích thân đánh giá bản lĩnh của Tạ tiểu công tử, lão nhân gia đã nói thế nào?”

Tô Ngạo đáp: “Tư chất sum sê, bình sinh hiếm thấy.”

Giang Đô vương thoáng sững người, thở dài: “Quả nhiên tài giỏi, nhà họ Tạ ba đời văn thần đến đây chỉ e sẽ xuất hiện một đại tướng quân.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.