Thất Lão Kiếm

Chương 44: Bất Quy Cốc




Diệp Thanh đang nằm trên bãi cát, uể oải đứng lên cười đáp :

- Khách của tôi đó đại thúc ạ!

Lão nhân thoáng biến sắc, hỏi nhỏ Đoạt Phách Sứ Giả đứng bên cạnh :

- Có được sự chấp thuận của Đảo chúa chưa?

Đoạt Phát Sứ Giả lắc đầu :

- Đảo chúa chưa hay biết gì cả.

Diệp Thanh bước tới. Lão nhân làm lễ ra mắt rồi cất giọng khàn khàn thốt :

- Khách của tiểu thơ không xuống thuyền được!

Diệp Thanh đáp :

- Họ là những người có ơn cứu mạng tôi, họ đến Ma Quỷ đảo vì có việc thỉnh cầu nơi gia phụ thì bằng lòng cho họ xuống thuyền, đại thúc đừng cản trở.

Lão nhân lộ vẻ khó khăn :

- Nhưng Đảo chúa...

Diệp Thanh chận lời :

- Gia phụ có thái độ gì tôi chịu trách nhiệm!

Lão nhân chẳng biết làm sao hơn, đành tuân lời nàng để cho bọn Nhuế Vĩ xuống thuyền.

Lúc đó Nhuế Vĩ, Lâm Quỳnh Cúc, Giản Hoài Quyên cũng đã đứng lên. Lâm Quỳnh Cúc hỏi :

- Họ nói gì với nhau đó đại ca?

Nhuế Vĩ đáp :

- Lão nhân không cho bọn ta xuống thuyền, song Diệp Thanh tác chủ quyết để cho bọn ta xuống thuyền.

Câu Hồn Sứ Giả đứng cạnh chàng, nghe chàng nói thế hết sức kinh hãi, thầm sợ thính giác của chàng rất tinh diệu, Diệp Thanh và lão nhân đứng cách chàng rất xa thế mà chàng nghe rõ cuộc đối thoại của họ không sót một lời.

Nhuế Vĩ tiếp :

- Lão nhân không thể không đáp ứng. Vậy chúng ta chuẩn bị xuống thuyền.

Lâm Quỳnh Cúc nắm tay Giản Hoài Quyên, sóng đối với Nhuế Vĩ bước từ từ về phía Diệp Thanh. Vừa đi, Lâm Quỳnh Cúc vừa hỏi :

- Này đại ca, thuyền ở đâu sẵn mà họ tìm được nhanh chóng thế?

Nhuế Vĩ lắc đầu :

- Ngu huynh không hiểu.

Chàng thầm nghĩ hẳn là họ có một phương pháp thông tin với nhau rất đặc biệt, nên người về và người đón cùng đến đúng lúc. Nhưng phương pháp đó như thế nào?

Lão nhân nhìn Nhuế Vĩ, bất giác kêu lên :

- Giản công tử.

Lão nhìn sang Giản Hoài Quyên bên cạnh Lâm Quỳnh Cúc tiếp :

- Giản công tử cũng có mang lịnh muội theo nữa à?

Diệp Thanh lấy làm kỳ hỏi :

- Ai là Giản công tử hở đại thúc?

Lão nhân đưa tay chỉ Nhuế Vĩ cười đáp :

- Chứ gì đó, tiểu thơ còn vờ hỏi nữa thì thôi! Nếu sớm biết khách của tiểu thơ là Giản công tử thì lão phu đâu có cản trở.

Diệp Thanh lắc đầu :

- Y không phải họ Giản, y là họ Nhuế.

Lão nhân nghe đến tiếng Nhuế bất giác kinh hãi, không nói gì nữa.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Các hạ có quen Giản công tử?

Lão nhân đáp vắn tắt :

- Trước kia có gặp y một lần.

Diệp Thanh mỉm cười :

- Đại thúc ơi! Hiền muội của Nhuế công tử thọ bịnh, muốn nhờ phụ thân chữa trị. Chúng ta nên lui thuyền gấp đi đại thúc!

Lão nhân cười lạnh hỏi :

- Nhuế công tử có tiểu muội?

Diệp Thanh hỏi :

- Lâm tiểu thơ khác họ, sao lại là lịnh muội được?

Nhuế Vĩ chỉ Giản Hoài Quyên thốt :

- Còn nàng ấy là họ Giản, không đồng bọn với tại hạ Diệp Thanh tỉnh ngộ :

- Thì ra nữ nhân nào nhỏ tuổi hơn công tử là công tử nhận tiểu muội hết!

Nhuế Vĩ đáp :

- Không nhất định là vậy. Cũng cần phải xem họ có đủ tư cách hay không mới được chứ!

Diệp Thanh mỉm cười :

- Như tôi đây có đủ tư cách hay không? Tôi nhỏ tuổi hơn công tử mà!

Nhuế Vĩ không đáp.

Diệp Thanh thất vọng, trầm gương mặt.

Lão nhân hỏi :

- Công tử định yêu cầu phụ thân tiểu thơ chữa bịnh cho nữ nhân họ Giản?

Nhuế Vĩ không đáp thẳng câu hỏi :

- Tiểu thơ các vị bằng lòng giúp tại hạ việc đó.

Lão nhân hỏi :

- Nếu tiểu thơ không giúp?

Nhuế Vĩ đáp :

- Thì tại hạ đi khắp sông hồ tìm Tam Nhãn Tú Sĩ, nhờ người hóa giải thuật Ma Tâm Nhãn do chính người thi triển.

Lão nhân cười lạnh :

- Nữ nhân họ Giản không phải là thân muội của các hạ, sao các hạ thích gánh vác việc người thế?

Nhuế Vĩ cười đáp :

- Người trong thiên hạ phải lo việc trong thiên hạ, hà tất phải là thân muội mới lo cho nhau?

Lão nhân bĩu môi :

- Nàng ấy có ca ca, cần gì các hạ phải nhọc tâm?

Nhuế Vĩ đáp :

- Nếu ca ca của nàng có mặt thì tại hạ lo làm chi?

Lão nhân buộc miệng thốt :

- Ca ca nàng có mặt!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Ở đâu?

Biết mình lỡ lời, lão nhân vội chữa :

- Nào ai biết ở đâu!

Nhuế Vĩ mỉm cười :

- Các hạ không biết, tại hạ không biết, thế thì tại hạ không thể không gánh vác!

Diệp Thanh nghe họ nói chuyện với nhau chẳng hiểu gì cả. Nhưng họ dằn dai mãi thì mất nhiều thì giờ, nàng gọi :

- Đại thúc và Nhuế công tử nói gì mà nói mãi thế? Thế không xuống thuyền sao chứ?

Lão nhân chớp mắt, niềm hung độc thoáng hiện trong ánh mắt đó. Rồi lão cười lạnh thốt :

- Xuống thuyền ngay bây giờ đây.

Lão dẫn đầu. Bọn thủy thủ trên thuyền vận y phục trắng, nịt sát mình, đầu vấn khăn trắng. Chúng thấy Diệp Thanh đồng quỳ xuống cúi rạp mình.

Nhuế Vĩ cho rằng nghi cách đó phải là dành cho Hoàng gia, nhưng Diệp Thanh là một Quận chúa thì Công chúa là ai? Bởi có Quận chúa tất phải có Công chúa.

Từ trong khoang thuyền hai hàng nữ nô bước ra, tất cả đều mang kim hoàn nơi tay, tất cả cùng hành lễ, thốt :

- Quận chúa đã trở về!

Nhuế Vĩ không hiểu tại sao từ lão nhân đến bọn nữ nô, như bốn nàng đã chết, có lúc gọi Diệp Thanh là Quận chúa, có lúc lại gọi tiểu thơ.

Dĩ nhiên trong thuyền các vật trang trí cực kỳ hoa lệ, xứng đáng với thân phận một Quận chúa.

Bọn Nhuế Vĩ và Diệp Thanh kiêm trình luôn một ngày một đêm đến đây rồi ai ai cũng nghe đói.

Không đợi lịnh, bọn nữ nô dọn thức ăn lên cho họ dùng ngay.

Ai ai cũng ăn ngon, chỉ có Lâm Quỳnh Cúc và Giản Hoài Huyên không quen ngồi thuyền vượt biển nên bần thần bứt rứt khó chịu vô cùng. Cả hai không nuốt trôi, dù thức ăn là những món ngon vật lạ.

Thấy hai nàng say sóng ói mửa, Nhuế Vĩ ăn uống qua loa rồi lo săn sóc cho các nàng. Chàng và hai nàng chiếm một ngăn nhỏ trong khoang thuyền. Chàng đưa hai nàng vào đó, rồi suốt ngày cả ba không ra ngoài ăn uống thì có nữ nô đưa vào cho họ.

Diệp Thanh không hề đến thăm họ, mường tượng nàng hận. Song nàng hận gì? Hận ai? Nào ai biết được?

Đến ngày thứ tư, Câu Hồn Sứ Giả gõ cửa phòng gọi :

- Sắp đến nơi rồi đó nhé Nhuế công tử!

Bây giờ Lâm Quỳnh Cúc và Giản Hoài Quyên đã quen sóng rồi, không còn khó chịu như trước.

Nhuế Vĩ bảo :

- Chuống ta lên sàn thuyền xem sao!

Nhìn sóng biển nhấp nhô, Nhuế Vĩ sanh niềm cảm khái bồi hồi.

Diệp Thanh cũng có mặt trên sàn thuyền. Nhân lúc Nhuế Vĩ đứng một mình trầm tư, nàng do dự một chút đoạn bước tới cạnh chàng hỏi :

- Các tiểu muội của công tử đâu?

Nhuế Vĩ quay đầu lại không đáp, chỉ cười thốt :

- A! Tiểu thơ!

Diệp Thanh thở dài :

- Công tử không thể dùng tiếng Thanh nhi được sao?

Nhuế Vĩ mỉm cười, lần này chàng đáp câu hỏi trước để lấp câu hỏi sau :

- Bọn Cúc muội sợ sóng, không dám lên đây.

Diệp Thanh nghe lòng xót xa quá, buông giọng hờn dỗi :

- Công tử dành nhiều cảm tình với hai vị cô nương đó hết sức, chẳng cho ai xí tí phần nào cả!

Nhuế Vĩ thở dài :

- Bốn hôm nay cả hai bị sóng nhồi dật dờ, thờ thẩn, ăn kém, ngủ kém nên ốm nhiều!

Diệp Thanh hơi cáu :

- Họ ốm hay mập có liên quan gì đến tôi?

Nhuế Vĩ kinh ngạc nhưng không nói gì. Vừa lúc đó một điểm đen hiện ra trong tầm mắt chàng. Điểm đen lớn dần, lớn dần. Chàng reo lên :

- Sắp đến nơi rồi! Tốt quá!

Diệp Thanh hỏi :

- Cái gì tốt?

Nhuế Vĩ đáp :

- Ít nhất hai tiểu muội của tại hạ hết ngại sóng nữa!

Diệp Thanh phát cáu :

- Lại còn cái vị tiểu muội lơ láo kia sẽ được chữa trị lành mạnh nốt! Một nàng ngốc!

Nhuế Vĩ không vui :

- Nàng ấy đâu có ngốc! Tiểu thơ đừng lầm!

Ma Quỷ đảo hiện rõ dần dần.

Nhuế Vĩ không còn nhìn Diệp Thanh nữa, mắt chàng dán về phương trời xa xa.

Diệp Thanh tức uất suýt bật khóc.

Hòn đảo khá lớn, hình thức giống một quái nhân ngồi chồm hổm. Cạnh bờ đảo có thuyền nhẹ. Thủy thủ y phục trắng đang lần lượt xuống thuyền.

Nhuế Vĩ tự hỏi :

- "Chúng sắp đi đâu đây?"

Trong khi đó thuyền của chàng cặp bến, đòn dây được thả xuống.

Lão nhân hướng về Diệp Thanh, thốt :

- Thỉnh tiểu thơ lên bờ.

Lâm Quỳnh Cúc và Giản Hoài Quyên được người dìu lên sàn thuyền.

Diệp Thanh lạnh lùng mời khách lên bờ, song nàng không nhìn đến Nhuế Vĩ nữa.

Lễ nghi chào đón lại được diễn ra tại bờ theo cung cách của hoàng gia.

Đi được nửa đoạn đòn dây bắt từ thuyền lên bờ, Nhuế Vĩ bỗng thấy một người hấp tấp xuống chiếc thuyền kia và thuyền đó sắp sửa ra khơi. Bất giác chàng gọi to :

- Giản Thiệu Vũ!

Quả đúng là Giản Thiệu Vũ. Trông thấy Nhuế Vĩ có cả Giản Hoài Quyên, Giản Thiệu Vũ biến sắc mặt. Lập tức thay vì xuống luôn thuyền, Giản Thiệu Vũ quay mình trở lên đảo.

Gặp Giản Thiệu Vũ khi nào Nhuế Vĩ bỏ qua. Có rất nhiều việc chàng cần cật vấn y, nếu có thể, chàng sẽ bắt buộc y giải quyết ổn thỏa.

Thấy Giản Thiệu Vũ trốn tránh chàng, chàng hết sức lấy làm lạ thầm nghĩ :

- "Tại sao y trốn ta? Ta đâu muốn giao thủ với y mà y sợ? Ta chỉ muốn đối thoại với y về nhiều vấn đề thôi mà".

Chàng lướt trên đòn dây, gọi :

- Các hạ chạy đi đâu? Tại hạ cần nói chuyện với các hạ.

Giản Thiệu Vũ chẳng những không dừng chân trái lại còn chạy nhanh hơn trước. Y chạy về hướng Tây Bắc.

Nhuế Vĩ đuổi gấp theo sau.

Lâm Quỳnh Cúc gọi :

- Đại ca! Đại ca!

Nàng muốn chạy theo, song vướng Giản Hoài Quyên bên cạnh nàng đành ở lại.

Diệp Thanh cũng gọi :

- Nhuế công tử! Nhuế công tử!

Nàng chạy theo chàng. Nàng vừa chạy vừa gọi :

- Trở lại! Đi về phía đó không được đâu.

Thì ra nơi đó có một vùng đất cấm, bất cứ ai cũng không dám xâm nhập vào.

Diệp Thanh lo sợ chàng gặp nguy hiểm.

Giản Thiệu Vũ cũng là tay khá về thuật khinh công, y lại chạy trước, Nhuế Vĩ đuổi theo mãi vẫn không hẹp được khoảng cách giữa nhau.

Diệp Thanh dần dần bị bỏ rơi sau xa, không theo kịp thì nàng lại gọi :

- Nơi đó đến không được đâu! Hãy trở lại, Nhuế công tử!

Nhuế Vĩ có nghe song không thể dừng chân, sợ mất hút Giản Thiệu Vũ.

Chạy một lúc lâu, chợt Nhuế Vĩ thấy một đống xương trắng. Rồi chàng lại thấy đống thứ hai, đống thứ ba, xương trắng nhiều quá, hơn trăm đống. Dĩ nhiên là xương người. Xương khô rải rác dọc theo sơn cốc.

Giản Thiệu Vũ chạy vào cốc khẩu.

Nhuế Vĩ đến cốc khẩu, toan vào theo.

Ngẩng mặt nhìn lên chàng thấy ba chữ nơi vách: "Bất Quy cốc". Nhuế Vĩ giật mình do dự. Nhưng chỉ một phúc sau chàng bất chấp nguy hiểm, lao mình vào.

Khi Diệp Thanh đến nơi thì đã muộn rồi. Nhuế Vĩ mất dạng. Nàng đứng lại đó thừ người, thầm vái van cho chàng vô sự trở ra. Nàng không dám vào mà lại vái, như vậy là bên trong cốc có vô số hiểm nguy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.