Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 100: Bao bọc (thượng)




Công việc Ngao Bái giao phó giữ chân Cửu Dương cả ngày, lúc chàng trở về phủ Tư đồ trời đã quá khuya, trong đại sảnh đèn cầy đỏ cũng đã tàn một nửa.  Ngoài hoa viên cành liễu lao xao.  

Cửu Dương bước vào phòng ngủ của nữ thần y, trong phòng đèn không đủ sáng, chàng thấy nàng nằm trên giường, màn giăng trướng rũ.  Chàng biết nàng vẫn còn chưa ngủ nhưng nàng cứ nhắm riết đôi mắt.  Bất động, không phản ứng. Với nàng, dường như mọi thứ chẳng còn gì để mà thiết tha. Cuộc đời này, thế giới này, nàng sẵn sàng bỏ lại tất cả. 

Cửu Dương ngồi ở cạnh giường, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nữ thần y.  Chàng im lặng, chuyện đã xảy ra như vậy, chàng không biết nói gì hơn.  Những lời biện hộ bây giờ hoàn toàn vô nghĩa, chàng cũng không có cơ hội giải thích cho nàng hiểu.  Khung cảnh hoàn toàn yên lặng, chỉ có bên ngoài song gió thu ào ào thổi, đôi lúc làm cho những song cửa như trở mình như tiếng thở than trong lòng chàng lúc này.  

Tờ mờ sáng hôm sau mặt trời còn chưa bò qua khỏi Kim sơn Cửu Dương đã rời phủ, không ai biết chàng đi đâu, khi mặt trời bắt đầu ló ra khỏi đỉnh núi chàng trở về phủ, trong tay bưng một chậu mẫu đơn.  Chàng không vào phủ ngay mà đứng trước cổng ngẩng đầu nhìn trời nhìn mây, bỗng thấy được rằng thế giới này tuy lớn, trời đất mang mang, lại không có một cái nhà đích thực thuộc về chàng. Thậm chí còn không có một mảnh đất để chàng dung thân!  Tối hôm qua, khi chàng đến tìm nữ thần y, trong lòng chàng có hàng ngàn điều vạn tiếng muốn nói với nàng, nhưng căn phủ này không phải là nơi nói chuyện…

Cửu Dương lại vào phòng nữ thần y, nàng đã thức dậy và ngồi trên trường kỷ trông ra vườn, bên ngoài khung cửa sổ cây cối đã ngả màu, những chiếc lá rụng xoay tít trên không trung, rồi từ từ rơi xuống đất.  Dưới gốc cây có mấy hòn đá xanh thật to, tạo nên một khung cảnh nên thơ. Từ nơi nữ thần y ngồi nhìn xuyên qua khung cửa sổ cũng có thể trông thấy cảnh núi mờ nhạt xa xa, và thấy cả mây trắng bay vật vờ trên cao nữa.  Nhưng Cửu Dương biết nàng nhìn chứ chẳng thấy cảnh tượng thơ mộng gì cả.  Chàng nhẹ nhàng đặt chậu mẫu đơn lên chiếc bàn ở giữa căn phòng, kéo ghế dưới bàn ra, ngồi hướng mặt về phía nàng chậm rãi nói:

- Mẫu đơn tuy đẹp, nhưng rất dễ chết, nếu như không được chăm bón hằng ngày nó sẽ không thể nào sống được, huống gì nở ra hoa xinh đẹp thế này.  

Nữ thần y im lặng, Cửu Dương ôn tồn:

- Huynh biết muội thích cúc nhưng cúc là loài cây tự sinh tự diệt, không bao giờ được chăm bón, lại luôn bị người ta giẫm đạp.  Mẫu đơn và cúc đều là cây cối nhưng đãi ngộ khác nhau xa.  Muội là mẫu đơn dễ chết, muội cần người ở cạnh chăm sóc, che chở, bằng không muội sẽ trở thành cúc dại, cả đời bị người ta giẫm đạp.

Cửu Dương nói xong, lẳng lặng nhìn nữ thần y, chờ phản ứng của nàng.  Quả nhiên đôi mắt sâu thăm thẳm của nữ thần y lập tức ngập đầy bi thương, giọng nàng buồn buồn đáp lời chàng:

- Tuy cúc mọc hoang thường bị giẫm đạp nhưng sau đó nó lại vươn lên.  Cúc nở bạt ngàn, không cần người trồng nó vẫn tự mọc khắp nơi.  Cúc dại cũng không cần chăm bón, nó tự có sức mạnh để sống dưới cái nắng cuối thu và cái rét đầu đông.  Hơn nữa, muội vốn là một cô nhi, không phải xuất thân danh gia, từ nhỏ chưa từng ở trong nhà cao cửa rộng.  Muội không phải mẫu đơn, nhưng dẫu có là mẫu đơn, sau Minh Sử Kỷ Lược, huynh nghĩ mình sẽ sống được bao nhiêu năm?  Sớm muộn cũng có người đến báo thù huynh, không chỉ người của Trang gia, còn rất nhiều người trong vụ án đó đã chết vì huynh.  Mẫu đơn khi đó không có người che chở nó cũng sẽ chết khô thôi. 

Những lời nói của nữ thần y như trăm ngàn mũi kim đâm vào tim Cửu Dương, chàng khổ quá, nhiều khi định nói thẳng mọi chuyện cho nàng biết, nhưng không thể nói được ở nơi này.  Những lần chàng đến tìm nàng, bao giờ tiếng gió đâu đó cũng chợt rít lên, rồi miếng ngói trên nóc nhà bị xê dịch hé mở một khoảng bằng kẽ tay, chàng biết, vì mỗi lần như thế ánh mặt trời hay ánh trăng đều len theo khe hở chiếu xuống sàn nhà, tuy rất khẽ, nhưng đối với những hảo thủ luyện võ lâu năm như chàng vẫn phát hiện được.

Cửu Dương không biết phải làm thế nào xoa dịu cơn giận của nữ thần y, chàng như bất lực trước cơn đau này nên chỉ biết ngồi lặng trên ghế, khẽ cúi đầu xuống, với khuôn mặt thiểu não tội nghiệp, những cảm giác ở trong lòng chàng lúc này, ngũ vị tạp trần, mặn ngọt đắng chua cay, đều đủ cả.

Miếng ngói vẫn còn hé mở, Cửu Dương ngồi suy nghĩ một chút, sau đó chàng lại nhìn nữ thần y, lắc đầu phân trần:

- Những người đó tuyên truyền những điều không nên tuyên truyền, nếu không phải huynh xử vụ án đó, người khác cũng đứng ra xử vụ án đó, kết quả vẫn vậy.  Hơn nữa huynh tự vấn những  điều đang làm đều là quy luật tự nhiên, trong thế gian này, không phải kẻ mạnh thì đi bức hiếp kẻ yếu hơn sao? 

- Nói như huynh - Giọng nữ thần y nghẹn ngào, âm thanh vang lên rời rạc như đang mất bình tĩnh - Những người bẩm sinh yếu đuối, những người già cả, bệnh tật, đều không đáng sống hay sao?  Triết lý Lão Tử cương cường giả, tử chi đồ, yếu nhược giả, sinh chi đồ, coi sự mềm mỏng là phương thức tồn tại nên có của con người đều là sai sao?  Nói như huynh, không lẽ đạo của nước lớn, lại trở thành cái cớ để xâm lấn nước nhỏ? Đạo của đại gia tộc, lại trở thành lý do để ức hiếp tiểu gia tộc? Kẻ mạnh kẻ trí, có tư cách đi áp bức kẻ yếu kẻ dại?

Cửu Dương tiếp tục cảm thấy đau nhói trong tim, cố giữ cho thần thái không hề có chút kích động, dịu giọng nói:

- Muội không đồng ý cũng không sao, trong cuộc đời này, mỗi người đều có tiêu chuẩn và đạo lý riêng của mình.  Những gì muội vừa nói, sự xung đột giữa người và người, thực ra là ở chỗ mỗi người đều là những cá thể khác nhau, có những tiêu chuẩn và đạo lý khác nhau.  Muội có thể đề cao cái gọi là lễ nghĩa, tín phụng tầm quan trọng của lễ nghĩa, của đạo luân thường phụ tử quân thần.  Nhưng với huynh, lễ nghĩa kỳ thực chứa đầy những mâu thuẫn. Lễ nghĩa và dã nhân, hai từ này đối với huynh chẳng khác bao nhiêu.  Nếu năm xưa Minh triều tiên đế không chìm đắm trong sự hoan lạc, dẫn đến tình trạng quốc khố cạn kiệt, bỏ mặc sự khổ cực của bá tánh thì chuyện Ngô Tam Quế mở cửa thành đã không xảy ra.

Nữ thần y cười mỉa mai:

- Nhưng chúng ta là con người, lễ nghĩa là nguồn cội của tất cả mọi trật tự trong xã hội này, nếu chúng ta không giữ đạo lễ, khác gì con vật chứ?

Cửu Dương cố nén tiếng thở dài lại, điềm tĩnh đáp:

- Huynh hiểu ý muội, nữ thần y, cho dù hoàng đế là người thế nào, với muội, một trung tướng hẳn phải thệ trung.  Với muội, Ngô Tam Quế là một người nối giáo cho giặc.  Nhưng lễ nghĩa là gì?  Bất quá chỉ do con người định ra. Tại sao tàn sát một người là tử tội, mà chiến tranh xâm lược tàn sát hàng trăm hàng vạn người lại được tưởng thưởng?  Thậm chí còn được ca tụng? Tại sao kẻ cướp đoạt tài sản của người khác bị gọi là đạo tặc, mà kẻ cướp đoạt đất đai quốc thổ của nước khác lại được sử sách ca ngợi là danh tướng, nguyên huân?  Tại sao bất chấp con cháu của một triều đại hung tàn thế nào, quần thần vẫn phải tận lòng trung thành, để quyền bính thống trị cho nó truyền đời tiếp tục? Tại sao khi một nhà vua chết đi lại giết bao nhiêu người đang sống để táng theo? Tại sao một người vợ vì chồng đã chết lại phải để tang ba năm? Thêm vào cái quy định gọi là tam tòng tứ đức đã khiến cho những người phụ nữ khi xuất giá đều trở thành người nhà chồng, dù cho hoàn cảnh nhà chồng tốt xấu, khắc nghiệt thế nào cũng mặc nhiên không được rời bỏ. Tất cả những lễ nghi phong tục đạo đức đó với huynh, tất cả đều vô lý, hà cớ phải tuân thủ?

Nữ thần y im lặng trước một loạt mấy câu hỏi từ Cửu Dương, nàng không nghĩ ra được câu trả lời.  Hơn nữa, giọng nói của chàng vang lên đều đều, làm nàng chạnh nhớ lại cũng giọng nói này, trong những buổi chàng giảng dạy trong Hắc Viện...

Một hồi sau, nữ thần y nghĩ ra một việc, dùng đôi mắt quá đỗi ngạc nhiên nhìn sững Cửu Dương hỏi:

- Năm xưa ở Giang Nam, huynh thà chết cũng không chịu sửa một trang Thanh sử ký. Huynh đã từng tuyên bố rất hùng hồn, Ngao Bái thuộc dòng dõi nhà tướng, gia đình là đại quý tộc, thế lực rất lâu đời, cho nên ngay cả lúc Thuận Trị hoàng đế còn sống cũng không muốn làm mếch lòng gã, nhưng huynh chính là ngoại lệ.  Tại sao bây giờ huynh lại thay đổi?  

Cửu Dương nhìn đôi mắt mở to của nữ thần y, mặt nàng tái xanh chứng tỏ cơn giận đã lên tới  đỉnh điểm.  Chàng rất muốn nói với nàng chỉ cần nàng tin chàng là được, nàng biết càng ít sẽ càng đỡ phiền não.  Chàng rất muốn nói với nàng trên đời này người hạnh phúc là người biết ít chuyện nhất, chuyện biết càng nhiều càng thêm phiền não.  Kinh Dịch nói vua không bí mật thì mất nước, bề tôi không bí mật thì thân vong, chàng không muốn nàng biết những điều không nên biết quá nhiều.  Nhưng khi chàng nhìn vào đôi mắt chứa đầy những tia u uẩn của nàng, chàng biết nàng vốn không hề hiểu chàng chút nào.  Trong mắt nàng, vốn không hề có một niềm tin nào dành cho chàng.

- Huynh im lặng nghĩa là thừa nhận huynh chính là phường vô lại hay sao? - Nữ thần y lại lên tiếng - Hạng người chỉ biết đam mê mồi vinh hoa, phú quý, ham bã lợi danh, đánh mất hết nhân tính hay sao?  

Nữ thần y vừa nói đôi mắt nàng vừa quắc lên những tia căm hờn.  Nàng nói đến đây, tức giận đến độ không kìm hãm được những dòng nước mắt như thác tuôn trào, nàng cũng không nói tiếp được nữa, bưng mặt khóc thành tiếng. 

Cửu Dương ngồi sững đó. Từ xưa đến giờ chưa ai dám xúc phạm chàng như vậy.  Chàng cũng không thích cãi nhau với nàng, vì mỗi lần nói không lại chàng, điều trước tiên là nàng sử dụng, vũ khí duy nhất của mình chính là nước mắt. Nước mắt nàng cứ chảy dài xuống má, làm chàng luống cuống đến độ thở không ra hơi, lưỡi tê cứng, không nói năng gì được. Chỉ có nước mắt của nàng có sức mạnh đến vậy.

Lúc đầu, Cửu Dương nói năng rất hùng hồn. Nhưng rồi nước mắt của nàng như có sức mạnh khiến môi chàng mở ra định nói gì đó chợt khép lại, chàng có vẻ như nao núng.

Nữ thần y khóc đến run rẩy cả thân thể.  Cửu Dương đứng dậy, bước lại ngồi xuống trường kỷ cạnh nàng.  Nữ thần y bỏ tay ra khỏi mặt quay sang chàng, giương đôi mắt đen láy của nàng nhìn chàng qua màng nước mắt.  Nữ thần y thấy trước mắt nàng, vẫn người đàn ông đó, vẫn ánh mắt sáng và chân thành, nhưng bất chợt lại như rất xa vời.  Nàng nói bằng giọng khẩn thiết, van cầu:

- Chúng ta rời khỏi đây đi Thiên Văn, huynh đã từng nói huynh không cầu mong gì, chỉ muốn một cuộc sống bình dị bên muội, hai người sống những ngày tiêu dao, nhàn tản, ngao du thiên hạ, huynh còn nhớ không?

- Đương nhiên huynh vẫn còn nhớ, huynh yêu muội nữ thần y, cả đời này huynh chỉ yêu muội thôi, nhưng huynh thật tình không thể rời đi được, huynh...

Cửu Dương chưa nói hết lời, nữ thần y ôm lấy đầu nàng đau đớn nói:

- Huynh đừng viện cớ nữa, kể từ hôm nay trở đi, muội vĩnh viễn không nghe huynh, không tin huynh, muội sẽ không để huynh lợi dụng niềm tin của muội lừa dối muội lần nữa, không để huynh tiếp tục làm tổn thương muội nữa!

Nữ thần y nói xong tiếp tục khóc tấm tức, được một lúc nàng nói như van lơn:

- Huynh làm ơn ra ngoài, muội không muốn nhìn thấy huynh!

Cửu Dương nhìn nữ thần y ôm đầu tóc rũ rượi trong thật thiểu não, trong lòng chàng khổ sở cùng cực trước sự xua đuổi của nàng.  Chàng trầm ngâm một khoảnh khắc rồi chậm rãi đứng dậy, chậm rãi đến bên bàn đẩy ghế vào lại chỗ cũ, rồi chậm rãi bước ra khỏi phòng.  

Mọi thứ trong phòng trở về với cái yên tĩnh cố hữu, giống như mặt nước hồ sau cái khuấy động do chiếc lá rơi, đã phẳng lặng như gương.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.