Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 87: Thêm Hai Vụ Án Văn Chương Ly Kỳ




Trong khi vụ án Hắc mẫu đơn thi diễn xảy ra thì có một vụ khác cũng chẳng kém phần bi thương.

Số là tại miền Đông Đái đất Dương Châu có một vị thân sĩ tên gọi Phó Vĩnh Giai, bỗng đem tới dâng một tập thơ nhan đề là "Nhất lâu thi tập" và cáo mật tới viên tuần phủ Giang Tô nói tác giả của tập thơ này là Từ Thuật Quỳnh có ý phản nghịch, nên trong thơ có rất nhiều điều ngụ ý chống đối, ví dụ như bài "Chính Đức bôi thi" (thơ tả cái chén Chính Đức - Chính Đức là niên hiệu vua nhà Minh) có hai câu "Đại minh thiên tử trùng tương kiến, Thả bà hồ nhi các bán biên" (xin tạm dịch: Vua rất sáng suốt hai lần gặp.

Hãy gác bỏ cái bầu rượu kia một bên).

Sau khi móc ra hai câu thơ này rồi, Giai còn tán rộng nghĩa những chữ quan trọng để viên tuần phủ thấy rõ hơn:

- Hai chữ Hồ nhi (hồ kia) có ý ám chỉ dân rợ Hồ và như thế tức là tên phản nghịch họ Từ nhằm vào đương kim hoàng đế chứ còn gì.

Câu thơ "Thả bà hồ nhi các bán biên" phải chăng có ý nói: lật đổ nhà Đại Thanh để lập lại triều Minh nếu như ta ghép thêm cả câu thơ trên "Đại minh thiên tứ trùng trùng kiến" vào nữa?

Hồi đó Càn Long hoàng đế đang cho người đi khắp nơi sưu tra những thi ca ngụ ý phản nghịch.

Bọn quan lại địa phương lập tức ra sức lấy lòng hoàng đế để bước thang danh lợi của mình được chóng vánh hơn.

Vì thé, bài thơ đối với viên tuần phủ Giang Tô quả thật là một con đường tắt mau lẹ nhất để đạt tới nấc thang danh lợi chót vót.

y mừng như bắt được vàng, tức khắc đem tâu lên hoàng đế.

Chẳng mấy ngày, một đạo thánh chỉ ban xuống, quả nhiên, phần mộ của Từ Thuật Quỳnh cũng bị quật lên, con cháu họ Từ bị chính pháp một loạt.

Gia tài điền sản bị tịch thu và đem thưởng cho Phó Vinh Giai.

Nhưng đau hơn nữa là viên tri phủ Dương Châu Tạ Khải Côn và Giang Tô nhiên đài Đào Dị, bị viên tuần phủ Giang Tô hạ bệ luôn cả hai người bằng cách vu họ là che chở cho Quỳnh nên không báo.

Thế là Côn và Dị mất chức, bị tống lên mãi Tân Cương để sung quân.

Tuần phủ Giang Tô có công lớn, quả nhiên được thăng một bước lên chức Lưỡng Giang tổng đốc.

Thật đáng thương cho toàn gia Từ Thuật Quỳnh, chi vì vài câu thơ mà chết một cách thê thảm!

Nhưng tại sao Phó Vĩnh Giai lại đi cáo mật như vậy? Số là Giai có tư thù với gia đình họ Từ.

Cha của Giai đã làm tới chức ngự sử, cáo lão về nhà, tính lại ham chơi bời phóng đãng.

Hồi đó miền Đông đái có một ả kỹ nữ tên gọi Tiểu Ngũ Tử, mặt mũi xinh đẹp, tính tình lại nhã nhặn, nhu hoà.

Chỉ vì mê người đẹp này, Phó Thân Sĩ đã nướng luôn một lèo hơn vạn lạng bạc.

Ông cứ tưởng rằng tiền vãi ra như nước thì thế nào cũng phải cưới được người đẹp đem về chứa ở nhà vàng.

Nào ngờ Tiểu Ngữ Tử vốn đã thầm yêu Từ Thuật Quỳnh từ lâu Quỳnh hồi đó là ruột mạc hữu trong nha môn quan tri phủ Dương Châu.

Quỳnh trẻ tuổi, đẹp giai, lại học giỏi.

Sau khi được điều tới Giang Tô phiên ty thì thế lực của Quỳnh lại còn hách hơn nhiều, Quỳnh lúc đó chẳng còn e ngại gì, cưới phăng Tiểu Ngữ Tử về, sống rất hạnh phúc.

Phó Thân Sĩ nghe được tin này tức đến điên ruột.

Thế rồi xảy ra vụ án "Náo tào" (chống đối việc chuyên chở lương thực) tại Dương Châu.

Từ Thuật Quỳnh cáo mật nói Phó Thân Sĩ là người chủ mưu trong cuộc "Náo tào" này.

Công văn nã tróc đã gởi xuống nhưng Phó Thân Sĩ nhờ hối lộ đã thoát được cái vụ lớn này.

Tuy thoát được nạn, nhưng gia tài cũng vì đó mà khánh tận, Sĩ cũng vì đó thành bệnh mà chết.

Lúc hấp hối Phó Thân Sĩ trối trăng lại cho con là Phó Vĩnh Giai lo trả cho bằng được thù này.

Đã nhiều năm qua, Giai vẫn khắc ghi trong lòng, nhưng phải đợi mãi tới vụ tập thơ "Nhất lâu thi tập", mới hại được gia đình họ Từ đến nhà tan người chết.

Đã thế Giai lại còn được hưởng cả gia tài điền sản họ Từ, thử hỏi Giai mãn nguyện thế nào.

Lúc này.

Càn Long hoàng đế ngự giá từ Hàng Châu trở về, thuyền đi qua tỉnh Dương Châu, nơi đây xảy ra một vụ án khá ly kỳ nữa.

Số là đất Dương Châu có một ông nhà giàu họ Tôn chết cách đây năm năm.

Bà Tôn sống trong cảnh goá bụa, cố mà dạy dỗ hai đứa con gái.

Đứa lớn tên gọi Tôn Hàm Phương đứa nhỏ tên gọi Tôn Thục Phương.

Cả hai lớn lên đứa nào cũng xinh đẹp như hoa lại còn biết chữ, giỏi may vá thêu thùa nữa.

Năm ấy Hàm Phương đã mười bảy, Thục Phương mười sáu.

Đó là cái tuổi dậy thì nhiều hứa hẹn nhất của người con gái.

Toàn thành Dương Châu ai cũng đều ca ngợi cặp giai nhân tuyệt sắc của gia đình họ Tôn và đều muốn đem lễ vật tới để mối mai ướm hỏi.

Nay họ Trương, mai họ Lý, các ông mai bà mối chút xíu nữa thì đạp gãy cửa ngõ nhà họ Tôn.

Bà Tôn vốn cưng con, cái gì cũng phải hỏi con trước đã.

Không ngờ với việc gả bán, hai cô gái cưng của bà đều cự tuyệt hết, đều nói đợi tới hai mươi mới tính chuyện chồng con.

Ý nguyện của hai cô là phải chọn một đức lang quân tài mạo song toàn mới thèm lấy.

Ngoài ra hai cô còn có một điều tâm nguyện đặc biệt nữa là: Vì hai cô rất thương yêu nhau nên kiếp này đời này quyết không rời nhau và thề chỉ lấy chung một người chồng mà thôi.

Ví thử sau này không được như nguyện, hai cô cùng thề suốt đời không lấy ai.

Nguyện vọng của hai cô như vậy quả thật hiếm có trên đời, đến nỗi bà Tôn tuy là mẹ mà cũng chẳng rõ được cớ sự.

Hai cô cùng ở trên một căn phố lầu bên sông, phía dưới lầu có trồng một cây dương liễu buông mành lả lướt xanh xanh, che khuất một phiến đá lớn bằng phẳng mịn màng.

Cứ mỗi lần cuộn rèm, xuống lầu, hai cô lại kề vai ngồi trên phiến đá buông câu ngắm cảnh.

Cảnh trí trên sông này quả thật u nhã, ít thuyền bè qua lại, nên nhờ đó hai cô cũng ít sợ người ta nhòm ngó tới cái sắc của mình.

Tuy hai cô tưởng vậy nhưng thực ra kẻ cố tình ngồi rình trong bụi.

Về phía bờ sông đối diện, có một anh chàng trẻ tuổi đẹp trai ngắm nhìn đến no, đến chán cặp vưu vật mà tạo hoá khéo nặn khéo đúc cho dòng họ Tôn.

Chàng trẻ tuổi đẹp trai tên Cố Thiếu Xuân cũng vốn con nhà quan, thân phụ tên gọi Cố Đại Xuân làm ngự sử tại kinh đô.

Mẫu thân chàng là Hồ thị ở nhà nuôi dạy cậu con trai đọc sách đêm ngày.

Thư phòng của công tử Thiếu Xuân lại ở ngay dưới căn lầu nhìn qua bên kia.

Cứ mỗi lần thấy hai chị em Hàn Phương ngồi trên phiến đá buông câu, Thiếu Xuân lại ngồi bên trong cửa sổ chăm chú nhìn qua.

Thật là một bức hoạ tuyệt mỹ của đôi thiếu nữ!

Thiếu Xuân còn trẻ người nên nhút nhát trước hai nàng, chàng chỉ dám nhìn chứ chẳng dám nói.

Tính chàng lại hiền hậu, chẳng bao giờ dám đường đột làm quen cả.

Nhưng về sau, chàng thấy mình cầm lòng không đậu, bèn thổ lộ hết cho mẹ nghe để mẹ nhờ người mối lái đánh tiếng cho mình.

Hai chị em nhà họ Tôn văn nhắc lại lời nguyện xưa là hai mươi tuổi mới lấy chồng.

Thiếu Xuân đành chịu, chẳng còn biết cách nào, chỉ ngày ngày ngồi bên cửa sổ ngó qua bờ bên kia, để cho lòng chết dần theo mối tình tuyệt vọng, bỏ cả sách vở, bỏ cả thơ văn.

Suốt ngày chàng chỉ ngồi trong thư phòng thở ngắn than dài.

Con thì thế nhưng mẹ thì khác.

Bà Hồ thị cứ cho rằng Xuân chăm học lắm, đang cố sức dùi mài kinh sử để chờ cướp mũ áo Trạng nguyên nên chẳng dám tới làm mất thì giờ vàng ngọc của cậu con trai cưng của bà.

Phía bờ bên kia, hai chị em Hàm Phương có biết đâu rằng hiện có người đang tan nát cõi lòng vì mình.

Nhưng ở đời, thiên hạ thường có nhiều chuyện trớ trêu, đâu có bình an nổi mãi.

Hồi đó trời đã hết xuân sang hè.

Suốt một giải dọc sông hoa nở tưng bừng, nước trong leo lẻo.

Khách nhàn du nhìn cảnh ai chẳng bâng khuâng tấc dạ.

Còn hai chị em Hàm Phương chiều chiều ra ngồi trên phiến đá hóng mát buông câu.

Một hôm, trời đã về chiều, trước cái cảnh ngày dài người vắng, Hàm Phương một mình ra bờ sông, vừa định ngồi xuống, bỗng nàng xây chân té xuống nước.

Lúc đó hai bên bờ vắng lặng không một bóng người, nên chẳng ai biết mà tới cứu.

Nhưng đối với Thiếu Xuân, có cái gì của hai nàng mà chàng lại chẳng biết, bởi vì lúc nào đôi mắt của chàng hình như cũng có một chất keo nó dính chặt vào hình dáng của người đẹp, không muốn rời ra lấy một phút một giây nào!

Thấy "người của lòng mình" rơi xuống sông, Thiếu Xuân vội cởi áo dài, mở cửa sau, tung người ra phía trước, nhào xuống giữa dòng nước.

Mục đích của chàng lúc đó là nhào ra để cứu nàng, nhưng ngờ đâu cả hai người, chàng cũng như nàng, chẳng một ai biết bơi lội, thành thử chỉ chút xíu mất mạng cả hai.

Thiếu Xuân cố sức cứu người đẹp cho bằng được nên tuy không biết lội, chàng vẫn nhảy xuống nước, nhào tới cạnh nàng, chàng thấy miệng mình đã uống nước, đầu đã như vang váng, thấy mình hình như bị chìm dần xuống đáy sông.

Nhưng chàng vẫn cố ngoi lên để thấy "người của lòng mình" đang quẫy đạp nháo nhào, mớ tóc mây bị nước cuốn rã rời trên mặt sông.

Chàng đem hết sức bình sinh ngoi tới, cố mong nắm được áo nàng.

Hàm Phương thấy có người tới cứu, mạng sống là cốt thiết nên chẳng còn e sợ xấu hổ gì nữa, vội quơ tay ôm cứng lấy.

Thiếu Xuân lúc đó dù biết cái chết cập kề, cũng không muốn rời Hàm Phương ra nữa.

Thế là hai cô cậu ôm cứng lấy nhau.

Nhưng cô cậu có biết đâu ở dưới nước mà cứ ôm nhau như ở trong phòng kín thì chỉ có xuống đáy sông mà ngồi.

Đúng như vậy, hai cô cậu rủ nhau rơi xuống đáy sông thiệt.

Tuy vậy Thiếu Xuân vẫn cố đem sức trai để chống với tử thần, chàng đạp chân xuống đáy sông tung người lên, đội hẳn người yêu lên trên mặt nước.

Mấy lần như vậy.

Giữa lúc nguy cấp ấy, cô em gái Thục Phương đi ra bờ sông tìm chị, thấy vắng hoe mà giữa sông lại sủi tăm, sủi bọt dữ dội và cuối cùng một cái đầu lúc hiện lúc mất khỏi mặt nước.

Nàng nhận ra là chị mình vội la lên một tiếng lớn rồi chính nàng cũng nhào luôn xuống nước.

Nhưng may tiếng la lớn ấy đủ để báo động cho bà con lối xóm hai bên bờ sông biết, rồi họ xô tới cửa sổ nhìn ra sông thấy một cô gái đang loi ngoi trên mặt nước.

Thế là họ tông cửa chạy ra, ba chân bốn cẳng chạy kiếm nào sào nào gậy thọc xuống nước để cứu Thục Phương lên bờ.

Lên được bờ rồi Thục Phương lấy tay chỉ xuống lòng sông, vừa khóc vừa bảo chị nàng đang chìm xuống đáy kia.

Cả bọn nghe nói, vội vã lao xuống nước để cứu.

Khi đem được lên bờ thì Hàm Phương đã mê man bất tinh.

Nhưng kẻ đáng thương nhất phải là Cố Thiếu Xuân.

Chàng đã chìm xuống lòng sông và không có ai cứu chàng cả!

Bà Tôn ôm con gái lớn vào lòng, một tiếng khóc kèm theo một tiếng gào.

Cả bọn xô lại tìm cách cứu Hàm Phương, còn có ai chú ý tới anh chàng dại gái kia nữa đâu.

Mãi đến khi bà mẹ của Xuân nghe bờ sông bên kia kêu la om xòm, quay nhìn vào thư phòng không thấy con mà căn phòng thì lạnh ngắt, bèn chột dạ, rồi đến khi nhìn thấy cái áo dài cởi bỏ đó, bà mới biết con bà nguy rồi.

Bà vội chạy ra bờ sông hô hoán ầm ĩ.

Nhìn thấy nơi đây còn đôi giầy của con bà, kêu khóc vang lên.

Bà chỉ xuống sông, lạy van mọi người cứu con bà.

Thế là những kẻ biết bơi lội nhất tề nhảy ùm xuống nước để cứu Thiếu Xuân.

Phải mò đáy sông một lúc, họ mới đem được chàng lên bờ.

Bà mẹ Hồ thị chạy lại ôm lấy con thì đã thấy đôi mắt của con mình mờ đi, hơi thở như đứt đã từ lâu.

Bà hoảng hồn bạt vía, hai tay múa loạn lên, đôi chân như muốn khuy xuống, khóc rống lên: "Ôi con ôi là con ôi!"

Hàm Phương lúc này đã dần dần tỉnh lại, bà Tôn vực nàng trở vào phòng, thế là cả đám Hàm Phương quay lại với Thiếu Xuân để cấp cứu.

Bà Hồ thị lại mời cả một ông lang thuốc đến dùng phép gia truyền cứu chữa.

Cấp cứu suốt từ đầu hôm mãi tới nửa đêm mới thấy Thiếu Xuân hồi tỉnh lại.

Nhưng khi mở được mắt ra thì câu nói đầu tiên của chàng là nhờ mọi người đi cứu Tôn tiểu thư.

Khi mẹ chàng cho biết Tôn tiểu thư đã được cứu thoát, chàng mới nhắm mắt và không nói thêm lời nào nữa.

Từ hôm đó, Cố Thiếu Xuân nhuốm bệnh liệt giường, luôn một tháng trời mới nhóc nhách bò dậy được.

Về phía bên kia, người đẹp Hàm Phương của chàng đã đi lại được như thường từ lâu.

Và cũng từ đó, nàng đã giữ lại trong tâm khảm cái hình bóng dáng quý đáng yêu của người ân nhân giàu lòng hy sinh, đã liều mạng cứu mình.

Được tin chàng bị bệnh nặng, hai chị em nàng đốt nhang ngay tại phòng mình, cầu trời khấn phật phù hộ cho chàng chóng lành.

Sau khi được biết bệnh đã thuyên giảm, hai chị em bèn xin mẹ sang thăm để đáp lại lòng tốt của chàng đã cứu mình đến nỗi suýt bỏ mạng và để bà con lối xóm chê cười gia đình nhà họ Tôn chẳng biết lễ nghĩa, gì.

Bà Tôn nghe con nói có lý, bèn đưa hai cô gái sang nhà họ Hồ.

Hồ thị ra tiếp, trò chuyện thân mật với nhau một hồi, ba mẹ con lại tới bên giường Thiếu Xuân để hỏi thăm sức khỏe của chàng.

Chàng cũng như nàng, hai bên đều có nỗi niềm tâm sự bâng khuâng, muốn nói mà không dám là bởi vì trước mặt còn có bà mẹ đứng đấy.

Người ta chỉ thấy đôi bên bốn mắt nhìn nhau, chẳng nói một câu.

Nhìn thấy Thiếu Xuân rơi đôi dòng lệ trên má, Hàm Phương mắc cỡ quá cúi đầu đứng lùi lại sau lưng mẹ.

Bà Tôn cùng bà Hồ quay ra phòng ngoài, nhân lúc không có mặt Hàm Phương, hai bà đem câu chuyện cầu thân ra nói.

Bà Hồ nói với bà Tôn:

- Việc cầu hôn, gia đình chúng tôi bên này đã có đôi lần ngỏ lời xin bên quý quyến rồi.

Bây giờ chỉ xin bà hỏi lại Tôn tiểu thư một tiếng, nếu tiểu thư bằng lòng thì chúng tôi bên này xin đủ lễ ngay.

Bà Tôn vui vẻ đứng dậy cáo từ..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.